Điều trị gãy xương cột sống mà không cần phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nghiêm Bảo - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị gãy xương cột sống có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên không phải trường hợp gãy xương nào cũng cần đến phẫu thuật, bao gồm một số trường hợp gãy xương cột sống nhất định.

Những người không may bị gãy lún xương cột sống có thể điều trị gãy xương cột sống mà không cần đến phẫu thuật. Mục tiêu chính của việc điều trị bảo tồn gãy lún xương cột sống là giảm đau, hồi phục tổn thương và giải quyết tình trạng loãng xương. Đa số các trường hợp gãy lún xương cột sống không cần phẫu thuật, và tổn thương thường sẽ tự hồi phục sau khoảng thời gian là 03 tháng.

1. Sử dụng thuốc giảm đau

Thông thường chỉ cần sử dụng các thuốc giảm đau không phải kê đơn cũng đã mang lại hiệu quả, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen. Tuy nhiên trước khi có ý định sử dụng bất kì loại thuốc nào, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ. Nếu bị đau nặng hoặc đau kéo dài, bác sĩ có thể sẽ chỉ định những loại thuốc giảm đau có tác dụng mạnh hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy calcitonin - một loại nội tiết tố, có tác dụng làm giảm đau trong các trường hợp điều trị gãy xương cột sống, do đó bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng.

Sử dụng thuốc kháng histamin
Sử dụng thuốc giảm đau điều trị gãy xương cột sống

2. Nghỉ ngơi hợp lý để điều trị gãy xương cột sống

Khi đã bị tổn thương do, điều hiển nhiên là không nên vận động cột sống quá mức, nhưng bệnh nhân cũng không nên bất động hoàn toàn. Nằm bất động quá lâu không những không giúp tổn thương chóng hồi phục, ngược lại còn làm cho tình trạng xương bị yếu đi. Ban đầu sau khi bị tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường trong một thời gian ngắn. Sau vài ngày hoặc đến khi bắt đầu cảm thấy cơ thể tốt hơn, bệnh nhân nên dần quay trở lại với các hoạt động thường nhật.

Để tổn thương không trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần tránh lao động nặng trong khoảng thời gian từ vài tuần cho tới vài tháng. Tốt nhất bệnh nhân gãy xương cột sống nên tham vấn bác sĩ về thời điểm tối ưu để có thể tham gia các hoạt động một cách hoàn toàn bình thường, cũng như cách để tự chăm sóc bản thân trong lúc chờ tổn thương phục hồi.

Lún xẹp đốt sống
Hình ảnh gãy lún xương cột sống

3. Vật lý trị liệu điều trị gãy xương cột sống

Một khi đã cảm thấy tình trạng cơ thể tốt hơn, hãy xin tư vấn của bác sĩ về vấn đề vật lý trị liệu. Các bài tập có thể khiến cho vùng lưng trở nên khỏe mạnh hơn, giúp phòng tránh những tình huống gãy lún xương cột sống có thể lại xuất hiện trong tương lai.

Các hình thức tập luyện phù hợp mà bệnh nhân nên tham vấn ý kiến bác sĩ có thể là đi bộ, khiêu vũ, yoga,...

Nhìn chung các hình thức tập luyện đều ít nhiều mang lại những lợi ích nhất định trong việc làm vững mạnh cơ xương. Bệnh nhân cũng có thể tham khảo tập thái cực quyền, một hình thức luyện tập giúp nâng cao khả năng giữ thăng bằng, từ đó mang lại lợi ích phòng tránh bị ngã gây tổn thương trong tương lai.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể áp dụng điều trị gãy xương cột sống

4. Mang nẹp lưng điều trị gãy xương cột sống

Mang nẹp lưng khi bị gãy lún xương cột sống cũng tương tự như mang nẹp trong các trường hợp gãy xương ở các vị trí khác. Nẹp lưng là một khung cứng có tác dụng giảm áp lực lên xương đang bị tổn thương, đồng thời hạn chế cử động của cơ thể, qua đó tạo điều kiện cho các đốt sống có thời gian để hồi phục.

Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh mang nẹp lưng giúp chữa lành tổn thương gãy lún xương cột sống, nhưng kết quả của một nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm đau.

Trong ngắn hạn, những điều trị như sử dụng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, và mang nẹp lưng có thể giúp làm giảm đau và bệnh nhân sẽ dần hồi phục.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan