Điều trị u mạch máu ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Da liễu.

U máu là loại u thường gặp ở trẻ nhỏ, hình thành khi các mạch máu tăng sinh. Tuy phần lớn các trường hợp khối u máu lành tính, tự tiêu biến nhưng cũng có tỷ lệ nhỏ u máu tiến triển ác tính, gây nhiều biến chứng cho bệnh nhi. Vì vậy, điều trị u máu ở trẻ em kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển tốt nhất.

1. Tổng quan về bệnh u mạch máu ở trẻ em

U máu là loại u lành tính, thường gặp ở trẻ nhỏ, tạo thành do các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch) phát triển quá mức. Bệnh u máu ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện dưới dạng một nốt sáng đỏ, có bề mặt giống quả dâu tây. Loại u này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng tỷ lệ cao nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ (chiếm 60%).

U máu tuy là loại u lành tính nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Loét, nhiễm trùng, hoại tử u;
  • Chảy máu;
  • Ảnh hưởng tới thẩm mỹ, gây biến dạng mặt;
  • Suy tim;
  • Tắc nghẽn đường thở trong trường hợp u khí quản hoặc u lớn vùng dưới hàm gây chèn ép đường thở;
  • Gây trở ngại trong ăn uống, hô hấp hoặc tầm nhìn nếu u mạch máu mọc ở trong miệng, trên môi, mũi hoặc mi mắt của trẻ;
  • Nguy hại cho sức khỏe nếu u máu mọc trên bộ phận sinh dục, trực tràng,...;
  • U máu ở họng nếu không được xử lý kịp thời sẽ lan rộng, xâm lấn vào các tổ chức sâu như thanh quản, gây biến chứng khó thở, chảy máu ồ ạt;
  • Ảnh hưởng tới tâm lý bệnh nhân.

2. Điều trị u máu ở trẻ em như thế nào?

2.1 U máu có cần điều trị không?

Diễn tiến của một u máu điển hình thường là: xuất hiện ở trẻ trong những tuần đầu sau sinh, phát triển trong suốt năm đầu. Khi trẻ được 6 – 18 tháng tuổi, hầu hết u máu sẽ dần được cải thiện (gọi là giai đoạn thoái triển), u máu giảm đỏ, dần chuyển sang màu xám, mềm hơn và phẳng hơn.

Điều trị u mạch máu ở trẻ em
U máu có cần điều trị không?

Sự cải thiện của u máu diễn ra trong nhiều năm. Khoảng 50% các trường hợp u máu sẽ cải thiện tốt khi trẻ được 5 tuổi, số còn lại tiếp tục tăng sinh và phát triển liên tục. Mặt khác, hầu hết u máu sẽ được cải thiện rõ rệt khi trẻ được 10 tuổi.

Theo các bác sĩ, hầu hết bệnh u máu ở trẻ sơ sinh không cần điều trị vì chúng có thể tự thoái triển theo thời gian thành các tổ chức xơ mỡ. Tuy nhiên, những trẻ có u máu cần được theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa. Trẻ sẽ được khám đánh giá tổng quát, đo kích thước các khối u, chụp hình khối u và đánh giá định kỳ. Trong thời gian này, có thể băng ép vùng khối u máu nếu cần. Thời gian theo dõi thường là 5 năm liên tục. Sau đó, quyết định có điều trị hay không sẽ phụ thuộc vào tuổi của trẻ, kích thước, vị trí, tốc độ phát triển cũng như mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của u máu.

Theo đó, u máu thường được chỉ định điều trị khi:

  • U máu ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan, bao gồm: Hạn chế tầm nhìn, suy giảm thính thực hoặc cản trở đường thở;
  • U máu có biến chứng: Loét, nhiễm trùng, chảy máu;
  • U máu có khả năng gây giãn da hoặc để lại sẹo, đặc biệt là những vị trí thẩm mỹ như mặt, ngực vì nó có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.

2.2 Các phương pháp điều trị u máu

Có nhiều phương pháp điều trị u máu khác nhau. Việc áp dụng phương pháp nào phụ thuộc vào từng thể bệnh và vị trí cụ thể. Mục đích điều trị nhằm chữa khỏi bệnh, đảm bảo tính thẩm mỹ và không gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể bệnh nhi. Việc điều trị u máu ở trẻ em có các lựa chọn sau:

Điều trị tại chỗ:

  • Thuốc chẹn beta thoa ngoài da: Điển hình là Timolol – thuốc có khả năng ngăn chặn sự phát triển, làm giảm kích thước hay màu sắc của u máu nằm trên bề mặt da;
  • Thuốc bôi chứa Steroid: Có thể ngăn chặn sự phát triển của các u mạch máu nhỏ, phẳng trên mặt da nhưng ít được dùng như Timolol vì có nhiều tác dụng phụ hơn;
  • Tiêm Steroid: Có thể tiêm trực tiếp vào khối u để làm chậm sự phát triển, có tác dụng tốt đối với u máu nhỏ và khu trú.

Điều trị toàn thân:

  • Propranolol đường uống: Chủ yếu được dùng để điều trị các trường hợp u máu có biến chứng. Loại thuốc này còn được dùng trong điều trị tăng huyết áp. Trước khi có chỉ định điều trị trẻ sẽ được thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, thận, siêu âm tim, khám chuyên khoa nhi. Khi cho trẻ dùng thuốc, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý vì nó có thể gây hạ đường huyết nếu trẻ không ăn uống đầy đủ. Ngoài ra, thuốc Propranolol còn gây hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim. Do vậy, việc dùng thuốc cần dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ;
  • Steroid đường uống: Cần có bác sĩ giàu kinh nghiệm điều trị và theo dõi sự đáp ứng của thuốc vì có thể gây ra nhiều biến chứng nếu sử dụng kéo dài như nấm miệng, chậm phát triển tinh thần,...

Các phương pháp điều trị khác:

  • Điều trị bằng laser: Laser là phương pháp hữu ích đối với các bệnh nhi u máu phẳng và nông, có u máu chảy máu hoặc muốn làm lành các u máu loét. Phương pháp điều trị này cũng giúp xóa bỏ những di chứng về màu sắc, hình dạng của u máu trên da nhưng có nhược điểm là gây đau cho bệnh nhân;
  • Điều trị phẫu thuật: Chủ yếu áp dụng cho các trường hợp u máu nhỏ loét hoặc nằm ở những vị trí khi phát triển sẽ ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan hoặc ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được áp dụng trong việc khắc phục các di chứng về mặt thẩm mỹ như giãn da hoặc sẹo xấu;
  • Nút mạch: Áp dụng trong trường hợp u dị dạng mạch máu. Tuy nhiên, sau nút mạch cần tiến hành phẫu thuật ngay để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh;
  • Tiêm xơ: Hiệu quả đối với u nội mạc mạch máu và u dị dạng mạch máu với khối u to, ranh giới không rõ, nguy hiểm nếu thực hiện phẫu thuật;
  • Phương pháp khác: Tia xạ, áp lạnh bằng khí nitơ lỏng ở nhiệt độ âm,...

Việc phòng ngừa u mạch máu ở trẻ em chỉ áp dụng đối với những khối mắc phải sau khi bị côn trùng cắn, chấn thương,... Trong trường hợp này, phụ huynh cần kiểm soát tốt các tổn thương tại vùng mạch máu dễ gây u máu ngay sau khi trẻ bị chấn thương và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan