Tránh sặc nếu bị chảy máu mũi khi ngủ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chảy máu cam có thể xảy ra ban ngày hoặc ban đêm trong khi ngủ. Với trường hợp bị chảy máu mũi khi ngủ, việc phát hiện và sơ cứu thường khó khăn hơn. Do vậy, chủ động phòng ngừa chảy máu cam trong khi ngủ là vô cùng quan trọng.

1. Nguyên nhân chảy máu mũi khi ngủ

  • Khô hốc mũi: Chủ yếu do nguyên nhân thiếu hụt dinh dưỡng (thiếu vitamin C) và không khí bị khô trong mùa lạnh. Hốc mũi bị khô khiến các mao mạch trong mũi trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương khi chịu tác động nhẹ như xì mũi, day mũi, dễ bị chảy máu mũi;
  • Thói quen ngoáy mũi: Hành động ngoáy mũi có thể được thực hiện một cách vô thức trong lúc ngủ. Móng tay có thể khiến mao mạch trong mũi bị tác động mạnh và tổn thương, gây chảy máu mũi;
  • Dị ứng: Gây các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt. Khi mũi bị ngứa, dị ứng, người bệnh thường có thói quen gãi mũi hoặc xì mũi liên tục, làm tổn thương các mạch máu gây chảy máu cam. Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc xịt mũi steroid và các loại thuốc dùng để điều trị các triệu chứng dị ứng cũng có thể là mũi bị khô, dễ bị tổn thương, chảy máu;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Viêm xoang, cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, gây chảy máu mũi. Ngoài ra, việc xì mũi liên tục khi bị nhiễm trùng cũng gây chảy máu cam. Các dấu hiệu khác của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp gồm: Nghẹt mũi, hắt hơi, ho, đau họng, sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.
Viêm mũi xoang cấp
Xì mũi nhiều khi bị nhiễm trùng cũng dễ dẫn tới bị chảy máu cam

2. Cách phòng ngừa chảy máu mũi khi ngủ

Các biện pháp phòng ngừa chảy máu cam khi ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu cam. Cụ thể là:

  • Khô hốc mũi: Cách ngăn ngừa chảy máu cam do khô hốc mũi là nên giữ nhiệt độ phòng ngủ vừa phải và sử dụng máy phun sương làm ẩm không khí vào mùa đông để tránh không khí quá khô. Ngoài ra, nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh, làm ẩm mũi trước khi ngủ. Biện pháp sử dụng tăm bông để thoa một lớp kem dưỡng ẩm như vaseline vào hốc mũi cũng có tác dụng ngăn ngừa khô hốc mũi, giảm nguy cơ chảy máu cam. Đồng thời, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn cũng giúp phòng ngừa chảy máu mũi khi ngủ;
  • Thói quen ngoáy mũi: Nên phòng ngừa chảy máu mũi do thói quen ngoáy mũi bằng cách thường xuyên cắt móng tay, rửa tay sạch trước khi đi ngủ và mang găng tay mềm khi đi ngủ;
  • Dị ứng: Biện pháp phòng ngừa chảy máu mũi do dị ứng là nên xì mũi một cách nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương các mạch máu bên trong mũi, sử dụng khăn giấy chứa chất dưỡng ẩm để xì mũi, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc không chứa steroid và cố gắng tránh các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, lông động vật,...;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Để phòng ngừa chảy máu cam do nhiễm trùng, nên sử dụng nước muối xịt mũi hoặc dùng hơi nước nóng để làm giảm tình trạng nghẹt mũi, uống nhiều nước để làm lỏng chất nhầy trong mũi, nghỉ ngơi tại chỗ và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm khuẩn được hô hấp.
Thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid
Sử dụng nước muối dạng xịt để làm giảm tình trạng nghẹt mũi

3. Biện pháp xử trí, tránh sặc khi bị chảy máu mũi khi ngủ

  • Cho bệnh nhân ngồi hoặc đứng, hơi nghiêng đầu về phía trước để xác định bên mũi bị chảy máu cam. Chú ý không để người bệnh ngửa đầu vì việc này sẽ khiến máu mũi chảy xuống cổ họng, gây sặc, buồn nôn, khó thở,...;
  • Sử dụng khăn giấy hoặc vải, ấn nhẹ lỗ mũi trong vòng 5 - 15 phút. Trong lúc này, có thể ngậm một viên đá lạnh hoặc chườm khăn lạnh lên sống mũi để làm co mạch máu trong mũi, giúp cầm máu nhanh hơn;
  • Sau 15 phút, lấy khăn ra, kiểm tra xem còn chảy máu hay không. Nếu máy vẫn còn chảy thì lặp lại các bước ở trên.

Sau đó, nếu cầm máu, có thể đi ngủ lại. Nên gối đầu cao trong khi ngủ và cố gắng không di chuyển đầu nhiều, giữ tư thế ngủ thoải mái. Người bệnh nên nằm nghiêng sang một bên, duy trì tư thế ngủ này trong 1 ngày để kiểm tra xem có chảy máu mũi không. Nếu máu còn chảy thì việc ngủ nghiêng sẽ hạn chế máu đọng ở đường thở gây sặc hoặc khó thở. Bệnh nhân cũng có thể bôi vaseline hoặc thuốc mỡ kháng sinh vào trong mũi bằng một chiếc tăm bông để làm ẩm, giúp vết thương mau lành hơn.

Ngủ
Nên kê gối cao đầu khi ngủ và giữ tư thế thoải mái nhất

Nên đưa bệnh nhân đi khám bác sĩ ngay nếu:

  • Chảy máu mũi nhiều hoặc không thể cầm máu trong vòng 30 phút;
  • Da xanh tái, mệt mỏi và chóng mặt sau khi bị chảy máu mũi;
  • Chảy máu cam sau chấn thương hoặc phẫu thuật;
  • Có các triệu chứng khác đi kèm như đau ngực, khó thở, sốt, nhức đầu, đi tiểu, đi tiêu ra máu;
  • Chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần.

Chảy máu mũi khi ngủ thường có thể tự cầm máu sau khi được sơ cứu đúng cách. Trong trường hợp bệnh nhân bị mất máu nhiều, không cầm máu được, gia đình nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan