Khắc phục chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.

Tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi là tình trạng thường gặp với tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, mức độ suy yếu của cơ thể. Tình trạng này gây khá nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân, thậm chí gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.

1. Tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi là gì?

Tiểu không kiểm soát còn được gọi là tiểu tiện không tự chủ. Đây là tình trạng rối loạn chức năng đường tiểu với biểu hiện rò rỉ nước tiểu không tự chủ, gây khó chịu cho bệnh nhân.

Tiểu không kiểm soát thường gặp ở người cao tuổi, nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ mắc tăng theo tuổi và mức độ suy yếu cơ thể. Tình trạng này thay đổi theo mức độ nghiêm trọng, từ hiện tượng chảy một ít nước tiểu do gia tăng áp lực ổ bụng (khi ho, rặn, hắt hơi,...) tới mức độ són tiểu liên tục và thậm chí là tiểu không tự chủ kèm theo đại tiện không tự chủ.

Tiểu không kiểm soát gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, thậm chí dẫn tới rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn niệu ngược dòng, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ thận, gây suy thận, tăng huyết áp,...

2. Triệu chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

Triệu chứng của tiểu không kiểm soát tùy thuộc vào dạng bệnh. Cụ thể là:

  • Tiểu không kiểm soát do gắng sức: Là tình trạng thoát nước tiểu không tự chủ khi bệnh nhân gắng sức, không phải do co bóp bàng quang. Tình trạng này phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới, xảy ra khi người bệnh gắng sức như ho, hắt hơi, cười, rặn, khiêng vật nặng,... Lượng nước tiểu bị thoát ra ít, xảy ra trên 2 lần/tháng. Người bị tiểu không kiểm soát do gắng sức chủ yếu là phụ nữ béo phì, đã mãn kinh, sinh con nhiều lần hoặc nam giới sau phẫu thuật tuyến tiền liệt;
  • Tiểu không kiểm soát gấp (đái vãi): Là tình trạng thoát nước tiểu kết hợp với tiểu gấp, người bệnh chưa kịp ra nhà vệ sinh đã rỉ nước tiểu. Tình trạng này chủ yếu do bàng quang suy yếu chức năng lưu giữ nước tiểu (bất ổn định cơ detrusor), hay gặp khi bị rối loạn tinh thần, thời tiết lạnh giá,... Ở nam giới, tiểu gấp có thể là biểu hiện bất ổn định cơ detrusor, tắc nghẽn dòng tiểu, bệnh lý thần kinh, xạ trị vùng tiểu khung,...;
  • Tiểu không kiểm soát tràn đầy (đái rỉ): Do ứ đọng nước tiểu mạn tính, người bệnh bị són tiểu từng đợt, không bao giờ đi tiểu bình thường. Tình trạng này hay gặp ở người bị suy yếu co bóp bằng quang, tắc nghẽn đường ra của bàng quang (ở nam giới là phì đại tuyến tiền liệt, ở nữ giới là do sa tử cung hoặc táo bón);
phì đại tuyến tiền liệt
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt có thể gây tiểu không kiểm soát tràn đầy ở người cao tuổi
  • Tiểu không kiểm soát hoàn toàn (đái rỉ liên tục): Người bệnh bị đái rỉ cả ngày lẫn đêm. Nguyên nhân thường là do rối loạn chức năng bàng quang (do đột quỵ, tổn thương tủy sống, sau cắt bỏ tuyến tiền liệt ở nam giới, tổn thương thần kinh ngoại biên);
  • Tiểu không kiểm soát chức năng: Các cơ quan tiết niệu vẫn hoạt động bình thường nhưng bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần nên không tự chủ về khả năng tiểu tiện.

3. Nguyên nhân người cao tuổi dễ bị tiểu không kiểm soát

  • Hoạt động quá mức của cơ vòng niệu đạo: Khiến người bệnh không ức chế được sự co bóp của bàng quang, dẫn tới tiểu không tự chủ, nước tiểu chảy ra ngoài. Hoạt động quá mức của cơ vòng niệu đạo có thể do sỏi bàng quang, khối u nên có thể đi kèm các triệu chứng như tiểu ra máu;
  • Tâm thần không ổn định: Stress, mê sảng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ;
  • Bất thường ở đường tiểu: Thận, bàng quang, niệu đạo bị viêm, có sỏi, khối u,...;
  • Hạn chế vận động: Liệt, tuổi cao sức yếu khó di chuyển;
  • Rối loạn ở bàng quang: Tăng hoặc giảm hoạt động của cơ bàng quang, cơ cổ bàng quang hoặc dị dạng bàng quang bẩm sinh, giãn bàng quang;
  • Viêm teo âm đạo hoặc viêm teo niệu đạo: Niêm mạc bị mòn, co dãn mao mạch và viêm, lan tới bàng quang gây tiểu tiện không tự chủ;
  • Một số bệnh về tuyến tiền liệt: Viêm, tăng sinh lành tính, u, ung thư tuyến tiền liệt;
  • Nguyên nhân khác: Dùng thuốc, béo phì, bệnh đái tháo đường,...

4. Chẩn đoán và điều trị chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

4.1 Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử để xác định thời gian, mức độ trầm trọng của bệnh;
  • Khám lâm sàng: Xác định nguyên nhân, phân loại tiểu không kiểm soát. Bác sĩ sẽ khám bụng, tâm thần, thần kinh, khả năng di chuyển; khám trực tràng và tuyến tiền liệt ở nam giới; khám vùng chậu, phụ khoa và trực tràng ở nữ giới;
  • Xét nghiệm cơ bản: Tổng phân tích nước tiểu, glucose huyết thanh và calci huyết thanh, siêu âm hệ tiết niệu, cấy nước tiểu, chụp X-quang hệ tiết niệu;
  • Xét nghiệm đặc biệt: Xét nghiệm tã lót, đo nước tiểu tồn dư sau tiểu tiện, soi bàng quang, đo niệu dòng đồ, niệu động học, chụp cộng hưởng từ hệ thần kinh trung ương.
Nước tiểu có mùi và màu vàng là bệnh gì?
Tổng phân tích nước tiểu là một trong các chỉ định giúp chẩn đoán tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

4.2 Điều trị chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

Tùy thuộc nguyên nhân, phân loại tiểu không kiểm soát sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp đang được áp dụng gồm:

Điều trị bảo tồn

  • Điều trị các bệnh lý nền gây tiểu không kiểm soát:
    • Các bệnh lý nền gây đa niệu, tiểu đêm, tăng áp lực ổ bụng, rối loạn hệ thần kinh trung ương,... gây tiểu không tự chủ và khiến bệnh nặng thêm. Những bệnh lý nền gây bệnh gồm suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, rối loạn thần kinh, đột quỵ, đa xơ cứng, sa sút tâm thần, rối loạn nhận thức, hội chứng ngưng thở khi ngủ,... Điều trị các bệnh này có thể điều trị hỏi hoặc làm giảm tình trạng tiểu không kiểm soát;
    • Điều chỉnh việc sử dụng các thuốc có thể gây tiểu không kiểm soát;
    • Sử dụng băng tã, chụp tiểu bao quy đầu ở nam giới, nón chụp âm hộ ở nữ giới để hứng nước tiểu hoặc đặt xông tiểu;
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt:
    • Không sử dụng đồ uống có chứa caffeine vì cà phê có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây lợi tiểu, giãn cơ thắt niệu đạo, dễ dẫn tới tiểu gấp, tiểu nhiều lần;
    • Kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể: Dùng khoảng 1.500ml/ngày, hạn chế uống nước vào buổi tối;
    • Tập thể dục đều đặn và tập trung vào các bài tập co thắt cơ vùng tầng sinh môn;
    • Bỏ thuốc lá, rượu bia;
  • Luyện tập bàng quang và thói quen đi tiểu, tránh đi tiểu ngay lập tức mà cần lập kế hoạch tiểu tiện theo giờ (phương pháp này phù hợp với bệnh nhân tiểu không kiểm soát gấp và tiểu không kiểm soát hỗn hợp);
  • Sử dụng thuốc: Thuốc kháng hệ muscarinic (kháng cholinergic), thuốc đồng vận adrenergic, estrogen, Desmopressin, chẹn alpha- adrenergic;
  • Can thiệp không xâm lấn:
    • Kích thích điện học bằng các điện cực tại tầng sinh môn, da vùng xương mu, thành âm đạo;
    • Sử dụng kim xung điện cắm dưới da tại vị trí trên mắt cá chân để kích thích thần kinh chày sau;
    • Sử dụng các xung từ trường tại tầng sinh môn và xương cùng.

Phẫu thuật

Phương pháp này được chỉ định thực hiện để điều trị tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi khi việc điều trị bằng thuốc, bảo tồn không hiệu quả. Việc điều trị gồm:

  • Với bệnh nhân bất thường cơ thắt: Có thể lựa chọn các kỹ thuật điều trị như:
    • Tiêm bơm keo sinh học, mỡ tự thân qua nội soi bàng quang;
    • Đặt tấm lưới nâng đỡ niệu đạo;
    • Phẫu thuật treo sau xương mu;
    • Phẫu thuật tạo hình thành trước âm đạo;
    • Đặt van nhân tạo;
    • Tiêm độc tố botulinum A vào lớp dưới niêm mạc bàng quang;
  • Với bệnh nhân bị giảm dung tích bàng quang: Có thể lựa chọn các kỹ thuật điều trị sau:
    • Tạo hình mở rộng bàng quang bằng ruột;
    • Chuyển lưu nước tiểu qua da, qua hồi tràng,...
Phẫu thuật điều trị u xơ tuyến vú
Điều trị chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi bằng phương pháp phẫu thuật

5. Cách phòng ngừa chứng tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi

Để hạn chế nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ, cần chú ý tới những điều sau:

  • Người cao tuổi luôn giữ tâm lý thoải mái trong sinh hoạt, không lo lắng hoặc căng thẳng;
  • Vận động cơ thể hằng ngày với các bài tập phù hợp cho sức khỏe như đi bộ 60 phút/ngày (chia làm 2 lần);
  • Tăng cường hoạt động về mặt tinh thần: Xem TV, đọc sách báo, tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi;
  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, không uống rượu bia, không hút thuốc lá;
  • Hạn chế uống nước, cà phê, trà đặc vào buổi tối.

Tiểu không kiểm soát ở người cao tuổi là tình trạng thường gặp nhưng có thể phòng ngừa, điều trị hiệu quả. Vì vậy, khi mắc phải vấn đề sức khỏe này, người bệnh không nên quá lo lắng, chỉ cần làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ là có thể đẩy lùi bệnh tật, vui sống khỏe, sống có ích.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý. Hiện nay, bệnh viện Vinmec Central Park có máy tập sàn chậu có phản hồi sinh học có thể điều trị tiểu không kiểm soát mà không cần phẫu thuật.

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan