Sốt do thuốc: Những điều cần biết

Sốt do thuốc có thể là biểu hiện duy nhất của phản ứng có hại khi dùng thuốc. Nguy cơ mắc phải sốt do thuốc tăng lên theo số lượng thuốc được kê đơn, đặc biệt ở bệnh nhân người lớn tuổi. Theo đó, việc nhận biết sốt do thuốc cũng như các loại thuốc gây sốt là quan trọng về mặt lâm sàng. Nếu không tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn, bao gồm xét nghiệm thêm, điều trị không cần thiết và kéo dài thời gian nằm viện.

1. Sốt do thuốc là gì?

Sốt do thuốc là một rối loạn được đặc trưng bởi phản ứng sốt, đồng thời với việc sử dụng thuốc trong trường hợp không có các điều kiện cơ bản có thể gây ra sốt. Đặc điểm chính để phân biệt sốt do thuốc với sốt do các nguyên nhân khác là tình trạng này thường biến mất sau khi ngưng sử dụng thuốc.

Sốt do thuốc nên được phân loại là một chẩn đoán loại trừ, thường nghi ngờ ở những bệnh nhân bị sốt không rõ nguyên nhân. Điều quan trọng là bác sĩ lâm sàng phải có nhận thức về khả năng sốt do thuốc và các thuốc gây sốt phổ biến nhất để tránh gây tốn kém thêm trong công việc chẩn đoán, điều trị và thời gian nằm viện kéo dài thêm.

2. Các nhóm thuốc có thể gây sốt

Các nhóm thuốc kháng sinh có thể gây ra tình trạng sốt như:

  • Nhóm Penicillins: ampicillin, carbenicillin, cloxacillin, mezlocillin, nafcillin, oxacillin, penicillin, piperacillin, staphcillin, ticarcillin
  • Nhóm Cephalosporins:cefazolin, cefotaxime, ceftazidime, cephalexin, cephalothin
  • Các nhóm khác:acyclovir, amphotericin B, aureomycin, declomycin, erythromycin, furadantin, isoniazid, minocycline, nitrofurantoin, novobiocin, rifampin, streptomycin, terramycin, tetracycline, trimethoprim-sulfamethoxazole, vancomycin
  • Ức chế miễn dịch:azathioprine, everolimus, mycophenolate mofetil, sirolimus
  • Ức chế tân sinh:mercaptupurine, bleomycin, chlorambucil, cisplatin, cytosine arabinoside, daunorubicin, hydroxyurea, interferon, L-asparaginase, procarbazine, streptozocin, vincristine
  • Thuốc tim mạch: clofibrate, diltiazem, dobutamine, furosemide, heparin, hydrochlorothiazide, methyldopa, oxprenolol, procainamide, quinidine và quinine, triameterene
  • Thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAIDs: ibuprofen, naproxen, tolmetin
  • Thuốc kích kích giao cảm: amphetamine, lysergic acid, methylene dioxymethamphetamine
  • Thuốc chống động kinh: arbamazepine, phenytoin
  • Các nhóm thuốc khác: allopurinol, cimetidine, folate, iodide, mebendazole, metoclopramide, piperazine adipate, propylthiouracil, prostaglandin, ritodrine, sulfasalazine, theophylline, thyroxine
  • Thuốc chống trầm cảm: doxepin, nomifensine
Thuốc kháng sinh
Một số nhóm thuốc kháng sinh có thể gây ra tình trạng sốt.

3. Cách chẩn đoán sốt do thuốc như thế nào?

Chìa khóa để chẩn đoán sốt do thuốc là cần xem xét tình trạng này ở bất kỳ bệnh nhân nào mà không có nguyên nhân gây sốt nào khác, đặc biệt khi sốt không tương ứng với khả năng nhiễm trùng.

Việc chẩn đoán thường khó khăn và cần được thực hiện sau khi cẩn thận đánh giá về biểu hiện lâm sàng, điều trị bằng thuốc và các giá trị xét nghiệm của bệnh nhân. Thuốc gây sốt nên được xem xét khi chẩn đoán phân biệt sốt ở nhiều bệnh nhân, đặc biệt đối với những người đang dùng các thuốc có liên quan nhiều đến việc gây sốt do thuốc.

Trong thực tế, giả định đầu tiên của hầu hết các bác sĩ lâm sàng là tìm kiếm hoặc điều trị sốt nghi ngờ nguyên nhân là do nhiễm trùng, một phác đồ hợp lý nhưng có thể dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh. Bởi lẽ, sốt còn có thể là đặc điểm của nhiều bệnh sinh khác ngoài nhiễm trùng, bao gồm bệnh ác tính, bệnh huyết khối tắc mạch, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu collagen, bệnh gút cấp, phẫu thuật và chấn thương.

4. Các đặc điểm lâm sàng của sốt do thuốc

Sốt do thuốc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị bằng thuốc và có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm thuốc khác nhau. Thời gian trung bình từ khi bắt đầu dùng thuốc gây sốt đến khi bắt đầu sốt là 7–10 ngày. Hơn nữa, thời gian này cũng rất thay đổi và phụ thuộc vào từng nhóm thuốc khác nhau.

Bên cạnh đó, các kiểu sốt cũng có thể khác nhau trên bệnh nhân sốt do thuốc, thay đổi từ sốt liên tục (nhiệt độ thay đổi nhưng luôn tăng so với bình thường), sốt không liên tục (bị gián đoạn bởi nhiệt độ bình thường) và sốt cao (là sự kết hợp của các kiểu sốt gián đoạn và không liên tục). Trong đó, sốt phát ban là biểu hiện phổ biến nhất.

Mặt khác, mức độ sốt cũng có thể khác nhau, từ sốt mức độ nhẹ với nhiệt độ từ 37.2°C đến nhiệt độ cao tới 42.7°C, nhưng thân nhiệt trong khoảng 38.8 - 40°C là phổ biến nhất.

Một dấu hiệu khác giúp hướng tới khả năng sốt do thuốcnhịp tim chậm. Ngoài ra, các biểu hiện quá mẫn trên da cũng được quan sát thấy ở bệnh nhân bị sốt do thuốc như nổi mề đay kèm theo hoặc không có chấm xuất huyết. Tuy vậy, các biểu hiện trên da không phổ biến nên không loại trừ chẩn đoán sốt do thuốc.

Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể có phản ứng sốt do thuốc dù đã ngừng thuốc, cũng như phát ban hay các biểu hiện lâm sàng khác.

Sốt phát ban
Sốt phát ban là biểu hiện phổ biến nhất của sốt do thuốc.

5. Các cận lâm sàng của sốt do thuốc

Các xét nghiệm có thể hữu ích trong việc hỗ trợ chẩn đoán sốt do thuốc, mặc dù kết quả rất khác nhau và không thể dựa vào để chẩn đoán xác định.

Trong đó, bác sĩ cần thực hiện đánh giá số lượng bạch cầu để phân biệt cho tất cả bệnh nhân nghi ngờ sốt do thuốc. Kết quả có thể có hiện tượng tăng bạch cầu và có hoặc không có sự dịch chuyển trái. Việc phát hiện tăng bạch cầu kèm theo sốt cần định hướng cho các bác sĩ lâm sàng đánh giá lại khả năng kiểm soát nhiễm trùng. Tỷ lệ tương đối của bạch cầu ái toan thường xuyên tăng cao nhưng tăng bạch cầu ái toan thực sự vốn ít gặp hơn.

Bên cạnh đó, tốc độ lắng hồng cầu cũng có thể cao, đôi khi lên đến 100 mm / giờ hoặc cao hơn, nhưng các giá trị trong khoảng 40–60 mm / giờ là phổ biến hơn. Về sinh hóa máu, nồng độ transaminase trong gan có thể tăng nhẹ, tuy nhiên, kết quả này thường không quá 2 lần giới hạn trên của mức bình thường ở khoảng 90% bệnh nhân. Nồng độ lactic dehydrogenase cũng có thể tăng cao nhưng nếu chỉ số này có giá trị bình thường không loại trừ chẩn đoán sốt do thuốc.

Nhìn chung, không có xét nghiệm nào trong phòng thí nghiệm là hữu ích trong chẩn đoán tình trạng sốt do thuốc. Việc chứng minh các kháng thể đối với thuốc bằng xét nghiệm huyết thanh hoặc xét nghiệm da không hữu ích, vì chúng thường phát triển ở những bệnh nhân không có triệu chứng, thiếu quá mẫn trên lâm sàng.

6. Cách điều trị bệnh nhân sốt do thuốc

Cách tiếp cận hợp lý nhất để điều trị sốt do thuốc là ngừng thuốc gây sốt. Việc xác định tác nhân thích hợp có thể là một thách thức và không có cách tiếp cận tiêu chuẩn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng kèm theo, bác sĩ có thể chỉ định ngừng tất cả các loại thuốc nghi ngờ, những loại được thêm gần đây hoặc tất cả các loại thuốc không cần thiết.

Trong trường hợp sốt mà không có dấu hiệu quá mẫn, người bệnh có thể ngừng sử dụng một loại thuốc mới được bổ sung gần đây hoặc một loại thuốc nghi ngờ cao. Sau khi ngừng sử dụng, biểu hiện cơn sốt thường cải thiện trong vòng 48-72 giờ, mặc dù đôi khi có thể kéo dài nhiều ngày đến vài tuần nếu có các biểu hiện quá mẫn khác kèm theo sốt như phát ban dát sẩn hoặc nếu tốc độ đào thải thuốc gây sốt ra khỏi cơ thể chậm.

Trong bối cảnh này, việc ngừng sử dụng thuốc nên được xem xét một cách thận trọng, vì lợi ích của việc tiếp tục điều trị có thể lớn hơn nguy cơ sốt tiếp tục trong một số trường hợp lâm sàng. Khi tình trạng sốt đã có thể kiểm soát được, thuốc có thể được sử dụng lại một cách thận trọng, từng loại một và tránh dùng các loại thuốc bị nghi ngờ cao nhất nếu có thể.

Tóm lại, cơ thể duy trì thân nhiệt trong một phạm vi hẹp. Việc dùng thuốc có thể làm đảo lộn sự cân bằng thông thường và gây sốt. Tuy nhiên, sốt có thể do tác dụng dược lý của thuốc hoặc do một số tác dụng không liên quan khác nhưng nếu sốt do thuốc thường xảy ra nhất sau 7 đến 10 ngày dùng thuốc, kéo dài khi tiếp tục dùng thuốc, biến mất ngay sau khi ngừng thuốc và sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại nếu tiếp tục dùng thuốc. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng các thuốc gây sốt và nên thay thế bằng thuốc tương đương nếu có.

Vì vậy, trước khi sử dụng bất cứ một loại thuốc nào, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được chỉ định dùng thuốc phù hợp và tốt cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: uptodate.com - pubmed.ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan