Các thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

Bệnh thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng. Đối tượng mắc bệnh có thể là cả người lớn và trẻ em. Một số loại thuốc có công dụng trong điều trị bệnh thủy đậu đối với đối tượng là trẻ em. Vì thế cha mẹ cần nắm rõ thông tin, thành phần và cách sử dụng để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Tổng quan về bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm xuất hiện trên da được gây ra bởi virus Varicella Zoster. Thời điểm thường mắc bệnh thủy đậu là vào mùa xuân với đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu cũng có thể gặp ở đối tượng là người lớn, đặc biệt với phụ nữ có thai.

Bệnh thủy đậu có tốc độ lây truyền nhanh chóng, truyền trực tiếp từ người này sang người kia. Con đường lây truyền bệnh thủy đậu thường qua không khí, người khỏe mạnh sẽ bị bệnh khi tiếp xúc với nước bọt từ người bị bệnh thủy đậu khi họ hắt hơi, ho,... Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây từ những vết thương bị bỏng khi chúng vỡ ra hoặc những vùng da tổn thương, lở loét từ người bị bệnh thủy đậu. Đặc biệt, đối với phụ nữ đang trong thời gian mang thai bị thủy đậu thì có nguy cơ lây truyền cho thai nhi rất cao thông qua nhau thai.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu được chia làm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn khởi phát: xuất hiện những dấu hiệu triệu chứng như sốt, đau nhức đầu, đau mỏi cơ,... Đặc biệt, đối với trẻ em bị bệnh thủy đậu thì thường không có dấu hiệu lâm sàng cụ thể cảnh báo bệnh.
  • Giai đoạn phát bệnh: xuất hiện nổi những “nốt rạ” trên cơ thể của người bệnh. Đặc điểm của nốt rạ này là kích thước nhỏ hình tròn xuất hiện trong thời gian từ 12 đến 24 tiếng đồng hồ. Theo thời gian thì chúng sẽ phát triển thành các mụn nước và bóng nước. Những nốt rạ này có thể xuất hiện khắp cơ thể hoặc xuất hiện rải rác vài vị trí trên cơ thể. Ở người bệnh bị thủy đậu thì thường số lượng trung bình khoảng 100 đến 500 nốt. Trong nốt rạ có thể chứa virus nên khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có trong nốt rạ sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh thủy đậu. Đối với trường hợp mụn nước tự khô biến thành vảy sẽ tự hết trong khoảng từ 4 đến 5 ngày. Thông thường, trẻ em bị mắc bệnh thủy đậu trong thời gian từ 5 đến 10 ngày.

2. Một số cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

Khi trẻ có những triệu chứng bệnh thủy đậu thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được bác sĩ thăm khám. Tại đây, bác sĩ điều trị có thể chỉ định điều trị tại nhà hay cần chăm sóc y tế tại bệnh viện. Việc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em thì điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, giảm sốt, giảm ngứa, ngăn không cho trẻ gãi mụn nước làm vỡ và lây lan ra thêm.

  • Điều trị tại nhà: Nếu có chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh cần chú ý tuân thủ theo đúng chỉ định, phác đồ điều trị của bác sĩ và đến tái khám theo đúng lịch. Trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em tại nhà cần theo dõi trẻ kỹ, nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu triệu chứng bất thường cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra kịp thời.
  • Sử dụng các thuốc điều trị: Bạn có thể điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em bằng các thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, giảm đau và các vitamin. Tùy theo lứa tuổi và các dấu hiệu bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc kháng virus cho trẻ. Bên cạnh đó, tùy theo từng trường hợp bội nhiễm mà bác sĩ điều trị sẽ được dùng các loại kháng sinh thích hợp.

Thông thường để điều trị bệnh thủy đậu có kèm theo dấu hiệu sốt cao, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng các thuốc hạ sốt và thuốc chống ngứa để hạn chế trường hợp trẻ gãi nhiều gây ra tình trạng bội nhiễm trên da. Bên cạnh đó, khi chăm sóc những trẻ em bị thủy đậu cần lưu ý không sử dụng thuốc Aspirin để hạ sốt. Nguyên nhân là do việc sử dụng loại thuốc này cho trẻ có nguy cơ gây ra hội chứng Reye với những dấu hiệu tổn thương gan và não.

3. Các thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

Một số loại thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em đó là:

3.1. Thuốc hạ sốt

Khi bị nhiễm virus thủy đậu, thân nhiệt của người bệnh sẽ tăng lên. Sốt là dấu hiệu triệu chứng thường gặp đầu tiên trong những ngày đầu phát bệnh. Vì thế, thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em đầu tiên được bác sĩ chỉ định sử dụng là thuốc hạ sốt.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng thuốc hạ sốt chỉ được dùng cho trẻ em khi bị sốt trên 38,5 độ C. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 6 giờ và không uống thuốc liên tục trong thời gian từ 5 đến 7 ngày.

3.2. Các loại thuốc giảm ngứa

Người bị thủy đậu có thể xuất hiện cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng ngứa gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Khi những người bị thủy đậu bị ngứa nhiều và gãi mạnh có thể để lại sẹo và gây nhiễm trùng thứ phát. Lúc này, bác sĩ điều trị có thể sử dụng các loại thuốc kháng Histamin có tác dụng giảm ngứa.

3.3. Thuốc kháng virus

Trong điều trị thủy đậu ở trẻ em, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng virus có tên là Acyclovir. Công dụng của thuốc Acyclovir là làm giảm nhanh tình trạng nhiễm trùng thứ phát, từ đó, ngăn chặn bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Thuốc kháng virus chủ yếu sử dụng cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch hay những người phụ nữ có thai,... Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

3.4. Các loại thuốc kháng sinh

Trong trường hợp điều trị thủy đậu cho trẻ em có kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng, các vết loét trên da bị sưng, đau và có mủ thì sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh. Tương tự như sử dụng các thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ điều trị bệnh. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ em sử dụng các thuốc kháng sinh.

3.5. Thuốc bôi hay các loại thuốc sát trùng ngoài da

Khi bị bệnh thủy đậu, trên bề da sẽ xuất hiện những nốt mụn nước. Mụn nước này có thể vỡ vào bất kỳ thời điểm nào và nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, viêm và loét da. Do đó, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, người bị thủy đậu có thể sử dụng đồng thời các loại thuốc bôi hay các thuốc sát trùng ngoài da.

Lưu ý là thuốc bôi sát trùng ngoài da có thể gây ngứa ngáy đối với một số người cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng. Khi bôi thuốc trên diện rộng thì có thể gây ra mất thẩm mỹ.

4. Lưu ý trong quá trình điều trị thủy đậu ở trẻ em

Trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Trẻ em bị bệnh thủy đậu cần nằm phòng cách ly áp lực âm để hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh cho người lành. Sau khi trẻ đã xuất viện vẫn cần được cách ly đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
  • Người nuôi trẻ bị thủy đậu cần phải sử dụng khẩu trang N95 (đối với người chưa mắc thủy đậu) và đeo khẩu trang ngoại khoa (đối với những người đã có tiền sử mắc bệnh hay đã tiêm thuốc ngăn ngừa bệnh thủy đậu). Khi đưa trẻ đến khám chuyên khoa hoặc thực hiện các thăm dò chức năng khác cũng cần đeo khẩu trang cẩn thận cho bé. Ngoài ra, các vị phụ huynh cần vệ sinh trước và sau khi chăm sóc cho bé.
  • Sử dụng dung dịch castellani hay xanh - methylen bôi lên các mụn nước hoặc những vết phỏng khi đã vỡ.
  • Tuyệt đối không cho trẻ gãi mạnh khiến các mụn nước và vỡ mủ ra các vùng da lân cận. Đồng thời, các phụ huynh nên cho trẻ đeo bao tay vải hạn chế tối đa tác động vào mụn nước.
  • Kết hợp sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc hạ sốt đối với những người bị thủy đậu phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Vệ sinh sạch sẽ mũi họng mỗi ngày bằng dung dịch nước muối sinh lí 0,9%.
  • Cho trẻ mặc quần áo mềm mại, thấm mồ hôi và đặc biệt giữ vệ sinh da cho trẻ để dự phòng các biến chứng không mong muốn. Hàng ngày, tắm cho trẻ bằng nước ấm và thay áo quần ngay trong phòng tắm.
  • Cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Đặc biệt, cho trẻ uống bổ sung thêm nhiều nước hoặc nước trái cây.
  • Sử dụng các loại đồ dùng cá nhân riêng biệt bao gồm khăn, ly, muỗng, đũa,...
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khu vực đông người để dự phòng nguy cơ bị lây nhiễm.
  • Hạn chế cho trẻ ra gió, vì cơ thể trẻ khi bị bệnh khá nhạy cảm và dễ bị nhiễm lạnh, làm cho bệnh ngày càng tồi tệ hơn.
  • Trẻ mắc bệnh thủy đậu cần phải được cách ly với những người khác trong gia đình và cộng đồng.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Phụ huynh hay người chăm sóc trẻ cần chú ý chăm sóc cho trẻ cũng như bản thân thật kỹ lưỡng tránh nguy cơ bị lây nhiễm.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về các loại thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em để từ đó biết cách phòng ngừa, chăm sóc và điều trị bệnh hiệu quả, tránh để các biến chứng bệnh nguy hiểm xảy ra cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan