Thay đổi nội tiết tố sau sinh: Điều gì sẽ xảy ra?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Tạ Quốc Bản - Bác sĩ Sản Phụ khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Thay đổi nội tiết tố sau sinh xảy ra ngay sau khi em bé ra đời với tốc độ nhanh như khi bắt đầu có thai. Nồng độ nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ có những thay đổi lớn trong vài giờ đầu đến nhiều ngày sau sinh.

1. Tổng quan về rối loạn nội tiết tố sau sinh

Trong đa số trường hợp, khi que thử thai nhanh cho kết quả dương tính với hai vạch đậm, nồng độ hóc môn của người phụ nữ đã bắt đầu có những thay đổi. Progesterone và hCG bắt đầu truyền tín hiệu và gây ra đáp ứng không hành kinh cho chu kỳ kinh tiếp theo. Như nhiều người đã biết, khi hai hóc môn này bắt đầu xuất hiện và tăng nồng độ trong máu, cơ thể sẽ có các biểu hiện cho thấy một sự thay đổi lớn xuất hiện ở những tháng đầu tiên của thai kỳ như nôn mửa, mệt mỏi và cương tức vú.

Trong khi mang thai, cơ thể sản xuất ra lượng lớn hóc môn estrogen và progesterone. Hai hóc môn steroid này là chìa khóa để tạo ra dopamine và serotonin, hai chất dẫn truyền thần kinh trong não giúp người phụ nữ cảm thấy vui vẻ và thư thái. Điều này giải thích cho cảm giác tuyệt vời mà người phụ nữ có được khi biết tin mình mang thai.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra với các nội tiết tố này sau khi em bé ra đời. Một điều không may là ngay tại thời điểm sau sinh và nhiều tuần sau đó, nồng độ estrogen và progesterone sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nồng độ prolactin và oxytocin sẽ tăng nhanh trong thời kỳ hậu sản.

Sự rối loạn nội tiết tố sau sinh đáng kể này được cho là nguyên nhân gây ra những thay đổi về mặt tâm lý và cảm xúc của người phụ nữ. Vì thế, cần có cái nhìn cận cảnh hơn về những kiến thức liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố sau sinh để biết rằng cảm xúc thất thường mà những người mẹ trẻ gặp phải là các vấn đề hết sức bình thường.

2. Nội tiết tố sau sinh thay đổi như thế nào trong những ngày đầu?

Khoảnh khắc một em bé được sinh ra đời luôn là mốc thời gian đáng nhớ nhất của những người phụ nữ. Quá trình chuyển dạ kéo dài bao lâu không thực sự quan trọng và nó không ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc khi được nhìn thấy con lần đầu tiên. Tuy nhiên, sự thay đổi nội tiết tố sau sinh sẽ ngay lập tức diễn ra trong những ngày tiếp theo. Các đặc điểm của sự rối loạn nội tiết tố sau sinh trong những ngày đầu bao gồm:

  • Sụt giảm nồng độ progesterone và estrogen ngay sau khi trẻ ra đời và bánh nhau được lấy ra.
  • Đỉnh oxytocin xuất hiện ngay lập tức sau sinh để bù trừ cho sự sụt giảm nồng độ estrogen và progesterone. Hóc môn có liên quan để cảm xúc và bản năng làm mẹ của người phụ nữ.
  • Prolactin tăng nhanh để kích thích sự sản xuất sữa.

3. Nội tiết tố ở tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 sau sinh

Sau những tuần đầu tiên, người phụ nữ có thể bắt đầu cảm nhận được rằng cảm xúc của bản thân dần ổn định hơn. Người mẹ dần làm quen được với việc chăm sóc trẻ và không còn phàn nàn về việc mất ngủ. Nhiều chuyên gia cho rằng ba tháng đầu tiên sau sinh là một khoảng thời gian đặc trưng bởi việc mất ngủ và cảm xúc bất định do cơ thể tiết nhiều adrenalin.

Đến khoảng 6 tuần sau sinh, các biểu hiện của trầm cảm sau sinh có thể bắt đầu xuất hiện do nồng độ của những nội tiết tố bắt đầu thay đổi. Những sự thay đổi mà người phụ nữ có thể gặp phải là không muốn tắm hoặc tập trung vào việc vệ sinh, sợ để trẻ bên cạnh người khác, không thể ngủ đủ giấc do phải liên tục chăm sóc bé, và thiếu cảm giác thèm ăn uống, không có nhu cầu rời khỏi nhà và tiếp xúc với người khác.

Có thể phòng ngừa trầm cảm sau sinh? (Phần 2)
Đến khoảng 6 tuần sau sinh, các biểu hiện của trầm cảm sau sinh có thể bắt đầu xuất hiện

4. Nội tiết tố ở thời điểm 3 tháng sau sinh

Trong giai đoạn 3 tháng sau sinh, người mẹ đã dần hình thành được những thói quen mới trong cách sinh hoạt để phục vụ cho việc chăm sóc bé. Tuy nhiên, nồng độ hóc môn ở thời điểm này vẫn chưa được phục hồi lại bình thường như trước khi sinh. Khoảng từ 2 đến 3 tháng sau sinh, nồng độ hóc môn dần bắt đầu trờ về ngang mức với thời điểm trước khi có thai. Tuy nhiên, nồng độ cortisol vẫn tiếp tục tăng do gặp phải nhiều căng thẳng trong suốt quá trình chăm sóc bé. Sự thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc làm giảm nồng độ melatonin và serotonin. Những sự thay đổi nội tiết tố sau sinh này có thể ảnh hưởng không tốt về mặt tâm lý của người phụ nữ.

5. Nồng độ nội tiết tố ở thời điểm 6 tháng sau sinh

Sự rối loạn nội tiết tố sau sinh lớn nhất quan sát được ở thời điểm này là sự sụt giảm của nồng độ prolactin hay hóc môn tiết sữa. Hóc môn này luôn cần được tăng tiết trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ nhưng khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, nồng độ của nó sẽ sụt giảm. Thậm chí khi tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau thời điểm 6 tháng, nhu cầu về sữa của trẻ rất có thể sẽ vẫn được điều chỉnh khá tốt vào thời điểm này và sữa không còn được sản xuất nhiều như trước.

Nếu đang cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, thì những thay đổi về hormone sau sinh của những người phụ nữ này có thể hơi khác so với những người cho con bú sữa công thức lúc 6 tháng sau sinh. Theo Susan Loeb-Zeitlin, M.D., bác sĩ sản phụ khoa tại Weill Cornell Medicine và New York – Presbyterian Hospital, “Đối với phụ nữ đang cho con bú, nồng độ hormone bị ức chế lâu hơn (cho con bú càng nhiều thì thời gian ức chế càng lâu).

6. Khi nào nồng độ các nội tiết tố sẽ quay về bình thường?

Thông thường, nồng độ hóc môn của người phụ nữ sẽ quay trở lại mức bình thường vào thời điểm 6 tháng sau sinh. Khoảng thời gian này cũng thường khớp với chu kỳ kinh nguyệt đầu tiêu sau sinh. Nồng độ hóc môn estrogen và progesterone ở 6 tháng sau sinh sẽ quay trở về mức bình thường như khi chưa mang thai. Và chúng sẽ tiếp tục thay đổi một cách có chu kỳ và người phụ nữ sẽ bắt đầu có kinh nguyệt trở lại.

Phụ nữ
Thông thường, nồng độ hóc môn của người phụ nữ sẽ quay trở lại mức bình thường vào thời điểm 6 tháng sau sinh

7. Dấu hiệu nhận biết sự rối loạn nội tiết tố

Đôi khi, mang thai và sinh nở có thể gây ra sự thay đổi lớn về mặt nội tiết tố. Trong những trường hợp này, người phụ nữ cần được can thiệp để lấy lại được cân bằng. Một số dấu hiệu giúp nhận biết được sự mất cân bằng của các hóc môn sau sinh như:

  • Mệt mỏi và trầm cảm
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tăng cân

Một trong những sự rối loạn nội tiết tố sau sinh xảy ra phổ biến nhất ở tuyến giáp, chiếm khoảng 10% các trường hợp. Những vấn đề này thường sẽ tự hồi phục theo thời gian, tuy nhiên ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kê đơn thuốc để giúp điều chỉnh nội tiết tố.

Nếu sự rối loạn nội tiết tố xảy ra trước khi có thai, nó cũng có thể xuất hiện sau khi mang thai với tỷ lệ khá cao. Các nguyên nhân gây rối loạn hóc môn như hội chứng buồng trứng đa nang có nên được điều trị trước khi quyết định mang thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: parents.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan