Sự phát triển của trẻ ở tháng thứ 20 sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trẻ 20 tháng tuổi ngày càng trở nên thông minh và lanh lợi hơn trước. Ở độ tuổi này trẻ cũng có nhiều sự thay đổi về cơ thể, nhận thức cũng như tâm lý. Tìm hiểu những thay đổi ở trẻ 20 tháng tuổi sẽ giúp quá trình chăm sóc cho trẻ được tốt hơn.

1. Giấc ngủ ở trẻ 20 tháng tuổi

Trẻ 20 tháng tuổi sẽ ngủ tổng cộng khoảng trung bình 13 giờ mỗi ngày. Trẻ sẽ ngủ giấc ngủ đêm dài từ 11 đến 12 giờ và một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa từ 1 đến 2 giờ.

2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 20 tháng tuổi

Ở độ tuổi 20 tháng, ngoài ba bữa ăn chính mỗi ngày, mẹ nên cho trẻ ăn một vài bữa ăn nhẹ lành mạnh. Đây là thời điểm để mẹ có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại thực phẩm mới vào khẩu phần ăn của bé như: phô mai, bánh gạo không đường, vài lát trái cây ( như táo, chuối hoặc lê), cà rốt hoặc dưa chuột đều là những thức ăn bổ sung tốt và có lợi cho sự phát triển cho trẻ.

Ở độ tuổi này không nên cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt, nhất là nước ngọt có gas.

Ngoài ra, cũng cần tạo cho trẻ thời gian ăn vui vẻ giúp trẻ ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn. Đặc biệt không nên ép trẻ ăn, vì nếu gượng ép quá mỗi lần đến bữa ăn sẽ tạo tâm lý sợ ăn cho trẻ.

Phô mai
Ngoài ba bữa ăn chính mỗi ngày, mẹ nên cho trẻ ăn một vài bữa ăn nhẹ

3. Sự phát triển ở trẻ 20 tháng tuổi

3.1 Sự phát triển về thể chất và kỹ năng vận động

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế giới, chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ 20 tháng tuổi đối với bé gái cần đạt 82,7cm, 10,6 kg và 84,2cm; 11,3 kg đối với bé trai.

Trẻ 20 tháng tuổi có thể đi lại và chạy một mình, có thể leo lên các bậc cầu thang (mặc dù trẻ có thể không thể trèo xuống). Một số trẻ có thể biết nhảy và có thể cởi quần áo với sự giúp đỡ từ người lớn.

Trẻ nhỏ 2 tuổi
Trẻ 20 tháng tuổi có thể đi lại và chạy một mình

3.2 Phát triển các giác quan, giao tiếp và cảm xúc

Trẻ có thể hiểu các hướng dẫn hoặc mệnh lệnh đơn giản từ bạn; ví dụ: “Nhặt đồ chơi của con lên” hoặc “Đi ngủ nào ”. Tuy nhiên một số trẻ lại không làm theo mệnh lệnh của mẹ, hoặc thích làm ngược lại. Và mẹ cũng đừng ngạc nhiên nếu đôi khi trẻ khóc, la hét từ chối không muốn làm theo ý của bạn. Thay vì tỏ ra bực bội, bạn hãy thật bình tĩnh với con.

4. Những hoạt động và trò chơi giúp bé 20 tháng tuổi phát triển

Đọc, nhìn tranh ảnh và gán những sự vật trong sách hay bức tranh đó sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ. Việc này sẽ khuyến khích trẻ nói. Ví dụ, bạn nói “con chó ở đâu trong bức tranh này” và để trẻ vừa trả lời vừa chỉ vào nó.

20 tháng tuổi cũng là thời điểm tốt để bạn dạy bé cách cư xử, như dạy bé nói lời cảm ơn, việc này giúp xây dựng nền móng về nhận thức cho trẻ.

Bạn cũng có thể dạy trẻ phép đếm và trẻ sẽ bắt chước được nếu được lặp lại nhiều lần. Nhưng trẻ chỉ có thể hiểu đúng các con số cho đến khi trẻ được khoảng 30 tháng tuổi.

Khoảng 90% não bộ của trẻ phát triển trong giai đoạn 5 năm đầu đời. Hãy tạo ra cho bé yêu của bạn một môi trường sống đầy âm nhạc, màu sắc và những hoạt động vui nhộn đan xen vào đó có thể dạy trẻ đếm. Hãy chơi và dạy bé những điều mới lạ và thú vị hằng ngày. Những điều này thật sự có lợi cho sự phát triển của trẻ sau này.

Trẻ trong những năm đầu đời thường có nguy cơ mắc bệnh cao đặc biệt là những bệnh về thần kinh, sốt cao dẫn đến co giật; hoặc có những biểu hiện trẻ chậm nói, chậm vận động. Do đó bố mẹ quan sát, theo dõi sức khỏe trẻ để có thể cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ. Hãy đưa trẻ tới khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm một số bệnh có thể xảy ra và điều trị đúng cách.

Cho trẻ chơi với những đồ vật lớn
Đọc, nhìn tranh ảnh sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ

Trẻ 20 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: emmasdiary.co

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan