Công dụng thuốc Zyfrel

Zyfrel là một loại thuốc phối hợp được dùng để điều trị các trường hợp đau vừa đến nặng mà không đáp ứng với giảm đau thông thường. Để hiểu rõ về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Zyfrel, mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Zyfrel có tác dụng gì?

Thuốc Zyfrel chứa thành phần chính là Hydrocodone bitartrate và Acetaminophen, được bào chế dưới dạng dung dịch uống. Mỗi 5ml có chứa Hydrocodone bitartrate với hàm lượng 2,5mg và Acetaminophen 108mg.

Hydrocodone là một loại thuốc giảm đau Opioid bán tổng hợp và có tác dụng chống ho. Hầu hết các tác dụng trong số này liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương và tác động cơ trơn. Cơ chế hoạt động chính xác của hydrocodone và các chất dạng thuốc phiện khác vẫn chưa được biết rõ ràng, nhưng có thể tác dụng của thuốc là do tính chọn lọc tương đối đối với thụ thể mu-opioid (μ), mặc dù nó có thể tương tác với các thụ thể opioid khác ở liều cao hơn. Ngoài tác dụng giảm đau, các thuốc nhóm Opioid này còn có thể gây buồn ngủ, thay đổi tâm trạng và tinh thần.

Tác dụng giảm đau của Acetaminophen hay Paracetamol được cho là liên quan tới việc ngăn các chất trung gian gây viêm và từ đó giúp giảm đau, nhưng cơ chế cụ thể vẫn chưa được xác định. Liều điều trị của Acetaminophen có ảnh hưởng không đáng kể đến hệ tim mạch hoặc hệ hô hấp; tuy nhiên, ở liều độc có thể gây suy tuần hoàn và gây ra thở nhanh, nông. Ngoài ra, thuốc còn được dùng với tác dụng hạ sốt.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Zyfrel

Chỉ định: Zyfrel được chỉ định để điều trị trong các trường hợp đau vừa đến nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, mà không đáp ứng hay đáp ứng kém với giảm đau thông thường.

Chống chỉ định:

  • Không nên dùng thuốc Zyfrel cho những bệnh nhân đã từng quá mẫn với thành phần Hydrocodone, Acetaminophen hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào khác của sản phẩm này.
  • Bệnh nhân đã được biết là quá mẫn cảm với các Opioid khác có thể biểu hiện nhạy cảm chéo với Hydrocodone.
  • Thiếu men G6PD, bệnh nhân thiếu máu nhiều lần.
  • Suy gan nặng, nghiện rượu.
  • Suy giảm hô hấp nặng; hen phế quản cấp tính hoặc hen nặng trong điều kiện không được giám sát hoặc không có thiết bị hồi sức; đã biết hoặc nghi ngờ tắc nghẽn đường tiêu hóa, bao gồm cả liệt ruột;
  • Thận trọng khi dùng cho người chấn thương sọ não.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Zyfrel

Cách dùng:

  • Thuốc Zyfrel được dùng bằng đường uống, có thể cùng hay không cùng với thức ăn. Khi sử dụng cần dùng đúng dụng cụ đo lượng được khuyến cáo để lấy dung dịch thuốc, không dùng muỗng hay ước lượng vì có thể quá liều gây độc hay tử vong, nhất là trẻ em uống phải.
  • Không ngừng thuốc một cách đột ngột nếu như bạn đã sử dụng vài tuần, cần giảm liều dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Liều dùng thuốc nên được điều chỉnh phù hợp tùy theo mức độ đau và đáp ứng của bệnh nhân. Dùng đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định và hết sức thận trọng khi đo liều lượng. Dưới đây là liều lượng được khuyến cáo và có thể tham khảo như sau:

  • Đối với trẻ có cân nặng 12 đến 15kg (2 đến 3 tuổi): Dùng muỗng đo lường đương 3,75mL và liều tối đa hàng ngày là 22,5mL. Dùng cách nhau 4 đến 6 giờ nếu cần.
  • Đối với trẻ có cân nặng 16 đến 22kg (4 đến 6 tuổi): Dùng 5mL/ lần và tối đa hàng ngày là 30mL, cách nhau mỗi 4 đến 6 giờ.
  • Đối với trẻ có cân nặng 23 đến 31kg (7 đến 9 tuổi): Dùng 7,5mL/ lần, mỗi lần cách nhau mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần và liều tối đa hàng ngày là 45 mL.
  • Đối với trẻ có cân nặng 32 đến 45kg (10 đến 14 tuổi): Dùng 10mL/ lần, mỗi lần cách nhau mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần và liều tối đa hàng ngày là 60mL.
  • Đối với người có cân nặng trên 46kg (14 tuổi đến người lớn): Dùng 15mL/ lần, mỗi lần cách nhau mỗi 4 đến 6 giờ nếu cần và liều tối đa hàng ngày là 90mL.

Sau khi dùng Zyfrel quá liều, có thể gặp phải độc tính của thuốc Hydrocodone hoặc Acetaminophen.

  • Đối với Hydrocodone: Quá liều nghiêm trọng đối với Hydrocodone được đặc trưng bởi tình trạng ức chế khả năng hô hấp (giảm tốc độ hô hấp, kiểu thở Cheyne-Stokes, tím tái); buồn ngủ quá mức tiến triển đến sững sờ hoặc hôn mê; cơ xương run rẩy; da lạnh và sần sùi, đôi khi nhịp tim chậm và nguy cơ hạ huyết áp. Trong trường hợp người bệnh quá liều nghiêm trọng, có thể xảy ra tình trạng giãn đồng tử, ngừng thở, trụy tuần hoàn, ngừng tim và tử vong.
  • Đối với quá liều Acetaminophen: Khi dùng quá liều Acetaminophen có nguy cơ hoại tử gan nghiêm trọng phụ thuộc vào liều, có thể gây ra tử vong và đây cũng là tác dụng phụ nghiêm trọng nhất. Hoại tử ống thận, hôn mê do hạ đường huyết và các khiếm khuyết về đông máu cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng ban đầu sau khi dùng quá liều có thể gây độc cho gan có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tình trạng khó chịu chung. Cần điều trị nhanh trong vòng 72 giờ đầu.

Khi dùng quá liều thuốc Zyfrel hay có những biểu hiện nghi ngờ quá liều. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời. Người bệnh cần được điều trị các biện pháp hỗ trợ kịp thời bằng các loại thuốc giải độc để kiểm soát nguy cơ tử vong khi quá liều.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zyfrel

Những phản ứng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc Zyfrel là choáng váng, chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn và nôn. Những tác dụng phụ này của thuốc có thể giảm bớt nếu như bệnh nhân nằm nghỉ ngơi.

Các phản ứng phụ khác có thể gặp bao gồm:

  • Hệ thần kinh trung ương: Buồn ngủ nhiều, tinh thần uể oải, hôn mê, suy giảm những hoạt động tinh thần và thể chất, thường xuyên lo lắng, sợ hãi, chứng khó nói, phụ thuộc vào thuốc, thay đổi tâm trạng.
  • Tuần hoàn: Nhịp tim chậm, ngừng tim, trụy tuần hoàn, hạ huyết áp.
  • Hệ tiêu hóa: Dùng Zyfrel kéo dài có thể gây táo bón do thuốc opiod làm giảm nhu động ruột.
  • Hệ sinh dục: Co thắt cơ niệu quản, co thắt cơ vòng và gây ra tình trạng bí tiểu cũng đã được báo cáo khi dùng các loại thuốc phiện.
  • Suy hô hấp do Hydrocodone bitartrate có thể gây ức chế hô hấp liên quan đến liều lượng, bằng cách tác động trực tiếp lên trung tâm hô hấp; gây tắc nghẽn đường thở cấp tính, ngừng thở. Cần thận trọng ở người có nguy cơ cao như người có bệnh đường hô hấp, người cao tuổi, trẻ em.
  • Các trường hợp suy giảm thính lực hay tình trạng mất vĩnh viễn đã được báo cáo chủ yếu ở những bệnh nhân dùng thuốc quá liều mãn tính.
  • Suy thượng thận: Thông báo cho bệnh nhân khi dùng thuốc Zyfrel có thể gây suy tuyến thượng thận, do thuốc Opioid ức chế tiết hormon tuyến thượng thận, đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng. Suy tuyến thượng thận cấp tính có thể xuất hiện với các triệu chứng và dấu hiệu không đặc hiệu như buồn nôn, nôn, chán ăn, cảm giác mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt và tình trạng huyết áp thấp. Người bệnh cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu họ gặp phải một loạt các triệu chứng này.
  • Nổi mẩn, ngứa ngoài da, cơ xương bị mềm.
  • Hội chứng serotonin: Các trường hợp gặp phải hội chứng serotonin, một tình trạng có thể đe dọa tính mạng của người bệnh cũng đã được báo cáo khi sử dụng đồng thời opioid với thuốc serotonergic.
  • Sốc phản vệ: Sốc phản vệ cũng là tình trạng nghiêm trọng đã được báo cáo với các thành phần có trong thuốc chứa Hydrocodone và Acetaminophen.
  • Các tác dụng phụ của thuốc có thể được lưu ý như tác dụng tiềm tàng của Acetaminophen: Phản ứng dị ứng, phát ban, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, hội chứng dị ứng trên da nghiêm trọng.

Khi dùng thuốc bạn cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ khác, mặc dù tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ ở mỗi người là khác nhau. Nhưng cần đề phòng và phát hiện sớm để báo ngay với bác sĩ.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zyfrel

  • Trước khi dùng thuốc Zyfrel bạn cần báo với bác sĩ tình trạng dị ứng và hoặc bị suy nhược, suy giảm chức năng gan/ thận nặng, suy giáp trạng, mắc bệnh Addison, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, chấn thương não, tiền sử bị nghiện rượu.
  • Cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ và lưu ý khả năng bị ức chế hô hấp của thuốc. Suy hô hấp khi dùng ở liều cao hoặc dùng ở những bệnh nhân nhạy cảm có thể xảy ra do Hydrocodone có thể gây ức chế hô hấp liên quan đến liều do tác động trực tiếp lên trung tâm hô hấp thân não. Hydrocodone cũng ảnh hưởng đến trung tâm điều khiển nhịp hô hấp và có thể tạo ra nhịp thở không đều.
  • Lạm dụng và phụ thuộc vào thuốc: Sự phụ thuộc tinh thần vào thuốc và dung nạp có thể phát triển khi lặp lại nhiều lần Opioid; khi dùng sản phẩm này nên được kê đơn và sử dụng một cách thận trọng, đôi khi nghiện thuốc và lạm dụng có thể xảy ra ở liều khuyến cáo. Thường thì sự phụ thuộc về tinh thần vào thuốc không có khả năng phát triển khi sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị cơn đau nặng hay trung bình. Nhưng vẫn cần thận trọng đặc biệt ở người nghiện cần sa trước đây.
  • Khi dùng cho người chấn thương đầu hay bị tăng áp lực nội sọ: Tăng nguy cơ gây ức chế hô hấp và tăng áp lực thuỷ dịch một cách rõ rệt có thể gặp khi chấn thương đầu, các tổn thương nội sọ khác hoặc tăng áp lực nội sọ từ trước. Hơn nữa, khi dùng Opioid tạo ra các phản ứng bất thường, điều này có thể che khuất triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân bị chấn thương đầu.
  • Không được dùng Zyfrel đồng thời với các thuốc khác có cùng thành phần với một trong hai hoạt chất chính.
  • Dùng thuốc đúng theo chỉ định và chỉ dùng khi thực sự cần thiết, vì đa số các tác dụng phụ của thuốc phụ thuộc vào liều. Nếu như bạn dùng kéo dài và muốn ngừng thuốc cần làm theo đúng hướng dẫn, chứ không tự ý dừng đột ngột.
  • Khi dùng thuốc Acetaminophen có thể có liên quan đến các trường hợp suy gan cấp tính, đôi khi dẫn đến ghép gan hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong nếu dùng liều cao hay lặp lại trong thời gian dài.
  • Việc sử dụng các thuốc nhóm Opioid có thể che lấp chẩn đoán hoặc những diễn biến lâm sàng của bệnh nhân bị bệnh cấp tính ở bụng.
  • Trong thời kỳ mang thai: Việc dùng thuốc này chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết vì dùng thuốc có thể gây hại cho thai nhi. Mẹ mang thai dùng thuốc này có thể khiến con có các biểu hiện phụ thuốc vào thuốc gây nghiện, biểu hiện hội chứng cai. Khi trẻ sơ sinh gặp phải triệu chứng này cần được điều trị tích cực để giảm thiểu các triệu chứng của hội chứng cai.
  • Thuốc này đi vào sữa mẹ và cũng có thể có tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Không nên cho con bú khi dùng thuốc, nếu bạn cho con bú hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu con bạn buồn ngủ bất thường, khó bú hoặc khó thở.
  • Không nên lái xe hay vận hành máy móc khi bạn chưa biết rõ những tác dụng phụ của thuốc Zyfrel đối với cơ thể.

6. Tương tác thuốc

Khi dùng thuốc Zyfrel có thể tương tác với các thuốc khác như:

  • Các loại thuốc Opioid, kháng histamin, chống loạn thần, thuốc chống lo âu hoặc ức chế thần kinh trung ương khác đồng thời Zyfrel có thể tăng nặng tình trạng trầm cảm. Khi dự tính phải thực hiện điều trị kết hợp, nên giảm liều của một hoặc cả hai loại thuốc.
  • Sử dụng đồng thời dung dịch uống Zyfrel với các chất ức chế CYP3A4, chẳng hạn như kháng sinh Macrolide (Erythromycin, Azithromycin); thuốc chống nấm Azole (Ketoconazole) và chất ức chế Protease (Ritonavir), có thể làm tăng nồng độ thuốc Hydrocodone trong huyết tương và kéo dài các tác dụng phụ của Opioid phản ứng, gây ức chế hô hấp và dẫn đến tử vong.
  • Việc sử dụng thuốc ức chế MAO hoặc chống trầm cảm ba vòng với các chế phẩm hydrocodone có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm hoặc tăng tác dụng của hydrocodone.
  • Không dùng đồng thời với các chất có thể gây nghiện như rượu, codein... vì làm tăng nặng nguy cơ tổn thương cơ quan trong cơ thể.

Thuốc giảm đau Zyfrel chỉ được kê đơn và dùng cho trường hợp đau trung bình tới nặng, mà không đáp ứng với các loại thuốc khác. Không được tự ý sử dụng thuốc này hay thay đổi liều lượng khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

58 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Acepron 500 mg
    Công dụng thuốc Acepron 500 mg

    Acepron 500 mg là thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt, được dùng để điều trị một số vấn đề sức khỏe thường gặp. Việc sử dụng thuốc cần đúng liều lượng, tránh dùng quá liều hoặc quên ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Rhutazil
    Công dụng thuốc Rhutazil

    Rhutazil có chứa các thành phần là Acetaminophen 500mg, Loratadin 5mg, Dextromethorphan HBr 7.5 mg dưới dạng viên nén, có tác dụng làm giảm các triệu chứng của cảm cúm như ho, sốt, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, nghẹt ...

    Đọc thêm
  • manophen
    Công dụng thuốc Manophen

    Thuốc Manophen chứa hoạt chất Tramadol và Acetaminophen được chỉ định trong điều trị các cơn đau ngắn cấp tính và mạn tính mức độ trung bình đến nặng. Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi ...

    Đọc thêm
  • Cetafenac
    Công dụng thuốc Cetafenac

    Thuốc Cetafenac có thành phần bao gồm hoạt chất Acetaminophen, Natri Diclofenac và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc giảm đau, hạ sốt và chống viêm phi Steroid. Thuốc được bào chế dưới ...

    Đọc thêm
  • nadylanzol
    Công dụng thuốc Mekotamol

    Mekotamol là thuốc giảm đau, hạ sốt nên thường dùng điều trị các triệu chứng trong trường hợp: cảm sốt, đau đầu, sổ mũi do dị ứng thời tiết, chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, viêm mũi cấp... Tham ...

    Đọc thêm