Vì sao cần vệ sinh bao quy đầu cho bé trai?

Khi tắm cho bé trai, nhiều mẹ phân vân về cách vệ sinh bao quy đầu cho bé trai. Nhiều người cho rằng nên lộn bao quy đầu để vệ sinh dương vật, người thì cho rằng cứ để tự nhiên sau này bao quy đầu tự tụt ra... Vậy vệ sinh bao quy đúng cách như thế nào, bài viết sau đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề trên.

1. Tổng quan về bao quy đầu

Ở nam giới phần đầu dương vật (còn được gọi là quy đầu) sẽ được một đoạn da mỏng là bao quy đầu bảo vệ. Lớp da này bao gồm 2 lớp:

  • Lớp da ở bên ngoài.
  • Lớp niêm mạc ở bên trong.

Trước khi bé chào đời, bao quy đầu và đầu dương vật dính chặt gần như một thể thống nhất. Dần dần theo thời gian (thường từ 7 năm trở đi) mặt trong bao quy đầu và lớp da đầu dương vật bắt đầu tách rời nhau nhờ hiện tượng bong tế bào ở bề mặt mỗi lớp, sau đó bao quy đầu mới lộn được khỏi đầu dương vật và tế bào chết tích tụ thành chất tiết trắng (bã Smegma) và được đẩy dần ra ngoài qua phần chóp bao quy đầu.

2. Hướng dẫn vệ sinh bao quy đầu đúng cách

Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP) đưa ra hướng dẫn vệ sinh bao quy đầu cho trẻ như sau:

2.1. Khi trẻ chưa lộn được bao quy đầu

Đối với trẻ nhỏ bao quy đầu chưa lộn, khi tắm cho bé cha mẹ hãy rửa bộ phận sinh dục như những phần khác của cơ thể rồi lau khô bằng khăn sạch.

Lưu ý

Không tìm cách tuốt mạnh bao quy đầu về phía bụng vì đây là một quá trình đòi hỏi thời gian, không nên thúc ép. Thường 90% trường hợp bao quy đầu sẽ tự lộn được khi bé lên 5 tuổi, bạn cũng không cần lo lắng nếu phải chờ lâu hơn. Một số bé trai chỉ có thể lộn hoàn toàn bao quy đầu cho đến khi tới tuổi trưởng thành.

Vệ sinh bao quy đầu cho bé trai rất dễ. Cha mẹ hãy tắm toàn thân thường xuyên và vệ sinh tất cả các bộ phận của bé, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Với trẻ chưa lộn bao quy đầu, không tìm cách rửa đầu dương vật bằng tăm bông, dùng thuốc diệt khuẩn hoặc xối nước mạnh... chỉ cần dùng nước sạch và dung dịch vệ sinh phù hợp để rửa bên ngoài là đủ.

vệ sinh bao quy đầu đúng cách cho bé
Cha mẹ vệ sinh bao quy đầu cho bé trai nhẹ nhàng bằng nước và lau khô bằng khăn sạch

2.2. Khi trẻ đã lộn được bao quy đầu

Đối với trẻ lớn đã lộn bao quy đầu và có thể chủ động vệ sinh, tắm rửa, cha mẹ có thể hướng dẫn bé vệ sinh dương vật đúng cách như một thói quen hàng ngày. Đây cũng là công việc vệ sinh bắt buộc, cần duy trì làm cả đời người. Bởi đến tuổi dậy thì trẻ có thể bắt đầu có tinh dịch, tinh trùng. Nếu không rửa sạch thường xuyên thì sẽ khiến tinh dịch hoặc nước tiểu tràn ra ngoài đọng lại, gây viêm nhiễm, sinh mủ và có mùi khó chịu.

Hướng dẫn cách vệ sinh bao quy đầu cho bé trai:

  • Nhẹ nhàng lộn da quy đầu về phía bụng.
  • Rửa sạch dương vật rồi lau khô.
  • Vuốt xuôi bao quy đầu để trả về vị trí cũ.

3. Các vấn đề cần lưu ý

Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị hẹp bao quy đầu (Phymosis) hoặc da trong của bao quy đầu bị kết dính bẩm sinh. Đây có thể do hiện tượng phát triển chậm hoặc do các cơ quan sinh dục không đồng bộ trong thời kỳ bào thai.

Cha mẹ không nên cố lộn bao quy đầu cho trẻ trong những trường hợp trên vì có thể khiến trẻ bị đau hoặc rách chảy máu. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được xử lý phù hợp. Trẻ cũng có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu và gỡ dính.

Trên thực tế nhiều trẻ đã lên đến 10 tuổi mà vẫn không biết rằng bao quy đầu có thể vận động qua lại ở đầu dương vật. Để tránh lỗi trên cha mẹ nên vệ sinh bao quy đầu cho trẻ và khi trẻ lớn hơn thì hướng dẫn trẻ vệ sinh bao quy đầu đúng cách. Bạn cũng thường xuyên để ý khi vệ sinh vùng kín cho trẻ để nhanh chóng phát hiện những khuyết tật sinh dục bẩm sinh (nếu có).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

923 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan