Thiếu xương là bệnh gì?

Thiếu xương là tình trạng khối lượng xương của cơ thể thấp hơn so với bình thường. Hiện nay, rất nhiều người bị nhầm lẫn thiếu xương với bệnh loãng xương. Do đó, cần phân biệt cũng như phát hiện sớm để ngăn ngừa và điều trị kịp thời.

1. Thiếu xương là gì?

Theo sự phát triển của hệ xương khớp thì mật độ xương của một người bình thường sẽ đạt mức cao nhất ở 35 tuổi. Mật độ xương là chỉ số được dùng để đánh giá lượng khoáng chất có trong xương, từ đó có thể đánh giá mức độ cứng chắc và khả năng chịu lực của xương trong các hoạt động hàng ngày.

Khi bị thiếu xương, mật độ xương của bạn sẽ thấp hơn bình thường, đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương.

Loãng xương xảy ra khi khối lượng xương bị thiếu trầm trọng, kết hợp của sự thiếu hụt nhiều khoáng chất trong cơ thể như: Canxi, magie, vitamin D và một số vitamin khác,... Khi loãng xương tiến triển đến giai đoạn nặng, bạn có thể bị còng lưng, giảm chiều cao và thường xuyên đau nhức, hay gù vẹo.

Để phân biệt tình trạng thiếu xương và loãng xương cũng như đánh giá mức độ thiếu khoáng chất trong xương một cách cụ thể, bác sĩ sẽ thực hiện đo mật độ xương BMD. Chỉ số này sẽ đánh giá mức độ canxi có trong xương, có thể thực hiện đo ở xương cổ tay, xương cột sống, xương hông và xương ngón tay hoặc ngón chân.

2. Dấu hiệu nào giúp nhận biết bệnh thiếu xương?

Thông thường, tình trạng thiếu xương không có bất cứ triệu chứng nào. Căn bệnh này chỉ có thể được phát hiện khi làm xét nghiệm đo mật độ xương.

3. Nguyên nhân nào gây thiếu xương?

3.1. Nguyên nhân y tế

Một số tình trạng sức khỏe hoặc việc điều trị một bệnh lý nào đó có thể kích hoạt thiếu xương:

  • Các rối loạn ăn uống, như tình trạng chán ăn hoặc cuồng ăn, có thể khiến cho cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng giúp xương khỏe mạnh;
  • Bệnh celiac không được điều trị: Những người mắc bệnh celiac có thể làm tổn thương ruột non nếu ăn thực phẩm có chứa gluten, dẫn tới giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương và sự phát triển của cơ thể;
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức;
  • Xạ trị: Việc tiếp xúc với bức xạ trong hóa trị có thể có ảnh hưởng đến mật độ xương;
  • Một số loại thuốc steroid như Hydrocortisone hoặc Prednisone và các thuốc chống động kinh như Gabapentin, Carbamazepine hoặc Phenytoin.

3.2. Nguyên nhân lối sống

Các nguyên nhân trong chế độ ăn uống, lười luyện tập thể dục thể thao và thói quen sống không lành mạnh có thể gây ra tình trạng thiếu xương, cụ thể:

3.3. Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố sẽ khiến bạn có nguy cơ cao bị thiếu xương như:

  • Nữ giới: Những người phụ nữ gốc Á hoặc người da trắng sẽ có nguy cơ cao có mật độ xương thấp;
  • Người trong gia đình có mật độ xương thấp;
  • Trên 50 tuổi;
  • Mãn kinh trước 45 tuổi;
  • Cắt bỏ buồng trứng sớm;
  • Không tập thể dục;
  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là tình trạng thiếu canxi và vitamin D;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống quá nhiều rượu hoặc caffeine.

4. Chẩn đoán bệnh thiếu xương như thế nào?

Trong bệnh thiếu xương, mật độ xương chỉ giảm thấp hơn so với mức bình thường, chưa gây ra vấn đề về sức khỏe nên thường không có biểu hiện gì. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán thiếu xương khi kiểm tra mật độ xương.

Theo các chuyên gia, những người nên đo mật độ xương bao gồm:

  • Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên;
  • Phụ nữ dưới 65 tuổi nhưng đã mãn kinh và có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ kể trên;
  • Phụ nữ đã mãn kinh và bị gãy xương trong các hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn đo mật độ xương cho một số trường hợp khác.

Xét nghiệm DEXA là một phương pháp đo độ hấp thụ tia X của xương. Đây là phương pháp phổ biến nhất để đo mật độ xương.

Bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm DEXA để đo mật độ xương ở cột sống, xương hông, cổ tay, ngón tay, cẳng chân hoặc gót chân. Xét nghiệm này cũng sẽ so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương của một người 30 tuổi bình thường, cùng giới tính và chủng tộc với bạn.

Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng xương của bạn:

  • Kết quả từ +1.0 đến –1.0: Là mật độ xương bình thường;
  • Kết quả từ –1.5 đến –2.5: Là mật độ xương thấp hay thiếu xương;
  • Từ –2.5 trở xuống: Là loãng xương.

Nếu bạn bị thiếu xương, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm đánh giá FRAX. Đây là phương pháp dùng kết quả mật độ xương cùng với các yếu tố nguy cơ khác để xác định nguy cơ bạn bị gãy xương hông, cột sống, cẳng tay và xương vai trong vòng 10 năm. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.

5. Các phương pháp điều trị bệnh thiếu xương?

Điều trị bệnh thiếu xương với mục tiêu là ngăn ngừa thiếu xương tiến triển thành loãng xương.

Điều đầu tiên trong điều trị thiếu xương liên quan đến việc lựa chọn chế độ ăn uống và tập thể dục. Nguy cơ bạn bị gãy xương khi thiếu xương là khá nhỏ, vì vậy các bác sĩ thường không kê đơn thuốc cho bạn, trừ khi mật độ xương rất gần với loãng xương.

Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị thiếu xương cần lưu ý:

  • Bổ sung đầy đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết cho cơ thể thông qua: Các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo, sữa chua, phô mai,.. Cải bông xôi hoặc bông cải xanh, các loại đậu, trứng, cá béo, ngũ cốc, bánh mì;
  • Sử dụng thực phẩm chức năng;
  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Hạn chế tối đa việc uống rượu bia và đồ uống có gas.

Đôi khi thuốc kê đơn sẽ được sử dụng để điều trị bệnh thiếu xương nếu xương của bạn bắt đầu yếu đi, gồm:

  • Alendronate;
  • Ibandronate;
  • Raloxifene;
  • Risedronate;
  • Axit zoledronic.

Khi sử dụng các loại thuốc này, bạn có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc như các vấn đề về tiêu hóa, đau xương khớp. Những loại thuốc này cũng có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi.

Tóm lại, cách tốt nhất để ngăn ngừa thiếu xương là tránh hoặc ngăn chặn bất kỳ nguyên nhân nào gây ra nó. Nếu bạn đang hút thuốc, uống nhiều rượu bia hoặc caffeine thì hãy từ bỏ những thói quen xấu này. Nếu bạn chưa đến 35 tuổi, xương của bạn vẫn có thể được tái tạo. Nếu bạn trên 65 tuổi, bác sĩ có thể sẽ đề nghị xét nghiệm DEXA ít nhất 1 lần mỗi năm để phát hiện thiếu xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan