Hướng dẫn dùng thuốc bôi ngoài da cho bé

Bệnh lý ngoài da là những bệnh lý xảy ra trên bề mặt của da với những dấu hiệu dễ nhận biết như: mẩn đỏ, bong tróc, ngứa, đau rát, sưng phù,... Những bệnh này làm cho trẻ em có làn da nhạy cảm cảm thấy khó chịu và đôi khi gây mất thẩm mỹ, thậm chí có thể để lại hậu quả lâu dài. Việc sử dụng các thuốc điều trị giúp giảm nhanh triệu chứng và điều trị bệnh hiệu quả.

1. Một số dạng bào chế thuốc bôi ngoài da cho bé

Hiện nay có nhiều dạng thuốc bôi ngoài da khác nhau. Các dạng bào chế thuốc bôi ngoài da cho bé thường gặp như: thuốc mỡ, kem, lotion, gel,...

Cùng một loại hoạt chất, có thể có nhiều dạng bào chế khác nhau. Các dạng bào chế này khác nhau chủ yếu về tỉ lệ thành phần thân dầu và thân nước có trong thuốc, đặc điểm này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thẩm thấu, độ nhờn rít cũng như hiệu quả điều trị và sự thoải mái khi sử dụng các loại thuốc. Tuỳ thuộc vào vị trí sử dụng thuốc trên cơ thể, mục tiêu điều trị, đối tượng sử dụng mà bác sĩ Da liễu có thể đưa ra việc lựa chọn dạng bào chế sử dụng phù hợp cho trẻ.

2. Các dạng thuốc bôi ngoài da cho bé

2.1. Chất giữ ẩm

Ở trẻ em, đặc biệt là các trẻ nhỏ với làn da nhạy cảm thường hay bị hăm tã, chàm sữa, viêm da cơ địa,... Việc sử dụng các chất giữ ẩm, đặc biệt là các loại có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc các loại thuốc được bác sĩ Da liễu khuyên dùng có công dụng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đồng thời, dùng thuốc bôi ngoài da cho bé giúp giảm nhu cầu sử dụng các loại thuốc điều trị và giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da cho trẻ.

Một số sản phẩm giữ ẩm có thể sử dụng được cho trẻ như:

  • Dạng kem hay sáp như: Saforelle Bebe cream, Atopiclair lotion/cream, Ceradan, Eucerin ato control cream, A-Derma Exomega DEFI Emollient,...; nên thoa cho trẻ trong thời gian 3 phút sau khi tắm; mỗi ngày nên thoa từ 2 đến 4 lần.
  • Sữa tắm: có thể sử phối hợp thêm các sữa tắm cụ thể Eucerin pH5, Cetaphil, Saforelle Bebe Gel Lavant, Physiogel,...

Nếu chất giữ ẩm được chỉ định sử dụng đồng thời với một loại thuốc bôi ngoài da khác, nên bôi chất giữ ẩm trong khoảng 30 phút trước khi sử dụng các loại thuốc còn lại.

2.2. Chất sát trùng

Chất sát trùng được chỉ định sử dụng đối với các trẻ đang gặp những chấn thương trên da cụ thể như vết thương hở, chảy dịch, có mủ vẩy tiết có thể gặp trong một số bệnh lý ngoài da như chốc lây, chàm sữa, viêm da cơ địa, nhiễm trùng da,...

Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các chất sát trùng như Betadine, Milian 1%, Eosine 2%, dung dịch rivanol 0,1%, dung dịch yarish (thành phần gồm axit boric, glycerin, nước cất), dung dịch NaCl 0,9%, nước lá bàng, nước lá chè tươi.... Tần suất thoa thuốc là ngày 2 lần cho đến khi hết rỉ dịch, chảy mủ. Bảo quản các loại chất sát trùng xa tầm tay trẻ em, tuyệt đối không để trẻ uống phải các chất sát trùng

2.3. Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm sử dụng theo đường bôi trực tiếp lên da thường được dùng cho trẻ là các thuốc có chứa corticoid. Các loại thuốc chứa Corticoid có tác dụng chống viêm, giảm ngứa, thường được chỉ định trong giai đoạn cấp tính của bệnh lý như chàm hay viêm da cơ địa.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất khi sử dụng thuốc Corticoid bôi tại chỗ là gây teo da. Biến chứng này thường xảy ra sớm với các loại thuốc Corticoid có tác dụng mạnh như Clobetasol propionate, Fluocinolone acetonide... nhưng cũng có thể gặp với các loại tác dụng yếu nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài. Tác dụng không mong muốn của corticoid bôi phụ thuộc chủ yếu vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng của thuốc. Trong khi đó, tác dụng điều trị của các thuốc này tỷ lệ thuận với nguy cơ gây ra tác dụng không mong muốn của thuốc.

Cha mẹ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho bé mà phải được chỉ định bởi bác sĩ điều trị để có được lựa chọn thuốc thuốc Corticoid phù hợp, giảm nhanh các tác dụng không mong muốn của Corticoid.

2.4. Các thuốc kháng sinh, kháng nấm

Tương tự như thuốc chống viêm, các thuốc kháng sinh, kháng nấm được sử dụng thuốc bôi ngoài da cho bé khi là bị nhiễm trùng. Các loại thuốc này chỉ nên được sử dụng cho trẻ khi được chỉ định bởi các bác sĩ sau khi đã qua thăm khám trực tiếp để đảm bảo thuốc được sử dụng điều trị đúng bệnh; tránh việc lạm dụng thuốc, giúp giảm thiểu các tác dụng không mong muốn, đề kháng thuốc, thậm chí là độc tính của thuốc khi sử dụng thuốc quá liều cần thiết.

Một số thuốc kháng sinh, kháng nấm dùng đường bôi mà trẻ thường được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm ngoài da bao gồm: Ketoconazol, Mupirocin 2%, Acid fusidic,...

2.5. Thuốc điều trị bệnh ghẻ

Thuốc D.E.P hay còn gọi là thuốc Diethylphtalat là thuốc bôi ngoài da cho bé có công dụng điều trị bệnh ghẻ được sử dụng phổ biến nhất. Thuốc D.E.P được bôi với tần suất 1 lần trong ngày, sau khi tắm. Sau khi bôi thuốc thì cha mẹ cần chú ý không hoặc hạn chế tối đa việc để da của bé tiếp xúc với nước và chỉ nên tắm lại sau khi bôi thuốc trong thời gian ít nhất là 12 tiếng. Dùng thuốc bôi ngoài da cho bé trong điều trị ghẻ cần được bôi toàn thân trừ vùng mặt, đặc biệt chú ý bôi kĩ các vùng nếp kẽ như vùng nách, mông, bẹn,..., vùng quanh móng và sau tai. Tuyệt đối không để thuốc D.E.P dính vào vùng mắt của bé.

Nếu trẻ mắc phải bệnh ghẻ thì không chỉ điều trị một mình bé bị ghẻ mà phải bôi thuốc điều trị cho tất cả những người tiếp xúc bao gồm mọi người trong gia đình hay những học sinh học cùng lớp nhà trẻ,... Sử dụng dầu DEP (diethylphtalat), kem eurax, dung dịch pemethrin 1%, dầu benzyl benzoat 33%, mỡ diêm sinh 10% (cho trẻ em) và 30% (cho người lớn).

2.6. Một số loại thuốc bôi phối hợp nhiều hoạt chất

Bên cạnh những loại thuốc bôi ngoài da cho bé chỉ chứa một hoạt chất như đã nêu trên thì cũng có một số loại thuốc bôi kết hợp nhiều hoạt chất với nhau như: thuốc chống viêm với kháng sinh, thuốc chống viêm với thuốc kháng nấm,... tác dụng nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc này trong thực tế, vì trong nhiều trường hợp, các thành phần trong thuốc có thể cản trở hiệu quả của nhau. Các loại thuốc này cũng thường có thêm những lưu ý đặc biệt về độ tuổi sử dụng thuốc. Do đó, không nên tự ý sử dụng những thuốc bôi ngoài da nhiều hoạt chất cho bé mà chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da liễu để mang lại hiệu quả và đảm bảo tính an toàn cho trẻ.

3. Có nên dùng thuốc bôi ngoài da cho bé không?

Có nên dùng thuốc bôi ngoài da cho bé không? là nỗi băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Việc sử dụng thuốc bôi ngoài da cho bé có cần thiết hay không còn phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ điều trị.

Khi sử dụng thuốc bôi ngoài da cho bé, thuốc có thể làm tăng cường hay hạn chế, thậm chí cản trở sự bốc hơi nước qua da. Có loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng tăng diện tích tiếp xúc của da, giúp bốc hơi nước qua da dễ dàng hơn, chống sự ngưng tụ máu, giảm viêm và làm mát da. Ngược lại có loại thuốc bôi ngoài da cho bé làm bít da, hạn chế tình trạng bốc hơi mồ hôi, làm tăng xung huyết da.

Tùy thuộc vào dạng bào chế của thuốc và các loại tá dược trong thành phần mà thuốc sẽ ngấm vào da nhiều hay ít, nông hay sâu. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần chú ý đến tác dụng lý hóa học của thuốc như thuốc làm thay đổi pH của da, có thể gây ra ảnh hưởng đến quá trình oxy hóa khử của tế bào. Không chỉ tác dụng ngoài da, các thuốc bôi ngoài da cho bé có thể ngấm qua da, vào máu, tác dụng toàn thân. Như vậy, thuốc bôi ngoài da có cả tác dụng tại chỗ và và toàn thân, nên việc sử dụng thuốc bôi ngoài da cần hết sức thận trọng.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc bôi ngoài da cho bé

  • Dùng thuốc bôi ngoài da cho bé phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da và một số yếu tố khác như giới tính, độ tuổi, thời tiết, nghề nghiệp... thì mới có hiệu quả cao. Cụ thể là đối với bệnh eczema giai đoạn cấp tính khi đang bị trợt loét, chảy dịch, mủ, vảy tiết chỉ cần dùng các dung dịch đắp gạc, ngâm, rửa hoặc thuốc màu... Nhưng đối với giai đoạn eczema thể mạn tính phải sử dụng dạng mỡ giảm viêm, giảm cộm, bạt sừng...
  • Do thuốc bôi ngoài da cho bé có tác dụng tại chỗ và cả tác dụng toàn thân, tác động lên toàn bộ cơ thể nên dùng phải hết sức thận trọng, nhất là khi bôi cho trẻ em, tránh bôi thuốc với lượng nhiều trên diện tích da rộng...
  • Không nên dùng thuốc bôi ngoài da cho bé trong một khoảng thời gian kéo dài cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai... Thời gian bôi thuốc một đợt kéo dài khoảng từ 10 đến 15 ngày.
  • Bố mẹ cần chú ý tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị và theo dõi tình trạng bệnh, tái khám để đánh giá diễn biến bệnh, điều chỉnh thuốc kịp thời trong trường hợp cần thiết.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc cần chú ý theo dõi các bất lợi trên làn da của trẻ có thể xảy ra khi dùng vì một số thuốc bôi và ở một số người thuốc có thể gây dị ứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

869 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan