Những vấn đề bất thường của trẻ khi ngủ

Trẻ sơ sinh ngủ ngáy, đổ mồ hôi... có thể là những biểu hiện bình thường. Tuy nhiên, đôi khi những hành vi này lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ gặp những vấn đề dưới đây, cha mẹ không nên chủ quan hãy quan sát trẻ thật kỹ đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra.

1. Nhịp thở không đều

Khi con ngủ, bạn có thể nhận thấy nhịp thở của bé thay đổi. Lúc đầu, bé có thể thở nhanh, sau đó chậm hơn, rồi tạm dừng trong 5 - 10 giây và tiếp tục thở nhanh, v.v. Các bác sĩ gọi đây là "thở ngắt quãng" - một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh khoảng 6 tháng tuổi.

1.1 Nguyên nhân

Nhìn chung thì hầu hết các trường hợp nhịp thở không đều của trẻ không đáng lo ngại. Một số trẻ sơ sinh bị ngưng thở khi ngủ, khiến hơi thở bị ngừng lại trong tối đa 20 giây. Sự ngắt quãng này là bình thường, có thể do vùng não chịu trách nhiệm điều hòa nhịp thở vẫn chưa trưởng thành. Tuy nhiên, nếu thời gian tạm dừng thở kéo dài hơn 20 giây, bé cần đưa được đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và đánh giá.

Bàn tay và bàn chân của trẻ sơ sinh cũng chuyển sang màu hơi xanh khi bé đang khóc, ho hoặc cảm thấy hơi lạnh. Đây là hiện tượng khá bình thường, nhưng nếu trán, lưỡi, móng tay, môi hoặc thân của bé thường xuyên xanh tái, có thể là biểu hiện bé đã bị thiếu oxy.

1.2 Cách giải quyết

Đặt con nằm ngửa khi ngủ sẽ giúp con dễ thở. Nếu thấy bé ngừng thở, hãy chạm hoặc huých nhẹ vào người bé để xem có phản ứng hay không. Nếu không có phản hồi, bạn cần tìm cách giúp đỡ bé ngay lập tức.

Trong trường hợp bé ngừng thở và không thể đánh thức dậy, hãy bắt đầu tiến hành hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh (CPR) ngay lập tức, đồng thời nhờ người thân gọi số cấp cứu để được giúp đỡ. Nếu bạn ở một mình, hãy tự gọi 115 sau 2 phút hô hấp nhân tạo cho bé và sau đó tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi nhân viên y tế xuất hiện hoặc em bé bắt đầu thở lại.

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh
Nhìn chung thì hầu hết các trường hợp nhịp thở không đều của trẻ không đáng lo ngại

2. Trẻ sơ sinh ngủ ngáy và khịt mũi

Nhiều trẻ sơ sinh ngủ ngáy khi bị nghẹt mũi, đây là hiện tượng thường gặp trong những tuần đầu đời. Nếu thỉnh thoảng trẻ sơ sinh ngủ ngáy hoặc khịt mũi thì cũng không đáng lo ngại. Tuy nhiên trẻ ngáy liên tục có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe.

Cách giải quyết

Nếu em bé bị cảm lạnh, hãy thử dùng máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm để bé thở dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên nói về tình trạng ngáy ngủ của con với bác sĩ. Bác sĩ có thể kiểm tra các vấn đề chuyên khoa, chẳng hạn như tai mũi họng hoặc rối loạn giấc ngủ, để xem có cần thiết phải xét nghiệm hoặc điều trị hay không.

3. Trẻ đổ mồ hôi khi ngủ

Một số trẻ đổ mồ hôi nhiều trong giai đoạn sâu nhất của chu kỳ ngủ hàng đêm, cuối cùng là ướt đẫm người khi thức dậy. Vì trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian trong giai đoạn ngủ sâu nhất, nên dễ bị đổ mồ hôi ban đêm hơn người lớn và các trẻ lớn.

Đổ mồ hôi là hiện tượng rất phổ biến, nhưng đổ mồ hôi quá nhiều có thể cảnh báo vấn đề bất ổn. Ví dụ, đổ mồ hôi nhiều - đặc biệt là khi ăn, có thể là dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh, cũng như các bệnh nhiễm trùng và chứng ngưng thở khi ngủ. Ngủ trong phòng quá nóng cũng là một yếu tố nguy cơ của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Cách giải quyết

Căn phòng ngủ của con phải ấm áp nhưng không quá nóng. Đặt nhiệt độ phòng ở mức mà bạn cảm thấy thoải mái khi đang mặc quần áo mỏng. Mặc cho con số lượng quần áo vừa đủ để thoải mái khi ngủ mà không cần đắp chăn. Không bó buộc hay quấn kín con và hãy cất hết chăn mền ra khỏi nôi.

Theo nguyên tắc chung, khi người lớn cảm thấy quá nóng thì trẻ cũng vậy. Nếu trong nhà mát mẻ và con đã được mặc quần áo mỏng nhẹ nhưng vẫn ra mồ hôi, hãy đưa bé đến bác sĩ kiểm tra.

Bé đổ mồ hôi trộm có đáng lo?
Một số trẻ đổ mồ hôi nhiều trong giai đoạn sâu nhất của chu kỳ ngủ hàng đêm, cuối cùng là ướt đẫm người khi thức dậy

4. Trẻ nghiến răng

Hơn một nửa trẻ em đều nghiến răng, đặc biệt là khi đang ngủ. Nghiến răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh, khi mọc những chiếc răng đầu tiên (thường là khoảng 6 tháng). Mặc dù âm thanh này có thể ảnh hưởng đến thần kinh, nhưng việc nghiến răng không làm tổn hại răng của bé.

Các lý do khiến trẻ nghiến răng có thể bao gồm:

  • Cảm giác mọc răng mới
  • Đau tai hoặc đau cho mọc răng
  • Các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như nghẹt mũi.

Cách giải quyết

Hỏi nha sĩ trong lần khám răng đầu tiên của con khi tròn 1 tuổi. Bác sĩ và nha sĩ có thể đánh giá nguyên nhân đằng sau việc nghiến răng và kiểm tra xem có tổn thương men răng hay không. Rất ít em bé có thể nghiến răng dữ dội đến mức làm mòn răng.

Nếu trong lúc trẻ ngủ có những hành vi bất thường trong thời gian dài, cha mẹ không nên chủ quan cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám nhằm loại trừ vấn đề sức khoẻ không mong muốn.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan