Thuốc Atropin có tác dụng gì?

Thuốc Atropin là nhóm thuốc ức chế đối giao cảm, tác dụng lên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Thuốc Atropin được bào chế ở nhiều dạng khác nhau và với hàm lượng khác nhau như uống, tiêm, nhỏ mắt. Tùy vào mục đích điều trị sẽ có cách sử dụng thuốc sao cho hợp lý.

1. Thuốc Atropin có tác dụng gì?

Thuốc Atropin thuộc nhóm thuốc ức chế đối giao cảm, có thành phần chính là atropin. Atropin có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, làm giảm co thắt cơ trơn và giảm tiết dịch.

Thuốc Atropin được bào chế dưới những dạng sau: viên nén 0,4mg, thuốc tiêm với nhiều hàm lượng khác nhau, thuốc tra mỡ mắt 1%, dung dịch nhỏ mắt 1%.

Thuốc Atropin có những tác dụng sau:

  • Tiêu hóa: Kiểm soát các tình trạng loét dạ dày – hành tá tràng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp hoặc mãn tính, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, viêm túi thừa, đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh,
  • Tiết niệu: Kiểm soát tình trạng bàng quang co thắt, đau co thắt thận và mật.
  • Tim mạch: Dùng khi tụt huyết áp trong hồi sức cấp cứu tim – phổi, nhịp tim chậm, sau cơn nhồi máu cơ tim. Trong phẫu thuật, thuốc Atropin được dùng để ngăn ngừa các tác động cholinergic trên tim (loạn nhịp, nhịp chậm)
  • Thần kinh: Điều trị các triệu chứng ngoại tháp, bệnh Parkinson do thuốc với các biểu hiện như run, cứng, đổ mồ hôi, tiết nước bọt quá mức. Đối với Parkinson vô căn, thuốc không được dùng vì hiệu quả kém và ảnh hưởng đến nhận thức.
  • Bệnh lý khối u ở não: Kiểm soát thay đổi tâm trạng.
  • Mắt: Điều trị viêm màng bồ đào, liệt cơ mi, làm giãn đồng tử.

Ngoài ra, thuốc Atropin còn được dùng để làm thuốc tiền mê; trong phẫu thuật giúp làm giảm tiết dịch nhầy hô hấp và nước bọt; thuốc giải độc đối với những trường hợp ngộ độc do thuốc trừ sâu, nấm; phòng ngừa say tàu - xe.

Nếu kết hợp thuốc Atropin với các thuốc co mạch hoặc kháng histamin khác có thể giúp điều trị một số triệu chứng của cảm cúm, ho. Còn kết hợp với neostigmine thì dùng để giải độc hoặc quá liều thuốc giãn cơ.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Atropin

2.1 Liều dùng và cách dùng thuốc Atropin đối với người lớn

Tùy vào mục đích điều trị, liều dùng và cách dùng thuốc Atropin đối với người lớn cụ thể như sau:

  • Rối loạn nhịp tim chậm: Tiêm tĩnh mạch 0,4 - 1mg từ 1 - 2 giờ/lần, liều dùng tối đa có thể lên đến 2mg trong trường hợp đặc biệt.
  • Block nhĩ thất: Tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 0,4 - 1mg và có thể tăng lên tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
  • Ngộ độc thần kinh hoặc ngộ độc phospho hữu cơ: Tiêm bắp thuốc Atropin 0,8mg. Trong 30 phút nếu không có tác dụng hoặc xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đồng tử co thắt, rung giật mắt, lưỡi, phù phổi, tiết nước bọt, dịch phế quản, đổ mồ hôi quá mức thì tiêm bắp 2mg mỗi giờ. Trong những trường hợp nặng, liều tiêm có thể lên đến 2mg và tiêm từ 2 - 3 lần, tổng liều dùng là từ 4 - 6mg).
  • Viêm loét tiêu hóa, chấn thương ở đầu, gây mê hoặc gây tê, ngộ độc các chất ức chế men cholinesterase: Tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thuốc Atropin 0,4 - 0,6mg, trong một số trường hợp đặc biệt có thể tăng liều.
  • Liệt cơ mi, giãn đồng tử trong đo khúc xạ: Trước khi đo từ 40 - 60 phút, nhỏ vào kết mạc từ 1 - 2 giọt thuốc Atropin 1%, trường hợp cần thiết có thể nhỏ 2 lần.
  • Viêm màng bồ đào, viêm mống mắt: Nhỏ vào mắt từ 1 - 2 giọt thuốc Atropin 1%, liều dùng tối đa là 4 lần/ngày.
  • Hội chứng ruột kích thích, bệnh lý túi thừa, khó tiêu không do viêm loét: uống thuốc Atropin từ 0,6 - 1,2mg trước lúc ngủ, chỉ dùng 1 liều duy nhất.

2.2 Liều dùng và cách dùng thuốc Atropin đối với trẻ em

Tùy vào mục đích điều trị, liều dùng và cách dùng thuốc Atropin đối với trẻ em cụ thể như sau:

  • Rối loạn nhịp tim chậm: Tiêm tĩnh mạch liều khởi đầu 0,02mg/kg/lần, sau mỗi 5 phút tiêm lại, liều dùng tối đa là 0,5mg.
  • Ngộ độc phospho hữu cơ: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều khởi đầu từ 0,05 - 0,1 mg/kg sau mỗi 5 - 10 phút đến khi không còn các triệu chứng ngộ độc.
  • Gây mê: Tiêm trước khi tiến hành gây mê từ 30 - 60 phút, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch. Liều dùng thuốc Atropin tùy thuộc vào cân nặng của trẻ như 0,1 mg đối với trẻ dưới 3kg, 0,2mg đối với trẻ từ 7 - 9kg, 0,3mg đối với trẻ từ 12 - 16kg, 0,4 - 0,6mg đối với trẻ trên 20kg.
  • Liệt cơ mi và giãn đồng tử trong đo khúc xạ: Trước khi đo từ 1 - 3 ngày, nhỏ vào mỗi mắt 1 giọt thuốc Atropin 1%, nhỏ 2 lần/ngày.
  • Viêm màng bồ đào, viêm mống mắt: Nhỏ vào mỗi mắt 1 giọt thuốc Atropin 1%, nhỏ tối đa 3 lần/ngày.

Thuốc Atropin nếu dùng quá liều có thể gây ra các biểu hiện như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, không tỉnh táo, buồn ngủ, khô mũi miệng và họng, mờ mắt, giãn đồng tử, tăng nhịp thở, tăng thân nhiệt, khô da, hay nhầm lẫn, lo lắng, mạch yếu, co giật, nhịp tim bất thường. Khi đó, người bệnh cần được xử trí cấp cứu.

Ngoài ra, nếu thấy có biểu hiện của dị ứng như sưng mặt, lưỡi, họng, khó thở, phát ban sau khi dùng thuốc Atropin, người bệnh cần liên hệ bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế ngay.

3. Tác dụng của thuốc Atropin

Thuốc Atropin có thể gây ra một số tác dụng phụ với tần suất xuất hiện như sau:

  • Thường gặp: Khó nuốt, khó nói, khô miệng, khát, sốt, sốc phản vệ, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, tăng nhãn áp, mắt không còn khả năng điều tiết và sợ ánh sáng, chậm nhịp tim thoáng qua và tăng nhanh sau đó, loạn nhịp và đánh trống ngực, hoang tưởng, lú lẫn, dễ bị kích thích.
  • Ít gặp: Khó tiểu, khô da, da ửng đỏ, nôn, táo bón do giảm trương lực và nhu động của ống tiêu hóa, choáng váng.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Atropin

  • Thuốc Atropin không được sử dụng ở người bị mẫn cảm nghiêm trọng với thành phần của thuốc, người bị bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến, hẹp môn vị, liệt ruột, viêm loét đại tràng nặng, nhược cơ, tăng nhãn áp dp glaucoma góc đóng hoặc hẹp, nhịp tim nhanh, nhiễm độc giáp, hoặc trẻ em đang bị sốt cao.
  • Việc dùng thuốc Atropin ở trẻ em cần thận trọng, đặc biệt cần lưu ý không dùng thuốc Atropin nhỏ mắt đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi.
  • Người già, người mắc hội chứng Down, bị sốt, tiêu chảy, nhược cơ, phẫu thuật tim, suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, người bị cao huyết áp, suy gan, suy thận.
  • Khi dùng thuốc Atropin nhỏ mắt ở trẻ em cần lưu ý thuốc có thể gây ra ngộ độc toàn thân. Khi dùng thuốc Atropin 0,5% để nhỏ nên dùng một miếng bông mềm ấn nhẹ vào góc trong mắt trong vài phút để thuốc không chảy xuống miệng và gây ngộ độc. Nếu dùng thuốc Atropin trong thời gian dài có thể gây sưng huyết, viêm, phù kết mạc, kích ứng tại chỗ.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai, cần thận trọng khi dùng thuốc Atropin, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ, vì thuốc có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi. Phụ nữ đang nuôi con cho bú cũng tránh dùng thuốc trong thời gian dài vì thuốc có thể đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
  • Cần hạn chế điều khiển xe hoặc vận hành máy móc khi dùng thuốc Atropin vì thuốc có thể gây mờ mắt hoặc buồn ngủ.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Atropin. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn khi sử dụng để việc dùng thuốc mang đến kết quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

86.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan