Sự khác biệt của bệnh thận mạn ở nam và nữ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trong các bệnh lý về thận, suy thận mạn tính là một bệnh lý nghiêm trọng với nhiều biến chứng, có nguy cơ tử vong cao ở giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới nhưng thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn. Vậy trên lâm sàng, làm sao để nhận biết dấu hiệu của suy thận? Sự khác biệt của bệnh thận mạn ở nam với nữ giới là gì?

1. Suy thận mạn tính

Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận mà chủ yếu thể hiện ở chức năng bài tiết. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận mạn tính khi tình trạng này kéo dài tối thiểu trong 3 tháng liên tục.

Cũng giống như bệnh tăng huyết áp, suy thận mạn được ví như một kẻ giết người thầm lặng. Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi chức năng thận đã bị suy giảm nhiều.

Trên lâm sàng, bệnh thận mãn tính thường tiến triển qua 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Thận bị tổn thương, mức lọc cầu thận vẫn trong chỉ số bình thường;
  • Giai đoạn 2: Thận bị tổn thương nhẹ, mức lọc cầu thận bắt đầu giảm nhẹ, thường từ 60-89 ml/phút;
  • Giai đoạn 3: Mức lọc cầu thận giảm vừa ( từ 30-59 ml/phút), có biểu hiện thiếu máu, có thể xuất hiện các bệnh lý về xương khớp như đau lưng mỏi gối;
  • Giai đoạn 4: Mức lọc cầu thận giảm nặng (từ 15-29 ml/phút);

Giai đoạn 5: Suy thận giai đoạn cuối, mức lọc cầu thận xuống dưới 15ml/phút, thận gần như không hoạt động, bệnh nhân phải tiến hành lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận;

2. Sự khác biệt của bệnh thận mạn ở nam và nữ

Suy thận mạn tính
Tần suất mắc bệnh ở nữ giới cao hơn so với nam giới

2.1 Về yếu tố dịch tễ

Suy thận là căn bệnh có thể xảy ra ở cả hai giới, tuy nhiên thực tế lâm sàng đã cho thấy tần suất mắc bệnh ở nữ giới là cao hơn so với nam giới. Nhưng ngược lại, sau khi đã mắc bệnh, ở nam giới, suy thận mạn tính lại tiến triển nhanh hơn so với nữ giới.

Ngoài vấn đề về giới tính, bệnh suy thận mạn còn bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, chủng tộc, yếu tố di truyền và nhiều yếu tố khách quan khác như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thói quen hút thuốc lá...

2.2 Về biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng chung:

  • Có sự thay đổi về tiết niệu: tiểu nhiều lần, nước tiểu ít, có thể có bọt hoặc có màu khác lạ;
  • Người mệt mỏi, buồn nôn, nôn;
  • Chóng mặt, giảm hoặc mất khả năng tập trung;
  • Phù (thường là phù chân và phù mặt), có thể ngứa, hơi thở có mùi amoniac;
  • Đau lưng vùng cạnh sườn.

Sự khác biệt trên lâm sàng của bệnh suy thận mạn tính ở nữ giới và nam giới:

  • Suy thận ở nữ giới:
    • Rất sợ lạnh ngay cả khi thời tiết ở nhiệt độ bình thường so với mọi ngày;
    • Bị tăng cân nhiều ngay cả khi đã có chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học, tập luyện thường xuyên đều đặn;
    • Tóc rụng nhiều: tóc rụng không liên quan đến các yếu tố tóc khô yếu hay khỏe, không liên quan đến thời gian và thời tiết hay việc sử dụng hóa chất;
    • Mắt quầng thâm, phù mọng ngay cả khi có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi rất hợp lý, ăn ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc;
    • Có biểu hiện lãnh cảm với cuộc sống vợ chồng, hội chứng tiền mãn kinh xuất hiện sớm kèm theo các biểu hiện ra mồ hôi trộm, thay đổi tâm sinh lý...;
    • Trường hợp đặc biệt, những phụ nữ bị suy thận, khi mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, có thể tăng nguy cơ tiền sản giật cho mẹ.
  • Suy thận ở nam giới:
    • Thường xuyên bị lạnh tay chân ngay cả khi thời tiết nóng kèm theo trạng thái rùng mình, chóng mặt, đôi khi có biểu hiện như hen suyễn;
    • Tiểu nhiều về đêm, thường trên 2 lần trong một đêm, ban ngày lại trở về trạng thái như bình thường. Lưu ý tránh nhầm lẫn với những trường hợp đi tiểu đêm nhiều do uống nhiều nước;
    • Đau lưng, mỏi gối xảy ra sớm hơn ở những người ngồi lâu, ít vận động dẫn đến mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc;
    • Hoa mắt chóng mặt, thường xuyên bị ù tai, sợ ánh sáng kèm theo lở loét miệng do bị suy giảm hệ miễn dịch;
    • Suy giảm về mặt sinh lý, có thể dẫn tới yếu sinh lý, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng hoặc thậm chí gây vô sinh nam.
Suy thận mạn tính
Khuynh hướng điều trị ở nam giới thiên về lọc máu, làm cầu nối FAV và ghép thận

2.3 Về khuynh hướng điều trị

Cùng là bệnh lý về thận nhưng khuynh hướng điều trị ở hai giới là khác nhau:

  • Ở nam giới thiên về lọc máu, làm cầu nối FAV và ghép thận;
  • Ở nữ giới thường cho thận nhiều hơn nam giới.

Suy thận mạn tính là bệnh thường gặp ở cả hai giới với những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên, nói chung ở cả hai giới, bệnh đều gây ra những biến chứng nặng nề nếu như không được điều trị, không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến cả đời sống vợ chồng cũng như quá trình sinh con. Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có những biểu hiện bất thường về đường niệu kèm theo mệt mỏi, đau lưng mỏi gối, lãnh cảm...để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan