Thuốc Methyclothiazide: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc lợi tiểu là thuốc thường được bác sĩ chỉ định để kiểm soát huyết áp hoặc giảm phù do suy tim, suy gan hoặc suy thận. Có nhiều thuốc lợi tiểu khác nhau được sử dụng trong y khoa, một trong số đó là thuốc Methyclothiazide. Vậy Methyclothiazide có tác dụng gì?

1. Methyclothiazide có tác dụng gì?

Methyclothiazide có tác dụng gì? Thực chất đây là thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, giúp ngăn ngừa các biến chứng như đột quỵ, bệnh tim và các vấn đề về thận. Methyclothiazide thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, có tác dụng tăng thải muối và nước khỏi cơ thể, qua đó gia tăng số lượng nước tiểu người bệnh.

Thuốc Methyclothiazide còn có tác dụng giảm phù, một triệu chứng của các bệnh lý như suy tim sung huyết, bệnh gan và bệnh thận. Thuốc Methyclothiazide có thể đào thải dịch dư thừa tại các cơ quan như phổi (giúp bệnh nhân hô hấp dễ hơn), tay chân và ổ bụng.

2. Cách sử dụng thuốc Methyclothiazide

Thuốc Methyclothiazide được dùng bằng đường uống, cùng với thức ăn hoặc không, thường 1 lần mỗi ngày hoặc dùng theo chỉ định của bác sĩ. Điều kiện tốt nhất là dùng thuốc cách ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ để tránh việc đi tiểu giữa đêm.

Liều lượng thuốc Methyclothiazide được kê dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với trị liệu của người bệnh. Nhà sản xuất khuyến cáo về liều tối đa là 10mg và uống duy nhất 1 lần/ngày để điều trị phù hoặc 5mg mỗi ngày để điều trị huyết áp cao.

Sử dụng thuốc Methyclothiazide đều đặn giúp mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nên tạo thói quen uống thuốc cùng thời điểm mỗi ngày để tránh quên thuốc, không tăng liều, bỏ liều hoặc ngưng thuốc Methyclothiazide trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân hãy tiếp tục dùng thuốc Methyclothiazide ngay cả khi không có triệu chứng, vì đa số bệnh nhân tăng huyết áp không cảm thấy bị bệnh. Để kiểm soát huyết áp ổn định có thể mất đến vài tuần để thuốc Methyclothiazide có hiệu lực.

Cholestyramine và colestipol có thể làm cơ thể giảm hấp thụ thuốc Methyclothiazide. Nếu đang sử dụng các thuốc trên, người bệnh hãy sử dụng cách methyclothiazide ít nhất 4 giờ. Thông báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc xu hướng xấu đi (ví dụ như phù nhiều hơn, chỉ số huyết áp tăng lên) kể cả đang dùng thuốc Methyclothiazide.

sử dụng thuốc Methyclothiazide an toàn
Thuốc Methyclothiazide nên uống cách xa thời điểm đi ngủ để tránh đi tiểu đêm

3. Tác dụng phụ của thuốc Methyclothiazide

Các dấu hiệu bất thường của thuốc Methyclothiazide hay gặp bao gồm: chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, mờ mắt, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón... sẽ xảy ra khi cơ thể bệnh nhân đang thích nghi với thuốc Methyclothiazide. Ngoài ra, suy giảm chức năng tình dục cũng có thể xảy ra khi dùng thuốc Methyclothiazide.

Thuốc lợi tiểu Methyclothiazide có thể khiến cơ thể mất nước và các chất điện giải quá mức. Nhanh chóng thông báo cho bác sĩ khi người bệnh có các dấu hiệu sau:

  • Khô miệng nhiều;
  • Khát nước;
  • Co cứng cơ;
  • Suy nhược;
  • Nhịp tim nhanh/không đều;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Chóng mặt;
  • Buồn ngủ;
  • Ngất xỉu;
  • Lú lẫn;
  • Cơn động kinh.

Một số tác dụng không mong muốn ít gặp nhưng nghiêm trọng của thuốc Methyclothiazide:

  • Tê, ngứa ran ở tay chân;
  • Đau khớp (như đau ngón chân cái);
  • Dấu hiệu nhiễm trùng (như sốt, đau họng dai dẳng);
  • Dễ bầm tím hoặc chảy máu;
  • Đau bụng;
  • Buồn nôn, nôn ói dai dẳng;
  • Mệt mỏi bất thường, dai dẳng;
  • Vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu;
  • Dấu hiệu suy thận (như thay lượng nước tiểu);
  • Suy giảm thị lực, đau mắt.

4. Một số lưu ý khi sử dụng Methyclothiazide

Trước khi điều trị bằng methyclothiazide, bệnh nhân hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ dị ứng nào khác.

Người bệnh có một số điều kiện y tế nhất định không nên dùng thuốc Methyclothiazide, do đó trước khi sử dụng hãy trao đổi ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ nếu mắc các bệnh suy thận nặng (vô niệu hoàn toàn). Một số tiền sử bệnh lý cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc Methyclothiazide:

  • Bệnh thận, bệnh gan;
  • Rối loạn cân bằng các chất điện giải chưa được điều trị (như tăng hoặc giảm natri, kali, canxi, magie);
  • Tình trạng mất nước nghiêm trọng;
  • Bệnh gút;
  • Bệnh lupus;
  • Một số phẫu thuật thần kinh gần đây (phẫu thuật cắt hạch giao cảm).

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, methyclothiazide có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của người bệnh. Do đó, hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ trong suốt quá trình sử dụng thuốc Methyclothiazide. Thông báo ngay lập tức cho bác sĩ khi có các triệu chứng của tăng đường máu như tăng cảm giác khát nước/đi tiểu.

Thuốc lợi tiểu Methyclothiazide có thể gây hạ kali máu. Tham khảo bác sĩ về chế độ ăn bổ sung thêm kali (như ăn chuối hoặc uống nước cam) hoặc sử dụng muối có chứa kali. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc bổ sung kali do bác sĩ kê đơn.

Thuốc Methyclothiazide khiến bệnh nhân nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, hãy hạn chế thời gian dưới ánh nắng mặt trời, tránh nhuộm da hoặc chiếu đèn, sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo bảo vệ khi ra ngoài trời.

Methyclothiazide có thể làm bệnh nhân chóng mặt, để giảm nguy cơ này, người bệnh không nên thay đổi tư thế quá nhanh. Bên cạnh đó, cơ thể mất nước nhiều (đổ mồ hôi, nôn ói hoặc tiêu chảy) có thể làm giảm huyết áp và làm trầm trọng thêm tình trạng chóng mặt. Bệnh nhân nên uống nhiều nước để ngăn ngừa những tác động này và hạn chế tình trạng mất nước.

Chức năng thận thường suy giảm theo tuổi tác và thuốc Methyclothiazide lại được loại bỏ bởi thận. Do đó, người cao tuổi có thể nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc Methyclothiazide, đặc biệt là chóng mặt.

Methyclothiazide chỉ nên sử dụng khi thật cần thiết cho phụ nữ đang mang thai và cần thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ thật kỹ. Methyclothiazide đi vào sữa mẹ, mặc dù chưa có báo cáo nào về tác hại đối với trẻ bú mẹ nhưng hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

Lưu ý khi uống Methyclothiazide
Người bị bệnh gout nên lưu ý khi uống Methyclothiazide

5. Tương tác thuốc của Methyclothiazide

Nhân viên y tế (bác sĩ hoặc dược sĩ) đã biết về các tương tác thuốc có thể xảy ra và hướng dẫn người bệnh quản lý điều đó, vì vậy người bệnh không tự ý bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ cho phép. Không nên dùng thuốc Methyclothiazide với các thuốc sau vì có thể xảy ra các tương tác rất nghiêm trọng: cisaprid, dofetilide.

Trước khi điều trị bằng thuốc Methyclothiazide, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các sản phẩm theo toa và không kê toa/thảo dược đang sử dụng, đặc biệt là: diazoxide, digoxin, lithium, thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen, indomethacin).

Một số sản phẩm khác có các thành phần làm tăng huyết áp của bệnh nhân, người bệnh cần cho dược sĩ biết mình đang sử dụng sản phẩm nào và hỏi cách sử dụng chúng một cách an toàn (đặc biệt là các sản phẩm trị ho và cảm lạnh, thuốc hỗ trợ ăn kiêng hoặc NSAID như ibuprofen/naproxen).

Sản phẩm Methyclothiazide có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm cận lâm sàng, do đó hãy đảm bảo kỹ thuật viên xét nghiệm và tất cả các bác sĩ biết bệnh nhân sử dụng thuốc Methyclothiazide. Các triệu chứng quá liều thuốc Methyclothiazide có thể bao gồm: chóng mặt dữ dội, suy nhược cơ thể nghiêm trọng, ngất xỉu.

Thay đổi lối sống như giảm căng thẳng, tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống có thể làm tăng hiệu quả kiểm soát huyết áp của thuốc Methyclothiazide. Các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc thăm khám y tế (như định lượng nồng độ kali máu, xét nghiệm chức năng thận và gan) nên được thực hiện định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh nhân hoặc phát hiện các tác dụng phụ. Kiểm tra huyết áp thường xuyên trong khi dùng thuốc Methyclothiazide, học cách tự theo dõi huyết áp tại nhà và chia sẻ kết quả với bác sĩ.

Thuốc Methyclothiazide là thuốc lợi tiểu được dùng theo đơn của bác sĩ. Vì vậy để đảm bảo hiệu quả điều trị người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

818 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan