Rối loạn nhịp tim được chẩn đoán như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Rối loạn nhịp tim chính là sự bất thường trong chuỗi hoạt động bình thường của tim, khiến tim bơm máu không được hiệu quả. Đa phần rối loạn nhịp tim thường nguy hiểm và cần có sự can thiệp điều trị chuyên khoa. Vậy rối loạn nhịp tim được chẩn đoán như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Rối loạn nhịp tim là gì?

Hội chứng rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về mặt điện học của tim, có thể là bất thường về việc tạo nhịp hoặc bất thường về mặt dẫn truyền điện học trong buồng tim. Bình thường, nhịp đập của tim đều đặn và được điều khiển bởi điện sinh học. Nhịp tim lúc cơ thể nghỉ ngơi khoảng 60-100 nhịp/ phút, tăng nhanh khi tập thể dục hay căng thẳng. Đồng thời tần số nhịp tim cũng có sự thay đổi theo tuổi (em bé có nhịp tinh nhanh hơn người lớn) và giới tính (nhịp tim của nữ giới thường cao hơn nam giới khoảng 5 nhịp). Rối loạn nhịp tim là khi tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.

Rối loạn nhịp tim có thể không gây triệu chứng gì hoặc chỉ gây ra các triệu chứng như: cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hoặc không đều,...Tuy nhiên, nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim có thể đe dọa tính mạng của người bệnh và khiến người bệnh phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

2. Chẩn đoán rối loạn nhịp tim gồm những gì?

xét nghiệm ĐTĐ
Để chẩn đoán thường cần tiến hành một số xét nghiệm

Rối loạn nhịp tim là bệnh lý hay gặp trong thực hành lâm sàng hàng ngày, người bệnh có thể được phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hoặc một chuyên khoa khác. Có một số trường hợp không nhỏ người bệnh cao tuổi được phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp tim khi phải nhập viện điều trị các bệnh lý tiểu đường hay tăng huyết áp.

Việc chẩn đoán rối loạn nhịp tim tại bệnh viện được tiến hành gồm các xét nghiệm sau:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi ( bằng máy đếm laser)
  • Định lượng Glucose
  • Định lượng Cholesterol
  • Định lượng Triglycerid
  • Định lượng HDL- C và LDL - C
  • Định lượng Creatinin
  • Định lượng Ure
  • Điện giải đồ (Na, K, Cl)
  • Định lượng Calci toàn phần
  • Thời gian prothrombin bằng máy tự động
  • Thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa bằng máy tự động
  • Định lượng CRP hs
  • Định lượng FT4 ( Free Thyroxine)
  • Định lượng TSH
  • Tổng phân tích nước tiểu
  • Điện tim thường
  • Holter điện tâm đồ
  • Siêu âm tim, màng tim qua thành ngực
  • Chụp X quang ngực thẳng.

Các bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả của các xét nghiệm này để chẩn đoán được chứng rối loạn nhịp tim của người bệnh.

3. Chẩn đoán rối loạn nhịp tim bằng Holter điện tâm đồ

Holter điện tâm đồ
Holter điện tâm đồ

3.1. Holter điện tâm đồ là gì?

Holter điện tâm đồ là một trong những giải pháp để phát hiện rối loạn nhịp tim đã được sử dụng trong nhiều năm nay, áp dụng với những bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch bị rối loạn nhịp tim hoặc nghi ngờ rối loạn nhịp tim.

3.2. Ưu điểm của phương pháp Holter điện tâm đồ

Phương pháp Holter điện tâm đồ có ưu điểm vượt trội là giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim mà điện tim thường quy không phát hiện được và phát hiện những rối loạn nhịp mới phát sinh.

Phương pháp này rất có giá trị trong các trường hợp sau:

  • Phát hiện các rối loạn nhịp tim thoáng qua
  • Phát hiện các rối loạn nhịp tim không có triệu chứng ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, suy tim, hay bệnh cơ tim phì đại nhằm đánh giá các nguy cơ tim mạch sau này
  • Đánh giá hiệu quả điều trị của các thuốc chống loạn nhịp tim
  • Góp phần chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

3.3. Quy trình thực hiện Holter điện tâm đồ

  • Bệnh nhân sẽ được dán điện cực gắn trên thành ngực. Vùng da dán điện cực được lau sạch sẽ. Hiện nay đa số các loại máy là có 3 kênh với 5-7 điện cực. Vị trí dán điện cực tuỳ thuộc vào số lượng điện cực.
  • Trong thời gian đeo máy bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, tránh gắng sức, không làm ướt máy và không làm va đập vào máy vì dễ làm nhiễu hình ảnh điện tâm đồ. Trong thời gian đeo máy nếu có các triệu chứng bất thường cần bấm nút để đánh dấu thời điểm bị, đồng thời ghi lại đầy đủ các triệu chứng này và thời gian chính xác lúc xảy ra triệu chứng vào tờ nhật ký.
  • Sau 24-48 giờ bệnh nhân được hẹn quay trở lại để tháo máy. Kết quả sẽ được phân tích bằng máy tính và in ra thành bản ghi để đánh giá.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan