Trẻ bị tích tụ ráy tai, nên làm thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ráy tai là chất thải dạng sáp bài tiết ra từ ống tai người và các loài động vật có vú khác. Việc lấy ráy tai ở người lớn khá dễ dàng, tuy nhiên việc làm sạch ráy tai bị tích tụ ở trẻ lại khá khó khăn hơn bởi ống tai của trẻ rất mỏng manh và đòi hỏi phải xử lý cẩn thận.

1. Nguyên nhân gây tích tụ ráy tai?

Ráy tai là đoạn nối bởi ống tai ngoài, bộ phận nằm giữa dái tai và màng nhĩ của tai giữa. Nó như một chất thải sinh học không cần thiết nhưng lại có công dụng nhất định. Chẳng hạn như:

  • Bảo vệ ống tai khỏi bị nước vào
  • Giúp tai tránh khỏi các tác nhân gây hại như bụi bẩn, dị vật từ môi trường bên ngoài
  • Để ngăn ngừa tai khỏi bị khô và ngứa bằng cách bôi trơn ống tai

Ráy tai được tiết ra như một cách để ngăn bụi bẩn...có thể làm hỏng màng nhĩ khi chúng đi vào bên trong tai. Thông thường, ráy tai tích tụ, sau đó khô đi và di chuyển đến tai ngoài, nơi nó sẽ trôi đi. Trong quá trình này, nó bẫy các mảnh vụn bên ngoài và mang theo nó để di chuyển. Tuy nhiên, đôi khi ráy tai tích tụ nhanh hơn mức cơ thể có thể đào thải ra ngoài và đó là lúc việc tích tụ ráy tai có thể trở thành một vấn đề.

Chỉ khi trẻ có quá nhiều ráy tai, ráy tai vón cục và cứng thì mới nảy sinh vấn đề. Dần dần theo thời gian, ráy tai có thể được đẩy đến lỗ tai và tự bong ra nhường chỗ cho lớp sáp mới hình thành. Hàng ngày khi tắm, lớp sáp này sẽ trở nên mềm hơn, mẹ có thể nhẹ nhàng tẩy lớp da chết này ra bằng tăm bông. Nhưng trong một số trường hợp, ráy tai cứng mà lại ở lại quá sâu trong ống tai có thể gây ra ảnh hưởng đối với trẻ nhỏ.

Cách xử lý khi ráy tai bé bị khô, vón cục
Ráy tai được tiết ra như một cách để ngăn bụi bẩn...có thể làm hỏng màng nhĩ khi chúng đi vào bên trong tai.

2. Ráy tai tích tụ có thể cản trở thính giác của trẻ

Khi ống tai của trẻ bị ráy tai bịt kín, thính giác của trẻ sẽ bị cản trở. (Chất lỏng hoặc mủ bị mắc kẹt trong tai giữa cũng có thể gây mất thính lực trong hoặc sau khi bị nhiễm trùng tai ) Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể khiến trẻ bị đau tai.

3. Nguyên nhân gây tích tụ ráy tai ở trẻ

Sự tích tụ ráy tai ở trẻ có thể do một số nguyên nhân gây nên. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây tích tụ ráy tai ở trẻ, bao gồm:

  • Thường xuyên sử dụng tăm bông: sử dụng tăm bông không phải là cách lý tưởng để loại bỏ ráy tai và các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng chúng. Tăm bông có thể chính là nguyên nhân đẩy ráy tai vào sâu trong ống tai khiến nó bị kẹt trong đó.
  • Các đồ vật nhỏ được đưa vào ống tai: đưa các đồ vật vào ống tai bé cũng có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn.
  • Liên tục đưa ngón tay vào ống tai: ống tai trẻ rất nhỏ và hẹp, Việc đưa ngón tay vào bên trong ống tai thường xuyên có thể làm ráy tai bên trong bị nén chặt lại. Do đó, không bao giờ nên dùng ngón tay để làm sạch ráy tai cho trẻ và hãy ngăn không cho trẻ đưa tay vào tai thường xuyên
  • Dùng máy trợ thính hoặc nút tai trong một thời gian dài: lối vào của ống tai sẽ bị máy trợ thính và nút tai chặn lại đồng thời khiến ráy tai không thể bong ra ngoài. Nếu trẻ đeo máy trợ thính hoặc nút tai vài giờ trong một ngày, thì bé có thể có nguy cơ bị ráy tai cứng
  • Bài tiết ráy tai dư thừa:Một số trẻ em mắc phải tình trạng bài tiết ráy tai dư thừa. Điều này có thể gây ra sự tích tụ sáp nhiều hơn và dẫn đến sự hình thành của nút ráy tai. Sự tiết dịch ráy tai có vẻ như là một chuyện nhỏ, nhưng đôi khi trẻ nhỏ có thể gặp một vài vấn đề với việc này.
Lấy ráy tai cho bé
Sự tích tụ ráy tai ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây nên

4. Ráy tai tích tụ lâu ngày gây ra vấn đề gì?

Ráy tai bị tích tụ lâu ngày trong tai có thể dẫn đến một số vấn đề sau:

  • Trẻ sẽ xoa hoặc kéo tai nhiều hơn bình thường
  • Để thông báo với người lớn rằng có điều gì đó không ổn, trẻ có thể chỉ vào tai . Ráy tai có thể trở nên cứng lại và khiến trẻ có cảm giác có thứ gì đó bị mắc kẹt bên trong ống tai
  • Ráy tai có thể khiến ống tai bị tắc nghẽn và thính giác bị ảnh hưởng
  • Nếu sự tích tụ ráy tai trở nên nghiêm trọng, các mẹ có thể thấy một chút sáp cứng dính ở ống tai của trẻ
  • Các dấu hiệu nghiêm trọng của tích tụ ráy tai bao gồm đau, quấy khóc và đôi khi là chóng mặt.

Bạn cần đưa trẻ đến ngay bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Ráy tai tích tụ quá mức có thể làm tăng áp lực lên màng nhĩ, gây ra các biến chứng nặng hơn.

5. Làm thế nào để phân biệt các vấn đề do tích tụ ráy tai gây ra hay do nhiễm trùng tai?

Trẻ bị nhiễm trùng tai sẽ có các biểu hiện tương tự như tích tụ ráy tai. Tuy nhiên, nhiễm trùng tai sẽ gây ra các triệu chứng khác như sốt, chảy dịch từ tai, đau tai, kém ăn và quấy khóc không rõ nguyên nhân. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng tai, ráy tai cũng có mùi khó chịu.

Nếu mẹ kiểm tra ống tai của trẻ và thấy ráy tai có màu nâu vàng thì đó là màu tự nhiên của sáp. Nếu ráy tai của trẻ đỏ, ẩm ướt, tiết dịch màu vàng, thì rất có thể đây chính là những dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng tai.

Cần lưu ý rằng ống tai có thể tự làm sạch ráy tai dư thừa mà không cần phải làm gì để can thiệp loại bỏ ráy tai.

6. Cách lấy ráy tai cho trẻ

Không nên loại bỏ ráy tai nếu nó không gây ra các triệu chứng và không ngăn cản bác sĩ nhi khoa khám tai cho con bạn. Nếu bạn định làm sạch tai cho con mình, hãy dùng khăn mềm để lau sạch ráy tai bám vào phần ngoài của tai.

Không cho bất cứ thứ gì vào tai, không sử dụng tăm bông để đưa vào ống tai trẻ với mục đích loại bỏ ráy tai bởi điều này có thể khiến ráy tai vào sâu hơn. Ngoài ra, điều này còn khiến trẻ có nguy cơ bị rách màng nhĩ và tình trạng tích tụ ráy tai càng trở nên tồi tệ hơn vì ráy tai bị đẩy vào sâu hơn bên trong ống tai.

Nếu có ráy tai bên tai ngoài của trẻ, bạn có thể lau sạch bằng tăm bông hoặc tốt hơn nên dùng khăn ướt. Nếu trẻ có nhiều ráy tai tích tụ bên trong tai, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được xem xét kỹ hơn. Để loại bỏ ráy tai tích tụ quá mức ở trẻ, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp sau đây:

  • Thuốc nhỏ tai: để làm mềm ráy tai và làm cho nó tự bong ra, thuốc nhỏ tai nên được sử dụng ít nhất một lần một ngày. Lượng thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tích tụ ráy tai. Mẹ hãy đặt trẻ nằm xuống, xoay phía tai cần nhỏ thuốc lên trên và nhẹ nhàng nhỏ vài giọt thuốc vào tai.

Giữ tư thế nằm trong vài phút trước khi cho bé ngồi dậy. Tuyệt đối không bao giờ dùng ngón tay hoặc bông tăm để lấy ráy tai ra ngoài. Ráy tai sẽ tự bong ra sau khi được làm mềm. Thuốc làm mềm ráy tai thường có sẵn tại các hiệu thuốc và không cần kê đơn nhưng bác sĩ khuyến cáo không sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 6 tuổi trừ khi được bác sĩ kê đơn hoặc khuyên dùng.

  • Lấy ráy tai bằng phương pháp thủ công: Nếu ráy tai quá cứng, mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Các bác sĩ chuyên khoa có một bộ dụng cụ chuyên dụng để lấy ráy tai thủ công một cách an toàn. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ phải bế bé vì trẻ thường sẽ không chịu nằm yên hoặc nếu ráy tai quá cứng có thể gây đau đớn cho trẻ, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc gây mê hoặc gây tê. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng ống tai, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh sau thủ thuật loại bỏ ráy tai.
Lấy ráy tai cho bé
Lấy ráy tai cho trẻ

7. Làm gì để ngăn ngừa tích tụ ráy tai?

Ráy tai trở nên dày hơn với những người bị mất nước, vì vậy hãy đảm bảo rằng con bạn được uống nhiều nước.

Ngoài ra, để ngăn ngừa các vấn đề ráy tai ở trẻ. Mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Không sử dụng tăm bông để làm sạch ráy tai
  • Không nên lấy ráy tai bằng ngón tay hoặc các dụng cụ khác
  • Tháo máy trợ thính sau một thời gian sử dụng
  • Kiểm tra tai bé thường xuyên

Hàng ngày sau khi tắm, mẹ nên kiểm tra tai bé. Mẹ sẽ phát hiện các dấu hiệu sớm của tích tụ ráy tai quá mức.

Nếu tai bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra và chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan