Viêm VA ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm VA là bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm VA ở trẻ em có thể gây biến chứng lên các cơ quan khác, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.

1. Viêm VA là gì?

VA là từ viết tắt tiếng Pháp (Végétations Adénoides) để chỉ tổ chức gồm nhiều tế bào bạch cầu (lympho) nằm ở vòm họng. Khi chúng ta hít thở không khí sẽ đi vào cơ thể từ mũi, qua VA rồi mới vào phổi. Bình thường độ dày của VA khoảng 4-5mm, không cản trở đường thở.

Viêm VA là bệnh thường gặp trong tai mũi họng. Khi VA viêm và sưng thành khối to (gọi là sùi vòm họng) thì sẽ cản trở quá trình hít thở không khí nói trên. VA phát triển đến 6 tuổi thì hết, cá biệt có trường hợp người lớn vẫn phát triển.

trẻ viêm VA
Hình ảnh VA bị viêm và sưng, cản trở quá trình hô hấp

2. Triệu chứng của viêm VA ở trẻ em

Trẻ bị viêm VA thường có các biểu hiện sau:

Sốt cao 39 – 40 độ, đôi khi gây ra co giật.

Nghẹt mũi: Bệnh nhân không thở được bằng mũi do VA lớn che kín cửa mũi sau.

Ngủ ngáy: Thường há mồm thở, hẹp đường thở, ngủ ngáy.

Chảy mũi: Lúc đầu chảy mũi trong sau đó chảy mũi có màu trắng, vàng, tanh, thường xuyên chảy nước mũi.

Tiêu chảy/Chán ăn: Do trẻ nuốt đàm, dịch, mủ từ VA chảy xuống bụng khi viêm VA thường kèm theo khó tiêu, hay bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, đầy hơi, nên chán ăn.

Trẻ quấy khóc, giấc ngủ chập chờn không sâu: Trẻ bị nghẹt mũi, khó thở nên ngủ chập chờn, hay giật mình và quấy khóc về đêm.

Biến chứng bộ mặt sùi vòm: Viêm VA kéo dài sẽ dẫn đến răng hô, trán dô, răng mọc không đều.

3. Biến chứng của viêm VA ở trẻ em

Khi viêm VA kéo dài, thể tích của VA sẽ tăng lên gây hẹp cửa mũi sau. Từ đó, làm giảm lượng không khí ra vào phổi, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho não. Lượng dịch tiết ở mũi đọng lại ngày càng nhiều, chảy ra phía trước, khiến trẻ nghẹt mũi, lờ đờ, ngủ không ngon giấc, dẫn đến mệt mỏi, học hành khó tiếp thu.

Ở môi trường ẩm, vi khuẩn cộng sinh trong hốc mũi sẽ trở thành vi khuẩn gây bệnh. Nước mũi từ trong trở thành nước mũi đục, rồi nước mũi màu trắng, màu xanh hay màu vàng.

Biến chứng của viêm VA gây bít tắc lỗ thông khí vào tai giữa, gây viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mủ, thủng nhĩ....Nếu không điều trị sẽ dẫn đến giảm khả năng nghe.

Viêm VA có thể dẫn đến các biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa cấp, viêm thanh quản, viêm khí quản và viêm phế quản. Nếu kéo dài, trẻ phải thở bằng miệng, mũi ít được sử dụng nên qua nhiều năm chóp mũi trở nên nhỏ hơn, xương hàm trên phát triển kém, răng hàm trên mọc lởm chởm, cằm nhô ra và to hơn. Đó là vẻ mặt đặc trưng của trẻ viêm VA người ta gọi là bộ mặt sùi vòm hay bộ mặt VA.

4. Điều trị viêm VA ở trẻ em thế nào?

Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ bị viêm VA. Do không khí lưu thông bằng đường mũi bị cản trở, não bộ luôn thiếu oxy, bệnh nhân sẽ có nhiều biến chứng. Ở trẻ em, có thể bị kém phát triển thể chất đến cả kém phát triển về trí tuệ.

Khi điều trị viêm VA, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Kháng sinh không phải là loại thuốc chữa bách bệnh.

Khi trẻ sốt cao mà chưa kịp đưa trẻ đi khám bệnh thì nên dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau cho trẻ. Cần lau cho trẻ ở nách, bẹn, cổ và đắp khăn ấm lên trán. Không dùng nước lạnh hoặc nước đá để chườm hoặc đắp lên trán cho trẻ bởi vì làm như vậy sẽ cản trở sự thoát nhiệt của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38 độ, có thể hạ nhiệt bằng cách cho uống hoặc đặt hậu môn (viên đạn) thuốc paracetamol với liều lượng theo cân nặng của trẻ.

Bác sĩ thường áp dụng hai phương pháp điều trị viêm VA cho trẻ là nội khoa và ngoại khoa.

  • Điều trị nội khoa: Giữ vệ sinh mũi và họng, nhỏ mũi và súc miệng bằng nước muối loãng khi đi ngoài về hoặc sau khi ăn, sau đó kết hợp sử dụng kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị ngoại khoa: Nạo VA

Tóm lại, viêm VA có thể dẫn đến các biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa cấp, viêm thanh quản, viêm khí quản và viêm phế quản. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu viêm VA, phụ huynh nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan