Vấn đề sức khỏe trẻ sinh non có thể gặp phải

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Trẻ sinh non có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng hơn so với trẻ sinh đủ tháng như nhiễm khuẩn ở trẻ sinh non, viêm phổi... Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn về một số biến chứng mà trẻ sinh trước 32 đến 34 tuần có thể gặp phải, từ nhẹ đến nặng.

Thiếu máu

Trẻ sinh non thường bị thiếu máu, có nghĩa là trẻ không có đủ hồng cầu trong cơ thể. Thông thường, trẻ dự trữ sắt trong những tháng cuối của thai kỳ và sử dụng sắt vào cuối thai kỳ và sau khi sinh để tạo hồng cầu. Do trẻ sơ sinh sinh ra quá sớm nên có thể không có đủ thời gian để tạo nguồn cung cấp sắt để tạo ra hồng cầu.

Trẻ bị thiếu máu có xu hướng phát triển các vấn đề về bú và chậm lớn hơn. Thiếu máu cũng có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ vấn đề nào về tim hoặc hô hấp mà trẻ gặp phải. Trẻ thiếu máu có thể được điều trị bằng thuốc bổ sung sắt, thuốc tăng sản xuất hồng cầu hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ cần phải truyền máu.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh non
Trẻ sinh non thường bị thiếu máu, có nghĩa là trẻ không có đủ hồng cầu trong cơ thể

Ngưng thở

Trẻ sinh non đôi khi ngừng thở trong 15 giây hoặc hơn. Sự gián đoạn hơi thở này được gọi là ngưng thở và nó có thể đi kèm với nhịp tim chậm.

Trẻ sinh non được theo dõi ngưng thở liên tục. Nếu trẻ ngừng thở, điều dưỡng sẽ kích thích trẻ bắt đầu thở bằng cách búng nhẹ hoặc chạm vào lòng bàn chân của trẻ.

Bệnh phổi mãn tính

Bệnh phổi mãn tính hay loạn sản phổi phế quản ( bronchopulmonary dysplasia – BPD), thường ảnh hưởng nhất đến trẻ sinh non cần được điều trị liên tục bằng oxy bổ sung. Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc loạn sản phổi phế quản bao gồm những trẻ đã có hội chứng suy hô hấp cấp (RDS và trẻ cần điều trị lâu dài với thiết bị thở và oxy.

Những trẻ này có chất lỏng trong phổi, sẹo và tổn thương phổi, có thể nhìn thấy trên phim chụp X-quang. Trẻ sơ sinh mắc loạn sản phổi phế quản sẽ được điều trị bằng thuốc giúp thở dễ dàng hơn và từ từ cai máy thở.

Phổi của những trẻ này thường cải thiện trong hai năm đầu đời. Tuy nhiên, nhiều trẻ sẽ phát triển bệnh phổi mãn tính giống như hen suyễn.

Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng thường thấy ở trẻ sinh non bao gồm viêm phổi (nhiễm trùng phổi), nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu) và viêm màng não (nhiễm trùng các màng bao quanh não và tủy sống).

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm những bệnh này từ mẹ lúc sinh hoặc có thể bị nhiễm sau khi sinh. Các bệnh lý nhiễm trùng thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng vi-rút.

Chảy máu não thất (IVH)

Chảy máu não thất (IVH) hay chảy máu trong não xảy ra ở một số trẻ sinh non, với những trẻ nhỏ nhất (nặng khoảng 3 pound trở xuống) có nguy cơ cao nhất. Chảy máu thường xảy ra trong ba ngày đầu sau sinh và thường được chẩn đoán khi khám siêu âm.

Hầu hết chảy máu não là nhẹ và tự khỏi mà không có hoặc ít vấn đề kéo dài. Chảy máu nghiêm trọng hơn có thể làm cho các mô não ở não thất giãn nở nhanh chóng, gây áp lực lên não có thể dẫn đến bại não cũng như các vấn đề về học tập và hành vi.

Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ phẫu thuật có thể đưa một ống vào não để dẫn lưu chất lỏng và giảm nguy cơ tổn thương não. Trong những trường hợp nhẹ hơn, thuốc đôi khi có thể làm giảm sự tích tụ chất lỏng.

Vàng da

Lý do gây vàng da sơ sinh kéo dài
Trẻ sinh non có nhiều khả năng bị vàng da hơn trẻ sinh đủ tháng

Trẻ sinh non có nhiều khả năng bị vàng da hơn trẻ sinh đủ tháng vì gan của trẻ còn quá non nớt để loại bỏ chất bilirubin ra khỏi máu.

Ngoài ra, trẻ sinh non có thể nhạy cảm hơn với các tác động xấu của bilirubin dư thừa. Trẻ sơ sinh bị vàng da có màu vàng ở da và mắt. Vàng da thường nhẹ và thường không có hại. Tuy nhiên, nếu mức bilirubin quá cao, nó có thể gây tổn thương não.

Bệnh lý này có thể ngăn ngừa được vì xét nghiệm máu có thể cho thấy mức bilirubin quá cao, vì vậy trẻ có thể được điều trị bằng chiếu một loại đèn đặc biệt giúp cơ thể loại bỏ bilirubin. Đôi khi, một số trường hợp có thể cần được truyền máu.

Viêm ruột hoại tử sơ sinh (NEC)

Một số trẻ sinh non phát triển vấn đề đường ruột tiềm ẩn nguy hiểm này từ hai đến ba tuần sau khi sinh. Ruột có thể bị tổn thương khi nguồn cung cấp máu giảm. Vi khuẩn thường có trong ruột xâm nhập vào khu vực bị tổn thương, gây tổn thương nhiều hơn, có thể khiến trẻ khó bú, sưng bụng và các biến chứng khác.

Viêm ruột hoại tử sơ sinh (NEC) có thể được chẩn đoán bằng các kỹ thuật chẩn đoán, chẳng hạn như chụp X-quang và xét nghiệm máu. Trẻ sơ sinh mắc bệnh này sẽ được điều trị bằng kháng sinh và được nuôi dưỡng qua tĩnh mạch trong khi chờ cho ruột lành lại. Trong một số trường hợp, trẻ sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ các đoạn ruột bị hư hỏng.

Trẻ sinh non rất dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh
Một số trẻ sinh non phát triển vấn đề viêm ruột hoại tử sơ sinh từ hai đến ba tuần sau khi sinh

Còn ống động mạch (PDA)

Còn ống động mạch (PDA) là vấn đề về tim thường gặp ở trẻ sinh non. Trước khi sinh, một động mạch lớn gọi là ống động mạch cho phép máu đi qua phổi vì thai nhi lấy oxy qua nhau thai.

Ống này thông thường đóng lại ngay sau khi sinh để máu có thể đi đến phổi và lấy oxy. Khi ống dẫn này không đóng lại đúng cách, nó có thể dẫn đến suy tim.

Còn ống động mạch có thể được chẩn đoán bằng hình thức siêu âm chuyên biệt (siêu âm tim) hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Trẻ sơ sinh còn ống động mạch được điều trị bằng một loại thuốc giúp đóng ống này lại, mặc dù trẻ có thể cần phẫu thuật nếu thuốc không có tác dụng.

Hội chứng nguy kịch hô hấp trẻ sơ sinh (RDS)

Trẻ sinh trước 34 tuần của thai kỳ thường gặp phải các vấn đề hô hấp nghiêm trọng, trong đó có hội chứng nguy kịch hô hấp trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do trẻ mắc hội chứng này thiếu một loại protein được gọi là chất hoạt động bề mặt có tác dụng giữ cho các túi khí nhỏ trong phổi không bị xẹp.

Điều trị bằng chất hoạt động bề mặt giúp trẻ sơ sinh mắc bệnh này thở dễ dàng hơn. Kể từ khi điều trị bằng surfactant được áp dụng vào năm 1990, tử vong do RDS đã giảm khoảng một nửa.

Bác sĩ có thể nghi ngờ em bé bị RDS nếu bé khó thở. Chụp X-quang phổi và xét nghiệm máu thường giúp xác định chẩn đoán. Cùng với việc điều trị bằng surfactant, trẻ sơ sinh bị RDS có thể cần thêm oxy và hỗ trợ thở bằng máy để giữ cho phổi của trẻ được căng phồng, tránh bị xẹp.

Trẻ cũng có thể được điều trị bằng một phương pháp được gọi là thở áp lực dương liên tục (CPAP- Continuous Positive Airway Pressure). Kỹ thuật này cung cấp không khí có áp suất đến phổi của trẻ. Không khí có thể được đưa vào thông qua các ống nhỏ ở mũi hoặc khí quản của trẻ.

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non ( ROP)

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP) là sự phát triển bất thường của các mạch máu trong mắt có thể dẫn đến mất thị lực. Bệnh lý này xảy ra chủ yếu ở trẻ sinh trước 30 tuần tuổi. ROP được chẩn đoán trong khi trẻ được khám bởi bác sĩ nhãn khoa.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh lý này đều nhẹ và tự lành với ít hoặc không mất thị lực. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ nhãn khoa có thể điều trị các mạch bất thường bằng tia laser hoặc bằng cách đông lạnh chúng (phương pháp áp lạnh) để bảo vệ võng mạc và bảo tồn thị lực.

Bác sĩ khoa Nhi sơ sinh
Các bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan