Các bệnh lý chèn ép dây thần kinh khác ở chi dưới

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Bác sĩ Chuyên khoa Thần Kinh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Các bệnh lý một dây thần kinh có thể gây ra do chèn ép cục bộ, viêm, u dây thần kinh, chấn thương, hoặc các nguyên nhân khác. Chèn ép (hoặc bẫy) là nguyên nhân thường gặp nhất. Mặc dù các bệnh lý một dây thần kinh có thể cũng chồng lên một bệnh nền đa dây thần kinh, một khảo sát về các bệnh đa dây thần kinh sẽ là vượt quá nội dung của bài viết này.

Các bệnh một dây thần kinh do chèn ép đại diện cho một lý do thường gặp đến khám sức khỏe ban đầu hoặc khám thần kinh ngoại trú. Thể hay gặp nhất trong số này, hội chứng ống cổ tay, liên quan đến chèn ép mạn tính dây thần kinh giữa. Hội chứng ống cổ tay có thể gặp trong tới 42% công nhân trong một số nghề nghiệp nhất định (ví dụ: chế biến thịt gia cầm) và có một tỷ lệ mới mắc hàng năm là 193/100.000 ở tất cả phụ nữ. Tỷ lệ hiện mắc của nó ở Mỹ được ước tính là 50/1000 người, với chi phí 30.000 đô la Mỹ cho một bệnh nhân. U dây thần kinh Morton, bệnh thần kinh trụ, đau đùi dị cảm, và bệnh thần kinh quay là các bệnh một dây thần kinh ngoại biên khác thường gặp nhất.

Kiến thức về giải phẫu và chức năng dây thần kinh ngoại biên cho phép định khu trên lâm sàng và tiếp đó có thể định khu rõ hơn và khẳng định bằng thăm dò chẩn đoán điện và chẩn đoán hình ảnh dây thần kinh ngoại biên. Ở những bệnh nhân mắc bệnh một dây thần kinh, nguyên nhân, độ nặng, tỷ lệ tự hồi phục, và sự ưa chuộng của bệnh nhân là các yếu tố quan trọng định hướng điều trị. Chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý một dây thần kinh là rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm chi phí điều trị.

Bài viết này trình bày một số bệnh lý chèn ép dây thần kinh ở chi dưới, với sự tập trung vào giải phẫu liên quan, các triệu chứng lâm sàng, các phương pháp chẩn đoán, và khuyến cáo điều trị. Các quá trình sinh lý bệnh liên quan đến chấn thương và chèn ép dây thần kinh ngoại biên không được trình bày trong khuôn khổ bài này.

Bất cứ dây thần kinh ngoại biên nào cũng có thể bị chèn ép. Một số hội chứng chèn ép dây thần kinh ngoại biên ở chi dưới ít gặp sẽ được trình bày ở đây.

Hội chứng ống cổ tay ở các bà mẹ đang cho con bú
Hội chứng ống cổ tay liên quan đến chèn ép mạn tính dây thần kinh giữa

1. Hội chứng ống cổ chân

Thần kinh chày bắt nguồn từ thần kinh tọa và nhận chi phối từ các rễ L4 đến S1. Thần kinh chày tách ra từ thần kinh tọa ở hố khoeo và đi xuống ở phía dưới cung cơ dép. Các nhánh của nó phân bố cho các cơ gấp cổ chân về phía gan chân và cho thần kinh bắp chân. Ở cổ chân, nó đi qua ống cổ chân trước khi chia ra các nhánh tận, thần kinh gan chân trong và thần kinh gan chân ngoài. Ống cổ chân là một khoang nằm giữa mạc gân gấp và mắt cá trong, chứa thần kinh chày, động mạch chày sau, tĩnh mạch chày sau, cơ gấp dài ngón chân cái, cơ chày sau, và cơ gấp dài các ngón chân. Các thần kinh gan chân trong và ngoài chi phối cảm giác da ở mặt gan chân của bàn chân, và phân bố vào các cơ nội tại của bàn chân. Ống cổ chân là một vị trí tiềm tàng bẫy thần kinh chày.

Hội chứng ống cổ chân, còn được biết đến là bệnh thần kinh chày ở cổ chân, là một chủ đề tranh cãi trong chuyên ngành thần kinh. Trong phần lớn ca bệnh, chẩn đoán được xác định bằng biểu hiện lâm sàng, mặc dù tiêu chuẩn chẩn đoán chưa được định rõ. Các triệu chứng bao gồm tê buốt và dị cảm đau ở gót chân, phía trong cổ chân, và lòng bàn chân, mặc dù một số định nghĩa bao gồm đau cổ chân khi mang vác nặng. Một dấu hiệu Tinel có thể có trên thần kinh chày ở cổ chân. Theo kinh nghiệm của tác giả, hội chứng ống cổ chân tự phát là hiếm gặp. Các nguyên nhân tiềm tàng của bệnh thần kinh chày ở cổ chân bao gồm chấn thương, khối choán chỗ, các cơ phụ, dị dạng xương, dị dạng mạch máu, và các nguyên nhân do thầy thuốc gây nên.

Thăm dò chẩn đoán điện có thể có ích để loại trừ các nguyên nhân khác của các triệu chứng ống cổ chân, nhưng tác dụng thực tế của nó trong chẩn đoán còn chưa biết. Không có một phác đồ chẩn đoán điện đơn độc nào, vì người ta thường nói rằng các đáp ứng thần kinh gan chân thường là không thu được ở những người không triệu chứng, đặc biệt là người già. Một tổng quan có hệ thống các y văn từ 1965 đến 2002 thấy chỉ có bốn nghiên cứu đủ tiêu chuẩn để tổng quan, và những nghiên cứu này chỉ có bằng chứng nhóm III. Tổng quan kết luận rằng thăm dò dẫn truyền thần kinh có thể có ích trong chẩn đoán. Siêu âm thần kinh-cơ có thể giúp đánh giá các nguyên nhân cấu trúc của các triệu chứng của hội chứng ống cổ chân, và một số báo cáo xác định các giá trị ngưỡng tiết diện cắt ngang được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng ống cổ chân tự phát.

Đau gót chân
Hội chứng ống cổ chân gây ra hiện tượng tê buốt và dị cảm đau ở gót chân

Nếu không có nguyên nhân cấu trúc gây chèn ép, giá trị thực sự của phẫu thuật giải ép chưa được biết. Một tổng quan năm 2015 về 31 bệnh nhân được phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ chân thấy kết quả tốt trong 71% nhưng thấy chỉ 6 trong 11 bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ chân tự phát có cải thiện. Kết quả phẫu thuật tốt nhất gặp ở những bệnh nhân có một nguyên nhân xác định cho hội chứng ống cổ chân, bao gồm chấn thương và khối choán chỗ. Điều này nên được cân nhắc khi lập kế hoạch điều trị.

2. U dây thần kinh Morton

Mặc dù là một thể riêng biệt với hội chứng ống cổ chân, u dây thần kinh Morton là một bệnh lý một dây thần kinh chày ngọn chi biểu hiện với đau nhói ở các ngón chân và dị cảm khác kèm theo ở phần trước bàn chân xuất hiện khi mang vác nặng. Nó là hậu quả của chấn thương cơ học tái diễn mạn tính của thần kinh gan ngón chân và được cho là do phì đại xơ quanh dây thần kinh do thoái hóa, trái với u dây thần kinh thực sự. Vị trí hay gặp nhất là các dây thần kinh gian đốt ngón III hoặc IV. Chẩn đoán thông qua khám lâm sàng và, gần đây hơn, siêu âm.

U dây thần kinh Morton
U dây thần kinh Morton là một bệnh lý một dây thần kinh chày ngọn chi

3. Đau đùi dị cảm

Đau đùi dị cảm là thuật ngữ thường được dùng để mô tả bệnh học của thần kinh bì đùi ngoài. Thần kinh bì đùi ngoài bắt nguồn từ các rễ L1 đến L3 và đám rối thắt lưng và là một dây thần kinh cảm giác đơn thuần. Nó đi trên cơ chậu và dưới dây chằng bẹn, do vậy nó có khuynh hướng bị tổn thương và bị chèn ép. Thần kinh bì đùi ngoài có thể có đường đi khác nhau giữa các cá thể, với năm hình thái riêng biệt đã được xác định, làm cho test chẩn đoán và điều trị trở thành một thách thức.

Đau đùi dị cảm có liên quan với béo phì, đái tháo đường, và mặc quần áo chật. Các nguyên nhân khác bao gồm chấn thương và tổn thương do phẫu thuật. Các triệu chứng điển hình của đau đùi dị cảm bao gồm dị cảm và mất cảm giác ở mặt ngoài hoặc mặt trước ngoài của đùi. Đau có thể nặng và được mô tả là nhói như dao đâm, đau chói hoặc bỏng rát. Khám thực thể sẽ thấy mất cảm giác theo phân bố của thần kinh bì đùi ngoài mà không kèm theo các dấu hiệu gợi ý của bệnh lý rễ thắt lưng hoặc bệnh đám rối thắt lưng-cùng. Thăm dò chẩn đoán điện là có ích không chỉ trong chẩn đoán mà còn để loại trừ các nguyên nhân khác. Siêu âm thần kinh-cơ có thể có ích trong việc hướng dẫn đặt điện cực để kiểm tra thần kinh bì đùi ngoài và xác định các vị trí phì đại cục bộ dây thần kinh.

Điều trị đau đùi dị cảm thường là bảo tồn, bao gồm thay đổi hành vi (ví dụ: mặc quần áo rộng hơn), giảm triệu chứng đau dị cảm với các thuốc chống viêm không steroid, và block dây thần kinh. Khảo sát và điều trị bằng phẫu thuật cần được coi là một cứu cánh cuối cùng nếu như không có tổn thương choán chỗ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:

Hobson-Webb LD, Juel VC. Common Entrapment Neuropathies. Continuum (Minneap Minn) 2017;23(2, Selected Topics in Outpatient Neurology):487-511.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan