Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh cấp tính hay gặp ở trẻ em. Trẻ có thể mắc bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp trung bình 4-6 lần trong năm, bao gồm nhiễm trùng ở bất cứ vị trí nào trên đường hô hấp.

1. Nguyên nhân nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em

Nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm nhiễm trùng ở bất cứ vị trí nào trên đường hô hấp:

Nhiễm khuẩn hô hấp trên: Viêm mũi họng, viêm họng, viêm Amidan cấp, viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm thanh quản, khí quản.

Nhiễm khuẩn hô hấp dưới: Viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.

Nguyên nhân nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em phần lớn do virus có ái lực với đường hô hấp:

Virus hợp bào hô hấp (RSV) đứng đầu, chiếm 50 % nguyên nhân viêm tiểu

phế quản ở trẻ <2 tuổi. Các virus hợp bào hô hấp chính bao gồm: Adenovirus, virus cúm, a cúm, sởi, Rhinovirus...

Virus hô hấp hợp bào RSV
Virus hợp bào RSV là nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em

RSV dễ dàng lây truyền và dễ phát triển thành dịch, những trẻ có khả năng miễn dịch virus ngắn và yếu dễ bị nhiễm lại.

Vi khuẩn gây viêm đường hô hấp: Haemophilus influenzae, phế cầu, Moraxella.catarrhalis, tụ cầu, liên cầu...

Vi khuẩn không đặc hiệu như Mycoplasma pneumoniae chiếm 20-30 % nguyên nhân viêm đường hô hấp ở trẻ em, có thể chiếm 40% ở trẻ > 5 tuổi.

2. Điều kiện thuận lợi dễ nhiễm khuẩn hô hấp cấp trẻ em

  • Trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nuôi bộ.
  • Trẻ < 2 tháng
  • Trẻ có bệnh bẩm sinh
  • Thời tiết lạnh, chuyển mùa.
  • Khói bụi, thuốc lá, dị nguyên hô hấp
  • Lông súc vật
  • Môi trường không hợp vệ sinh

Ô nhiễm không khí
Tình trạng khói bụi khiến trẻ dễ nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Biểu hiện lâm sàng nhiễm khuẩn hô hấp cấp bao gồm:

  • Ho: là triệu chứng hay gặp, ho khan, ho đờm, ho cơn.
  • Sốt: nhẹ, vừa hoặc rất cao. Sơ sinh có thể hạ nhiệt độ.
  • Chảy mũi, đau họng, khàn tiếng, có thể giống cảm lạnh.
  • Khó thở khò khè, thở rít, rút lõm lồng ngực, thở nhanh.
  • Chảy mủ tai.
  • Dấu hiệu nguy hiểm nhất là: Bỏ bú, nôn, co giật, li bì, thở chậm hoặc ngừng thở.

3. Diễn biến nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ do virus thường có tiên lượng khả quan, ngoại trừ 1 số trường hợp bệnh nặng như viêm thanh quản cấp, viêm phổi do Adenovirus ở trẻ nhỏ có thể tử vong. Đa số không cần dùng kháng sinh, trừ trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.

Nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn: Phần lớn nguy hiểm và phải dùng kháng sinh. Đặc biệt viêm phổi do tụ cầu vàng, viêm nắp thanh quản do Haemophilus influenzae.

  • Viêm phổi do phế cầu kháng thuốc, thời gian điều trị lâu khỏi, hay kết hợp viêm tai giữa, 1 số kháng sinh thông thường không có kết quả.

Viêm phổi do Haemophilus influenzae cũng thường kèm viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm kết mạc mắt...

Haemophilus influenzae
Haemophilus influenzae gây ra tình trạng viêm phổi ở trẻ

Nhiễm khuẩn hô hấp trên:

  • Viêm mũi họng: nếu điều trị không đỡ, bị kéo dài dễ viêm tai giữa cấp, viêm xoang. Viêm mũi họng cũng là nguyên nhân khởi phát triệu chứng hen ở những bệnh nhân có cơ địa hen.
  • Viêm mũi họng cũng có thể gây viêm thanh khí phế quản cấp, viêm thanh quản, viêm phổi do virus.
  • Viêm họng - Amidan mủ có thể gây áp xe mô mềm quanh Amydal, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não mủ.
  • Viêm họng do liên cầu β tan huyết nhóm (A) có thể gây viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim...

Nhiễm khuẩn hô hấp dưới

  • Viêm phổi nặng nếu không xử trí, điều trị kịp thời, có thể ngừng thở và dẫn đến tử vong.
  • Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp diễn biến từ nhẹ đến nặng rất nhanh. Chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn. Điều trị không đúng và không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ,
Viêm phổi ở trẻ
Trẻ có dấu hiệu viêm phổi cần được chẩn đoán và điều trị sớm

4. Biện pháp phòng nhiễm khuẩn hô hấp cấp trẻ em

Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, hệ miễn dịch phát triển chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Do đó cần:

  • Cách ly trẻ với các nguồn lây bệnh
  • Nhỏ mũi, rửa mũi bằng NaCl 0,9% ấm.
  • Làm thông thoáng đường thở khi có viêm đường hô hấp trên.
  • Trẻ lớn cho ngậm nước muối ấm, uống nhiều nước.
  • Tránh môi trường ẩm thấp, khói, bụi, thuốc lá...
  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ vắc-xin phòng cúm, sởi, ho gà, phế cầu, Haemophilus influenza...
Tiêm chủng 2 mũi cho trẻ độ tuổi tiêm chủng, mũi 1 từ 9 – 12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18 – 24 tháng
Tiêm phòng vắc-xin là một trong các biện pháp phòng nhiễm khuẩn hô hấp cấp trẻ

Ngay khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan