Hướng dẫn hạ sốt thông thường cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác là một trong những chuyên gia về Nhi - Sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về nội tiết nhi, thận nhi khoa và các vấn đề Nhi - Sơ sinh khác.

Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, vi rút. Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt, cha mẹ sẽ không khỏi lo lắng và băn khoăn tìm mọi cách tốt nhất để hạ sốt và chăm sóc cho trẻ.

1. Xử lý khi trẻ bị sốt

  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tỏa bớt thân nhiệt
  • Để trẻ nằm ở nơi thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ
  • Cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ sơ sinh bị sốt nên tăng cữ bú và lượng bú của trẻ. Với trẻ trên 1 tuổi có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại nước trái cây giàu vitamin C như: nước cam, nước quýt, nước chanh...
  • Lau người cho trẻ bằng khăn ấm. Dùng 5 khăn mềm nhúng vào nước ấm vắt ráo và đặt vào vị trí: trán, hai nách, hai bên bẹn của trẻ. Nước ấm bốc hơi sẽ làm mát thân nhiệt của trẻ
  • Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt
  • Nếu thuốc hạ sốt không có tác dụng hoặc trẻ có những dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

2. Khi nào thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt?

Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Lạm dụng quá nhiều thuốc hạ sốt sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì thế cha mẹ chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên.

Khi nào cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Chỉ được cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên

3. Cho trẻ dùng loại thuốc hạ sốt nào?

Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ là paracetamol dạng gói hoặc siro. Thuốc có hiệu quả sau khoảng 30 phút sử dụng và có tác dụng kéo dài khoảng 4 - 6 giờ, ít gây tác dụng phụ.

Cho trẻ dùng thuốc với liều lượng tương ứng với cân nặng của trẻ. Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt 3 - 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi cho trẻ dùng thuốc.

Ngoài ra, không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc. Điều này không những không làm tăng thêm tác dụng mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể trẻ.

4. Trẻ bị sốt có thể ra ngoài trời không?

Nhiều cha mẹ khi thấy con bị sốt thường chỉ cho con ở trong nhà, không cho ra ngoài. Nếu trẻ sốt nhẹ và vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì cha mẹ không nên quá khắt khe, giữ trẻ ở trong nhà mãi. Có thể cho trẻ ra ngoài chơi trong những lúc thời tiết mát mẻ, thuận lợi.

Trường hợp trẻ sốt cao thì nên cho trẻ nằm nghỉ trong nhà, đôi lúc có thể ra sân vận động trong thời gian ngắn.

5. Phòng tránh mất nước và dinh dưỡng cho trẻ khi bị sốt

Trẻ sốt cao thường rất dễ bị mất nước và muối, cũng như năng lượng và các loại vitamin tan trong nước. Cha mẹ nên tích cực bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C và vitamin nhóm B. Với trẻ nhỏ vẫn đang bú mẹ thì nên tăng lượng bú và cữ bú.

Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, cháo loãng hoặc các món canh để cung cấp thêm nước cho cơ thể. Nếu thấy trẻ đi tiểu màu vàng nhạt, đi tiểu 4 giờ/lần có nghĩa là trẻ đã được bù đủ lượng nước cần thiết.

Bổ sung lượng nước cho trẻ
Bổ sung nước cho trẻ khi bị sốt

6. Có cần truyền dịch cho trẻ khi bị sốt không?

Trường hợp trẻ sốt nhưng vẫn tỉnh táo, được bổ sung đủ nước qua chế độ ăn uống thì không cần truyền dịch.

Trường hợp trẻ bị mất nước nặng, trẻ bỏ ăn uống trong thời gian dài thì mới cần truyền dịch và chỉ nên thực hiện trong bệnh viện hoặc các cơ sở y tế đảm bảo.

7. Làm gì khi trẻ bị sốt cao co giật?

Trẻ sốt cao có thể dẫn đến co giật, đặc biệt là trẻ từ 6 - 18 tháng. Cơn co giật xảy ra dưới 5 phút, sau đó trẻ thường tỉnh táo. Tuy nhiên, sốt cao co giật có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: ngạt thở, thiếu oxy lên não khiến não bị tổn thương...

Khi thấy trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần lưu ý:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng để đờm, nhớt dãi chảy ra ngoài, không làm tắc đường thở
  • Nếu trẻ có nhiều đờm dãi phải tiến hành hút ra
  • Sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn
  • Cởi bỏ quần áo của trẻ để hạ thân nhiệt
  • Dùng khăn ấm lau người trẻ để trẻ nhanh hạ sốt
  • Sau khi sơ cứu cho trẻ bị sốt cao co giật, cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra

8. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện

Khi trẻ bị sốt cần đưa ngay đến bệnh viện kiểm tra nếu:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi
  • Trẻ sốt cao trên 39,5 độ C
  • Trẻ sốt cao kèm biểu hiện quấy khóc không dỗ được
  • Trẻ sốt cao kèm biểu hiện vật vã hoặc li bì, khó đánh thức
  • Trẻ sốt cao kèm biểu hiện cứng cổ, đau khi chạm vào gáy, đầu
  • Trẻ sốt cao kèm phát ban
  • Trẻ sốt cao kèm khó thở
  • Trẻ sốt cao bỏ ăn uống lâu ngày
  • Trẻ sốt cao kèm nôn trớ mọi thứ
  • Trẻ sốt cao kèm đi tiểu ra máu
  • Trẻ sốt cao co giật...
  • Trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng không có hiệu quả
  • Trẻ sốt cao tái đi tái lại nhiều lần
  • Trẻ sốt cao quá 3 ngày không đỡ
Chăm sóc trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám

9. Những sai lầm khi chăm sóc trẻ bị sốt

Khi chăm sóc trẻ bị sốt, cha mẹ nên tránh những điều sau đây:

  • Không ủ ấm cho trẻ, không cho trẻ mặc quá nhiều quần áo bởi điều này có thể khiến nhiệt độ cơ thể trẻ càng tăng cao. Kể cả khi trẻ sốt run lạnh cũng chỉ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, có thể đắp một chiếc chăn mỏng.
  • Không cho trẻ ở phòng quá kín, bức bí
  • Không dùng khăn lạnh, nước đá, cồn, rượu để lau người trẻ
  • Không nên quá lạm dụng thuốc hạ sốt. Chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Nên để cơ thể trẻ hình thành cơ chế phòng vệ, tự “đối mặt” với các tác nhân gây bệnh.
  • Không được chủ quan khi trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt
  • Khi trẻ bị sốt cao co giật, không dùng vật cứng để cậy miệng trẻ hoặc dùng sức ghì bé lại. Nên thực hiện các bước hướng dẫn đã nêu trên
  • Không tự ý áp dụng các bài thuốc dân gian hay cho trẻ sử dụng thuốc bừa bãi
  • Không dùng aspirin hạ sốt cho trẻ vì có thể khiến não của trẻ bị tổn thương

Hãy liên lạc ngay với các bác sĩ khi cần hỗ trợ về y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

272.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan