Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ: Những điều cần biết

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em khá thường gặp nhất là ở những vùng nông thôn. Chủ yếu do chế độ ăn uống không đa dạng và không cung cấp đủ sắt. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều chỉnh sớm có thể dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm thần và vận động cho trẻ.

1. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là gì?

Sắt là một trong những loại vi chất quan trọng trong cơ thể. Mặc dù nhu cầu sắt của cơ thể rất nhỏ, nhưng sắt lại có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng sống của cơ thể.

Những vai trò có thể kể đến của sắt bao gồm:

  • Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin một thành phần quan trọng của hồng cầu. Vai trò của hemoglobin là để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan bên trong cơ thể.
  • Sắt tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, một thành phần sắc tố của cơ.

Ngoài ra, sắt còn tham gia vào cấu tạo nên nhiều enzyme hệ miễn dịch. Từ đó giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.

Thiếu sắt có thể gây ra nhiều vấn đề của cơ thể. Trong đó nó sẽ gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt hay gặp hơn ở trẻ em. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này, đặc biệt điều đó có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động của trẻ. Do vậy việc phát hiện thiếu sắt sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em.

Xem ngay: Hướng dẫn chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt

2. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Những nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em bao gồm:

  • Cung cấp không đủ: Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng này là do cung cấp sắt không đủ. Những nguyên nhân có thể dẫn tới cung cấp không đủ bao gồm một chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, thường xuyên uống sữa công thức không bổ sung sắt, do trẻ ăn chay, bố mẹ cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Khi trẻ được 6 tháng tuổi trẻ cần phải được ăn dặm vì sữa không còn đủ chất dinh dưỡng với trẻ, nhất là chất sắt. Nếu như không cho ăn dặm nguồn thực phẩm có sắt hoặc một số trẻ bắt đầu ăn dặm muộn khoảng 7 đến 8 tháng mới ăn dặm thì có thể gây ra tình trạng trẻ 8 tháng bị thiếu sắt hoặc nếu không phát hiện cung cấp đủ thì việc thiếu sắt có thể kéo dài gây ảnh hưởng tới trẻ.
  • Thiếu sắt dự trữ khi trẻ còn trong bụng mẹ: Thai nhi phát triển trong bụng mẹ không chỉ nhận nguồn dinh dưỡng từ mẹ để phát triển và hoàn thiện mà một số dưỡng chất cần phải dự trữ, trong đó có sắt. Quá trình tích lũy sắt ở thai nhi diễn ra khá sớm, bình thường trẻ sau khi sinh đủ tháng sẽ tích lũy khoảng được khoảng 25 - 3.000 mg sắt. Lượng sắt tích lũy này được cơ thể sử dụng từ từ cho việc tạo máu trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng đầu sau sinh, khi khả năng hấp thu và dinh dưỡng chưa đáp ứng. Chính vì vậy, với những trẻ thiếu dự trữ sắt có thể do sinh non, sinh đôi hoặc mẹ bầu bị thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ thì cũng gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em.
  • Trẻ phát triển nhanh chóng: Những trẻ có sự phát triển về cân nặng và chiều cao nhanh sau sinh thì cần cung cấp một lượng sắt cao hơn. Nhưng nếu nguồn cung cấp không đủ so với nhu cầu phát triển của trẻ thì có thể gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em.
  • Do những bệnh lý gây giảm hấp thu sắt: Trẻ phải phẫu thuật cắt bỏ tá tràng hay cắt dạ dày; Bệnh viêm ruột (như viêm hồi tràng-hỗng tràng, viêm ruột tự miễn...); Rối loạn hấp thu; Viêm loét dạ dày... đều làm giảm hấp thu sắt trong cơ thể.
  • Mất máu mạn tính: Trẻ có thể bị mất máu do các nguyên nhân như nhiễm giun sán, đặc biệt là giun móc, giun mỏ, giun kim...; tình trạng loét dạ dày- tá tràng gây xuất huyết; polyp ruột; chảy máu mũi; kinh nguyệt nhiều ở trẻ gái giai đoạn dậy thì...

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác ít gặp hơn có thể bao gồm: Phẫu thuật; bị chấn thương; Sử dụng thuốc chống viêm không steroid kéo dài...

nhiễm giun sán
Nhiễm giun sán có thể gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

3. Các triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em thường rất nghèo nàn, khó nhận biết và nó thường xảy ra từ từ, tăng dần. Dưới đây là một số biểu hiện hay gặp do thiếu máu thiếu sắt:

  • Trẻ thiếu máu thiếu sắt thường có da nhợt nhạt, xanh sao. Dấu hiệu này rõ nhất ở vành tai, mặt, lòng bàn tay bàn chân, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt.
  • Trẻ thường chậm chạp hơn bình thường, cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ và ít đùa nghịch hơn so với trước đây hoặc các bạn cùng lứa tuổi.
  • Nếu trường hợp thiếu máu nặng có thể gây ra những biểu hiện như hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức (chạy, vận động mạnh), sút cân không rõ lý do, rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ...
  • Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hay nhiễm trùng da, chậm phát triển tâm thần và vận động.
  • Trẻ em ở độ tuổi học đường thường kém tập trung, giảm trí nhớ dẫn đến kết quả học tập thường không đạt hiệu quả.

Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt mà người lớn không nhận ra thông qua các dấu hiệu lâm sàng có thể được chẩn đoán khi xét nghiệm các tình trạng bệnh khác hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Các biểu hiện trên xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Thấy số lượng hồng cầu thường giảm, hồng cầu nhỏ và nhược sắc; hemoglobin giảm.
  • Xét nghiệm: Sắt và ferritin (Sắt dự trữ) giảm. Nếu nhẹ thường chưa giảm ferritin.
  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân: Có thể tìm máu ẩn trong phân, tìm trứng hay ấu trùng giun sán, bệnh lý đường tiêu hoá...

4. Điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em như thế nào?

4.1 Nguyên tắc điều trị

  • Chủ yếu là cần phải giải quyết nguyên nhân gây ra thiếu sắt như nếu do giun cần tẩy giun, bệnh lý đường tiêu hoá cần điều trị...
  • Bổ sung lượng sắt phù hợp với mức độ thiếu sắt.
  • Cần điều chỉnh chế độ ăn bổ sung sắt cho trẻ một cách phù hợp nhất.
Nếu thiếu sắt ở trẻ do giun thì cha mẹ nên tẩy giun cho trẻ
Nếu thiếu sắt ở trẻ do giun thì cha mẹ nên tẩy giun cho trẻ

4.2 Điều trị cụ thể

  • Bổ sung sắt bằng đường uống có thể dùng liều từ 3 đến 5 mg sắt nguyên tố/ kg/ngày tùy mức độ thiếu máu. Thường dùng loại kết hợp với acid folic. Nên cho trẻ uống khi đói hoặc trong bữa ăn để tránh gây ra khó chịu cho dạ dày. Việc uống thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ do như khó chịu vùng bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón và phân sẫm màu. Thời gian sử dụng khoảng 3 đến 6 tháng. Lưu ý tránh dùng chung với sữa vì có thể làm giảm hấp thu sắt, cách các thực phẩm giàu canxi ít nhất 2 tiếng để đảm bảo hấp thu sắt tốt.
  • Bổ sung thêm vitamin C hoặc uống nước ép hoa quả có nhiều vitamin C để tăng hấp thu sắt.
  • Điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt: Thường cần tìm kiếm và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt tránh gây thiếu sắt tái phát.
  • Truyền máu: Trong trường hợp thiếu máu nặng bác sĩ có thể cân nhắc việc truyền máu. Tuy nhiên nó rất hạn chế được sử dụng trong trường hợp này mà chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.

4.3 Điều trị dự phòng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

  • Nuôi trẻ bằng sữa mẹ ít nhất trong vòng một năm đầu. Nếu trong các trường hợp không thể nuôi con bằng sữa mẹ hãy dùng sữa công thức nhưng cần bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời.
  • Tránh việc sử dụng chung các thức ăn chứa sắt cùng lúc với sữa vì các chế phẩm từ sữa làm giảm hấp thu sắt.
  • Hạn chế lượng sữa cung cấp cho trẻ không nên quá 500ml, vì nó làm giảm hấp thu sắt.
  • Không uống trà hay cà phê ngay sau ăn cơm làm giảm hấp thu sắt.
  • Tẩy giun định kỳ hàng năm cho trẻ em trên 24 tháng tuổi.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý: Khi trẻ độ tuổi ăn dặm cần thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, các vitamin và khoáng chất. Những nguồn thức ăn giàu sắt gồm:

  • Thực vật: Bao gồm các loại rau lá màu xanh đậm như rau muống, bông cải xanh; các loại ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu; trái cây khô...
  • Động vật: Các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, các loại hải sản như cua, cá hồi, cá ngừ, tôm, sò hay trứng, gia cầm, nội tạng động vật...

Lưu ý sắt từ nguồn động vật thường dễ hấp thu hơn so với nguồn thực vật, cho nên cần kết hợp cả hai nguồn bổ sung này để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ cần hấp thu sắt nhanh hơn nên kết hợp thực phẩm giàu vitamin C như ổi, nho, bưởi, chanh, cam, kiwi, quýt...

Bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Cho nên việc khám sức khỏe tổng quát cho trẻ là cần thiết để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn một chế độ ăn đa dạng để không bị thiếu loại dưỡng chất nào, giúp trẻ phát triển toàn diện nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

232 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan