Sơ cứu khi trẻ bị ngạt đường thở do dị vật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ngạt đường thở do dị vật hoặc thức ăn có thể gây ra những biến chứng khó lường, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Xử trí đúng cách ngay khi trẻ bị ngạt đường thở sẽ giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

1. Ngạt đường thở - dấu hiệu, nguyên nhân và biến chứng

1.1 Ngạt đường thở là gì? Dị vật đường thở là gì?

Ngạt thở (nghẹt thở) là tình trạng một người không thể thở hoặc nói vì họng hoặc khí quản bị tắc nghẽn hoàn toàn. Nếu không sơ cứu kịp thời, tình trạng thiếu dưỡng khí có thể gây tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do ngạt thở.

Dị vật đường thở là các vật lạ rơi vào và mắc lại trong thanh quản, khí quản hay phế quản. Có 2 loại dị vật là vô cơ và hữu cơ. Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Ước tính mỗi năm có khoảng 3.000 bệnh nhân tử vong vì những biến chứng của dị vật đường thở, tỷ lệ đặc biệt cao ở trẻ em 1 – 6 tuổi.

1.2 Dấu hiệu ngạt đường thở do dị vật

Dấu hiệu ngạt đường thở do dị vật khá đột ngột:

  • Ngạt đường thở một phần: Nạn nhân hít thở khó khăn, tạo tiếng động lớn hoặc hớp khí để cố gắng thở, có thể nghe thấy tiếng rít quanh miệng. Nạn nhân có thể ho khan, khó chịu, sợ hãi do thiếu khí, da, môi trở nên nhợt nhạt, bầm đỏ hoặc chuyển xanh;
  • Nghẹt đường thở hoàn toàn: Nạn nhân không thể ho, thở hoặc nói chuyện. Vì thiếu khí nên nạn nhân tỏ rõ triệu chứng cố gắng hít thở qua hiện tượng co kéo lồng ngực, các xương vai và hõm ức. Mặt của nạn nhân chuyển màu xám, môi tím xanh. Thông thường nạn nhân sẽ dùng cả 2 tay nắm chặt vào cổ họng, rất hốt hoảng.
Ngạt thở (nghẹt thở)
Ngạt thở là tình trạngi không thể thở hoặc nói vì họng hoặc khí quản bị tắc nghẽn hoàn toàn

1.3 Nguyên nhân ngạt đường thở do dị vật

Có 2 nguyên nhân chính:

Do người bệnh:

  • Bệnh nhân đang ăn hoặc ngậm dị vật, do tác nhân nào đó làm bệnh nhân hít mạnh dị vật theo luồng không khí rơi vào đường thở. Các tác nhân gồm: khóc, cười, bịt mũi ép trẻ ăn, ép trẻ uống thuốc viên; tranh nhau ăn; vấp ngã, hắt hơi,...;
  • Do trẻ phản xạ đóng mở thanh môn chưa hoàn chỉnh;
  • Bố mẹ sơ ý trong việc ăn uống của trẻ;
  • Tập quán ăn uống, tắm nước suối, uống nước suối gây dị vật sống vào đường thở;
  • Liệt hầu họng.

Do nhân viên y tế:

  • Nhổ răng gây rơi răng, mũi khoan răng rơi vào đường thở;
  • Trong cấp cứu đặt ống nội khí quản đẩy dị vật rơi vào đường thở;
  • Cho uống thuốc không đúng quy cách.

1.4 Biến chứng ngạt đường thở do dị vật

Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là biến chứng của ngạt đường thở do dị vật

2. Hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị nghẹt đường thở do dị vật

2.1 Với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi

Cách xử trí dị vật đường thở ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi như sau:

Bước 1: Hỏi nạn nhân

Nạn nhân bị ngạt thở sẽ không nói được. Nếu nạn nhân có thể nói, ho, khóc hoặc thở thì chứng tỏ họ đang bị ngạt đường thở một phần. Nếu nạn nhân còn trả lời được thì nên trấn an nạn nhân, khuyến khích nạn nhân ho, không sử dụng nghiệm pháp vỗ lưng (vì có thể đẩy dị vật vào sâu trong đường thở), theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân và gọi cứu thương nếu tắc nghẽn đường thở không giảm.

Nếu nạn nhân không trả lời được, nên gọi cấp cứu.

Nếu nạn nhân còn tỉnh, truyền đạt ý định tiến hành sơ cứu để họ phối hợp theo.

Bước 2: Thực hiện sơ cứu

5 lần vỗ lưng bằng gót bàn tay:

  • Dùng phần gót bàn tay vỗ mạnh vào lưng nạn nhân 5 lần riêng biệt tại vị trí giữa 2 bả vai;
  • Đảm bảo việc vỗ lưng đủ mạnh, mỗi lần vỗ lưng tách biệt để đánh bật dị vật ra;
  • Đánh giá tình trạng cải thiện sau mỗi lần vỗ lưng.
Động tác ép bụng (cơ động Heimlich)
Nghiệm pháp Heimlich

5 lần đẩy bụng (nghiệm pháp Heimlich):

  • Đứng phía sau nạn nhân;
  • Dùng 2 tay ôm quanh eo nạn nhân, bên dưới khung xương sườn;
  • Dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng nạn nhân (cạnh ngón tay cái tỳ vào bụng) ở phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị);
  • Nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia;
  • Thực hiện đẩy bụng từng lần riêng biệt và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng. Dừng thao tác nếu nạn nhân bất tỉnh.

Nếu tình trạng tắc nghẽn đường thở chưa được cải thiện thì tiếp tục luân phiên 5 lần vỗ lưng và 5 lần đẩy bụng cho tới khi đánh bật dị vật ra khỏi đường thở.

Bước 3: Lấy dị vật

Đảm bảo dị vật được đánh bật ra hoàn toàn. Nếu có thể nên yêu cầu nạn nhân nhổ dị vật ra. Với những nạn nhân quá yếu, bị bất tỉnh thì người sơ cứu dùng ngón tay để kiểm tra và lấy dị vật trong miệng ra.

Kiểm tra xem nạn nhân đã thở bình thường trở lại chưa. Nếu nhịp thở không trở lại bình thường, kiểm tra miệng và lấy bỏ dị vật trong miệng nạn nhân, bắt đầu hồi sinh tim phổi. Luân phiên đẩy bụng, kiểm tra đường thở và hồi sinh tim phổi cho tới khi dịch vụ cấp cứu tới.

2.2 Với trẻ em dưới 1 tuổi

Khuyến khích ho ở trẻ bị tắc nghẽn đường thở một phần:

Nếu trẻ đang ho hoặc nôn khan chứng tỏ đường thở của trẻ chỉ bị tắc nghẽn một phần, trẻ không bị thiếu oxy hoàn toàn nên cần khuyến khích trẻ ho để loại bỏ dị vật.

Sơ cứu cho trẻ bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn:

Nếu trẻ không thể khóc hoặc phát ra âm thanh chứng tỏ trẻ đã bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, không thể tự loại bỏ dị vật bằng cách ho, lúc này cần sơ cứu cho trẻ. Một số lưu ý:

  • Không cố loại bỏ dị vật bằng tay vì có thể làm dị vật chui vào họng trẻ sâu hơn, gây tổn thương họng hoặc kích thích gây co thắt thanh quản;
  • Sơ cứu bằng cách đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót bàn tay đập vào khoảng lưng giữa 2 xương vai 5 lần liên tục, chậm, chắc. Sau đó kiểm tra dị vật đã văng ra chưa, trẻ đã thông đường thở chưa (da hồng hào trở lại, khóc lớn);
  • Nếu sau 5 lần đập lưng mà vẫn chưa thông đường thở, đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa, ấn thẳng 1 góc 90o vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ), mức ngang với đường nối 2 núm vú của trẻ. Thực hiện ấn 5 lần chậm, chắc. Tiếp tục kiểm tra trẻ xem đã loại bỏ dị vật ra chưa. Nếu thấy có dị vật tống ra, còn ở trong miệng, nên nhẹ nhàng dùng ngón tay út lùa dị vật ra ngoài;
  • Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu không loại bỏ được dị vật ra khỏi đường thở của trẻ;
  • Trong thời gian chờ cấp cứu, tiếp tục thực hiện 5 lần đập lưng, 5 lần ấn ngực xen kẽ cho tới khi trẻ khóc được hoặc đến khi xe cấp cứu đến;
  • Nếu thấy trẻ bất tỉnh, làm hô hấp tim phổi nhân tạo.
Sơ cứu trẻ hóc dị vật
Sơ cứu trẻ dưới 1 tuổi bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn

3. Các biện pháp phòng ngừa ngạt đường thở do dị vật ở trẻ

  • Để bóng bay, đồ chơi nhỏ, đồ chơi có thể tháo rời,... xa tầm tay của bé;
  • Không để cúc áo, các loại pin, đồ đạc nhỏ,... trong tầm tay bé có thể với tới;
  • Phòng ngừa sặc thức ăn bằng cách luôn cho bé ngồi một chỗ khi ăn, động viên bé ăn chậm, nhai kỹ, không ép bé ăn vì có thể khiến bé bị nghẹn.

Khi trẻ bị ngạt đường thở do dị vật, phụ huynh cần gọi cấp cứu và ngay lập tức thực hiện theo hướng dẫn sơ cứu để giúp bé đẩy dị vật ra ngoài, giảm tối đa nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị với các bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quý khách hàng vui lòng nhấp vào nút “Liên hệ” trên website hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan