Công dụng thuốc Rheumac

Rheumac có hoạt chất chính Celecoxib, đây là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ức chế chọn lọc COX-2. Thuốc có tác dụng giảm dấu hiệu và triệu chứng viêm xương khớp mãn tính, kiểm soát các chứng đau cấp ở người lớn, kể cả đau răng, điều trị đau bụng kinh tiên phát,...

1. Rheumac là thuốc gì?

Rheumac có hoạt chất chính Celecoxib, là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ức chế chọn lọc enzyme COX-2 - một loại men có đáp ứng với tác nhân gây viêm. Do đó, thuốc có tác dụng trong việc ngăn cản sự tổng hợp Prostaglandin E2, nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm, đau, sưng và phù nề. Vì Rheumac không tác động lên enzyme COX-1 cho nên nên các quá trình sinh lý liên quan đến enzyme này ở tại niêm mạc dạ dày, ruột và tiểu cầu không bị ảnh hưởng, vì vậy Rheumac không gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như các thuốc ức chế cả COX-1.

Rheumac được bào chế dưới dạng viên nang với hàm lượng mỗi viên chứa 100mg Celecoxib.

2. Chỉ định của thuốc Rheumac

Chỉ định dùng thuốc Rheumac trong những trường hợp dưới đây:

  • Điều trị triệu chứng ở người lớn có thoái hóa khớp.
  • Điều trị triệu chứng ở người lớn có viêm khớp dạng thấp.
  • Điều trị hỗ trợ làm giảm số lượng polyp trong liệu pháp điều trị thông thường bệnh lý polyp dạng tuyến đại - trực tràng có tính chất gia đình.
  • Điều trị giảm đau các cơn đau cấp ( đau sau phẫu thuật, đau sau nhổ răng,...).
  • Điều trị triệu chứng thống kinh nguyên phát.

Không chỉ định dùng thuốc Rheumac cho những trường hợp dưới đây:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với celecoxib hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người có tiền sử dị ứng với sulfonamid.
  • Người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng đang tiến triển hoặc chảy máu dạ dày, chảy máu ruột.
  • Người có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Người bệnh suy tim sung huyết độ II - IV theo phân loại NYHA.
  • Suy thận nặng ( độ thanh thải Creatinin < 30ml/phút).
  • Suy gan nặng.
  • Người bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
  • Người bệnh có tiền sử bị hen, phát ban hoặc có các phản ứng kiểu dị ứng khác sau khi dùng aspirin hoặc sau khi dùng các thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Không dùng Rheumac để giảm đau trong thời gian ghép nối tắt động mạch vành.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rheumac

3.1. Cách sử dụng thuốc Rheumac

Thuốc Rheumac được sản xuất dưới dạng viên nang với hàm lượng mỗi viên 100mg Celecoxib, dùng đường uống. Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng. Khi uống nuốt cả nang thuốc với nước.

Nên uống sau bữa ăn để thuốc không gây kích thích dạ dày. Trong trường hợp người bệnh dùng Rheumac liều cao (800mg/ngày chia 2 lần), thì cần uống Rheumac với thức ăn để cải thiện khả năng hấp thu.

3.2. Liều sử dụng thuốc Rheumac

Người lớn

  • Đối tượng thoái hóa xương khớp: 200mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia làm 2 liều bằng nhau, uống sau bữa ăn.
  • Đối tượng viêm khớp dạng thấp: 200 - 400mg/ngày, uống chia 2 lần, sau bữa ăn.
  • Đối tượng viêm cột sống dính khớp: 200mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần, sau bữa ăn. Nếu dùng thuốc sau 6 tuần không cải thiện triệu chứng, có thể tăng liều lên 400mg/ngày. Nếu sau 6 tuần dùng liều 400mg/ngày không có đáp ứng thì phải chuyển sang thuốc khác.
  • Đối tượng polyp đại - trực tràng: 800mg/ngày, uống chia 2 lần.
  • Giảm đau cấp sau phẫu thuật, nhổ răng: Uống 400mg/lần, liều tiếp theo 200mg nếu còn đau nhiều, trong ngày đầu. Những ngày sau, liều tiếp tục giảm đau cho người bệnh, có thể uống 400mg/ngày, chia 2 lần, sau bữa ăn.
  • Giảm đau do thống kinh: Uống 400mg/lần, liều tiếp theo 200mg nếu còn đau nhiều, trong ngày đầu. Những ngày sau, liều tiếp tục giảm đau cho người bệnh, có thể uống 400mg/ngày, chia 2 lần, sau bữa ăn.

Trẻ em

Liều dùng Rheumac cho trẻ được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp:

  • Trẻ 2 tuổi trở lên và cân nặng 10-25kg: Uống liều 50mg/lần, ngày 2 lần.
  • Trẻ 2 tuổi trở lên và cân nặng trên 25kg: Uống liều 100mg/lần, ngày 2 lần.

Đối tượng khác

  • Người cao tuổi (> 65 tuổi): Không cần điều chỉnh liều. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi có trọng lượng cơ thể dưới 50kg, cần phải dùng liều Rheumac thấp nhất được khuyến cáo khi bắt đầu điều trị.
  • Suy thận: Không dùng Rheumac cho người bệnh có độ thanh thải Creatinin < 30ml/ph.
  • Suy gan: Đối với suy gan vừa, nên giảm liều khoảng 50% liều dùng thông thường. Không sử dụng Rheumac cho bệnh nhân suy gan nặng.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Rheumac

Khi sử dụng thuốc Rheumac, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:

Tác dụng phụ thường gặp như sau:

  • Toàn thân và trên da: Phát ban, phù ngoại biên.
  • Hệ tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi khó tiêu, tiêu chảy.
  • Hệ hô hấp: Viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, các triệu chứng giả cúm.
  • Hệ thần kinh: Người bệnh có thể cảm giác chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ.

Tác dụng phụ hiếm gặp như sau:

  • Toàn thân và trên da: Ban đỏ đa dạng, viêm da tróc, hội chứng Stevens-Johnson, phản ứng kiểu phản vệ, phù mạch.
  • Hệ tim mạch và mạch máu: Gây suy tim sung huyết, rung thất, nghẽn mạch phổi, tắc mạch máu não, hoại thư ngoại biên, viêm tĩnh mạch huyết khối, viêm mạch.
  • Hệ tiêu hóa: Tắc ruột, thủng ruột, chảy máu đường tiêu hóa, viêm đại tràng chảy máu, thủng thực quản, viêm tụy, tắc ruột.
  • Máu: Thiếu máu không tái tạo, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm số lượng tiểu cầu.
  • Hệ thần kinh - tâm thần: Mất điều hòa, hoang tưởng tự sát.
  • Hệ thận-tiết niệu: suy thận cấp, viêm thận kẽ.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rheumac

Người bệnh sử dụng thuốc Rheumac cần lưu ý những thông tin dưới đây:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh có tiền sử loét dạ dày tá tràng, hoặc tiền sử chảy máu đường tiêu hóa.
  • Thận trọng khi sử dụng Rheumac đối với người có tiền sử hen, hoặc tiền sử dị ứng khi dùng aspirin hoặc một thuốc chống viêm không steroid vì có thể khởi phát cơn hen cấp hoặc gây ra tình trạng sốc phản vệ.
  • Những bệnh nhân điều trị NSAIDs dài hạn có thể gây tổn thương thận trực tiếp, bao gồm hoại tử nhú thận, tăng nguy cơ nhiễm độc thận ở bệnh nhân có bệnh nền suy thận, suy gan hoặc suy tim, hoặc ở bệnh nhân lão khoa và ở những người dùng đang sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển.
  • Thận trọng khi sử dụng Rheumac ở đối tượng bị phù, giữ nước (như suy tim, thận) vì thuốc có tác dụng phụ gây ứ dịch, phù ngoại biên, làm bệnh nặng lên.
  • Người bị mất nước ngoài tế bào (do đang dùng thuốc lợi tiểu mạnh). Cần phải điều trị tình trạng mất nước trước khi dùng Rheumac.
  • Vì chưa có bằng chứng Rheumac làm giảm nguy cơ ung thư đại - trực tràng liên quan đến bệnh polyp dạng tuyến đại - trực tràng có tính chất gia đình, cho nên cần phải theo dõi bệnh nhân định kỳ thường xuyên, có thể hội chẩn để nội soi, cắt bỏ đại - trực tràng dự phòng khi cần thiết. Ngoài ra, cần phải theo dõi nguy cơ biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ) ở đối tượng dùng Rheumac.
  • Rheumac không có hoạt tính kháng tiểu cầu, do đó không bảo vệ được cơ thể khỏi các tai biến do thiếu máu cơ tim, nhất là khi dùng liều cao kéo dài (400 - 800 mg/ngày).
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Cho tới nay, chưa có các nghiên cứu đầy đủ về Rheumac ở phụ nữ mang thai. Một số nghiên cứu độc tính của Rheumac trên thực nghiệm đối với thai nhi thỏ với liều 150mg/kg/ngày cho thấy thuốc làm tăng tỷ lệ bất thường ở các xương sườn thai nhi và khuyết tật vách ngăn tâm thất. Vì vậy, chỉ sử dụng Rheumac cho phụ nữ mang thai khi có chỉ định của bác sĩ với lợi ích đem lại cao hơn nguy cơ có thể xảy ra đối với thai. Đặc biệt, không dùng Rheumac ở 3 tháng cuối của thai kỳ, vì các chất có tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin có thể có ảnh hưởng xấu trên hệ tim mạch của thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Rheumac được thải trừ qua sữa mẹ ở chuột nuôi con, nồng độ tương tự như trong huyết tương. Tuy nhiên ở người, vẫn chưa có bằng chứng chỉ ra thuốc Rheumac có đi vào sữa mẹ hay không. Vì Rheumac có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ nhỏ bú sữa mẹ, nên các bà mẹ cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng điều trị thuốc hoặc ngừng cho bú khi đang dùng thuốc Rheumac.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Những bệnh nhân bị chóng mặt, hoa mắt hoặc buồn ngủ khi dùng Rheumac nên hạn chế lái xe hoặc vận hành máy móc.

6. Quá Liều và Quên Liều Rheumac

6.1. Quá liều Rheumac và xử trí

  • Quá liều các thuốc chống viêm không steroid có thể gây triệu chứng ngủ gà, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, cũng có thể gây ra chảy máu đường tiêu hoá.
  • Các biểu hiện quá liều Rheumac hiếm hơn là gây tăng huyết áp, suy thận cấp, hoặc gây ức chế hô hấp và dẫn tới hôn mê. Các phản ứng kiểu phản vệ cũng có thể xảy ra ( phát ban, ngứa, tụt huyết áp, sốc,...) khi dùng với liều điều trị của thuốc chống viêm không steroid và có thể xảy ra phản ứng khi quá liều.
  • Điều trị quá liều Rheumac bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị nâng đỡ. Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu đối với thuốc Rheumac. Trong 4 giờ đầu sau dùng quá liều thuốc, liệu pháp gây nôn và/hoặc cho than hoạt (60 - 100g cho người lớn, hoặc 1 - 2 g/kg cho trẻ em) được sử dụng, và/hoặc kết hợp với một thuốc tẩy thẩm thấu có thể có hiệu quả đối với những người bệnh đã có biểu hiện bệnh lý.

6.2. Quên liều Rheumac và xử trí

Nếu người bệnh quên uống một liều thuốc Rheumac, hãy uống lại càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều này quá gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm đã được chỉ định. Không uống gấp đôi liều đã chỉ định trong cùng một thời điểm.

Thuốc Rheumac thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid hay thuộc nhóm thuốc NSAIDs. Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp viêm xương khớp mãn tính, kiểm soát các chứng đau cấp ở người lớn, kể cả đau răng, điều trị đau bụng kinh tiên phát,...Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ của Rheumac, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn.

196 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan