Các phương pháp điều trị đa u tủy

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh đa u tủy, nhóm chăm sóc ung thư sẽ thảo luận với bạn về các lựa chọn điều trị. Điều quan trọng là bạn suy nghĩ cẩn thận về từng lựa chọn của mình. Xem xét lợi ích của từng lựa chọn điều trị để hạn chế các tác dụng phụ và nguy cơ có thể xảy ra.

1. Phương pháp điều trị tại chỗ

Một số phương pháp điều trị được gọi là liệu pháp tại chỗ, điều này có nghĩa là điều trị khối u mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể. Các phương pháp điều trị này thường được áp dụng cho các bệnh ung thư giai đoạn sớm (ít tiến triển), mặc dù cũng có thể được sử dụng trong một số tình huống khác.

1.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật đôi khi được sử dụng để loại bỏ các u tương bào đơn độc, nhưng nó hiếm khi được sử dụng để điều trị đa u tủy. Khi chèn ép tủy sống gây tê liệt, yếu cơ nghiêm trọng, có thể cần phẫu thuật khẩn cấp. Phẫu thuật để gắn thanh hoặc tấm kim loại có thể giúp hỗ trợ xương yếu và có thể cần thiết để ngăn ngừa hoặc điều trị gãy xương.

Phẫu thuật về trong ngày
Phẫu thuật để loại bỏ các u tương bào đơn độc

1.2 Xạ trị

Xạ trị sử dụng các tia hoặc hạt năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị các khu vực xương bị tổn thương do u tủy không đáp ứng với hóa trị liệu và / hoặc các loại thuốc khác và gây đau hoặc xương có thể gần bị phá hủy. Nó cũng là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho u tương bào đơn độc.

Nếu u tủy làm suy yếu nghiêm trọng xương đốt sống (lưng), những xương này có thể xẹp đổ và gây áp lực lên tủy sốngdây thần kinh cột sống. Các triệu chứng bao gồm thay đổi đột ngột về cảm giác (như tê hoặc ngứa ran), yếu cơ bắp chân đột ngột hoặc các vấn đề đột ngột khi đi tiểu tiện.

Đây là một cấp cứu y tế, bệnh nhân có các triệu chứng này phải đến bệnh viện ngay lập tức. Điều trị kịp thời bằng xạ trị và / hoặc phẫu thuật rất cần thiết để ngăn ngừa liệt.

Loại xạ trị được sử dụng thường nhất để điều trị đa u tủy hoặc u tương bào đơn độc gọi là xạ trị chùm tia ngoài, nghĩa là tia xạ nhằm vào ung thư từ một máy bên ngoài cơ thể.

Tác dụng phụ của xạ trị có thể bao gồm:

  • Thay đổi da ở khu vực được điều trị, có thể từ đỏ đến phồng rộp và bong tróc
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy (nếu điều trị vùng bụng hoặc xương chậu)
  • Công thức máu thấp

Những triệu chứng này được cải thiện khi điều trị kết thúc

2. Phương pháp điều trị toàn thân

Bệnh nhân có thể được uống thuốc an thần sau khi chụp MRI
Điều trị đa u tủy bằng thuốc

Đa u tủy cũng có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc, có thể bằng đường uống hoặc trực tiếp vào máu. Những liệu pháp toàn thân này có thể đến các tế bào ung thư ở bất cứ đâu trong cơ thể.

2.1 Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc khác nhau có thể sử dụng điều trị đa u tủy.

2.1.1 Hóa trị

Hóa trị là việc sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc kiểm soát các tế bào ung thư. Những loại thuốc này có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Chúng xâm nhập vào máu và đến hầu hết các khu vực của cơ thể.

Thuốc hóa trị bao gồm:

  • Melphalan
  • Vincristine (Oncovin)
  • Cyclophosphamide (Cytoxan)
Cyclophosphamide
Thuốc hóa trị Cyclophosphamide

  • Etoposide (VP-16)
  • Doxorubicin (Adriamycin)
  • Doxorubicin liposome (Doxil)
  • Bendamustine (Treanda)

Thông thường, một trong những loại thuốc hóa trị được kết hợp với các loại thuốc khác như corticosteroid và các chất điều hòa miễn dịch (thuốc sẽ thay đổi đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân). Nếu có kế hoạch ghép tế bào gốc, hầu hết các bác sĩ tránh sử dụng một số loại thuốc, vì có thể phá hủy tủy xương.

Tác dụng phụ của hóa trị

Thuốc hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng có thể phá hủy các tế bào bình thường. Chúng được sử dụng rất cẩn trọng để tránh hoặc giảm tác dụng phụ của hóa trị. Những tác dụng phụ này phụ thuộc vào loại và liều lượng thuốc cũng như thời gian dùng thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu bao gồm:

  • Rụng tóc
  • Loét miệng
  • Ăn mất ngon
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Công thức máu thấp

Hóa trị thường dẫn đến giảm số lượng tế bào máu, có thể gây ra:

  • Nhiễm trùng: tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng (do bạch cầu thấp)
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do tiểu cầu thấp)
  • Thiếu máu: Cảm thấy mệt mỏi quá mức hoặc thở mệt (do hồng cầu thấp)
Rụng tóc ở nữ
Rụng tóc là tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu

Hầu hết các tác dụng phụ là tạm thời và biến mất sau khi kết thúc điều trị.

Nếu bạn có tác dụng phụ, nhóm chăm sóc ung thư có thể hỗ trợ từng bước để giảm bớt. Ví dụ, sử dụng thuốc cùng với hóa trị để ngăn ngừa hoặc giảm buồn nôn và nôn.

Ngoài những tác dụng phụ tạm thời này, một số loại hóa chất có thể làm hỏng vĩnh viễn một số cơ quan như tim hoặc thận. Những nguy cơ có thể có của các loại thuốc này được cân nhắc cẩn trọng với lợi ích của chúng và chức năng của các cơ quan này được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị. Nếu tổn thương nghiêm trọng cơ quan, sẽ dừng thuốc và có thể được thay thế bằng một loại khác.

2.1.2 Corticosteroid (steroid)

Corticosteroid, chẳng hạn như dexamethasone và prednisone, đóng vai trò quan trọng trong điều trị đa u tủy. Chúng có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với các loại thuốc khác. Corticosteroid cũng được dùng giúp giảm buồn nôn và nôn mà hóa trị có thể gây ra.

Tác dụng phụ thường gặp của các steroid này bao gồm:

  • Đường huyết cao.
  • Ăn nhiều và tăng cân.
  • Ảnh hưởng giấc ngủ.
  • Thay đổi tâm trạng (một số người trở nên kích thích).
  • Khi sử dụng trong một thời gian dài, corticosteroid cũng ức chế hệ miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Steroid cũng có thể làm yếu, loãng xương.

Hầu hết các tác dụng phụ này biến mất sau khi ngừng thuốc.

thuốc Corticosteroid
Thuốc Corticosteroid

2.1.3 Chất điều hòa miễn dịch

Cách các chất điều hòa miễn dịch ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch là hoàn toàn rõ ràng. Ba chất điều hòa miễn dịch được sử dụng để điều trị đa u tủy:

  • Thalidomide (Thalomid)
  • Lenalidomide (Revlimid)
  • Pomalidomide (Pomalyst)

Thuốc ức chế Proteasome

Các chất ức chế Proteasome hoạt động bằng cách ngăn chặn các phức hợp enzyme (proteasomes) trong các tế bào phá vỡ các protein quan trọng để kiểm soát sự phân chia tế bào. Chúng dường như ảnh hưởng đến các tế bào ung thư nhiều hơn các tế bào bình thường, nhưng chúng cũng có tác dụng phụ.

  • Bortezomib (Velcade)
  • Carfilzomib (Kyprolis)
  • Ixazomib (Ninlaro)

Kháng thể đơn dòng

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch cơ thể, giúp chống nhiễm trùng. Các kháng thể đơn dòng tấn công một mục tiêu đặc hiệu, như protein trên bề mặt tế bào u tủy.

Kháng thể
Kháng thể đơn dòng

  • Kháng thể kháng CD38

+ Daratumumab (Darzalex)

+ Isatuximab (Sarclisa)

  • Kháng thể kháng SLAMF7

+ Elotuzumab (Empliciti)

2.1.4 Kết hợp các loại thuốc

Mặc dù có thể dùng một loại thuốc riêng lẻ để điều trị đa u tủy, nhưng tốt hơn là sử dụng ít nhất 2 hoặc 3 loại thuốc khác nhau kết hợp vì đáp ứng tốt hơn.

Sự lựa chọn và liều lượng thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn bệnh, thể trạng, tuổi và chức năng thận của bệnh nhân. Nếu có kế hoạch cấy ghép tế bào gốc, hầu hết các bác sĩ sẽ tránh sử dụng một số loại thuốc có thể phá hủy tủy xương.

2.1.5 Bisphosphonates cho bệnh xương

Tế bào u tủy có thể làm suy yếu và thậm chí gãy xương. Các thuốc được gọi là bisphosphonates có thể giúp xương chắc khỏe bằng cách làm chậm quá trình này. Chúng cũng có thể giúp giảm đau ở những xương yếu.

Đôi khi, các loại thuốc giảm đau như kháng viêm không steroid (NSAID) được kết hợp cùng với bisphosphonates để giúp kiểm soát hoặc giảm bớt cơn đau. Đau xương có thể là một triệu chứng khó kiểm soát trong và sau quá trình điều trị u tủy.

Các loại bisphosphonates bao gồm:

  • Pamidronate (Aredia)
  • Axit zoledronic (Zometa)
  • Denosumab (Xgeva, Prolia)
NSAID
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) kết hợp với bisphosphonates để giảm bớt cơn đau

Những thuốc này được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Hầu hết bệnh nhân được điều trị mỗi tháng một lần, nhưng cũng có thể ít hơn nếu đáp ứng tốt. Điều trị bằng bisphosphonate giúp ngăn ngừa tổn thương xương nặng hơn ở nhiều bệnh nhân đa u tủy.

2.2 Ghép tế bào gốc (Stem cell transplant - SCT)

Trong trường hợp ghép tế bào gốc, bệnh nhân được hóa trị liệu liều cao để tiêu diệt các tế bào trong tủy xương. Sau đó, bệnh nhân nhận được các tế bào gốc tạo máu mới và khỏe mạnh. Trước đây, các tế bào gốc mới lấy từ tủy xương, do đó được gọi là cấy ghép tủy xương. Hiện nay, các tế bào gốc thường được lấy từ máu (ghép tế bào gốc máu ngoại vi).

Ghép tế bào gốc (SCT) có thể là tự thân hoặc dị thân.

2.2.1 Ghép tế bào gốc tự thân (autologous)

Để ghép tế bào gốc tự thân, các tế bào gốc của bệnh nhân được lấy ra từ tủy xương hoặc máu ngoại vi trước khi cấy ghép. Chúng được lưu trữ đến khi cần cho việc cấy ghép. Sau đó, người bệnh được hóa trị liệu liều cao, đôi khi bằng xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tiếp đến, các tế bào gốc được lưu trữ sẽ được đưa trở lại vào máu người bệnh bằng đường tĩnh mạch.

Đây là một điều trị tiêu chuẩn đối với bệnh nhân đa u tủy. Mặc dù ghép tế bào gốc tự thân có thể làm cho u tủy không còn một thời gian (thậm chí nhiều năm), nhưng nó không chữa được bệnh và thường sẽ tái phát.

Lưu ý về thoát mạch do hóa trị để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Hóa trị liệu liều cao giúp tiêu diệt các tế bào trong tủy xương trong trường hợp ghép tế bào gốc

2.2.2 Ghép tế bào gốc dị thân (allogeneic)

Để ghép tế bào gốc dị thân, bệnh nhân nhận được tế bào gốc tạo máu từ một người khác - người hiến tặng. Kết quả điều trị được đánh giá tốt nhất khi các tế bào của người hiến tặng thích ứng với tế bào của bệnh nhân, và người hiến tặng có quan hệ gần gũi với bệnh nhân, như anh chị em. Cấy ghép dị thân có nhiều nguy cơ hơn so với cấy ghép tự thân, nhưng chống lại ung thư tốt hơn, bởi vì các tế bào được cấy ghép (của người hiến tặng) thực sự có thể giúp phá hủy các tế bào ung thư.

Phản ứng phụ

Các tác dụng phụ sớm của ghép tế bào gốc (SCT) tương tự như của hóa trị và xạ trị, nhưng nặng hơn. Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là lượng máu giảm, có thể có nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu nghiêm trọng.

Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất từ ​​cấy ghép dị thân là thải ghép. Nó xảy ra khi các tế bào miễn dịch mới (từ người hiến tặng) xem các mô của bệnh nhân là vật lạ và tấn công chúng. Thải ghép có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể và có thể đe dọa tính mạng.

3. Phương pháp điều trị hỗ trợ

3.1 Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG)

Bệnh nhân bị đa u tủy thường có lượng kháng thể bình thường thấp. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề với nhiễm trùng phổi và / hoặc xoang. Có thể kiểm tra lượng kháng thể trong máu và nếu thấp, có thể truyền kháng thể từ người hiến bằng đường tĩnh mạch (IV) để tăng lượng kháng thể và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, chúng được gọi là immunoglobulin.

thiếu máu
Thiếu máu

3.2 Điều trị thiếu máu

Một số bệnh nhân bị thiếu máu do bản thân đa u tủy hoặc do quá trình điều trị. Có thể cải thiện bằng:

  • Truyền máu.
  • Epoetin (Procrit) và darbepoetin (Aranesp): là những loại thuốc có thể giúp cải thiện số lượng hồng cầu để giảm truyền máu ở một số bệnh nhân đang hóa trị. Nhưng những loại thuốc này ít được sử dụng hơn vì chúng có liên quan đến tỉ lệ sống còn thấp hơn ở một số bệnh nhân

3.3 Tách hồng cầu khỏi huyết tương (Plasmapheresis)

Khi các protein u tủy tích tụ, làm đặc máu và cản trở lưu thông (tăng độ quánh của máu), phương pháp này có thể được sử dụng để loại bỏ protein u tủy khỏi máu. Thông thường, kỹ thuật này được thực hiện thông qua một ống thông lớn (catheter) đặt trong tĩnh mạch ở cổ, dưới xương đòn hoặc ở vùng bẹn. Ống thông này được nối với một máy, và dòng máu chảy vào máy.

Máy tách các tế bào máu ra khỏi huyết tương (phần lỏng của máu), sau đó trả lại các tế bào máu cho bệnh nhân, cùng với dung dịch muối hoặc huyết tương của người hiến. Huyết tương đã loại bỏ, có chứa protein kháng thể bất thường được tạo ra bởi các tế bào ung thư.

Mặc dù phương pháp này làm giảm mức protein bất thường và có thể làm giảm các triệu chứng trong một thời gian, nhưng nó không giết chết các tế bào ung thư. Điều đó có nghĩa là nếu không điều trị thêm, protein sẽ tích tụ trở lại. Vì lý do này, kỹ thuật này thường được điều trị cùng với hóa trị hoặc một số loại điều trị bằng thuốc khác để giết chết các tế bào ung thư tạo ra protein.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan