Tổng quan về phẫu thuật động kinh

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Kim Chung - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Phẫu thuật động kinh là một thủ tục loại bỏ hoặc thay đổi một khu vực trong não của bạn, nơi bắt nguồn của cơn co giật. Phẫu thuật động kinh có hiệu quả nhất khi các cơn co giật bắt nguồn từ một vị trí duy nhất trong não. Đây không phải là phương pháp điều trị đầu tiên nhưng được xem xét khi có ít nhất hai loại thuốc chống động kinh không kiểm soát được cơn động kinh.

1. Vì sao cần phải phẫu thuật?

Phẫu thuật động kinh có thể là một lựa chọn khi dùng thuốc không kiểm soát được các cơn co giật, một tình trạng được gọi là động kinh kháng thuốc. Mục tiêu của phẫu thuật động kinh là loại bỏ cơn động kinh hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của chúng có hoặc không sử dụng thuốc.

Không kiểm soát động kinh có thể dẫn đến một số biến chứng và rủi ro sức khỏe, bao gồm:

  • Chấn thương vật lý trong cơn động kinh
  • Đuối nước, nếu cơn động kinh xảy ra trong khi tắm hoặc bơi
  • Trầm cảm và lo âu
  • Suy giảm trí nhớ hoặc các kỹ năng tư duy khác
  • Chậm phát triển ở trẻ em
  • Đột tử, một biến chứng hiếm gặp của bệnh động kinh
động kinh
Mục tiêu của phẫu thuật động kinh là loại bỏ cơn động kinh hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của chúng

2. Các loại phẫu thuật

Động kinh là do hoạt động bất thường của một số tế bào thần kinh. Loại phẫu thuật phụ thuộc phần lớn vào vị trí của các tế bào thần kinh gây ra cơn động kinh và tuổi của bệnh nhân. Các loại phẫu thuật bao gồm:.

  • Phẫu thuật cắt bỏ: phẫu thuật động kinh phổ biến nhất, là loại bỏ một phần nhỏ của não. Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ các mô não trong khu vực não nơi bắt đầu co giật, thường là vị trí của khối u, chấn thương não hoặc dị tật. Phẫu thuật cắt bỏ thường được thực hiện trên một trong các thùy thái dương, một khu vực kiểm soát trí nhớ thị giác, hiểu ngôn ngữ và cảm xúc.
  • Liệu pháp nhiệt kẽ bằng laser (LITT) là một phẫu thuật ít xâm lấn, sử dụng tia laser để xác định và phá hủy một phần nhỏ mô não. Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để định hướng cho phẫu thuật viên.
  • Kích thích não sâu là việc sử dụng một điện cực - được cấy vĩnh viễn vào sâu bên trong não - để định kỳ giải phóng các tín hiệu điện, làm gián đoạn hoạt động bất thường gây co giật. Thủ thuật này cũng được định hướng bằng MRI. Máy phát xung điện được cấy vào ngực.
  • Phẫu thuật cắt bỏ thể chai là một phẫu thuật để cắt đứt - hoàn toàn hoặc một phần - bó dây thần kinh nối giữa bên phải và bên trái của não (thể chai). Phương pháp này thường được sử dụng với trẻ em trải qua hoạt động não bất thường lan từ một bên não sang bên kia
  • Cắt bán cầu là một thủ tục để loại bỏ một bên (bán cầu) của nếp chất xám của não (vỏ não). Phẫu thuật này thường dành riêng cho trẻ em bị động kinh bắt nguồn từ nhiều vị trí trong một bán cầu, thường là kết quả của một tình trạng hiện tại khi sinh hoặc trong giai đoạn sớm.
  • Phẫu thuật cắt bán cầu chức năng: cũng được sử dụng chủ yếu ở trẻ em, là phần dưới của bán cầu gây co giật để cắt đứt các kết nối của nó với hệ thần kinh của cơ thể mà không cần loại bỏ mô não thực sự.

3. Nguy cơ của phẫu thuật động kinh

Các khu vực khác nhau của não kiểm soát các chức năng khác nhau. Do đó, rủi ro khác nhau tùy thuộc vào vị trí phẫu thuật và loại phẫu thuật. ekip phẫu thuật sẽ giúp bạn hiểu các rủi ro cụ thể cho quy trình của bạn, cũng như các phương pháp họ sẽ sử dụng để giảm rủi ro. Rủi ro có thể bao gồm những điều sau đây:

  • Các vấn đề về trí nhớ và ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ của bạn
  • Suy giảm thị lực nơi các thị trường của mắt chồng lên nhau
  • Trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng khác có thể ảnh hưởng đến chức năng liên cá nhân hoặc xã hội
  • Đau đầu
  • Đột quỵ
đột quỵ
Động kinh có thể dẫn đến đột quỵ

4. Chuẩn bị phẫu thuật động kinh

Nếu bạn có khả năng phải phẫu thuật, bạn sẽ làm việc với một đội ngũ y tế tại một trung tâm động kinh chuyên biệt. Ekip sẽ tiến hành một số xét nghiệm để xác định đủ điều kiện phẫu thuật của bạn, xác định vị trí phẫu thuật phù hợp và hiểu chi tiết về cách thức hoạt động của vùng não cụ thể đó. Một số xét nghiệm này được thực hiện như các thủ tục ngoại trú, trong khi những xét nghiệm khác yêu cầu phải nằm viện.

4.1 Đánh giá tìm khu vực có vấn đề

Các thủ tục sau đây là các xét nghiệm tiêu chuẩn được sử dụng để xác định nguồn gốc của hoạt động não bất thường.

  • Điện não đồ cơ sở (EEG). Trong thử nghiệm này, các điện cực được đặt trên da đầu để đo hoạt động điện do não tạo ra khi bạn không bị động kinh. Các mô hình trong hoạt động này có thể gợi ý các khu vực chung của não có thể bị ảnh hưởng.
  • Điện não đồ video. Điện não đồ liên tục với giám sát video ghi lại các cơn động kinh của bạn khi chúng xảy ra. Vì bạn phải tạm thời dừng thuốc chống động kinh để cơn động kinh xảy ra, bạn sẽ được đưa vào bệnh viện để làm xét nghiệm này. Tương quan những thay đổi trong điện não đồ của bạn với chuyển động của cơ thể trong cơn động kinh giúp xác định chính xác khu vực não của bạn nơi cơn động kinh của bạn đang bắt đầu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). MRI, sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết, có thể xác định các tế bào bị hư hỏng, khối u hoặc các bất thường khác có thể gây động kinh.

Bác sĩ phẫu thuật có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để khoanh vùng nguồn cơn động kinh và xác định bản chất của hoạt động bất thường. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Điện não đồ xâm lấn. Nếu xét nghiệm điện não đồ không thể xác định vị trí gây ra cơn động kinh, việc theo dõi có thể được thực hiện với các điện cực được đặt bằng phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật đặt lưới hoặc dải điện cực trên bề mặt não hoặc đặt điện cực sâu hơn trong não. Giám sát điện não đồ được thực hiện trong khi bạn bất tỉnh.
  • EEG video với các điện cực xâm lấn. Các điện cực được đặt trong phẫu thuật cũng có thể cần thiết cho thủ tục EEG video. Sau khi phẫu thuật, dữ liệu video và điện não đồ được ghi lại trong thời gian nằm viện trong khi bạn tỉnh táo nhưng không dùng thuốc chống động kinh.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) là một thiết bị hình ảnh chuyên dụng được sử dụng để đo chức năng não khi bạn không bị động kinh. Các hình ảnh một mình - hoặc kết hợp với dữ liệu MRI - có thể giúp xác định nguồn cơn động kinh của bạn.
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT). Thủ tục này đo lưu lượng máu trong não trong cơn động kinh. Thông thường, lưu lượng máu cao hơn ở phần não nơi bắt đầu co giật. Bạn sẽ được đưa vào bệnh viện để trải qua bài kiểm tra này.
động kinh
Các xét nghiệm tiêu chuẩn được sử dụng để xác định nguồn gốc của hoạt động não bất thường.

4.2 Đánh giá chức năng não

Tùy thuộc vào vị trí phẫu thuật, bác sĩ có thể cho tiến hành các xét nghiệm để xác định chính xác các khu vực của não kiểm soát ngôn ngữ, chức năng cảm giác, vận động hoặc các chức năng quan trọng khác. Thông tin này giúp bác sĩ phẫu thuật của bạn bảo tồn chức năng ở mức độ lớn nhất có thể khi loại bỏ hoặc thay đổi một khu vực trong não bạn.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • MRI chức năng: xác định các khu vực hoạt động của não khi bạn đang thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như nghe hoặc đọc. Điều này giúp bác sĩ phẫu thuật biết chính xác chức năng của các vị trí trong não.
  • Test Wada. Với xét nghiệm này, một loại thuốc tiêm tạm thời đặt một bên não của bạn ngủ một lúc. Sau đó, bạn thực hiện một bài kiểm tra chức năng ngôn ngữ và bộ nhớ. Bài kiểm tra này có thể giúp xác định phía nào của bộ não của bạn chiếm ưu thế đối với việc sử dụng ngôn ngữ của bạn. Mặc dù MRI chức năng thường thay thế xét nghiệm này, nó có thể được sử dụng nếu chẩn đoán hình ảnh không thể thực hiện được.
  • Lập bản đồ não (Brain mapping): Các điện cực nhỏ được phẫu thuật đặt trên bề mặt của não. Khi bạn tỉnh táo sau khi phẫu thuật, bạn thực hiện một số nhiệm vụ tương ứng với các phép đo hoạt động điện của não.

5. Điều gì xảy ra khi phẫu thuật động kinh?

Trước phẫu thuật

Để tránh nhiễm trùng, tóc của bạn sẽ được cắt ngắn hoặc cạo ở trên phần hộp sọ sẽ được lấy ra trong quá trình phẫu thuật. Một ống truyền tĩnh mạch sẽ được đặt để truyền dịch, thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác trong quá trình phẫu thuật.

Trong khi phẫu thuật

Nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy của bạn sẽ được theo dõi trong suốt quá trình phẫu thuật. Máy đo dõi điện não đồ cũng có thể ghi lại sóng não trong quá trình phẫu thuật để định vị tốt hơn phần não nơi cơn động kinh của bạn bắt đầu.

Phẫu thuật động kinh thường được thực hiện trong quá trình gây mê toàn thân, và bạn sẽ bất tỉnh trong suốt quá trình. Trong những trường hợp hiếm hoi, bác sĩ phẫu thuật có thể đánh thức bạn để có thể xác định chính xác phần não kiểm soát ngôn ngữ và vận động. Trong những trường hợp như vậy, bạn sẽ nhận được thuốc giảm đau.

Bác sĩ phẫu thuật tạo ra một cửa sổ tương đối nhỏ trong hộp sọ, tùy thuộc vào loại phẫu thuật. Sau phẫu thuật, cửa sổ xương được thay thế và gắn chặt vào hộp sọ còn lại để lành lại.

Sau phẫu thuật

Bạn sẽ ở trong khu vực hồi sức đặc biệt để được theo dõi cẩn thận khi bạn tỉnh dậy. Bạn có thể cần phải trải qua đêm đầu tiên sau khi phẫu thuật trong một đơn vị hồi sức tích cực. Tổng thời gian nằm viện trong hầu hết các ca phẫu thuật động kinh thường là khoảng 3 hoặc 4 ngày.

Khi bạn thức dậy, đầu của bạn sẽ bị sưng và đau. Hầu hết mọi người cần thuốc giảm đau trong ít nhất vài ngày đầu. Chườm đá trên đầu cũng có thể hữu ích. Sưng và đau sẽ giảm sau vài tuần.

Bạn có thể sẽ không thể trở lại làm việc hoặc đi học trong khoảng một đến ba tháng. Bạn nên nghỉ ngơi và thư giãn trong vài tuần đầu sau phẫu thuật và sau đó tăng dần mức độ hoạt động của bạn.

Không chắc là bạn sẽ cần phục hồi chức năng chuyên sâu miễn là phẫu thuật được hoàn thành mà không có biến chứng như đột quỵ hoặc mất khả năng nói.

Thở máy sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi cẩn thận để tránh các tai biến

6. Kết quả phẫu thuật động kinh

Kết quả khác nhau tùy thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện. Kết quả được kì vọng là có thể kiểm soát co giật bằng thuốc.

Thủ thuật phổ biến nhất và được hiểu rõ nhất - cắt bỏ mô ở thùy thái dương - dẫn đến kết quả không có động kinh cho khoảng hai phần ba số người. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn không bị động kinh trong năm đầu tiên sau phẫu thuật thùy thái dương – kèm với dùng thuốc - thì khả năng bị động kinh sau hai năm là 87 - 90%. Nếu bạn không bị động kinh trong hai năm, khả năng không bị động kinh là 95% sau 5 năm, 82% sau 10 năm.

Nếu bạn vẫn không bị động kinh trong ít nhất một năm, bác sĩ có thể xem xét giảm dần thuốc chống động kinh và cuối cùng loại bỏ hoàn toàn thuốc. Hầu hết những người bị động kinh sau khi hết dùng thuốc đều có thể kiểm soát cơn động kinh bằng cách tiếp tục điều trị bằng thuốc.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan