Chụp x quang phổi thẳng là gì? Có nhược điểm gì không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.

X – quang phổi là một trong những phương pháp cận lâm sàng được dùng để chẩn đoán trong hầu hết những bệnh lý hiện nay. Có rất nhiều tư thế để chụp X – quang phổi tùy thuộc vào mục đích của chụp X – quang trong những trường hợp bệnh lý khác nhau, tuy nhiên X – quang phổi thẳng là tư thế chụp X – quang phổi phổ biến nhất và được chỉ định trong hầu hết những bệnh lý thông thường.

1. Chụp X – quang phổi

Chụp X – quang phổi là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất hiện nay, cho phép chụp lại hình ảnh của tim, phổi, các cấu trúc đường thở, mạch máu lớn, khối mờ trung thất, thành ngực.... để góp phần chẩn đoán một số bệnh lý liên quan đến tim và phổi. Chụp X – quang phổi sử dụng tia X là một dạng năng lượng phóng xạ có khả năng đi xuyên những tổ chức bên trong cơ thể và ghi lại những hình ảnh tại các vị trí này, là một phương pháp cận lâm sàng có thể khảo sát được những bộ phận bên trong cơ thể mà mắt thường không thể quan sát và thăm khám được.

Tại phòng chụp X – quang phổi thì người bệnh sẽ được yêu cầu đứng trước một màn chắn có chứa phim X – quang hoặc cũng có thể là đầu thu để ghi hình ảnh mà tia X đi xuyên qua được, lúc này máy chụp X – quang phổi sẽ bắt đầu chiếu tia X về phía ngực bệnh nhân để tia X có thể đi xuyên qua và cho kết quả hình ảnh ở màn chắn.

Tràn dịch màng ngoài tim
Bệnh nhân bị tràn dịch màng ngoài tim thường được chỉ định sử dụng phương pháp chiếu

Trên lâm sàng, tùy vào mục đích khảo sát cũng như những trường hợp bệnh lý khác nhau thì sẽ có những yêu cầu chụp X – quang phổi khác nhau nên có một số phương pháp chụp X – quang phổi như sau:

  • Phương pháp chiếu: Thực hiện trong buồng tối hoặc máy tăng sáng truyền hình, trong quá trình thực hiện thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu hít thở cũng như xoay người để có thể khảo sát được một số vấn đề liên quan đến sự cử động của hô hấp cũng như sự di động của cơ hoành, bên cạnh đó còn có thể cho thấy được nhịp đập của tim người bệnh. Phương pháp chiếu được chỉ định chủ yếu với những bệnh nhân tràn dịch màng ngoài tim - Hiện nay rất ít được dùng do có nhiều phương pháp thay thế an toàn và hiệu quả hơn.
  • Phương pháp chụp phổi thẳng: Thực hiện khi bệnh nhân ở tư thể đứng, bóng chiếu hướng từ sau ra trước, nếu trong trường hợp bệnh nhân gặp phải một số vấn đề sức khỏe không đứng được thì có thể sẽ được yêu cầu chụp ở tư thế Fowler.
  • Phương pháp chụp phổi nghiêng: Được chỉ định với mục đích tìm những thương tổn không thể xác định được khi thực hiện chụp phổi thẳng, tùy vào những dấu hiệu nghi ngờ khác nhau mà bác sĩ điều trị sẽ chỉ định bệnh nhân nghiêng theo những bên khác nhau để có thể cho được kết quả phim.
  • Các phương pháp khác bao gồm chụp phế quản có bơm cản quang, chụp cắt lớp vi tính hay chụp điện áp cao.

2. Chụp X – quang phổi thẳng là gì?

chụp x quang viêm phổi
Chụp x quang phổi thẳng có thể phát hiện viêm phổi và các vấn đề về tim

Chụp X – quang phổi thẳng là một kỹ thuật chụp X – quang rất thường dùng trong cận lâm sàng để tìm ra những bệnh lý bất thường ở tim, phổi cũng như một số cơ quan lân cận khác trong lồng ngực. Chụp X – quang phổi thẳng cũng giống như chụp X – quang nói chung, sử dụng năng lượng của tia X đi xuyên qua những tổ chức nằm sâu trong cơ thể để ghi nhận lại hình ảnh, mức độ ghi nhận này tương ứng với độ hấp thụ tia X của từng tạng cơ quan nhất định nên hình ảnh nhận được trên phim chụp X – quang sẽ có độ đậm nhạt khác nhau.

Một số vai trò chính của chụp X – quang tim, phổi thẳng đó là:

  • Tìm ra những bất thường tại phổi, điển hình như những dấu nhiễm trùng hoặc một bệnh lý ung thư tại phổi.
  • Phát hiện những bất thường tại phổi có nguyên nhân từ bệnh lý tim mạch, có thể là hình ảnh chất lỏng tích tụ ở phổi khiến cho phổi bị phù.
  • Khảo sát hình dạng cũng như kích thước của tim, tìm ra những bệnh lý tim mạch như suy tim, tim bẩm sinh, tràn dịch màng ngoài tim hoặc hở van tim
  • Phát hiện dấu hiệu có chất Calcium trong tim hoặc Calcium trong mạch máu sẽ gây hại cho van tim, cơ tim và một số cấu trúc khác như mạch vành, túi bảo vệ... Đặc biệt, khi có sự xuất hiện của Calcium trong phổi thì có thể nghĩ đến một dấu hiệu của nhiễm trùng trước đây, hoặc một số bệnh lý mới xảy ra nguy hiểm hơn.
  • Theo dõi quá trình phục hồi của bệnh nhân sau khi tiến hành phẫu thuật ở những cơ quan như phổi, tim, thực quản...
Tác dụng Chụp X quang viêm phổi
Chụp X – quang phổi thẳng gây cản trở cho quá trình chẩn đoán một số bệnh lý ở phổi tràn khí màng phổi

Chụp X – quang tim, phổi thẳng có thể được thực hiện để xuyên qua những cơ quan trong lồng ngực bằng nhiều cách khác nhau. Trong lồng ngực thường có những tổ chức xương sườn hoặc một số xương chi trên khác có cấu trúc dày, cùng với những khối bức xạ khác sẽ ít hấp thụ tia X đi qua, vì vậy trên phim chụp X – quang thì những tổ chức này thường sẽ có màu trắng. Tim cũng là một cơ quan có khả năng ngăn chặn một số tia bức xạ phát ra từ máy chiếu X – quang nên một phần nào cũng cản trở những tia này đi xuyên qua nên trên phim ảnh X – quang tim sẽ có màu trắng nhạt. Vì phổi là một tạng chứa đầy khí bên trong nên hấp thụ tia X rất tốt, cho hình ảnh có màu đen trên phim X – quang.

Một điều lưu ý khi chụp X – quang phổi thẳng đó là bệnh nhân được thực hiện chụp bằng tư thế đứng theo chiều từ sau ra trước, không thực hiện ở tư thế nằm vì sẽ không cho được kết quả như mong muốn, gây cản trở cho quá trình chẩn đoán một số bệnh lý ở phổi như tràn dịch, tràn khí khoang màng phổi.

3. Chụp X – quang phổi có hại không?

Mặc dù chụp X – quang phổi là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, giá cả phù hợp, cho phép quan sát được nhiều cơ quan như phổi, tim, lồng ngực... nhưng với những tổn thương có kích thước quá nhỏ hoặc nằm ở những vị trí khó có thể ghi nhận hình ảnh được thì X – quang không thể cho thấy rõ những hình ảnh tại đây được mà phải nhờ vào những kỹ thuật khác. Vì tia X là một dạng bức xạ năng lượng cao nên rất độc hại với cơ thể người, do vậy người bệnh cần được chụp X – quang phổi tại những cơ sở y tế có trang thiết bị chụp chiếu an toàn, phòng chụp phải được chuẩn bị đầy đủ theo tiêu chuẩn và những nguyên tắc khi chụp X – quang cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Thế nào là chụp X-quang tim phổi thẳng?
Các tia X là một dạng bức xạ năng lượng cao nên rất độc hại với cơ thể người vì vậy khi chụp X – quang cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh

4. Kết luận

X – quang phổi là một trong những xét nghiệm được chỉ định và tiến hành rất nhiều trong quá trình chẩn đoán và phát hiện hầu hết những bệnh lý hiện nay. Trong đó, X – quang phổi thẳng là một kỹ thuật phổ biến nhất mà bệnh nhân cần phải thực hiện để tìm ra những bất thường về tim, phổi hay lồng ngực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan