Trẻ bị tiêu chảy uống nước gừng được không?

Gừng không chỉ là một loại gia vị thông dụng trong các món ăn mà còn được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền với nhiều dạng khác nhau như sinh khương (gừng tươi), can khương (gừng khô), bào khương (vỏ gừng). Gừng thường đóng vai trò quan trọng trong các bài thuốc chữa tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy vậy bài thuốc này có hiệu quả với trẻ em không?

1. Công dụng của gừng

Gừng có tên khoa học là Zingiberaceae có thành phần gồm 2-3% tinh dầu, chất nhựa (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và chất cay,... Các thành phần trong gừng có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, giảm ho, chống viêm, chống co thắt, chống nôn, chống loét và tăng kiện vận trong đường tiêu hóa, ức chế thần kinh trung ương và có hoạt tính miễn dịch. Công dụng của từng vị thuốc từ gừng cụ thể như sau:

  • Sinh khương (gừng tươi): Vị cay, tính hơi ôn vào các kinh phế tỳ và vị có tác dụng điều vị, tán hàn, giải biểu, ôn phế chỉ khái, ôn trung chỉ tả, giải độc và còn dùng làm gia vị, khai vị, hỗ trợ tiêu hóa. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong hàn, đau bụng tiêu chảy, nôn ói do ngộ độc tôm cua cá, ngộ độc nam tinh.
  • Nước ép gừng tươi: Giúp tiêu đờm, chữa trúng phong mê man, kéo đờm cấm khẩu không nói được, thường được kết hợp với trúc lịch.
  • Gừng tươi bọc giấy bản, lùi vào đống tro nóng cho chín thường dùng làm ấm bụng, trừ hàn, có thể trị giun do lạnh dạ dày.
  • Gừng làm thuốc giải độc nam tinh và bán hạ (bán hạ úy sinh khương) dùng bằng cách đập giập hoặc thái lát

2. Trẻ bị tiêu chảy uống nước gừng được không?

Gừng là vị thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe đặc biệt là đối với người bệnh bị tiêu chảy cấp với các đặc tính sau:

  • Gingerol và shogaol trong gừng là những hợp chất có hoạt tính giảm đau và viêm.
  • Gừng cung cấp enzyme kích thích giải phòng dịch vị dạ dày cần thiết để tiêu hóa thức ăn.
  • Gừng làm nhu động của ruột chuyển động chậm hơn, co phép chất thải di chuyển qua hệ tiêu hóa với tốc độ bình thường từ đó cải thiện tình trạng tiêu chảy cấp (phân lỏng).
  • Gừng thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru, giảm sự trì trệ thực phẩm
  • Gừng giải độc và bảo vệ hệ tiêu hóa bằng tác dụng tiêu diệt một số vi trùng gây tiêu chảy cấp.
  • Gừng làm giảm khí do quá trình lên men của vi khuẩn đường ruột và tránh co thắt dạ dày, ruột.

Do đó gừng có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị trẻ em bị tiêu chảy và sốt do vi khuẩn gây ra, cho trẻ em bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày uống nước gừng đã cho thấy có kết quả tốt.

3. Các phương pháp trị tiêu chảy bằng gừng

Một số phương pháp sử dụng gừng để điều trị tiêu chảy cấp tại nhà:

Nước ép gừng:

  • Rửa sạch một củ gừng tươi, gọt vỏ, cắt thành từng lát rồi ép gừng lấy nước uống. Nên uống 2 muỗng canh nước ép gừng mỗi ngày để loại bỏ nhanh triệu chứng tiêu chảy và các triệu chứng kèm theo như đau bụng, buồn nôn
  • Thêm nước ép gừng vào nước ấm hoặc trà để uống
  • Nếu không dùng gừng tươi có thể dùng 2 muỗng bột gừng và ít muối biển vào 1 ly nước ấm, khuấy đều và uống mỗi ngày cho đến khi hết tiêu chảy
  • Có thể khuấy đều 1 muỗng cà phê gừng bóc vỏ hoặc băm nhỏ cho vào nước trái cây xoài tươi. Uống hàng ngày đến khi hết tiêu chảy.

Gừng và mật ong:

  • Mật ong có tác dụng giảm các kích thích ruột, chống viêm và kháng khuẩn nên khi phối hợp với gừng có thể ngăn chặn các rối loạn tiêu hoá hiệu quả
  • Cách dùng: rễ gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ, nghiền lấy nước, thêm 1 thìa cà phê mật ong vào khuấy đều. Khi uống hỗn hợp này có thể giúp ngăn ngừa tiêu chảy cấp, cải thiện tiêu hoá. Tuy nhiên cần tránh uống nước sau khi uống hỗn hợp này.
  • Ngoài ra có thể trộn đều 1 thìa cà phê bột gừng khô, bột quế, mật ong thành hỗn hợp nhão ăn 3 lần/ ngày hoặc thêm 1 thìa cà phê mật ong và 1/2 thìa cà phê nước ép gừng tươi và 1⁄2 ly nước ép bạc hà uống 3 lần/ ngày cho đến khi hết tiêu chảy cấp

Trà gừng:

  • Là thức uống được coi như cứu tinh cho các vấn đề rối loạn tiêu hoá như khó chịu dạ dày, khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn
  • Cách dùng: gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ, nghiền nát sau đó cho vào nước đun sôi trong 4 - 5 phút. Nên hãm lại 10 phút để tính dầu trong gừng giải phóng hết vào nước rồi thưởng thức 3 lần mỗi ngày để chữa tiêu chảy cấp

Gừng và nước dừa:

  • Nước dừa chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp bổ sung thêm cho người bị tiêu chảy cấp nước và điện giải bị hao hụt
  • Có thể phối hợp nước dừa với gừng để tăng lợi ích trong điều trị tiêu chảy bằng cách thêm nước ép gừng tươi vào cốc dừa, uống 2-3 lần mỗi ngày

Gừng, muối đen và chanh:

  • Chanh có tính axit và kháng khuẩn có thể chống tiêu chảy do vi khuẩn gây ra, ngoài ra còn giúp giảm đau bụng.
  • Muối đen có tác dụng bù điện giải và khoáng chất thiết yếu bị mất do tiêu chảy cấp, giúp hồi phục nhanh hơn sau tiêu chảy
  • Sự kết hợp giữa gừng, muối đen và chanh là cách điều trị tiêu chảy hiệu quả. Chỉ cần chuẩn bị 1 ly nước ấm thêm nước cốt chanh, nước ép gừng tươi với lượng bằng nhau vào. Sau đó thêm 1 chút muối đen và khuấy đều. Uống 3-4 ly mỗi ngày cho đến khi tình trạng tiêu chảy biến mất

4. Ai không nên uống nước gừng?

Khi dùng gừng hay bất kỳ vị thuốc nào cũng cần lưu ý nguyên tắc “hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”, tức hàn gặp hàn sẽ dẫn đến tử vong, nhiệt gặp nhiệt sẽ dẫn đến phát cuồng. Do đó, vị thuốc gừng có tính ấm không nên dùng cho các bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp hoặc có cơ địa mang tính nhiệt. Ngoài ra, một số đối tượng không nên sử dụng gừng gồm có:

  • Bệnh nhân cảm mạo, phong nhiệt hoặc bị trúng nắng.
  • Người có cơ địa nhiệt táo, âm hư hỏa vượng, nhiệt trong, mắc các bệnh mụn nhọt, viêm dạ dày, viêm gan, cao huyết áp, bệnh tim mạch thời kỳ tiến triển.
  • Phụ nữ mang thai cần tránh lạm dụng gừng vì tiêu thụ nhiều gừng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết tử cung trong thai kỳ.
  • Uống quá 5 ly nước gừng một ngày có thể gây đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, ợ nóng, tim đập nhanh, mất ngủ.
  • Trước phẫu thuật gây mê càng tránh dùng trà gừng vì có thể gây phản ứng với thuốc mê dẫn đến hậu quả đáng tiếc .
  • Buổi tối cũng không nên ăn gừng nhiều vì âm khí buổi tối thịnh, dùng gừng làm đảo ngược lại sinh lý âm dương cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan