Công dụng thuốc Philtadol

Philtadol là kháng sinh nhóm Cephalosporin, được chỉ định trong các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường sinh dục - tiết niệu,... do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Vậy cơ chế tác dụng, các chỉ định, liều dùng và một số lưu ý khi dùng thuốc là gì?

1. Philtadol là thuốc gì?

Philtadol có thành phần hoạt chất chính là Cefpodoxim - kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3.

Cơ chế tác động của thuốc là ức chế sự tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn do gắn kết với các enzyme transpeptidase ở màng tế bào. Philtadol có phổ tác dụng rộng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương.

Thuốc hấp thu nhanh qua đường uống, sau khi vào cơ thể thủy phân nhanh chóng thành các dạng hoạt động, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khoảng 2 giờ, với liều điều trị chỉ 29% thuốc gắn với các protein huyết tương và khoảng 33% thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không đổi.

2. Chỉ định của thuốc Philtadol

Philtadol được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn sau:

  • Các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra: Viêm phổi cộng đồng; Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính do S.pneumoniae, H.influenzae, M. catarrhalis; Viêm xoang hàm trên; Viêm tai giữa do Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis; Viêm họng; Viêm amiđan do Streptococcus pyogenes.
  • Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục: Bệnh lậu không có biến chứng, nhiễm Neisseria gonorrhoeae ở hậu môn trực tràng không có biến chứng.
  • Các nhiễm khuẩn ở da và mô mềm do các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus hay Streptococcus pyogenes gây ra.
  • Các nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm như: Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus saprophyticus, Proteus mirabilis.

3. Chống chỉ định của thuốc Philtadol

Không sử dụng Philtadol ở những đối tượng sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Cefpodoxime, Penicillin, kháng sinh nhóm Cephalosporin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân có hội chứng rối loạn chuyển hóa porphyrin.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Philtadol

  • Kiểm tra chức năng thận trước và trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Philtadol ở những bệnh nhân có suy giảm chức năng thận. Xem xét giảm liều dùng nếu cần thiết.
  • Sử dụng thuốc kéo dài làm tăng nguy cơ kháng thuốc của các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
  • Chưa có đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc cho thai nhi, vì vậy phụ nữ nữ có thai nên cân nhắc lợi ích trước khi sử dụng thuốc Philtadol.
  • Thuốc có thể được bài tiết qua sữa mẹ gây kích ứng cho trẻ bú mẹ, để đảm bảo an toàn nên quyết định ngừng cho bú hoặc ngừng dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc của Philtadol

Phối hợp điều trị giữa Philtadol với các thuốc khác có thể gây một số tương tác sau đây:

  • Phối hợp với các thuốc kháng acid (natri bicarbonat, nhôm hydroxit) làm giảm hấp thu của Philtadol.
  • Phối hợp với Probenecid làm giảm thải trừ Philtadol qua thận làm tăng độc tính trên thận.

Một số tương tác khác của thuốc chưa được báo cáo đầy đủ, do đó trước khi sử dụng thuốc Philtadol người bệnh cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang điều trị trong thời gian gần đây.

6. Liều dùng và cách dùng thuốc Philtadol

Cách dùng:

  • Philtadol được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống hàm lượng Cefpodoxime 100mg.
  • Pha thuốc với một lượng nước vừa đủ, có thể uống trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn. Thức ăn có thể làm sự hấp thu thuốc.

Liều dùng:

  • Các nhiễm khuẩn thông thường ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 200mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Điều trị viêm họng, viêm amidan: 100mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Bệnh lậu không có biến chứng: Dùng liều duy nhất 100mg/ lần/ ngày.
  • Các nhiễm khuẩn ở da và mô mềm không có biến chứng: 400mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận (độ lọc cầu thận nhỏ hơn 30ml/ phút): tăng khoảng cách liều lên 24 giờ. Đối với bệnh nhân thực hiện thẩm tách máu, uống thuốc sau khi thẩm tách, liều dùng 3 lần/ tuần.
  • Trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 12 tuổi: 5mg/kg/lần x 2 lần/ ngày. Liều tối đa 400mg/ ngày.

Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định về liều dùng Philtadol khác nhau.

7. Tác dụng phụ của thuốc Philtadol

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Philtadol

  • Đi cầu phân lỏng, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn.
  • Đau đầu, mệt mỏi.
  • Các phản ứng dị ứng như ngứa, nổi ban,...
  • Rối loạn enzym gan (SGOT, SGPT), rối loạn các dòng tế bào máu. (Hiếm gặp)

Tóm lại, Philtadol là kháng sinh có phổ tác dụng rộng, được chỉ định rộng rãi trên nhiều nhiễm khuẩn của cơ thể. Cũng giống như các loại kháng sinh khác, người bệnh không tự ý dùng thuốc, không tự ý thay đổi liều dùng và thời gian sử dụng để tránh tình trạng kháng thuốc và bội nhiễm vi khuẩn.

42 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan