Vì sao trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân là hiện tượng thường gặp. Nguyên nhân có thể là do hệ thần kinh điều khiển việc tiết mồ hôi làm việc chưa hoàn thiện hoặc bé bị thiếu canxi, thiếu vitamin D, thiếu kẽm,...

1. Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi nhiều - hiện tượng thường gặp

Tình trạng đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh là rất phổ biến, đặc biệt là hiện tượng đổ mồ hôi trộm. Đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh là hiện tượng cơ thể trẻ bị ra mồ hôi mà không liên quan tới yếu tố thời tiết, chỉ xảy ra khi trẻ ngủ (thường vào ban đêm). Tỷ lệ trẻ bị đổ mồ hôi trộm nhiều hơn người lớn.

Mồ hôi gồm các thành phần là nước, muối và các chất cặn bã. Trong đó, nước chiếm tới hơn 90%. Vì vậy, nếu thường xuyên gặp tình trạng đổ mồ hôi thì cơ thể trẻ sẽ bị mất đi lượng lớn nước và muối, có thể dẫn tới mệt mỏi và suy kiệt.

Có 2 loại mồ hôi trộm:

  • Mồ hôi trộm sinh lý: Ở trẻ, quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh hơn so với người lớn nên hiện tượng đổ mồ hôi là cách để cơ thể bé tỏa nhiệt. Trong trường hợp này thì mồ hôi trộm không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé;
  • Mồ hôi trộm bệnh lý: Tình trạng này hay gặp ở những trẻ bị còi xương. Dấu hiệu nhận biết là bé bị đổ mồ hôi nhiều nhưng không phải do thời tiết, môi trường, đặc biệt là đổ mồ hôi rất nhiều khi bú mẹ, sau khi ngủ. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện ăn uống kém, đầu xương to, ngực nhô,... Những vị trí thường xuất hiện nhiều mồ hôi trộm là lưng, trán, nách, bàn tay, bàn chân trẻ.

2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân

Với trẻ sơ sinh, hiện tượng đổ mồ hôi tay chân nhiều có thể là do hệ thần kinh điều khiển tiết mồ hôi vẫn chưa hoàn thiện. Trong trường hợp này, nếu trẻ vẫn bú tốt, lên cân tốt thì cha mẹ không cần lo lắng vì khi bé lớn hơn sẽ tự khỏi. Cũng có trường hợp vẫn bị đổ mồ hôi tay chân nhiều tới khi lớn lên. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt hạch thần kinh điều khiển việc bài tiết mồ hôi.

Ngoài ra, hiện tượng đổ mồ hôi tay chân ở trẻ sơ sinh còn có thể do các nguyên nhân như:

  • Thiếu vitamin D: Ở trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi xương phát triển mạnh, nếu bị thiếu vitamin D thì trẻ dễ bị đổ mồ hôi nhiều. Đặc biệt, một số trẻ sinh non, bị nhẹ cân, còi xương, mắc bệnh nhiễm khuẩn hoặc rối loạn tiêu hóa thì dễ bị thiếu vitamin D và đổ mồ hôi trộm;
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Trẻ sinh non có thể gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ. Hiện tượng này có thể kéo dài khoảng 20 giây, biểu hiện là da bé tái nhợt, thở khò khè, cơ thể tiết nhiều mồ hôi;
  • Chứng tăng tiết mồ hôi: Hội chứng tăng tiết mồ hôi có thể gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện bàn tay và bàn chân bị ra mồ hôi nhiều dù ở trong không gian mát mẻ, thoáng đãng;
  • Mắc bệnh tim bẩm sinh: Nếu hiện tượng đổ mồ hôi ở trẻ không chỉ xảy ra trong khi ngủ mà còn xuất hiện khi bé tham gia các hoạt động khác thì có thể bắt nguồn từ nguyên nhân trẻ mắc bệnh tim mạch;
  • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS: Nếu bé ngủ trong không gian quá nóng bức, ngột ngạt, phòng ngủ quá bí thì trẻ có thể ngủ li bì, ra mồ hôi nhiều, có thể ngừng thở - hội chứng đột tử SIDS;

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: Trẻ bị thiếu canxi, thiếu kẽm, bị rối loạn hệ thần kinh thực vật hoặc cường giao cảm.

trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân có thể do chứng ngưng thở khi ngủ

3. Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân

Khi chân, tay bé bị đổ mồ hôi, cha mẹ có thể lấy khăn mềm lau cho bé rồi massage nhẹ nhàng tay chân bé một lúc để bé cảm thấy ấm hơn. Để khắc phục tình trạng đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Bổ sung vitamin D: Có nhiều cách giúp bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh. Đó là cha mẹ có thể cho bé tắm nắng vào buổi sáng (6 - 9 giờ vào mùa hè, 9 - 10 giờ vào mùa đông). Chỉ nên cho da của bé tiếp xúc với ánh sáng, không để đôi mắt của trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
  • Để bé luôn mát mẻ: Nên tạo không gian sống rộng rãi, thoáng mát, phòng ngủ của bé không bị bí bách, ngột ngạt. Đồng thời, cha mẹ cần vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho bé;
  • Chú ý tới chế độ dinh dưỡng: Mẹ cho con bú hoặc trẻ đang ăn dặm nên ăn các loại rau, củ, quả có tính mát như cam, bí đao, rau má, cải ngọt,... và nên hạn chế các loại thực phẩm nóng, nhiều dầu mỡ để tránh ra nhiều mồ hôi. Đồng thời, cha mẹ nên cho bé ăn thêm trái cây tươi hoặc nước ép trái cây để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin ở trẻ.

Nếu áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả hoặc trẻ sơ sinh đổ mồ hôi tay chân kéo dài kèm theo một số biểu hiện nghiêm trọng như sốt, chậm mọc răng, chậm biết đi, thóp đầu chậm liền,... thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu đổ mồ hôi tay chân nhiều, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

207.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan