Khi nào chảy máu mũi ở trẻ em là nghiêm trọng?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chảy máu cam ở trẻ em là một tình trạng thường gặp xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ. Đa số trường hợp chảy máu mũi ở trẻ thường không rõ nguyên nhân và thường không nghiêm trọng, tuy nhiên nó cũng có thể là một tình trạng nguy hiểm và cần xử trí đúng cách.

1. Chảy máu mũi ở trẻ em

Chảy máu mũi hay còn được gọi là chảy máu cam xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là một hiện tượng hết sức phổ biến, thường gặp nhiều nhất ở trẻ 2-10 tuổi. Hiện nay, chưa rõ nguyên nhân vì sao chảy máu mũi thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng. Đa số những trường hợp chảy máu mũi ở trẻ nhỏ không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, chấn thương vẫn là lý do thường gặp nhất vì niêm mạc mũi được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu nhỏ nằm rất nông, ngay sát bề mặt. Phần lớn chảy máu mũi ở trẻ em chỉ gây khó chịu chút ít. Trẻ có thể xuất hiện vài đợt chảy máu mũi trong vài tuần. Rất hiếm khi trẻ em mất máu tới mức dẫn tới thiếu máu. Hiện tượng này có thể xảy ra nếu trẻ bị mất máu nặng nhiều lần trong vòng vài tuần.

2. Phân loại chảy máu mũi

Chảy máu mũi ở trẻ em được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau:

2.1 Chảy máu mũi trước

Chảy máu mũi trước chiếm khoảng 90% trong số các trường hợp, và rất phổ biến ở những vùng có môi trường và khí hậu hanh khô, mùa lạnh (như dùng máy điều hòa kéo dài, sử dụng lò sưởi). Tình trạng khô niêm mạc kéo dài khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và dẫn tới chảy máu. Vị trí xuất phát là mũi trước hay bị chảy máu nhất là đám rối Kieselbach ở phần dưới của vách ngăn mũi. Vị trí này có chứa nhiều mạch máu, mao mạch nhỏ rất dễ vỡ, khi xì mũi mạnh hay khi có chấn thương cục bộ những tác động như day mũi, ngoáy mũi cũng có thể gây chảy máu mũi trước.

Chảy máu mũi trước thường chảy máu một bên. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước và ra ngoài (một số lượng ít có thể chảy xuống họng). Tình trạng chảy máu dai dẳng, số lượng máu không nhiều. Thường sẽ ngừng chảy máu sau khi áp dụng những biện pháp sơ cứu. Trường hợp chảy máu mũi trước nặng cần “đốt” điểm mạch bằng nitrat bạc hoặc hóa chất khác.

chảy máu mũi ở trẻ em
Chảy máu mũi ở trẻ em còn được gọi là chảy máu cam

2.2 Chảy máu mũi sau

Chảy máu mũi sau chiếm khoảng 10% trong số các trường hợp, thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Tuy chảy máu mũi sau không phổ biến ở trẻ em nhưng nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn, thường cần được can thiệp y tế. Chảy máu mũi sau thường gặp ở người cao tuổi, người mắc bệnh lý huyết áp cao hay trong chấn thương vùng mũi mặt.

Thường chảy máu xuất hiện ở cả hai bên. Máu mũi sẽ chảy vào trong về phía sau và chủ yếu đi xuống họng. Máu chảy nhiều, có thể dẫn tới nguy kịch. Kiểm soát chảy máu mũi sau bằng cách nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.

3. Nguyên nhân gây chảy máu mũi

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ em bao gồm:

  • Mạch máu mũi thường rất nhạy cảm và có thể vỡ khi thời tiết lạnh, hanh khô, hoặc khi trẻ được cha mẹ sử dụng lò sưởi hay nằm máy điều hòa trong một thời gian dài.
  • Dị ứng hoặc nhiễm trùng ở vùng mũi họng và xoang.
  • Ngoáy mũi, day mũi hoặc các tác động hay chấn thương cục bộ khác.
  • Xì mũi quá mạnh.
  • Khi trẻ đưa các dị vật vào mũi, ví dụ như cục pin, hạt cườm,...
  • Rặn mạnh khi đi ngoài trong tình trạng phân bị táo bón.
  • Vách ngăn mũi bị vẹo.
  • Thở oxy qua ống thông mũi.
  • Sử dụng một số loại thuốc ví dụ như thuốc chống viêm, các loại thuốc xịt mũi.
  • Gãy xương mũi hay vỡ nền sọ (cần đặc biệt cẩn thận nếu chảy máu mũi xuất hiện sau chấn thương vùng đầu).
  • Bệnh chảy máu hay tình trạng rối loạn đông máu.
  • Các khối u (lành tính và ác tính) có thể là thủ phạm gây chảy máu mũi, tuy nhiên những trường hợp này thường rất hiếm.

4. Trẻ em chảy máu mũi phải làm sao?

Nếu chăm sóc trẻ bị chảy máu mũi đúng cách thì phần lớn các trường hợp chảy máu mũi trước sẽ tự ngừng. Sau khi trẻ đã bình tĩnh, hãy thực hiện các bước sơ cứu sau:

  • Yêu cầu trẻ xì mũi nhẹ nhàng nhằm loại bỏ các cục máu đông đã hình thành bên trong mũi. Xì mũi có thể khiến cho máu chảy nhiều hơn trong chốc lát nhưng sau đó sẽ dừng lại. Nếu trẻ còn quá nhỏ hãy bỏ qua bước này.
  • Đặt trẻ ở tư thế ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước. Tư thế này sẽ giúp cho máu không chảy xuống họng, tránh kích thích nôn và tiêu chảy. Không để trẻ ở tư thế ngả đầu ra sau hay nằm hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.
  • Sử dụng ngón 2 ngón là ngón tay cái và ngón trỏ để bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ (phần chóp mũi mềm). Không bóp vào vị trí phần xương sống của mũi trẻ vì làm như vậy không thể giúp cầm máu, cũng không được ấn vào một bên cánh mũi, kể cả trong trường hợp chỉ chảy máu ở một phía.
  • Bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 10 phút, sử dụng đồng hồ để xem giờ cho chính xác. Trong khi chờ đợi, hãy cho trẻ xem tivi hoặc đọc sách để thư giãn. Không thả tay ra quá thường xuyên để kiểm tra xem máu ngừng chảy hay chưa, vì điều này có thể làm mất thời gian cầm máu và máu chảy kéo dài, do máu cần thời gian để tạo cục máu đông.
  • Nếu muốn bạn có thể chườm lạnh hoặc đặt khăn mát lên vị trí gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này có thể giúp cho mạch máu ở mũi co lại và làm chậm quá trình chảy máu. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng biện pháp này khi trẻ đồng ý phối hợp.
  • Hướng dẫn cho trẻ nhổ máu bị tích tụ bên trong miệng, bởi vì nuốt máu có thể khiến trẻ bị nôn.
  • Cho trẻ uống chút nước mát giúp giảm căng thẳng và giảm bớt mùi máu trong miệng.
  • Sau 10 phút bóp cánh mũi, bạn có thể thả tay xem máu ngừng chảy chưa.

Nếu tình trạng chảy máu máu vẫn tiếp tục thì thực hiện lại những bước trên một lần nữa. Có thể sử dụng các loại thuốc co mạch tại chỗ như afrin hoặc rhinex nhỏ vào mũi trẻ để làm ngưng chảy máu.

chảy máu mũi ở trẻ em
Bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 10 phút khi trẻ em chảy máu mũi

5. Khi nào chảy máu mũi ở trẻ em là nghiêm trọng?

Tình trạng chảy máu mũi ở trẻ có thể trở nên nghiêm trọng và hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức trong những trường hợp sau:

  • Không cầm máu sau khi đã áp dụng những biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút.
  • Chảy máu mũi tái phát lại nhiều lần.
  • Máu mũi chảy nhanh hoặc số lượng máu mất nhiều (hơn một cốc đầy).
  • Chảy máu do chấn thương, ví dụ như: bị ngã hoặc có tác động mạnh vào mặt.
  • Cảm thấy người yếu, chóng mặt.
  • Máu mũi chảy vào phần sau họng, không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước. Trường hợp chảy máu sau này phải cần đến sự trợ giúp của bác sĩ.
  • Chảy máu mũi khi trẻ có sử dụng một loại thuốc mới.
  • Chảy máu mũi có thể đi kèm với các vết tím bầm dập trên khắp cơ thể hoặc đi kèm chảy máu ở vị trí khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu.
  • Đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Trẻ có mắc các bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới quá trình đông máu như bệnh thận, bệnh gan, bệnh hemophilia.
  • Mới trải qua hóa trị liệu.

6. Chăm sóc trẻ chảy máu mũi

Việc điều trị cấp cứu chảy máu mũi đều dựa trên những nguyên tắc sơ cứu ban đầu như trên. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn các cha mẹ cách sơ cứu ấn mũi trẻ để máu ngừng chảy. Nếu những biện pháp sơ cứu trên không mang lại hiệu quả, máu mũi trẻ vẫn tiếp tục chảy, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu. Sau đó, bác sĩ có thể:

  • Bôi thuốc mỡ vào bên trong mũi của trẻ để cầm máu.
  • Sử dụng nitrat bạc hay các hóa chất khác để xoa “đốt” các mạch máu.
  • Áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi.
  • Kê đơn kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Với trường hợp chảy máu nặng, trẻ cần làm xét nghiệm máu để xác định lượng máu đã bị mất.

Chăm sóc chảy máu mũi ở trẻ nhỏ sau điều trị:

  • Nếu trẻ đã được nhét bấc mũi thì cần lưu giữ bấc mũi trong vòng 24-48 giờ đồng hồ để kiểm tra. Cha mẹ không nên tìm cách tự tháo bỏ bấc mũi ra khỏi mũi của trẻ. Sau khoảng 48 giờ, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và tháo bấc. Nếu bấc mũi tự rơi ra bên ngoài và trẻ không còn bị chảy máu mũi nữa thì không cần đến bệnh viện.
  • Trường hợp không cần đặt bấc mũi, bác sĩ có thể yêu cầu bôi thuốc mỡ kháng sinh vào bên trong mũi trong vòng một tuần giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Nếu mũi của trẻ trong tình trạng khô và nứt nẻ, cha mẹ có thể sử dụng đầu tăm bông nhẹ nhàng bôi một ít mỡ vaseline vào bên trong mũi. Có thể làm như vậy 2 lần mỗi tuần. Không thực hiện biện pháp này ở trẻ dưới 4 tuổi, bởi vì trẻ thường ngọ nguậy và có thể gây ra chấn thương.

Nếu được điều trị đúng cách, phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn và không bị ảnh hưởng lâu dài.

chảy máu mũi ở trẻ em
Bôi thuốc mỡ kháng sinh là cách chăm sóc chảy máu mũi ở trẻ nhỏ sau điều trị

7. Các biện pháp phòng ngừa chảy máu mũi tái phát

Những biện pháp phòng ngừa chảy máu mũi tái phát bao gồm:

  • Trẻ nên được nghỉ ngơi ít nhất 2 giờ đồng hồ sau khi chảy máu mũi (hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, vẽ tranh hay xem tivi).
  • Sau khi trẻ chảy máu mũi, cha mẹ không cho trẻ uống đồ uống nóng, ăn thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong vòng 24 giờ.
  • Nhắc nhở trẻ không được ngoáy hay day mũi hoặc xì mũi trong vòng 24 giờ (một tuần nếu trẻ đã được ‘đốt’ điểm mạch).
  • Trong vòng một tuần, trẻ không nên vận động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh bê những vật nặng.
  • Nếu trẻ bị táo bón cha mẹ nên cho uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Nếu cần thiết thì yêu cầu bác sĩ cho thuốc làm mềm phân để trẻ không phải rặn.
  • Có thể làm ẩm niêm mạc mũi cho trẻ bằng sản phẩm kem dưỡng ẩm hoặc bằng nước muối sinh lý.

Trong trường hợp chảy máu mũi quay trở lại cần tiến hành xử trí bằng cách:

  • Cho trẻ xì mũi để tống hết những khối máu đông ra ngoài.
  • Sử dụng các loại thuốc co mạch tại chỗ như Afrin hoặc Rhinex nhỏ vào lỗ mũi bị chảy máu.
  • Thực hiện lại các bước sơ cứu nêu ở phần trên và động tác bóp hai cánh mũi trong vòng 10 phút.

Một khi trẻ đã xuất hiện tình trạng chảy máu mũi trước, vị trí đó sẽ nhạy cảm hơn nhiều và rất dễ chảy máu tái phát nếu niêm mạc mũi chưa bình phục hoàn toàn. Lúc này sẽ xảy ra vòng xoắn luẩn quẩn chảy máu mũi. Từ chỗ vài tuần mới xuất hiện một lần chảy máu mũi, khi niêm mạc mũi bị tổn thương nặng dần, trẻ có thể bị chảy máu liên tục từ 4-5 lần. Hiện tượng chảy máu mũi chỉ dừng lại khi niêm mạc mũi bình phục hoàn toàn. Vì vậy, việc áp dụng những biện pháp ngăn ngừa chảy máu mũi trước là hết sức quan trọng. Cha mẹ hãy luôn giữ cho niêm mạc mũi của trẻ luôn ẩm, bằng cách bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi, tuy nhiên tần suất bôi tùy vào từng trẻ. Nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi thì cần phải bôi 2 lần mỗi ngày cho tới khi không còn tình trạng chảy máu mũi trong vài ngày liên tục. Những trường hợp khác có thể bôi cho trẻ khi thấy có nhu cầu:

  • Cho trẻ uống đủ nước.
  • Tránh những chấn thương vùng vách ngăn mũi.
  • Sử dụng máy phun sương giúp làm ẩm không khí. Cần lưu ý làm vệ sinh máy thường xuyên.
  • Sử dụng nước muối sinh lý xịt hoặc nhỏ mũi giúp làm ẩm niêm mạc. Điều này đặc biệt quan trọng cho những trẻ thường xuyên bị cảm, nghẹt mũi hay dị ứng mũi.

Nếu chảy máu mũi dai dẳng, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Tóm lại, chảy máu mũi ở trẻ em là tình trạng rất hay gặp và đa phần là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị chảy máu mũi tái phát nhiều lần hoặc không cầm sau khi xử trí 20 phút,... thì cha mẹ cần cho con đến cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá tình trạng cũng như có biện pháp can thiệp kịp thời.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu chảy máu mũi thường xuyên và không thể cầm lại, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan