Những cách hạ đường huyết cho bà bầu

Đái tháo đường thai kỳ xuất hiện ở 2-10% số phụ nữ mang thai. Tình trạng đường huyết tăng cao lúc mang thai sẽ gây nhiều nguy cơ xảy ra các biến chứng cho mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng cách giảm lượng đường trong máu khi mang thai các bà bầu bị đái tháo đường thai kỳ vẫn có thể sinh con khỏe mạnh.

1. Tình trạng tăng đường huyết ở phụ nữ mang thai

Tình trạng tăng đường huyết của phụ nữ xuất hiện lần đầu tiên khi họ mang thai được gọi là đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ xuất hiện ở 2-10% số phụ nữ mang thai. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ là những người tuổi trên 25, thừa cân, có tiền sử gia đình bị đái tháo đường hoặc bản thân đã bị đái tháo đường thai kỳ trước đó, đã từng sinh con to (≥ 4kg) hoặc thai lưu, con sinh ra bị dị tật.

Đái tháo đường thai kỳ sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi. Đối với sản phụ, có thể xuất hiện các biến chứng như tăng huyết áp, nhiễm trùng, băng huyết, sinh non, tiền sản giật, nguy cơ bị đái tháo đường type 2 sau khi sinh. Đối với thai nhi sẽ có nguy cơ chậm phát triển, thai to, bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, thần kinh, hô hấp, tim mạch. Bé sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết sau sinh.

Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng, vì có rất nhiều cách hạ đường huyết cho bà bầu thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp và các bài tập vận động hợp lý, khi đường huyết được kiểm soát tốt sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ có thể xảy ra đối với mẹ và bé.

2. Những cách hạ đường huyết cho bà bầu

Thực đơn cho bà bầu bị rối loạn tăng huyết áp thai kỳ
Có rất nhiều cách hạ đường huyết cho bà bầu thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp

2.1 Cách giảm lượng đường trong máu khi mang thai bằng chế độ dinh dưỡng

  • Các sản phụ bị tăng đường huyết nên ăn nhiều bữa trong ngày. Mỗi bữa không nên ăn quá nhiều quá no và khoảng cách giữa các bữa ăn không nên quá cách xa nhau để tránh tình trạng đường huyết tăng quá cao sau ăn và đường huyết hạ quá thấp lúc xa bữa ăn. Nên ăn các thực phẩm như thịt nạc, cá, đậu hũ, yaourt, sữa không béo, không đường, các thực phẩm ít gây tăng đường máu như gạo lức, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt. Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giúp cân bằng lượng đường trong máu.
  • Giảm ăn các thực phẩm gây tăng đường như bánh kẹo, trái cây ngọt, chè, kem, các thực phẩm giàu chất béo như lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, thức ăn chiên, xào. Giảm uống rượu, bia, nước ngọt, nước ép trái cây ngọt. Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, mì gói, thịt hộp,... để phòng ngừa nguy cơ tăng huyết áp.

2.2 Cách giảm lượng đường trong máu khi mang thai bằng vận động

Các bài tập vận động nhẹ nhàng có hiệu quả rất tốt giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở phụ nữ mang thai. Vận động còn giúp kiểm soát cân nặng, tăng sức chịu đựng, giúp cho cuộc sinh nở được nhanh chóng, nhẹ nhàng. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn hình thức và cường độ vận động phù hợp.

  • Đi bộ: Là hoạt động rất tốt cho phụ nữ mang thai, giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ tim mạch, làm săn chắc hệ cơ, giúp tử cung co bóp được nhanh và dễ dàng hơn, giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ táo bón.

Nên luyện tập ở mức độ phù hợp, không nên cố gắng đi bộ khi cơ thể mệt mỏi, có thể nghỉ ngơi bất kỳ khi nào muốn.

  • Chạy bộ nhẹ nhàng: Chạy bộ giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ viêm tĩnh mạch chân, tăng huyết áp, bệnh trĩ. Ngoài ra, chạy bộ giúp củng cố cơ cột sống giúp duy trì tư thế cần thiết trong thời kỳ mang thai. Khi chạy bộ, nên tuân thủ nguyên tắc tập nhẹ nhàng, vừa sức, chọn đoạn đường bằng phẳng, tránh thở dốc.
  • Bơi lội: Bơi lội giúp giảm lượng đường huyết thông qua việc tiêu hao năng lượng thừa. Bơi lội còn giúp phổi khỏe, hít sâu tốt, điều chỉnh vị trí thai nhi để sinh dễ dàng, giảm đau lưng, thúc đẩy lưu thông máu tốt cho mẹ và con, phòng ngừa phù chân, táo bón, giúp hệ thống thần kinh bé phát triển khỏe mạnh.
  • Yoga: Giúp luyện thở, tốt cho hệ hô hấp do cung cấp lượng oxy dồi dào và đào thải khí carbonic. Yoga giúp kiểm soát trọng lượng, giảm đường huyết. Ngoài ra, yoga giúp hệ xương khớp dẻo dai, giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
Bà bầu tập yoga
Yoga giúp luyện thở, tốt cho hệ hô hấp do cung cấp lượng oxy dồi dào và đào thải khí carbonic

  • Khiêu vũ: Khiêu vũ giúp cơ thể nhẹ nhàng, uyển chuyển, giảm stress, làm tinh thần vui vẻ, thoải mái. Khiêu vũ còn giúp ổn định đường huyết và huyết áp.
  • Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên: Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ nên tái khám và xét nghiệm đường máu thường xuyên. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có những hướng dẫn, điều chỉnh chế độ ăn, vận động phù hợp cho giai đoạn điều trị tiếp theo. Nếu trường hợp đường huyết vẫn cao, chế độ dinh dưỡng và tập luyện không giúp kiểm soát được hoặc khi siêu âm thấy hình ảnh thai nhi to hơn bình thường, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giúp kiểm soát đường huyết.
  • Sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết: Insulin là thuốc thường được chỉ định trong điều trị đái tháo đường thai kỳ khi các phương pháp điều trị không dùng thuốc không đạt hiệu quả. Insulin dùng qua đường tiêm, có rất nhiều loại insulin với các hàm lượng, dạng phối hợp khác nhau, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn loại insulin và phác đồ điều trị phù hợp. Quá trình sử dụng insulin cần được theo dõi chặt chẽ để tránh nguy cơ gây hạ đường huyết và các biến chứng khác.

Đái tháo đường thai kỳ là một thể bệnh đái tháo đường khởi phát trong khi có thai và sẽ tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, những người từng bị đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thực sự trong tương lai. Do đó, những cách hạ đường huyết cho bà bầu qua dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể lực cần được chú ý thực hiện lâu dài chứ không phải chỉ trong thời gian mang thai. Nên tầm soát đái tháo đường định kỳ hằng năm để phát hiện và điều trị sớm. Trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ bị đái tháo đường cần được thử đường huyết ngay sau sinh, theo dõi chặt chẽ để điều trị ngay khi có bất thường.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Xem thêm : Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan