Chườm đá hay chườm ấm sau chấn thương: Những sai lầm thường gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Minh - Giám đốc Điều hành Lab Phòng Motion Lab Vinmec Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc Vinmec kiêm Bác sĩ Ngoại khoa Nội soi khớp và Y học thể thao Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chườm đá hay chườm ấm đều là phương pháp thường dùng để điều trị chấn thương, nhưng phần lớn chúng ta đều nhầm lẫn về công dụng của từng phương pháp. Hơn nữa, nhiều trường hợp sử dụng những phương pháp này không đúng cách, không an toàn, dẫn đến việc tổn thương nhiều hơn so với tác dụng mà các phương pháp này mang lại.

1. Tác dụng của chườm đá

Chườm đá là phương pháp phổ biến nhất cho các chấn thương cấp tính để giảm sưng, đau và viêm. Viêm là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương hoặc nhiễm khuẩn. Trong quá trình đó, các mạch máu và các mô của cơ thể sẽ giãn ra để cho phép các tế bào miễn dịch đến gần hơn tới vị trí tổn thương. Có vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể nhưng viêm quá mức có thể dẫn đến đau dữ dội và hạn chế khả năng vận động của vùng cơ thể bị tổn thương.

Nếu bị chấn thương trong vòng 2 ngày trở lại, chườm đá có thể hạn chế sưng, hạn chế chảy máu trong mô của cơ thể đồng thời giảm bớt co cứng cơ và đau.

Chườm đá cũng có thể được sử dụng hàng ngày để điều trị các chấn thương mạn tính, điển hình là các chấn thương lặp đi lặp lại ở vận động viên như: viêm gân, xơ hoá gân hoặc viêm bao hoạt dịch. Với các loại chấn thương này, chườm đá được áp dụng ngay lập tức sau các hoạt động thể dục thể thao nhằm điều trị dự phòng hiện tượng viêm có thể xảy ra.

Ngoài ra, các trường hợp viêm khớp, đau nửa đầu, đau thần kinh mặt, việc chườm mát cũng có thể đem lại hiệu quả tốt.

Cách chườm đá an toàn:

Túi chườm mát có thể được làm tại nhà bằng cách bọc các viên đá trong tủ lạnh bằng túi bóng hoặc khăn tay.

Để chườm đá an toàn, cần lưu ý những điểm sau:

  • Không được để viên đá tiếp xúc trực tiếp với da. Luôn sử dụng khăn tắm hoặc vật cản mỏng để tránh việc tiếp xúc trực tiếp này.
  • Luôn luôn di chuyển túi đá. Không được để túi đá ở một chỗ cố định trong nhiều phút khi chườm đá.
  • Nên chườm 30-45 phút mỗi lần. Chườm đá nhiều lần một ngày sẽ tốt hơn chườm đá một lần trong thời gian kéo dài.
  • Không tiếp tục chườm đá nếu chúng ta cảm giác đau hoặc vùng da được chườm đá chuyển màu hồng hoặc đỏ.
  • Không được sử dụng chườm đá ở vai trái nếu chúng ta có bệnh lý về tim.

2. Tác dụng của chườm ấm

Chườm ấm thường được sử dụng để điều trị các tổn thương mạn tính. Chườm ấm giúp kích thích dòng máu đến các cơ hoặc khớp bị tổn thương. Chườm ấm thường được sử dụng để điều trị các chấn thương lặp đi lặp lại ở vận động viên trước lúc họ bắt đầu các hoạt động thể dục thể thao.

Chườm ấm là một phương pháp hiệu quả để giảm đau nếu chấn thương là căng cơ. Nhiệt giúp thư giãn mô tổn thương và hạn chế việc cứng khớp, điều này tạo điều kiện cho các bệnh cơ xương như viêm khớp hoặc căng cơ kéo dài.

Khăn ẩm hoặc miếng nhiệt ẩm có thể tăng cường sự xâm nhập của nhiệt vào cơ. Nhiều trường hợp cho rằng nhiệt ẩm sẽ giúp giảm đau tốt hơn so với nhiệt khô.

Cách chườm ấm hiệu quả:

Công cụ để chườm ấm có thể là miếng nhiệt điện (electric heating pad) hoặc thậm chí là khăn nóng được lấy ra từ máy sấy. Tuy nhiên, chúng ta nên sử dụng miếng nhiệt điện, điều chỉnh nhiệt độ thích hợp với từng người để tránh nhiệt quá lớn sẽ gây bỏng cho bệnh nhân.

Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng các túi đựng gạo, hạt lúa mì hoặc những nguyên liệu tự nhiên khác, những túi này có thể làm nóng trong lò vi sóng để tạo ra một công cụ chườm ấm. Tuy nhiên, chúng ta cần cần thận khi sử dụng những công cụ này, bởi vì chúng có thể gây bỏng với nhiệt độ lớn không kiểm soát được. Ngoài ra, túi đựng lúa mì còn có thể bắt lửa.

Để chườm nóng giảm đau hiệu quả, cần lưu ý những điểm sau:

  • Không được chườm ấm sau khi bệnh nhân hoạt động.
  • Không được chườm ấm với các tổn thương cấp tính.
  • Luôn luôn sử dụng nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ thích hợp không bao giờ gây đổ mồ hôi và khó chịu cho bệnh nhân.
  • Không được nhúng khăn tắm bằng nước sôi để tạo ra công cụ để chườm ấm.
  • Không được chườm ấm ở vị trí đang có quá trình viêm diễn ra.
  • Không được chườm ấm ở vùng da tổn thương.
  • Không được chườm ấm khi đang ngủ.

3. Sự khác biệt giữa chườm đá và chườm ấm

Bảng dưới đây sẽ giúp bạn tóm tắt lại những điểm chính về sự khác biệt giữa chườm đá và chườm ấm:

Chườm đá Chườm ấm
Khi nào sử dụng? Chườm đá sử dụng sau chấn thương cấp tính. Chườm đá sau khi hoạt động nếu bạn có các chấn thương mạn tính có thể gây viêm. Chườm ấm trước khi hoạt động nhằm giãn cơ và khớp đồng thời thư giãn mô cơ thể tổn thương.
Cách sử dụng hiệu quả? Không được đặt trực tiếp đá lên da. Phải di chuyển liên tục. Áp dụng trực tiếp lên khớp hoặc cơ tổn thương. Lưu ý nhiệt độ vừa phải để không làm tổn thương da.
Thời gian sử dụng? Khoảng 30-45 phút mỗi lần, nhiều lần trong một ngày. Thời gian sử dụng không quá 20 phút mỗi lần. Không được chườm ấm khi đang ngủ.
Không được sử dụng khi nào? Không được chườm lạnh trước khi hoạt động với một chấn thương mạn tính. Không được chườm ấm trên chấn thương cấp tính hoặc vùng da tổn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan