Các bệnh thường gặp ở cột sống

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Bá Quỳnh - Bác sĩ Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh lý ở cột sống khá đa dạng, thường nghe dưới những tên gọi quen thuộc như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, cong vẹo, chấn thương cột sống... Tuy nhiên, nhóm bệnh lý này thực sự có nhiều nguyên nhân khác nhau, tại nhiều bộ phận khác nhau. Hiểu biết về vấn đề này giúp chúng ta có định hướng thăm khám và điều trị phù hợp.

1. Bệnh lý tại cột sống là gì?

Cột sống là một chuỗi các xương dạng hình trụ nằm ở mặt lưng, xếp chồng lên nhau và ngăn cách bởi đĩa đệm. Không chỉ giúp con người di chuyển, xoay trở, cột sống còn đóng vai trò định hình cho toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, cột sống cũng tham gia rất nhiều trong mọi hoạt động hằng ngày. Theo đó, nhóm bệnh lý tại cột sống rất thường gặp và càng phổ biến hơn ở các đối tượng lớn tuổi hay phải vận động nhiều.

Lý do thường khiến bệnh nhân đi khám nhất là đau lưng. Triệu chứng này rất khó chịu, khiến công việc phải đình trệ cũng như làm cho người bệnh lo âu, suy nhược.

Đau lưng tại cột sống có nguyên nhân tại xương, đĩa đệm giữa các đốt sống, dây chằng quanh cột sống, tủy sống và rễ, dây thần kinh, cơ dọc lưng. Mỗi cơ quan bị tổn thương sẽ có những biểu hiện khác nhau. Chỉ khi tìm và điều trị đúng nguyên nhân thì mới giải quyết được vấn đề này.

2. Nguyên nhân của các bệnh thường gặp ở cột sống

2.1. Do sự căng thẳng, quá tải

Những bệnh lý ở cột sống gây đau lưng thường gặp nhất là do sự căng giãn quá mức hoặc chấn thương của các bộ phận, cụ thể là:

  • Căng cơ hoặc dây chằng;
  • Co thắt các cơ cạnh cột sống;
  • Chấn thương cột sống do gãy xương hoặc té ngã.

Các hoạt động có thể dẫn đến căng giãn hoặc co thắt cơ là khi người bệnh gắng sức nâng đỡ vật nặng không đúng cách hoặc tập thể dục quá sức làm các bộ phận phải gồng cứng chịu lực và sau đó giãn ra đột ngột gây đau nhức.

Các bệnh thường gặp ở cột sống
Do lưng bị quá tải dẫn tới bệnh ở cột sống

2.2. Do bất thường cấu trúc

Những dị dạng kéo dài hay tổn thương về mặt cấu trúc cấp tính khiến hoạt động sinh lý của cột sống phải thay đổi, có thể dẫn đến đau lưng. Các dạng bất thường cấu trúc của cột sống gồm:

  • Vỡ đĩa đệm: Đĩa đệm là một cấu trúc dạng đĩa nằm giữa các đốt sống, giúp đệm giữa các đốt sống, giúp đốt sống linh hoạt, có thể uốn cong và vặn xoắn. Nếu một chấn thương quá mức vào lưng gây vỡ đĩa đệm sẽ tạo ra nhiều áp lực đặt lên rễ thần kinh, dẫn đến đau lưng và có thể đau xuống mông hoặc đùi;
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống: Những vận động cột sống quá mức kéo dài hoặc do lão hóa cơ thể sẽ gây di lệch đĩa đệm, chèn ép vào tủy sống. Trong đó, nếu thần kinh ở đoạn cột sống vùng thắt lưng bị ảnh hưởng sẽ gây ra các cơn đau thần kinh tọa. Đây là các cơn đau chói đi từ mông và xuống phía sau chân; đau kéo dài có thể làm yếu hai chi dưới, tê bì, mất cảm giác và rối loạn đại, tiểu tiện;
  • Viêm khớp: Viêm xương khớp có thể gây ra các vấn đề với khớp ở hông, lưng dưới và những nơi khác. Trong một số trường hợp, khối viêm làm cho không gian xung quanh tủy sống bị thu hẹp, gây ra chứng hẹp ống sống;
  • Thay đổi độ cong của cột sống: Nếu tình trạng độ cong sinh lý của cột sống bị biến dạng tiến triển qua thời gian dài mà không được điều chỉnh sẽ gây mất thăng bằng cho cơ, dây chằng và đĩa đệm. Cuối cùng là gây cong vẹo cột sống vĩnh viễn, khiến cột sống cong sang một bên và người bệnh bị đau nhức kéo dài, thậm chí gây khó khăn trực tiếp trong sinh hoạt hằng ngày;
  • Thoái hóa cột sống: Tình trạng thoái hóa đĩa đệm theo thời gian, tuổi tác, vi chấn thương lặp đi lặp lại tạo nên sự thay đổi cấu trúc và khả năng chịu áp lực lên cột sống giảm gây nên đau lưng. Thoái hóa cột sống giai đoạn muộn dẫn đến hình thành gai xương, có thể gây hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau lưng và rối loạn chức năng thần kinh ở chân.

2.3. Do động tác và tư thế

Đau lưng trên cột sống cũng có thể là hệ quả của một loạt những hoạt động nặng nhọc hàng ngày hoặc tư thế xấu. Những ví dụ này bao gồm:

  • Ngồi khom lưng, bắt chéo hai chân khi sử dụng máy tính;
  • Vặn xoắn cột sống quá mức khi tập luyện;
  • Đẩy, kéo, nâng hoặc mang vật nặng không đúng cách;
  • Đeo cặp, túi xách hay balô quá nặng và lệch một bên;
  • Phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài;
  • Căng cổ liên tục về phía trước, chẳng hạn như khi lái xe hoặc sử dụng máy tính;
  • Ngủ trên nệm cứng mà không nâng đỡ tốt cho cơ thể và giữ thẳng cột sống.

2.4. Nguyên nhân khác

  • Xẹp đốt sống: Mỗi đốt sống có hình trụ và trong lòng là mô xương xốp. Chính vì thế, nếu có chấn thương quá mức sẽ gây xẹp đốt đống, biến dạng toàn bộ cấu trúc cột sống. Ngoài ra, xẹp đốt sống còn có thể do loãng xương gây gù vẹo cột sống ở người lớn tuổi;
  • Ung thư cột sống: Một khối u trên cột sống có thể đè lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng;
  • Nhiễm trùng cột sống: Sốt và nóng, đau ở lưng có thể là do nhiễm trùng cột sống;
  • Lao cột sống: Bản chất lao là một khối viêm áp xe kéo dài, ăn lan trong cột sống và phá vỡ cấu trúc.

3. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý ở cột sống

Nếu có một trong các yếu tố sau, người bệnh dễ có nguy cơ gặp phải các bệnh lý trên cột sống:

  • Hoạt động nghề nghiệp nặng nhọc;
  • Mang thai;
  • Lối sống ít tập luyện, vận động;
  • Thể lực kém;
Các bệnh thường gặp ở cột sống
Đau lưng khi mang thai
  • Cao tuổi;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Hút thuốc lá;
  • Tập thể dục hoặc tư thế lao động không đúng cách;
  • Yếu tố di truyền;
  • Có các bệnh lý mắc phải như viêm khớp, ung thư.

4. Triệu chứng của bệnh lý ở cột sống

Triệu chứng chính của các bệnh lý này là đau lưng. Cơn đau thường khu trú tại một vị trí trên cột sống hay đôi khi còn lan dọc lưng, xuống tận mông và chân.

Cơn đau thường biến mất nếu được nghỉ ngơi hay điều chỉnh tư thế đúng cách mà không cần phải điều trị gì. Tuy nhiên, nếu người bệnh vừa có cơn đau trên lưng vừa kèm theo các đặc điểm sau thì nên đi khám bác sĩ:

  • Sụt cân;
  • Sốt;
  • Có khối viêm hoặc sưng ở lưng;
  • Đau lưng dai dẳng, không cải thiện cả khi nghỉ ngơi;
  • Đau xuống chân;
  • Đau đến dưới đầu gối;
  • Sau khi bị chấn thương;
  • Tiêu tiểu không tự chủ;
  • Bí đại, tiểu tiện;
  • Tê bì hay mất cảm giác;
  • Yếu chân khi đi lại

5. Chẩn đoán các bệnh thường gặp ở cột sống

Để chẩn đoán các bệnh thường gặp ở cột sống, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, tìm hiểu nghuyên nhân, hoàn cảnh khởi phát và quan sát cột sống, thực hiện một số nghiệm pháp giúp đánh giá đặc điểm tình trạng đau lưng. Bên cạnh đó, một số chỉ định về hình ảnh học có thể hỗ trợ việc chẩn đoán, nhất là khi đau lưng xuất hiện sau chấn thương hay người bệnh đã phải chịu đựng cơn đau sau một thời gian dài mà không đáp ứng điều trị nâng đỡ thông thường. Trong đó, chụp X-quang là phương tiện phổ biến nhất để đánh giá nhanh chóng và cơ bản về cấu trúc các phần cứng như xương đốt sống, cũng như tình trạng hẹp lỗ liên hợp. Một số trường hợp cần chụp CT cột sống để khảo sát sâu hơn về cấu trúc xương cột sống (như trong chẩn đoán lao cột sống, u cột sống...) . Để khảo sát các phần mềm như cơ, dây chằng, ống sống, tủy sống, rễ thần kinh, phải cần đến MRI cột sống.

Ngoài ra, trong trường hợp nghi ngờ khả năng thần kinh bị chèn ép, chỉ định đo điện cơ sẽ được thực hiện nhằm phát hiện bất thường nếu có do nguyên nhân này.

Tóm lại, các bệnh lý tại cột sống là một tập hợp nhiều bất thường tại các bộ phận khác nhau. Dù gây triệu chứng phổ biến nhất là đau lưng nhưng cách chẩn đoán và điều trị là hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, khi bị đau lưng nói riêng hay bất kỳ dấu hiệu nào ở cột sống như kể trên, cần đến thăm khám chuyên khoa sớm để được can thiệp, tránh để lại di chứng về sau.

Bệnh nhân khi gặp các vấn đề về cột sống có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cơ xương khớp được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm, đủ khả năng triển khai hiệu quả những phương pháp điều trị y cột sống tiên tiến trên thế giới; hệ thống trang thiết bị hiện đại, phòng phục hồi chức năng đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan