Nạo VA cho trẻ liệu có gây đau?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Nạo VA được chỉ định trong trường hợp bác sĩ đã cân nhắc các vấn đề bệnh tật của trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình lo ngại khả năng miễn dịch của trẻ bị giảm sút nên từ chối phẫu thuật. Trong khi đó, VA đã bị viêm thì không còn duy trì được chức năng miễn dịch mà còn gây ra nhiều biến chứng khó chữa trị hơn cho trẻ.

1. Viêm VA là gì?

VA là tổ chức bạch huyết nằm ở vòm họng, ngay sau hốc mũi. VA có vai trò là hàng rào miễn dịch đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh vào đường thở.

Viêm VA xảy ra khi có sự xâm nhập với số lượng lớn của tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, bụi, v.v) làm cho VA hoạt động quá tải, kích thích viêm. Viêm xảy ra làm tăng kích thước của VA dẫn đến cản trở đường thở và lưu thông khí gây ra nhiều hậu quả cho trẻ.

nao-va-cho-tre-lieu-co-gay-dau-1
Viêm VA

2. Nạo VA có gây đau cho trẻ không?

Nạo VA là thủ thuật không gây đau nhiều cho trẻ. Nhìn chung, trẻ bị đau sau nạo VA là do những tổn thương trong và sau quá trình phẫu thuật, hoặc do phản ứng thuốc. Cụ thể như sau:

  • Trẻ sau nạo VA thường cảm thấy đau hoặc cứng ở cổ họng do tư thế nằm mổ hơi ngửa ra sau. Triệu chứng kéo dài vài ngày sau mổ và có thể cải thiện được bằng chườm ấm, thuốc giảm đau và một số bài tập xoay vùng cổ.
  • Trẻ có thể bị chảy nước dãi, đau miệng sau mổ.
  • Trẻ có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở vùng tai trong thời gian hồi phục bệnh. Cảm giác đau có thể rầm rộ hoặc âm ỉ. Đau không phải dấu hiệu của nhiễm trùng tai mà do vùng mổ lan đến. Phụ huynh có thể giảm đau bằng cách cho trẻ nhai kỹ kẹo cao su.
  • Phản ứng dị ứng thuốc kháng sinh có thể xảy ra nhưng rất hiếm do trước khi dùng thuốc, trẻ đã được thử test kháng sinh trước đó và không có dấu hiệu dị ứng. Nếu có biểu hiện vã mồ hôi, tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt,... bạn cần báo lại cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

3. Các biện pháp giảm đau sau nạo VA

Một số biện pháp có thể làm giảm đau sau nạo VA cho trẻ, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Loại thuốc giảm đau thông dụng là paracetamol và các loại thuốc khác với cùng hoạt chất. Chú ý, phụ huynh không cho trẻ uống paracetamol lúc đói vì có thể gây buồn nôn, nôn cho trẻ. Hạn chế dùng ibuprofen trong vòng 2 tuần sau mổ vì làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, tránh vùng phẫu thuật bị khô gây đau.
  • Tránh cho trẻ ăn thức ăn cứng, làm xây xước vùng phẫu thuật như bánh quy, bánh mì, khoai tây chiên.
  • Thường xuyên chơi với trẻ tránh trẻ buồn phiền hoặc dành nhiều thời gian nghĩ về cơn đau

4. Cải thiện sức khỏe cho trẻ sau nạo VA

4.1 Ngủ ngáy

Ngủ ngáy có thể xuất hiện ở một số trẻ sau phẫu thuật. Hiện tượng này xảy ra là do tình trạng phù nề và thường tự mất đi trong vòng tuần đầu sau phẫu thuật.

4.2 Thay đổi giọng nói

Giọng nói bị thay đổi là do kích thước và hình dáng của khoang miệng thay đổi sau phẫu thuật. Thời gian đến khi lấy lại giọng nói có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

4.3 Sốt

Sốt xảy ra là hậu quả của tình trạng thiếu nước nhẹ hoặc quá trình liền vết mổ ở họng. Nhiệt độ sốt thay đổi từ nhẹ đến vừa, thường dưới 38,5 độ C. Cho trẻ ăn uống bình thường, kết hợp với các biện pháp hạ sốt.

4.4 Hơi thở có mùi

Hơi thở có mùi là hiện tượng thường gặp sau phẫu thuật và có thể kéo dài tới vài tuần. Đó là kết quả của quá trình liền thương tại vùng phẫu thuật khi họng tiết ra nhiều đờm dãi. Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách cho trẻ bằng cách dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, cho bé nhai kẹo cao su, ngậm kẹo cứng. Uống nhiều nước cũng có thể giúp ích.

4.5 Chảy máu

Chảy máu xảy ra với tỷ lệ thấp, thường xuất hiện trong 14 ngày đầu, đặc biệt là từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8 sau phẫu thuật nạo VA. Mức độ máu chảy thường không đáng kể và sẽ tự cầm được. Nếu máu chảy nhiều, không tự cầm được, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí.

4.6 Chăm sóc răng miệng

Trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật, trẻ cần tuân thủ:

  • Súc miệng, đánh răng nhưng không được sục họng
  • Không dùng tay che miệng khi hắt hơi
  • Dùng khăn chùi nước mũi khi chảy mũi
  • Làm ẩm không khí bằng máy phun sương

4.7 Các hoạt động thể chất

Trẻ nên hoạt động thể lực tăng dần. Tránh các hoạt động mạnh trong vòng 2 tuần sau mổ. Phụ huynh cũng hạn chế để trẻ đến nơi đông người, tiếp xúc với người mắc bệnh, đặc biệt là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

nao-va-cho-tre-lieu-co-gay-dau-2
Trẻ thường sốt nhẹ sau nạo VA

5. Biến chứng từ VA do can thiệp muộn

VA bị viêm không chỉ ảnh hưởng đến chức phận miễn dịch mà còn gây ra các biến chứng sau:

  • Cản trở đường thở của trẻ khiến trẻ phải thở bằng miệng, ngủ ngáy, thậm chí ngừng thở khi ngủ. Việc thường xuyên thiếu oxy lên não sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ.
  • VA phì đại gây bít tắc vòi tai gây nhiễm trùng tai, giảm thính lực, viêm tai giữa cấp và mãn tính, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn tập nói.
  • VA khiến tích tụ dịch nhầy trong mũi gây viêm xoang tái phát nhiều lần.
  • VA bị viêm là nơi trú ngụ của các loại vi khuẩn từ đó lan sang các bộ phận khác gây ra viêm cầu thận, viêm hạch cổ, viêm đa khớp, viêm cơ tim, nhiễm trùng máu, v.v.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng Kỹ thuật cắt amidan, nạo VA bằng Coblator. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng thường quy tại Vinmec. Ưu điểm của kỹ thuật này là thời gian phẫu thuật nhanh, không mất máu, cầm máu tốt, không bị bỏng sau mổ, không sưng, quá trình hậu phẫu nhẹ nhàng. Với Coblator, trẻ ít đau hơn rất nhiều so với phẫu thuật truyền thống và phẫu thuật bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, trẻ phục hồi nhanh sau 4 - 5 ngày điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan