Điều trị túi thừa đại tràng biến chứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh túi thừa đại tràng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó viêm túi thừa là biến chứng thường gặp nhất. Điều trị túi thừa đại tràng biến chứng có thể cần phải kết hợp điều trị nội khoa và phẫu thuật cắt bỏ túi thừa đại tràng.

1. Bệnh túi thừa đại tràng là gì?

Bệnh túi thừa đại tràng là tình trạng có các khối phình hình thành ở trên thành đại tràng. Bệnh rất thường gặp ở người già, ảnh hưởng lên khoảng 5/100 người trên 40 tuổi, và tăng đến 60/100 người trên 80 tuổi. Đa số người bệnh ít xuất hiện triệu chứng.

Nguyên nhân gây ra bệnh túi thừa đại tràng là do không cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể trong nhiều năm làm suy yếu thành ruột, đồng thời có áp lực lớn đè lên thành ruột, làm thành ruột bị phình ra ngoài tạo thành một túi thừa.

2. Biến chứng của bệnh túi thừa đại tràng

Những biến chứng của bệnh túi thừa đại tràng bao gồm:

2.1. Viêm túi thừa đại tràng

Khi bị viêm, túi thừa đại tràng dãn nở ra như một trái bóng, thành trở nên mỏng hơn so với phần còn lại của đại tràng. Đại tràng là nơi cư trú của nhiều loại vi trùng có ích. Tuy nhiên, các vi trùng này có thể thâm nhập qua thành mỏng của túi thừa và gây ra nhiễm trùng, tình trạng này gọi là viêm túi thừa đại tràng. Tình trạng viêm túi thừa đại tràng nhẹ chỉ gây hơi đau ở vùng hố chậu trái. Nếu tình trạng viêm nặng sẽ gây đau nhiều và sốt. Viêm túi thừa đại tràng cần được điều trị. Cần phải dùng kháng sinh và nhịn ăn, đôi khi cần nhịn cả uống để giúp đại tràng được nghỉ ngơi. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân cần nhập viện điều trị.

2.2. Viêm phúc mạc

Viêm túi thừa có thể gây hoại tử túi thừa, các chất tiêu hóa ở đại tràng tràn vào khoang bụng, dẫn đến viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc là một cấp cứu ngoại khoa đòi hỏi phải phẫu thuật ngay lập tức để làm sạch khoang bụng. Một phần của đại tràng bị vỡ có thể cần phải được loại bỏ. Nếu viêm phúc mạc không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong.

Viêm túi thừa đại tràng biến chứng
Viêm túi thừa có thể gây hoại tử túi thừa, các chất tiêu hóa ở đại tràng tràn vào khoang bụng, dẫn đến viêm phúc mạc

2.3. Áp xe và viêm tấy lan tỏa

Viêm túi thừa có thể tiến triển dẫn đến áp xe (một quả bóng mủ). Các triệu chứng áp xe bao gồm đau bụng, sốt, buồn nôn và nôn. Có tới 30% những người bị viêm túi thừa cấp tính cũng có thể bị áp xe.

Nếu ổ áp xe nhỏ có thể được điều trị thành công bằng kháng sinh. Nếu nó có kích thước lớn hoặc không đáp ứng với điều trị, các bác sĩ sẽ cần phải phẫu thuật dẫn lưu mủ và thậm chí có thể cần phải loại bỏ một số mô ruột bị tổn thương.

2.4. Tắc ruột

Nhiễm trùng có thể dẫn đến sẹo đại tràng, và mô sẹo có thể gây ra tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn lòng ruột. Một tắc nghẽn một phần không cần phẫu thuật khẩn cấp. Tuy nhiên, phẫu thuật là cần thiết với sự tắc nghẽn hoàn toàn.

2.5. Chảy máu túi thừa

Biến chứng xuất huyết túi thừa đại tràng xảy ra do vỡ một mạch máu ở túi thừa đại tràng. Bệnh nhân có biểu hiện đại tiện phân đen hoặc có máu đỏ.

Chảy máu túi thừa không phải là phổ biến, chỉ xảy ra ở khoảng 17% những người bị viêm túi thừa mãn tính. Tình trạng này thường không đau và chảy máu thường tự dừng lại. Nhưng trong những trường hợp hiếm hoi, chảy máu có thể đủ nghiêm trọng để yêu cầu truyền máu hoặc phẫu thuật. Nếu bạn bị chảy máu, liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức.

2.6. Lỗ rò

Lỗ rò là sự hình thành đường tắt bất thường giữa hai cơ quan. Trong viêm túi thừa đại tràng, lỗ rò có thể được hình thành và thường nối đại tràng với bàng quang, ruột non hoặc âm đạo.

Các triệu chứng như: có không khí hoặc phân trong nước tiểu, đau khi đi tiểu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường.

Sau một đợt viêm túi thừa đột ngột, có khoảng 14% người bệnh có nguy cơ phát triển lỗ rò. Khi phát hiện có lỗ rò thường người bệnh phải phẫu thuật để điều trị tình trạng này và để tránh các biến chứng nặng hơn .

3. Điều trị bệnh bệnh túi thừa đại tràng có biến chứng

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh túi thừa có tối thiểu hoặc không có triệu chứng và không cần điều trị cụ thể. Một chế độ ăn nhiều chất xơ và chất bổ sung chất xơ được khuyến nghị để ngăn ngừa táo bón và hình thành nhiều túi thừa.

Khi các triệu chứng viêm túi thừa - đau bụng, sốt... nếu là nhẹ, thuốc kháng sinh uống thường là đủ. Khi đau nặng hơn, chế độ ăn lỏng để cho phép đại tràng và ruột phục hồi cũng có thể được chỉ định. Khi cơn đau ngày càng nghiêm trọng, hoặc khi bị sốt cao hoặc không thể uống chất lỏng, có thể cần phải nằm viện, cùng với kháng sinh tiêm tĩnh mạch và không ăn hoặc uống trong vài ngày.

3.1 Can thiệp phẫu thuật khi

  • Viêm túi thừa không đáp ứng với điều trị nội khoa cần phẫu thuật. Phẫu thuật thường bao gồm dẫn lưu mủ và loại bỏ đoạn đại tràng có chứa túi thừa.
  • Viêm phúc mạc do thủng túi thừa
  • Cắt bỏ túi thừa chảy máu là cần thiết cho bệnh nhân chảy máu kéo dài, chảy máu tái phát, ...
  • Bệnh túi thừa biến chứng rò bàng quang, rò âm đạo, ....
  • Tắc ruột.

3.2 Những rủi ro có thể xảy ra khi cắt túi thừa đại tràng

Một số biến chứng chung bao gồm: Phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, Chảy máu; Thoát vị; Tạo cục máu đông; Nhiễm trùng vết mổ; Bí tiểu; Viêm phổi ...

Riêng với phẫu thuật này, còn có thể có các biến chứng chuyên biệt như:

  • Tổn thương các cơ quan khác trong ổ bụng: tá tràng, niệu quản, ...
  • Viêm phúc mạc do bục miệng nối
  • Áp xe tồn dư trong ổ bụng
  • Tắc ruột sớm sau mổ

3.3 Chuẩn bị trước khi cắt túi thừa đại tràng

  • Bạn phải báo cho bác sĩ biết các vấn đề về sức khỏe của bạn, các loại dược phẩm bạn đang sử dụng gần đây, tiền căn dị ứng, ...
  • Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để cùng nhau chọn ra phương pháp gây mê phù hợp với bạn.
  • Bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể trước khi chuẩn bị phẫu thuật về chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật. Việc làm đúng các chỉ dẫn về nhịn ăn uống trước phẫu thuật là rất quan trọng. Trong đa số các trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng 6 giờ trước phẫu thuật. Bạn có thể dùng đồ uống như cà phê một vài giờ trước phẫu thuật.
Viêm túi thừa đại tràng biến chứng
Trong đa số các trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng 6 giờ trước phẫu thuật

3.4 Quy trình cắt túi thừa đại tràng

  • Bệnh nhân được gây mê và quá trình phẫu thuật thường sẽ kéo dài khoảng 2 giờ.
  • Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần túi thừa bị dư ra ở đại tràng của bạn theo một trong hai cách sau: phẫu thuật mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi. Thường thì hai loại phẫu thuật này có mức độ hiệu quả và mức độ biến chứng như nhau. Tuy nhiên, những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật nội soi thường hồi phục nhanh hơn và ít đau đớn hơn trong quá trình phẫu thuật
  • Trong một số ít các trường hợp, để cho đoạn ruột bị phẫu thuật có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ hậu môn nhân tạo, và bạn sẽ thải phân qua lỗ này thay vì là hậu môn của mình trong một thời gian ngắn. Sau khi đoạn ruột nơi phẫu thuật đã lành, bác sĩ sẽ khâu lỗ hậu môn nhân tạo này lại và bạn có thể đi tiêu như bình thường trở lại.

3.5 Chăm sóc bệnh nhân sau sau phẫu thuật

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng đã triển khai phương pháp Phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, theo đó, các bác sĩ sẽ cắt đoạn đại tràng có tổn thương với nhiều ưu điểm như sau:

  • Không bị hạn chế tầm nhìn như truyền thống, hình ảnh chất lượng tối ưu với độ chính xác cao hơn.
  • Ít đau sau mổ.
  • Chức năng đại tràng phục hồi nhanh.
  • Sẹo mổ nhỏ.
  • Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
  • Đảm bảo thẩm mỹ.
  • Hồi phục sau mổ nhanh, thời gian nằm viện ngắn.
  • Nhanh chóng sinh hoạt lại bình thường.
  • Trình độ gây mê, gây tê và giảm đau sau mổ rất tốt, đi đầu trong việc ứng dụng các phương pháp gây mê - gây tê thế giới.

Sau phẫu thuật, Bệnh nhân sẽ đau ít, được cho ăn và hướng dẫn vận động sớm.

Người bệnh có thể trở về nhà sau khoảng 5 ngày. Có thể sẽ mất một ít thời gian nữa để hồi phục sức khỏe hoàn toàn.

Nếu phân của bạn trở nên lỏng hơn trước khi phẫu thuật và bạn phải đi vệ sinh nhiều hơn thì đây là một hiện tượng bình thường, bạn không nên lo lắng và tình trạng này sẽ cải thiện dần theo thời gian.

Tập thể dục và vận động đều đặn sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe.

4. Dự phòng bệnh viêm túi thừa đại tràng:

Viêm túi thừa đại tràng biến chứng
Khẩu phần giàu chất xơ rất quan trọng vì có thể làm cho phân mềm hơn, giúp giảm áp lực trong lòng ruột
  • Bệnh túi thừa có thể phòng ngừa được. Khẩu phần giàu chất xơ rất quan trọng vì có thể làm cho phân mềm hơn, giúp giảm áp lực trong lòng ruột. Các chất xơ thường dùng là psyllium và methylcellulose có nhiều ở ngũ cốc, bánh mì và các loại thực phẩm khác. Do đó các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng từ 20 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày.
  • Stress tâm lý gây tăng co thắt ở đại tràng và có thể gây túi thừa đại tràng. Cần kiểm soát và điều trị stress. Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc để giảm bớt co thắt ở đại tràng nếu cần.

Viêm túi thừa là một biến chứng thường gặp của bệnh túi thừa đại tràng, có thể được chẩn đoán dễ dàng và điều trị hiệu quả. Sự hợp tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh túi thừa sẽ mang đến những kết quả tốt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan