Rối loạn chuyển hóa chu trình ure ở trẻ em

Rối loạn chu trình ure ở trẻ em không có cách chữa trị hoàn toàn. Kết quả điều trị phụ thuộc vào loại rối loạn, mức độ nghiêm trọng và kế hoạch chẩn đoán cũng như chế độ ăn uống phù hợp như thế nào.

1. Rối loạn chuyển hóa ở trẻ em là bệnh gì?

Rối loạn chuyển hóa là những rối loạn di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể. Trao đổi chất mô tả khả năng cơ thể chuyển đổi thức ăn và đồ uống thành năng lượng, cũng như loại bỏ một số chất thải được tạo ra trong quá trình đó. Đó là một quá trình phức tạp sử dụng nhiều hóa chất, enzyme, hormone, tế bào và các cơ quan khác nhau để hoạt động bình thường.

Enzyme là những protein đặc biệt gây ra các phản ứng hóa học. Khi chúng ta ăn, hệ tiêu hóa sử dụng các enzyme để phân hủy thức ăn thành đường, axit amin, axit béo và các hóa chất khác để cơ thể sử dụng. Cơ thể sử dụng những hóa chất này làm nhiên liệu hoặc năng lượng, cũng như xây dựng hoặc sửa chữa các mô. Bất cứ thứ gì mà cơ thể không thể sử dụng đều là chất thải. Enzyme cũng có thể giúp chuyển đổi hoặc phân hủy chất thải để chúng có thể được loại bỏ khỏi cơ thể.

Với trẻ mắc rối loạn chuyển hóa, một số enzym nhất định không hoạt động bình thường hoặc cơ thể không tạo ra đủ enzym. Điều này làm gián đoạn quá trình trao đổi chất. Cơ thể có thể bị chặn sử dụng các chất cần thiết để hoạt động hoặc các chất thải có thể tích tụ trong cơ thể và trở thành chất độc hại. Những vấn đề này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả các vấn đề nghiêm trọng về phát triển ở trẻ nhỏ.

Rối loạn chuyển hoá có tính chất di truyền, có nghĩa là chúng được di truyền và thường xuất hiện khi sinh ra. Trẻ sơ sinh được kiểm tra một số tình trạng nghiêm trọng, bao gồm rối loạn chuyển hóa, hormone và máu. Phát hiện sớm và điều trị một số rối loạn có thể ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe suốt đời.

Có một số rối loạn chuyển hóa khác nhau, bao gồm:

Rối loạn chu trình ure
Rối loạn chu trình ure ở trẻ em không có cách chữa trị hoàn toàn

2. Rối loạn chuyển hóa chu trình ure là gì?

Rối loạn chu trình urê (UCD) là một bệnh di truyền ảnh hưởng đến cách cơ thể loại bỏ chất thải được tạo ra từ việc phân hủy protein. Mọi người đều cần protein, có trong các loại thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, thịt và cá. Khi một người ăn thực phẩm có chứa protein, cơ thể sẽ phân hủy nó thành các axit amin (các khối cấu tạo của protein được cơ thể sử dụng để phát triển, sửa chữa mô) và chỉ sử dụng những gì nó cần. Nó thay đổi phần còn lại thành nitơ, sau đó phải được cơ thể loại bỏ.

Ở một người khỏe mạnh, gan cung cấp một số enzym để thay đổi nitơ thành urê, sau đó được loại bỏ khỏi cơ thể qua nước tiểu. Toàn bộ quá trình này được gọi là chu trình urê.

Gan của người bị rối loạn chuyển hóa ure bị thiếu một loại enzyme cần thiết để chuyển nitơ thành urê. Kết quả là amoniac - một chất có độc tính cao tích tụ trong máu và không được loại bỏ khỏi cơ thể. Nếu không được điều trị, lượng amoniac cao có thể gây tổn thương não, hôn mê và cuối cùng là tử vong.

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn chu trình ure

Rối loạn chu trình urê được đặt tên dựa trên tên viết tắt của enzym bị thiếu, bao gồm:

  • OTC - ornithine transcarbamylase;
  • ASD – argininosuccinic acid synthase (citrullinemia);
  • AG – arginase;
  • ALD – argininosuccinase acid lyase (argininosuccinic aciduria);
  • CPS – carbamoyl phosphate synthetase;
  • NAGS – N-acetylglutamate synthetase.

Rối loạn chu trình urê có tính chất di truyền. Các gen cung cấp cho cơ thể hướng dẫn về cách phân hủy protein. Chúng ta thường có hai bản sao của mỗi gen và hầu hết rối loạn chu trình ure chỉ xảy ra khi một người thừa hưởng gen đã thay đổi từ cả cha và mẹ. Ngoại lệ là sự thiếu hụt OTC, được truyền sang em bé thông qua người mẹ thường không bị ảnh hưởng nhất.

Nếu cả bố và mẹ đều mang gen khiếm khuyết thì có:

  • 25% khả năng con họ sẽ phát triển chứng rối loạn;
  • 50% khả năng con của họ sẽ nhận được một gen khiếm khuyết từ một trong số các bậc cha mẹ, có nghĩa là đứa trẻ sẽ không xuất hiện các triệu chứng của rối loạn; đứa trẻ là một "người mang gen lặn";
  • 25% khả năng con họ sẽ nhận được cả hai gen hoạt động, một gen từ mỗi người cha mẹ và sẽ không bị ảnh hưởng.

Với sự thiếu hụt enzym OTC, những rủi ro mà một người sẽ bị ảnh hưởng cũng tùy thuộc vào việc họ là con trai hay con gái. Nếu mẹ mang gen khuyết tật thì có:

  • 50% khả năng một đứa trẻ nam sẽ nhận được gen khiếm khuyết từ mẹ và do đó bị ảnh hưởng;
  • 50% khả năng con của họ sẽ nhận được một gen khiếm khuyết từ một trong số các bậc cha mẹ, có nghĩa là đứa trẻ sẽ không xuất hiện các triệu chứng của rối loạn( đứa trẻ là một "người mang gen lặn”);
  • 50% khả năng trẻ em nữ sẽ nhận được gen bất thường và có nguy cơ mắc các triệu chứng liên quan đến thiếu OTC;
  • 50% khả năng đứa trẻ nữ sẽ không nhận gen bất thường và không bị ảnh hưởng.
rối loạn chu trình ure
Chẩn đoán rối loạn chu trình ure ở trẻ em bằng cách phân tích nước tiểu và máu

4. Triệu chứng của rối loạn chu trình ure ở trẻ em

Tuổi khởi phát và các triệu chứng cụ thể khác nhau giữa các loại rối loạn chuyển hóa ure khác nhau. Rối loạn này thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh, nhưng một số trẻ không biểu hiện triệu chứng cho đến khi còn nhỏ.

Ở trẻ em bị rối loạn chu trình ure nặng, các triệu chứng sẽ phát triển trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh. Mặc dù tất cả các triệu chứng này có thể không xuất hiện, nhưng thông thường trẻ sẽ rất buồn ngủ, cáu kỉnh và gặp các vấn đề về bú, bao gồm bú kém và nôn trớ. Co giật, khó thở và hôn mê có thể xuất hiện sau đó.

Các triệu chứng ở trẻ em bị UCD nhẹ hoặc trung bình, không biểu hiện triệu chứng cho đến khi còn nhỏ, có thể bao gồm:

  • Không thích thịt hoặc các thực phẩm giàu protein khác;
  • Nôn, buồn nôn;
  • Lú lẫn tâm thần hoặc hành vi hiếu động;
  • Thường xuyên mệt mỏi và/hoặc khó đánh thức;
  • Hôn mê.

5. Chẩn đoán rối loạn chu trình ure ở trẻ em

Chẩn đoán được thực hiện bằng cách phân tích nước tiểu và máu để tìm các chất chuyển hóa bất thường (chất được tạo ra từ quá trình trao đổi chất) và mức amoniac cao.

Sinh thiết gan có thể được thực hiện để xác định chẩn đoán vì nó cho thấy mức độ hoạt động của enzym thấp. Các xét nghiệm di truyền cũng có thể được thực hiện để cho biết liệu có vấn đề với một trong những gen cần thiết để phá vỡ các protein của chu trình urê để xác định loại rối loạn chuyển hóa ure cụ thể hay không.

Chụp MRI hoặc CT có thể được thực hiện để xem có phù não do amoniac trong máu hay không.

6. Điều trị rối loạn chu trình ure ở trẻ em như thế nào?

Điều trị là một quá trình kéo dài suốt đời, dù không chữa khỏi tình trạng bệnh hoàn toàn, nhưng nó có thể kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả. Các xét nghiệm máu thường xuyên được thực hiện để tiếp tục theo dõi nồng độ amoniac. Các bác sĩ trong lĩnh vực nhi khoa, di truyền và dinh dưỡng sẽ làm việc cùng nhau để phát triển kế hoạch điều trị của trẻ.

Việc điều trị của đứa trẻ có thể sẽ bao gồm:

  • Chế độ ăn ít protein, nhiều calo: Protein trong chế độ ăn uống được giảm xuống bằng cách tránh các thực phẩm giàu protein. Ví dụ về thực phẩm cung cấp calo mà không cần nạp protein vào cơ thể là trái cây, rau và tinh bột. Tuy nhiên, protein rất quan trọng cho sự phát triển, vì vậy việc hạn chế protein phải được thực hiện với lời khuyên của chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ lập kế hoạch và cập nhật chế độ ăn hạn chế protein khi trẻ lớn lên. Một số trẻ em cần phải dùng một loại sữa công thức đặc biệt để đảm bảo rằng chúng được cung cấp dinh dưỡng thích hợp.
  • Thuốc men: Một số trẻ sẽ cần dùng thuốc để giúp đưa bớt amoniac ra ngoài cơ thể. Thuốc uống được đưa ra để liên kết với amoniac và thải ra ngoài qua nước tiểu.
  • Bổ sung axit amin: Tùy thuộc vào loại rối loạn, các chất bổ sung axit amin như arginine hoặc citrulline có thể được thêm vào chế độ ăn uống để giúp cung cấp cho cơ thể những gì nó cần để tạo ra protein quan trọng cho sự phát triển và sửa chữa mô, vì trẻ em bị rối loạn chu trình urê không thể tự tạo arginine.
  • Cấy ghép gan: Bởi vì quá trình sản xuất các enzyme chu trình urê diễn ra trong gan, ghép gan có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn chuyển hóa ure.

Bác sĩ của bạn sẽ thảo luận về những rủi ro của việc cấy ghép với bạn và quyết định phải được đưa ra với sự cân nhắc giữa những ưu và khuyết điểm.

Nếu cấy ghép là lựa chọn điều trị tốt, bác sĩ và các thành viên khác của nhóm chăm sóc bệnh nhân sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa các biến chứng, điều trị các triệu chứng trong khi bệnh nhi chờ đợi lá gan được hiến tặng.

Những căng thẳng trên cơ thể, chẳng hạn như bệnh tật, sốt, phẫu thuật hoặc tai nạn có thể khiến nồng độ amoniac tăng lên. Những lúc này cần phải cẩn thận, và cần bổ sung thêm calo để cung cấp nhiên liệu cho cơ thể đang căng thẳng.

Việc thăm khám với bác sĩ thường xuyên sẽ là cần thiết để điều chỉnh chế độ ăn uống và thuốc. Để con bạn tuân theo chế độ ăn uống mà bác sĩ đưa ra là rất quan trọng đối với sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

rối loạn chu trình ure
Điều trị rối loạn chu trình ure ở trẻ em bằng cách bổ sung axit amin

Tóm lại, cần chẩn đoán và điều trị rối loạn chuyển hóa ure ở trẻ sớm thì mới có cơ hội đạt kết quả tốt. Những em bé được chẩn đoán trong tuần đầu tiên của cuộc đời và được đưa vào chế độ ăn kiêng ngay lập tức có thể sẽ phát triển tốt. Nếu trẻ tiếp tục tuân thủ chế độ ăn uống một cách cẩn thận, chức năng não bình thường có thể đạt được.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan