Công dụng thuốc Calci Gluconat

Calci Gluconat là thuốc được sử dụng trong những trường hợp thiếu hụt canxi như hạ canxi huyết cấp tính hoặc bổ sung canxi cho người dùng thuốc co giật trong thời gian dài. Ngoài ra trong một số trường hợp, thuốc cũng được chỉ định cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ em thời kỳ tăng trưởng,...

1. Thuốc Calci Gluconat có tác dụng gì?

Calci Gluconat được bào chế dưới hai dạng chính là thuốc uống và thuốc tiêm.

Với thuốc tiêm, Calci Gluconat được xem là nguồn cung cấp ion canxi, được sử dụng phổ biến trong các trường hợp hạ canxi huyết. Ngoài ra, thuốc cũng giúp ngăn chặn tăng magie và kali trong máu, đồng thời được sử dụng cho bệnh nhân hạ canxi huyết do ngộ độc ethylene glycol hoặc do nhiễm độc toàn thân nguyên nhân do acid hydrofluoric.

Với thuốc uống, Calci Gluconat được sử dụng phổ biến cho những trường hợp thiếu canxi gây suy yếu xương và thận.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định

Theo các bác sĩ chuyên khoa, Calci Gluconat được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Sử dụng trong điều trị dự phòng thiếu hụt canxi huyết khi thay máu.
  • Người bị hạ canxi huyết cấp tính do hội chứng hạ canxi huyết, thiểu năng cận giáp, tái khoáng hóa sau thực hiện phẫu thuật tăng cận giáp, thiếu hụt vitamin D,...
  • Bổ sung canxi cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng, người cao tuổi hoặc người có chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi,...
  • Bổ sung canxi cho bệnh nhân dùng thuốc chống co giật trong thời gian dài (do đây là loại thuốc có nguy cơ tăng hủy vitamin D).
  • Người bị tăng magie và kali huyết.
  • Bệnh nhân bị giảm canxi huyết sau khi truyền máu.
  • Sử dụng để giải độc khi sử dụng thuốc chẹn canxi quá liều hoặc người bị ngộ độc ethylene glycol.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Calci Gluconat chống chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đang mắc bệnh tim hoặc bệnh thận.
  • Bệnh nhân có khối u ác tính phá hủy xương.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng digitalis hoặc người rung thất trong hồi sức tim.
  • Người bị tăng canxi huyết, loãng xương do bất động, canxi niệu cao.

3. Cách dùng và liều dùng Calci Gluconat

Calci Gluconat được bào chế dưới hai dạng gồm thuốc uống và thuốc tiêm với liều dùng tham khảo như sau:

3.1. Thuốc uống Calci Gluconat

  • Người lớn: Dùng với liều từ 800 – 1500 mg ion canxi/ ngày, nên chia thành nhiều liều nhỏ khi uống.
  • Trẻ nhỏ: Dùng với liều từ 45 – 65 mg ion canxi/ kg/ ngày, chia thành nhiều liều nhỏ khi uống.

3.2. Thuốc tiêm Calci Gluconat

Liều dùng Calci Gluconat tham khảo cho người lớn

Tiêm tĩnh mạch với liều 94.7mg ion canxi với tốc độ chậm, không tiêm quá 5ml (tương đương với 47.5mg ion canxi) trong thời gian 1 phút.

  • Liều dùng điều trị hội chứng xương tái khoáng hóa: Trước khi tiêm cần tiến hành pha loãng dịch tiêm với dung dịch đẳng trương. Sau đó tiến hành truyền tĩnh mạch với liều 0.5 – 1mg/ phút.
  • Liều dùng nhằm chống tăng kali huyết: Tiêm tĩnh mạch với liều 94.7 – 189mg ion canxi ở tốc độ chậm. Lưu ý không tiêm quá 5ml (tương đương 47.5mg ion canxi) trong thời gian 1 phút.
  • Liều dùng nhằm chống tăng Magie huyết: Tiêm tĩnh mạch với liều 94.7 – 189mg ion canxi với tốc độ chậm. Lưu ý không tiêm quá 5ml (tương đương 47.5mg ion canxi) trong thời gian 1 phút.

Liều dùng Calci Gluconat tham khảo cho trẻ em

Tùy tình trạng bệnh mà liều dùng thuốc tham khảo như sau:

  • Chống hạ canxi huyết cấp tính: Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch với liều 19.5 – 48.8mg ion canxi, chỉ tiêm 1 liều duy nhất nhưng khi cần thiết có thể lặp lại liều.
  • Thay máu ở trẻ sơ sinh: Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch với liều 9.5mg ion canxi sau mỗi lần thay 100ml máu.
  • Ngộ độc acid hydrofluoric toàn thân: Sử dụng thuốc Calcium Gluconate 10% (tương đương 189mg ion canxi) pha với 1 lít dịch truyền đầu tiên để truyền tĩnh mạch.

Về cơ bản, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ở đường uống hoặc tiêm tùy theo dạng bào chế. Với dạng tiêm, khi dùng cần lưu ý chỉ sử dụng Calci Gluconat bằng cách tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc tiêm vào cơ tim. Trong trường hợp Calci Gluconat thoát ra khỏi mạch có thể sẽ gây hoại tử mô, tróc vảy và áp xe.

4. Tác dụng phụ khi dùng Calci Gluconat

Trong quá trình sử dụng, Calci Gluconat có thể gây ra một số tác dụng phụ ở mức độ nặng hoặc nhẹ tùy từng đối tượng, cụ thể.

  • Tác dụng phụ thường gặp: Giãn mạch ngoại vi, nôn mửa, đầy hơi, hạ huyết áp, táo bón, đỏ da, đau ở vị trí tiêm.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Đổ mồ hôi, loạn nhịp, rối loạn chức năng tim cấp
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Xuất hiện huyết khối.

Không phải tất cả mọi người đều gặp phải tác dụng phụ trong thời gian dùng thuốc Calci Gluconat. Trong trường hợp gặp phải những tác dụng phụ lạ, bạn nên ngừng thuốc và báo với bác sĩ để xử lý kịp thời.

5. Tương tác thuốc Calci Gluconat

Cân nhắc trước khi sử dụng Calci Gluconat với các loại thuốc sau đây, bởi chúng có thể gây tương tác thuốc:

  • Sử dụng Thiazid, Chlorthalidone, Ciprofloxacin, Loperamid, các loại thuốc chống co giật bởi sẽ gây ức chế quá trình thanh thải của canxi qua thận.
  • Calci Gluconat làm giảm mức độ hấp thu của các loại thuốc điều trị Doxycyclin, Enoxacin, Oxytetracyclin, Levofloxacin, Pefloxacin, kẽm, sắt.
  • Calci Gluconat làm tăng độc tính của những loại thuốc như Digitalis, Glycoside đối với tim mạch.
  • Sử dụng với Phenytoin, Glucocorticoid sẽ làm giảm quá trình hấp thu canxi qua đường tiêu hóa.
  • Sử dụng với Calcitonin, Magnesi, Estrogen làm giảm canxi huyết và giảm hiệu lực của Calci Gluconat.

6. Quá liều và cách xử lý

Việc sử dụng quá liều thuốc Calci Gluconat có thể làm tăng canxi huyết. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc và đến bệnh viện để được thực hiện các biện pháp xử lý.

Một số cách thức xử lý khi dùng thuốc Calci Gluconat quá liều gồm:

  • Sử dụng dung dịch natri clorid tỉ lệ 0,9% để truyền tĩnh mạch với mục đích bù dịch.
  • Thay máu trong một số trường hợp cần thiết.
  • Sử dụng thuốc chẹn beta trong trường hợp điện tâm đồ cho thấy có nguy cơ loạn nhịp tim nặng.
  • Có thể thẩm phân máu trong một số trường hợp.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Calci Gluconat mà các bạn có thể tham khảo. Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh gây tác dụng phụ đối với sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan