Hội chứng nôn chu kỳ ở trẻ em

Trẻ em bị nôn mửa kéo dài hàng giờ hoặc thậm chí nhiều ngày rồi biến mất trong vài tuần hay vài tháng và tái phát là dấu hiệu nhận biết bệnh nôn chu kỳ ở trẻ em. Việc điều trị hiện tại tập trung vào kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng với các nhóm thuốc cơ bản như chống buồn nôn, giảm đau...

1. Giới thiệu về hội chứng nôn chu kỳ ở trẻ em

Hội chứng nôn chu kỳ ở trẻ em được đặc trưng bởi các đợt nôn ói dữ dội mà không rõ nguyên nhân. Các đợt có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày và xen kẽ với các giai đoạn không có triệu chứng. Các đợt mắc bệnh đều tương tự nhau, có nghĩa là chúng có xu hướng bắt đầu vào cùng một thời điểm trong ngày, kéo dài cùng một khoảng thời gian với biểu hiện và mức độ tương tự nhau.

Hội chứng nôn ở trẻ em có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường bắt đầu ở trẻ từ 3 đến 7 tuổi. Mặc dù bệnh này phổ biến hơn ở trẻ em, số trường hợp được chẩn đoán ở người lớn đang tăng lên.

Nhìn chung, khi mắc bệnh nôn chu kỳ ở trẻ em, chẩn đoán thường khó khăn vì nôn là triệu chứng của nhiều rối loạn tiêu hóa khác nhau. Điều trị thường bao gồm thay đổi lối sống để giúp ngăn ngừa kích thích gây ra các đợt nôn. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc giúp thuyên giảm triệu chứng như chống nôn và đau nửa đầu có thể đem lại hiệu quả cao.

2. Triệu chứng của nôn chu kỳ ở trẻ em như thế nào?

Các triệu chứng của hội chứng nôn chu kỳ ở trẻ em thường bắt đầu vào buổi sáng như sau:

  • Có từ 3 lần các đợt nôn mửa bắt đầu cùng một lúc và kéo dài trong một khoảng thời gian tương tự;
  • Sức khỏe nói chung bình thường và không có cảm giác buồn nôn giữa các đợt;
  • Có cảm giác buồn nôn và đổ mồ hôi dữ dội trước khi một đợt bắt đầu;
  • Ngoài ra, còn có các dấu hiệu và triệu chứng khác trong một đợt nôn chu kỳ ở trẻ em như đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng và đau nửa đầu.

Khi trẻ mắc phải bệnh nôn chu kỳ, cha mẹ cần gọi cho bác sĩ nếu thấy máu trong chất nôn của con. Ngoài ra, nôn mửa liên tục có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, hậu quả có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cha mẹ cũng nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các triệu chứng mất nước, chẳng hạn như khát nước quá mức hoặc khô miệng, đi tiểu ít hơn, da khô, mắt hoặc má trũng, không có nước mắt khi khóc, trẻ trông có vẻ kiệt sức và bơ phờ.

nôn chu kỳ ở trẻ em
Hội chứng nôn chu kỳ ở trẻ em được đặc trưng bởi các đợt nôn ói dữ dội

3. Các nguyên nhân gây bệnh nôn chu kỳ ở trẻ em

Nguyên nhân cơ bản của hội chứng nôn ở trẻ em theo chu kỳ vẫn chưa được biết rõ. Một số nguyên nhân có thể nghi ngờ là yếu tố di truyền, khó tiêu hóa, các vấn đề về hệ thần kinh và mất cân bằng hormone.

Ngoài ra, các cơn nôn cụ thể có thể được kích hoạt bởi:

  • Cảm lạnh, dị ứng hoặc các vấn đề về mũi xoang;
  • Căng thẳng hoặc phấn khích về cảm xúc;
  • Lo lắng hoặc cơn hoảng sợ;
  • Một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như sô cô la hoặc pho mát;
  • Ăn quá nhiều, ăn ngay trước khi đi ngủ hoặc nhịn ăn;
  • Thời tiết nóng;
  • Kiệt sức về thể chất;
  • Tập thể dục hay vận động quá nhiều;
  • Say tàu xe.

Việc xác định các tác nhân gây ra những đợt nôn chu kỳ ở trẻ em có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

4. Cách chẩn đoán và điều trị chứng nôn chu kỳ ở trẻ em

Hội chứng nôn theo chu kỳ ở trẻ nhỏ có thể khó chẩn đoán. Bởi không có xét nghiệm cụ thể nào để xác định chẩn đoán một cách tiên quyết và nôn đôi khi là dấu hiệu của nhiều bệnh lý cần được loại trừ trước tiên.

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi về bệnh sử của trẻ, khai thác các kiểu triệu chứng mà trẻ đã trải qua. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị các công cụ hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm:

  • Nghiên cứu hình ảnh: Chẳng hạn như nội soi, siêu âm hoặc chụp CT để kiểm tra sự tắc nghẽn trong hệ thống tiêu hóa hoặc các dấu hiệu của các tình trạng tiêu hóa khác;
  • Đánh giá chức năng vận động của ống tiêu hóa để theo dõi sự di chuyển của thức ăn từ miệng vào dạ dày;
  • Các xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp và các tình trạng chuyển hóa khác.

Đáng tiếc là cho tới nay vẫn chưa có cách chữa trị hội chứng nôn mửa theo chu kỳ một cách hiệu quả. Tuy vậy, may mắn là nhiều trẻ em không còn bị nôn trớ khi đến tuổi trưởng thành. Việc điều trị hiện tại tập trung vào kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng với các nhóm thuốc cơ bản như sau:

  • Thuốc chống buồn nôn;
  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc ức chế axit dạ dày;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc chống động kinh.

Ngoài ra, nếu trẻ bị mất nước nhiều do nôn mửa thì có thể cần phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch để ngăn mất nước tiến triển và các biến chứng liên quan.

hội chứng nôn ở trẻ em
Nguyên nhân cơ bản của hội chứng nôn ở trẻ em theo chu kỳ vẫn chưa được biết rõ

5. Các biến chứng có thể gây ra bởi chứng nôn chu kỳ ở trẻ em

Các biến chứng có thể gặp phải ở trẻ mắc hội chứng nôn theo chu kỳ bao gồm:

  • Mất nước: Nôn ói lượng nhiều và không ăn uống đủ sẽ khiến trẻ mất nước nhanh và nặng nề. Những trường hợp trẻ mất nước nghiêm trọng mà không thể uống nước được qua miệng thì có thể cần được điều trị tại bệnh viện.
  • Tổn thương thực quản: Axit trong dạ dày đi kèm với chất nôn có thể làm tổn thương thực quản. Đôi khi thực quản bị kích thích đến mức chảy máu.
  • Sâu răng: Axit trong chất nôn có thể ăn mòn men răng, nhất là bộ răng sữa của trẻ.

6. Các cách phòng ngừa hội chứng nôn chu kỳ ở trẻ em tại nhà

Thay đổi lối sống có thể giúp hạn chế các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng nôn mửa theo chu kỳ. Những trẻ này nói chung cần ngủ đủ giấc. Khi bắt đầu có dấu hiệu nôn, cha mẹ cần trấn an trẻ nằm trên giường và ngủ trong phòng tối, yên tĩnh.

Khi giai đoạn nôn mửa đã dừng lại, điều rất quan trọng là cần cho trẻ uống nhiều nước. Một số trẻ có thể cảm thấy đủ khỏe để bắt đầu ăn chế độ bình thường ngay sau khi ngừng nôn. Nhưng nếu thấy trẻ không cảm thấy muốn ăn, nên khuyến khích trẻ ăn một ít súp hay uống sữa, nhằm bù nước và đảm bảo năng lượng, sau đó dần dần thêm thức ăn đặc.

Nếu các cơn nôn ở trẻ được quan sát thấy là do căng thẳng hoặc phấn khích gây ra, hãy tránh cho trẻ các tác nhân kích động, trấn an trẻ khi gặp biến cố. Ngoài ra, cho trẻ ăn các bữa ăn nhỏ và đồ ăn nhẹ ít chất béo hàng ngày, thay vì ba bữa ăn lớn cũng có thể hữu ích.

Tóm lại, chứng nôn chu kỳ ở trẻ em là một rối loạn không phổ biến, được đặc trưng bởi các đợt tái phát buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng. Trong khi nguyên nhân chính xác của bệnh nôn chu kỳ ở trẻ em vẫn chưa rõ ràng, có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định và cha mẹ cần biết để giúp phòng tránh cho con tại nhà, giúp trẻ có một cuộc sống thoải mái và dễ chịu nhất.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, frontiersin.org, ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan