Làm sao để trẻ yêu thích vận động?

Việc giúp trẻ thích vận động là điều cực kỳ quan trọng, đòi hỏi cha mẹ phải thực sự thấu hiểu và tích cực truyền cảm hứng tập thể dục đến con. Khi trẻ nhận ra hoạt động thể chất là thú vị và tốt cho sức khỏe, bé sẽ dần tạo thói quen tập luyện lành mạnh và biến chúng trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống.

1. Truyền cảm hứng yêu thích vận động cho trẻ

Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết làm sao để trẻ yêu vận động và hoạt động thể chất tích cực hơn mỗi ngày. Theo lời khuyên từ các chuyên gia, việc truyền cảm hứng giúp trẻ thích vận động là điều đặc biệt quan trọng, trong đó sứ mệnh phần lớn đến từ phía gia đình của bé.

Ba mẹ chính là tấm gương phản chiếu rõ rệt nhất thói quen tập thể dục hoặc vận động cho con trẻ. Theo ý kiến của Tiến sĩ, Bác sĩ Nhi khoa Denise Woodal-Ruff tại Bệnh viện Nhi đồng Stony Brook cho biết, trẻ em thường có xu hướng học tập và hành động theo hình mẫu cha mẹ hay người thân xung quanh chúng, bao gồm cả thói quen thể dục và hoạt động thể chất.

Khi gia đình thường xuyên tập luyện thể dục thể thao sẽ dần hình thành trong tiềm thức của trẻ niềm yêu thích vận động ngay từ khi còn nhỏ. Điều này đặc biệt quan trọng khi cuộc sống hiện đại khiến trẻ tập trung quá nhiều vào các thiết bị điện tử và đang giảm dần các hoạt động thể chất. Do đó, ba mẹ nên đồng hành cùng con yêu ngay từ đầu để thiết lập những thói quen lành mạnh sớm sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.

2. Cách truyền cảm hứng giúp trẻ thích vận động

Chìa khoá để truyền niềm cảm hứng yêu thích vận động cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ là tập trung vào việc vui chơi. Giống như người lớn, trẻ em cũng hiếm khi cảm thấy hào hứng hay phấn khích về những thứ mà chúng không thích. Mặt khác, nếu bé nhận ra niềm đam mê của mình đối với một bộ môn thể thao hay thói quen vận động lành mạnh nào đó, bé sẽ dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện và cải thiện kỹ năng của mình. Đây cũng chính là lý do vì sao phụ huynh nên tìm các hoạt động mà trẻ thích và khuyến khích bé tích cực thực hiện thường xuyên.

Thực tế, tạo cơ hội cho trẻ vận động mỗi ngày là điều cực kỳ cần thiết đối với sự phát triển về tinh thần, thể chất và cảm xúc của bé. Ngoài ra, nó cũng tạo tiền đề giúp trẻ tham gia tích cực hơn vào những hoạt động thể dục thể thao khi trưởng thành. Dưới đây là 12 bí quyết giúp các bậc phụ huynh khơi dậy niềm yêu thích vận động ngay từ khi trẻ còn nhỏ:

2.1. Lựa chọn hoạt động phù hợp với lứa tuổi của trẻ

Việc yêu cầu một đứa trẻ mới 3 tuổi tham gia chơi cầu lông cùng gia đình có lẽ không phải là biện pháp lý tưởng để khuyến khích trẻ vận động. Vì vậy, tính phù hợp là yếu tố quan trọng, giúp trẻ dễ dàng thực hiện các hoạt động thể chất mà không cảm thấy chán nản hay muốn bỏ cuộc. Tuỳ vào độ tuổi của bé, ba mẹ có thể tìm hiểu trên mạng hoặc tham khảo lời khuyên của chuyên gia về những trò chơi hay hoạt động phù hợp nhất dành cho trẻ.

2.2. Tập trung phát triển các kỹ năng vận động cho trẻ

Phát triển những kỹ năng vận động thô đặc biệt cần thiết đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ mẫu giáo. Những kỹ năng này giúp bé rèn luyện được sự cân bằng, phối hợp và cải thiện sức mạnh cũng như thời gian phản ứng.

Những hoạt động tốt cho trẻ ở độ tuổi mới biết đi và mẫu giáo, bao gồm ném / đá bóng, nhảy, vượt chướng ngại vật, đi xe ba bánh,... Khi cho bé đi xe đạp, ba mẹ nên để con đội thêm mũ bảo hiểm và các thiết bị bảo vệ khác nhằm tránh chấn thương khi ngã. Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên giám sát trẻ khi bé tập leo trèo hoặc sử dụng những thiết bị và đồ chơi có tính chuyển động.

2.3. Cho bé làm quen với những đồ chơi vận động

Khi chọn đồ chơi trong nhà và ngoài trời cho trẻ, ba mẹ nên lựa những món đồ cần đến sự vận động, chẳng hạn như xe đạp, bóng hoặc đồ leo trèo. Miễn sao, bạn cần đảm bảo các hoạt động vui chơi phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ.

Bạn nên ưu tiên cho con tiếp xúc với những món đồ chơi vận động hơn là đồ chơi thụ động khi bé còn nhỏ tuổi. Một số đồ chơi kích thích khả năng vận động của trẻ, bao gồm ghế bập bênh, đấm bốc, bắn cung, Bowling,...

2.4. Để trẻ chơi hoặc vận động tự do

Nhằm giúp trẻ thích vận động, ba mẹ nên thường xuyên để con chơi tự do. Đây được xem là cách hay giúp bé khám phá khả năng của bản thân cũng như môi trường xung quanh. Khi bé được tự do thỏa thích vận động theo sở thích riêng sẽ kích thích sự hứng thú và cố gắng duy trì thói quen lành mạnh đến khi trưởng thành.

2.5. Tập thể dục cùng con

Việc ép buộc con vận động thể chất càng khiến bé không muốn thực hiện hoặc thậm chí trở nên chán ghét. Để ngăn ngừa tình trạng này, phụ huynh nên chủ động dành thời gian tập thể dục với con. Khi trẻ nhận thấy ba mẹ tích cực hoạt động thể chất, bé sẽ có xu hướng muốn tham gia và tập luyện cùng.

2.6. Giúp bé lên lịch trình tập thể dục

Ngoài những phương pháp trên, bạn cũng có thể giúp trẻ lên lịch hoạt động thể chất hàng tuần với mục điều rõ ràng. Ba mẹ có thể lên lịch trình cùng con và sắp xếp tập thể dục cùng nhau trong thời gian rảnh rỗi. Khi trẻ đạt được mục tiêu đã đề ra, bạn có thể thưởng cho bé những món quà để khích lệ tinh thần.

2.7. Giúp trẻ hiểu hơn về tập thể dục

Nếu bạn muốn truyền cảm hứng để trẻ thích vận động, hãy dạy con yêu về ý nghĩa và lợi ích mà các hoạt động thể chất mang lại. Cha mẹ có thể trao đổi với con về tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với sức khỏe và cuộc sống thường ngày. Đây cũng là một cách kích thích bé tò mò và tìm hiểu sâu hơn về những bài tập thể dục.

2.8. Biến việc nhà thành tập thể dục

Kết hợp việc nhà với vận động thể chất sẽ giúp con không chỉ giúp đỡ được ba mẹ mà còn tăng cường thời gian luyện tập thể dục. Nếu gia đình bạn có nhiều trẻ, hãy biến việc nhà thành một cuộc thi có liên quan đến tập thể dục.

Chẳng hạn, đối với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo có thể chạy đua xem ai là người ném quần áo vào giỏ nhanh nhất. Đối với hoạt động ngoài trời, bạn có thể tổ chức cuộc thi nhặt rác trong sân hoặc nhổ cỏ ở vườn, người hoàn thành phần việc của mình trước sẽ dành chiến thắng và nhận được phần thường hấp dẫn.

2.9. Để con tự chọn hoạt động thể chất

Ngay cả trẻ nhỏ cũng biết được bản thân thích gì và cảm thấy hào hứng khi được hỏi về điều đó. Vì vậy, bạn nên để con tự lựa chọn một số hoạt động hay bộ môn thể thao mà chúng yêu thích, sau đó cùng tham gia với toàn thể gia đình.

2.10. Đọc cho bé câu chuyện truyền cảm hứng thích vận động

Hiện nay tại hiệu sách và các thư viện đều có rất nhiều sách khuyến khích trẻ nhỏ yêu thích vận động. Bạn có thể chọn lọc một số câu chuyện truyền cảm hứng tập thể dục và đọc cho bé nghe hoặc để bé tự khám phá.

2.11. Cho bé học tập trong môi trường đề cao vận động thể chất

Khi trẻ đến độ tuổi đi mẫu giáo hoặc học cấp một, bạn nên tìm những ngôi trường chú trọng đến việc vận động. Điều này giúp con thường xuyên được tham gia tập thể dục với bạn bè đồng trang lứa và dần khám phá bộ môn thể thao mà mình yêu thích. Từ đó, việc hoạt động thể chất dần trở thành một phần cực kỳ quan trọng trong đời sống của trẻ.

2.12. Để trẻ thử một bộ môn thể thao có tổ chức

Khi trẻ đủ lớn, phụ huynh có thể cân nhắc đăng ký cho bé tham gia tập luyện một bộ môn thể thao có tổ chức, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ, cầu lông hoặc bóng chuyền,... Theo khuyến nghị của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, nên bắt đầu cho trẻ từ 6 tuổi trở lên chơi những bộ môn thể thao đơn giản và có tổ chức. Điều quan trọng là lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với trình độ và độ tuổi của trẻ, giúp bé thực hành các kỹ năng mới trong thời gian tìm hiểu về bộ môn.

3. Hướng dẫn cho trẻ vận động đúng cách theo độ tuổi

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị nên cho trẻ em tham gia thực hiện các hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể giúp trẻ tập thể dục đúng cách theo từng lứa tuổi:

  • Trẻ mẫu giáo: Trẻ ở độ tuổi từ 3 – 5 nên vận động nhiều trong ngày nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. Các bé ở lứa tuổi mẫu giáo nên tiếp xúc với những trò chơi chuyển động như ghế bập bênh, leo thang có cầu trượt,...
  • Trẻ học đường: Trẻ em từ 6 – 17 tuổi nên tham gia tập thể dục với cường độ từ vừa phải cho đến mạnh ít nhất 60 phút mỗi ngày. Bạn có thể khuyến khích trẻ chia buổi tập thành nhiều giai đoạn ngắn trong ngày thay vì tập liền một lúc. Một số hoạt động thể chất phù hợp với trẻ học đường, bao gồm đạp xe, đá bóng, nhảy dây, khiêu vũ, đi bộ, chạy bộ hoặc aerobic,... Ngoài ra, cứ 3 ngày trong tuần nên khuyến khích trẻ tập các bài giúp tăng cường cơ xương và rèn luyện sức đề kháng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

285 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan