Bệnh sởi ở người lớn có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

1. Triệu chứng của bệnh sởi ở người lớn

Người lớn hiếm khi mắc sởi vì đa số đã nhiễm bệnh khi còn nhỏ và miễn dịch với bệnh từ lúc đó. Tuy nhiên, một số trường hợp người lớn vẫn mắc sởi do chưa có miễn dịch. Khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày), sau đó bệnh mới phát tán thành các biểu hiện bệnh cụ thể. Những dấu hiệu của bệnh sởi bao gồm:

  • Sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu.
  • Viêm long đường hô hấp trên (ho khan, ngạt mũi, sổ mũi chảy nước mũi).
  • Mắt đỏ, cộm, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, sưng nề mi mắt.
  • Trong khoang miệng trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên) có thể thấy hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên.
  • Phát ban sau sốt cao 3-4 ngày, ban hồng nổi cộm lên mặt da, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
sởi
Người lớn vẫn có thể mắc phải bệnh sởi

2. Sự nguy hiểm bệnh sởi ở người lớn

Khác với trẻ nhỏ, bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt, động kinh, ngớ ngẩn. Tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân bị biến chứng là khá cao, lên tới 15%.

Phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Virus sởi sẽ gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, dị tật thai nhi hoặc thai nhiễm sởi tiên phát. Trong những tháng đầu mặc bệnh sởi thì dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh có thể lên tới 50%. Tháng thứ 2 mắc bệnh sởi thì dị tật bẩm sinh sẽ là 22%, tháng thứ ba là 6%.

Lưu ý, phụ nữ mang thai không thể tiến hành tiêm phòng sởi dù hiện nay chưa có bằng chứng nào về tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ có mẹ tiêm phòng sởi trong thai kì. Vì vậy các mẹ bầu khi ra đường nên đeo khẩu trang đồng thời rửa tay thường xuyên và sát trùng mũi họng. Phụ nữ mang thai nên ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng và cần giữ cho môi trường sống trong lành, thoáng khí, sạch sẽ.

Đáng lo ngại hơn, những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không được nhận biết để ngăn chặn kịp thời. Thông thường sau khi hết sốt và hết phát ban, một số bệnh nhân tưởng đã khỏi hẳn. Nhưng sau đó, tình trạng sốt cao trở lại, đau đầu, co giật, thay đổi ý thức từ lú lẫn tới hôn mê, có thể có liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn sẽ xuất hiện, đó là khi bệnh đã biến chứng sang viêm màng não hoặc viêm tủy các biến chứng nặng khác như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc, mù lòa.

Các chuyên gia y tế cho biết, do quan niệm bệnh sởi chỉ có thể xuất hiện ở trẻ em, người lớn thường chủ quan khi mắc bệnh sởi, không có những biện pháp cách ly, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cũng như vệ sinh tốt. Đây là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.

sởi 1
Các biến chứng của bệnh sởi ở người lớn vô cùng nguy hiểm.

3. Các lưu ý khi điều trị bệnh sởi ở người lớn

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị các triệu chứng xảy ra và kết hợp chế độ chăm sóc người bệnh bao gồm vệ sinh cá nhân và dinh dưỡng qua ăn uống.
  • Phát hiện kịp thời khi các biến chứng xảy ra để tiến hành điều trị.

Cụ thể, đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, người bệnh có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà. Cần lưu ý việc vệ sinh và dinh dưỡng kém để góp phần cải thiện tình trạng bệnh. Người bệnh cần vệ sinh và chăm sóc răng miệng, vệ sinh mắt và vệ sinh cơ thể. Bên cạnh đó, trong chế độ ăn uống của người bệnh cần bổ sung các vitamin A. Theo nghiên cứu, việc bổ sung vitamin A có tác dụng làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi gây ra. Ngoài ra, thiếu vitamin A có thể gây ra các biến chứng như viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.

Khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, cần có các biện pháp nhanh chóng để giảm sốt đồng thời nên để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Cần cho bệnh nhân uống đủ nước và dùng thêm nước hoa quả để tránh thiếu nước do sốt cao.

  • Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh sởi : Nên hạn chế tối đa việc gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, kể cả thành viên trong gia đình. Trường hợp cần người chăm sóc, nên đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây lan bệnh.

4. Phát hiện sớm các biến chứng của bệnh sởi ở người lớn

Để phòng tránh biến chứng của bệnh sởi, cần lưu ý và theo dõi các biểu hiện sau ở bệnh nhân:

  • Theo dõi nhiệt độ của bệnh nhân trong 2 trường hợp: bệnh nhân không còn những chấm đỏ trên da nhưng còn sốt và bệnh nhân đã hạ sốt nhưng sau đó lại lên cơn sốt trở lại.
  • Bệnh nhân bị ho đột ngột, mỗi lúc lại thấy tần suất bệnh nhân ho tăng lên hoặc tiếng ho ông ổng, người bệnh bắt đầu thấy mệt hơn.
  • Bệnh trở nên nặng hơn, bệnh nhân có các triệu như: hô hấp bất thường, nhịp tim nhanh, ngủ li bì hơn.

Trong trường hợp bệnh nhân mắc phải những triệu chứng trên, cần nhanh chóng tiến hành thăm khám để có thể phát hiện các biến chứng và điều trị kịp thời.

5. Điều trị bệnh sởi ở người lớn có biến chứng

Khi bệnh sởi ở người lớn đã gây ra các biến chứng, cần lưu ý những điều sau:

  • Người bệnh cần được điều trị và chăm sóc tại các bệnh viện thuộc cấp huyện trở lên.
  • Nếu bệnh nhân có các biến chứng nhiễm khuẩn: cần được sử dụng kháng sinh tuỳ theo từng loại biến chứng.
  • Nếu bệnh nhân có biến chứng viêm não: Chống viêm, chống phù não, chống co giật.
  • Các điều trị và chăm sóc khác có thể được thực hiện bao gồm: Bồi phụ nước điện giải, hút thông đờm dãi. Thở oxy hoặc hỗ trợ hô hấp nếu suy hô hấp. Khí dung chỉ cần áp dụng trong những trường hợp đặc biệt như viêm long, phù nề thanh quản nặng.

Kết luận: Người lớn thường chủ quan với bệnh sởi và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bệnh sởi ở người lớn cũng rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu như biến chứng xảy ra.Vì vậy khi mắc sởi, chúng ta nên đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị đồng thời tránh lây nhiễm cho người khác.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Trong đó có vắc-xin MMR II & Diluent Inj 0,5ml của công ty MMD tại Mỹ. Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng. Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.

Để đăng ký tiêm phòng cho trẻ, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài của Bệnh viện hoặc Phòng khám của Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt hẹn trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

80.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan