U mềm lây ở trẻ mới biết đi và trẻ em tuổi đi học

U mềm lây là dạng u mềm trên da thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 1-10 tuổi. U mềm lây thường sẽ tự khỏi và không cần điều trị, tuy nhiên bác sĩ có thể tiến hành điều trị nếu u mềm lây lan rộng, gây đau, ngứa, ảnh hưởng thẩm mỹ ở trẻ.

1. U mềm lây là dạng u mềm trên da thường gặp ở trẻ em

U mềm lây là bệnh nhiễm trùng da do virus gây nên, bệnh thường xuất hiện ở trẻ em từ 1-10 tuổi. Đây là một bệnh u mềm trên da với các đặc điểm như sau:

  • Xuất hiện các sẩn tròn gồ cao trên bề mặt da, chắc, bề mặt các sần nhẵn, sần lõm ở phía trung tâm. Các nốt sần có thể có màu hồng, trắng đục hoặc màu vàng.
  • Đường kính mỗi sẩn thường từ 2-6mm, các sần thường tập trung thành nhóm, thường không đau nhưng có thể ngứa, đôi khi có tổn thương đỏ và bong vẩy xung quanh do quá trình cào, gãi hoặc do phản ứng tăng nhạy cảm của u mềm trên da.
  • Vị trí phân bố thương tổn ở trẻ em có thể ở mặt, tay, chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Nếu mắc bệnh u mềm lây mức độ nhẹ, trẻ có thể chỉ có một vài nốt sần, xuất hiện khu trú, tuy nhiên nếu mắc bệnh mức độ nặng, trẻ sẽ có tới hàng trăm nốt và phân bố khắp cơ thể.

U mềm lây
U mềm lây có thể xuất hiện bất cứ tại vị trí nào trên cơ thể

2. Trẻ mắc bệnh u mềm lây như thế nào?

U mềm lây là dạng u ở trẻ em, gây ra bởi Pox virus. Loại virus này có thể xâm nhập và lây nhiễm thông qua các các vết thương hở trên da. Lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Ngoài ra, do virus này phát triển mạnh trên bề mặt ẩm ướt, nên có thể lây qua việc dùng chung khăn ẩm, quần áo, vật dụng cá nhân, bề mặt thảm tập thể dục, bể bơi,... U mềm lây là dạng u ở trẻ em, đặc biệt phổ biến ở môi trường ấm, ẩm ướt và ở trẻ em bị bệnh chàm.

Pox virus
Trẻ mắc bệnh u mềm lây do virus pox gây ra

3. U mềm lây được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Thực tế, u mềm lây dễ chẩn đoán nhầm với căn bệnh ngoài da khác. Theo đó, để chẩn đoán u mềm lây, bác sĩ da liễu chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm nhuộm bằng xanh toluidine để bộc lộ thể vùi của virus. Đồng thời, chẩn đoán phân biệt với một số bệnh nhiễm trùng da tương tự như thủy đậu, herpes simplex, viêm nang lông, hạt cơm phẳng,...

U mềm lây là dạng u mềm ở trẻ em lành tính, thường không cần điều trị và sẽ tự khỏi theo thời gian (khoảng sau 6 tháng đến 4 năm). Tuy nhiên, trong các trường hợp u mềm trên da lan rộng, ngứa, đau, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, trẻ mong muốn được điều trị... bác sĩ có thể điều trị u mềm lây cho trẻ bằng các phương pháp như:

  • Áp lạnh bằng nitơ lỏng (phẫu thuật lạnh): Đây là phương pháp dùng nitơ lỏng với nhiệt độ -196 độ C để điều trị các khối u lành tính ở thượng bì của da, trong đó có các loại u mềm ở trẻ em. Trước khi thực hiện, các nốt u mềm lây sẽ được bịt kem tê (EMLA) từ 30-60 phút để giảm đau.
  • Nạo các u mềm lây bằng curret, trước khi cạo cũng phải bôi kem EMLA 2.5% để giảm đau.
  • Liệu pháp laser: giúp loại bỏ tổ chức u mềm bằng cách bốc bay tổ chức.
  • Bôi các loại kem imiquimod hoặc kem tretinoin hàm lượng 0.025% hoặc 0.01% vào u mềm trên da vào buổi tối hàng ngày.

Ở một số trẻ, sau một thời gian tồn tại trên da, các nốt u mềm lây trở nên đỏ và tạo thành các mụn mủ giống như mụn nhọt. Đây thường là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bắt đầu loại bỏ virus. Miễn là trẻ không bị đau và không bị sốt thì đó không phải là dấu hiệu của nhiễm trùng.

U mềm lây
Trẻ bị u mềm lây cần được gặp bác sĩ da liễu

4. Biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm u mềm trên da ở trẻ em

U mềm lây là bệnh dễ lây lan, do đó cần áp dụng các biện pháp giữ vệ sinh để tránh nguy cơ u ở trẻ em lan rộng trên cơ thể trẻ và lây cho người khác:

  • Giữ trẻ không chạm vào các nốt sần trên da. Nếu trẻ cảm thấy ngứa, bạn có thể thoa kem steroid để giảm cảm giác ngứa, tránh trẻ cào gãi.
  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay để che các u mềm trên da, điều này giúp trẻ tránh nguy cơ trầy xước và u lây lan khắp cơ thể, đồng thời bảo vệ người khác khỏi bị lây nhiễm từ trẻ.
  • Tránh tắm chung, dùng chung các đồ vật như áo quần, khăn tắm, đồ chơi,...

Các thành viên trong gia đình cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau khô tay bằng khăn sạch. Mẹ giặt drap trải giường, áo gối,... của trẻ hàng ngày. Làm sạch phòng ngủ và nơi sinh hoạt của trẻ.

Tuy là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu, bất tiện và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh, đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, tiêm chủng đầy đủ vắc-xin để gia tăng sức đề kháng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan