25 nguyên nhân gây ngứa râm ran tay và chân

Ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân có thể xảy ra tạm thời nhưng cũng có thể liên quan đến tổn thương dây thần kinh do một bệnh lý có từ trước. Một trong những nguyên nhân có thể kể tới chính là rối loạn tự miễn dịch có thể gây ngứa ran. Bài viết sẽ cung cấp thêm các thông tin về nguyên nhân gây ngứa ran ở tay và chân.

1. Bệnh thần kinh do tiểu đường

Bệnh thần kinh xảy ra bởi sự tổn thương của các dây thần kinh. Trong khi có nhiều loại bệnh thần kinh, bệnh thần kinh ngoại biên có thể ảnh hưởng đến bàn tay và bàn chân, thì bệnh thần kinh do tiểu đường xảy ra khi tổn thương dây thần kinh kèm theo với bệnh tiểu đường gây ra. Tổn thương này có thể ảnh hưởng đến chân và bàn chân, và đôi khi cả cánh tay và bàn tay.

Trong bệnh thần kinh đái tháo đường, tổn thương dây thần kinh xảy ra do hàm lượng đường trong máu tăng cao. Ngoài việc làm hỏng dây thần kinh, bệnh này cũng có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp cho dây thần kinh của cơ thể. Khi các dây thần kinh không nhận đủ oxy, chúng có thể hoạt động không tốt. Theo thống kê của Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận ước tính rằng có đến một nửa những người mắc bệnh tiểu đường bị bệnh thần kinh ngoại biên.

2. Ngứa râm ran tay chân do thiếu vitamin

Sự thiếu hụt vitamin có thể do không có đủ một loại vitamin cụ thể trong chế độ ăn hoặc do tình trạng cơ thể không hấp thụ đúng cách. Một số loại vitamin có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của dây thần kinh. Những ví dụ bao gồm: Vitamin B12, vitamin B6, vitamin B1, vitamin E, vitamin B9 hoặc folate. Vitamin B12 được xem như nguồn cung cấp cần thiết để các tế bào sản xuất năng lượng. Vitamin B12 được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt, sữa và trứng. Vì thế, những người ăn chay trường có thể cần bổ sung vitamin B12. Sự thiếu hụt vitamin B12 trong chế độ ăn uống có thể gây ra tổn thương thần kinh, đồng thời xuất hiện như ngứa râm ran tay chân.

Thêm vào đó, chúng ta cũng bổ sung vitamin B6 mỗi ngày vì vitamin này không thể được lưu trữ trong cơ thể. Thịt, cá, quả hạch, các loại đậu, ngũ cốc, trái cây không có múi và khoai tây là những nguồn cung cấp vitamin B6 dồi dào. Những người bị thiếu B6 còn có thể bị phát ban hoặc thay đổi nhận thức.

Vitamin B1- thiamine, đóng một vai trò trong xung thần kinh và sửa chữa tế bào thần kinh. Các loại thực phẩm như: Thịt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt được xem như nguồn cung cấp vitamin B1 dồi dào. Những người có chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế có thể dễ bị thiếu vitamin B1 nhiều hơn và có thể gây đau hoặc ngứa râm ran lòng bàn tay hoặc bàn chân.

Thiếu vitamin E có nhiều khả năng gây ra bởi các vấn đề hấp thụ chất béo trong ruột hơn so thiếu vitamin E trong chế độ ăn hàng ngày. Các dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin E bao gồm ngứa râm ran tay chân. Quả hạch, hạt, dầu thực vật và rau xanh được xếp vào những nguồn cung cấp vitamin E.

Thiếu folate có thể gây đau hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Một nghiên cứu được thực hiện vào 2019 cho thấy điều việc thiếu folate có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đối với những người dưới 40 tuổi. Nguồn hợp chất folate hay vitamin B9 thường có trong các loại rau lá xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, lạc, hạt hướng dương, gan và hải sản.

3. Dây thần kinh bị chèn ép

Bạn có thể bị chèn ép dây thần kinh khi có quá nhiều tác động gây áp lực lên dây thần kinh từ các mô xung quanh. Chẳng hạn như chấn thương, cử động lặp đi lặp lại và tình trạng viêm nhiễm có thể khiến dây thần kinh bị chèn ép. Dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra ở nhiều vùng trên cơ thể và có thể ảnh hưởng đến bàn tay hoặc bàn chân, gây ngứa râm ran tay chân, tê hoặc đau. Dây thần kinh ở cột sống dưới bị chèn ép có thể khiến những cảm giác này lan xuống mặt sau của chân và đến bàn chân.

4. Ống cổ tay

Ống cổ tay - tình trạng phổ biến xảy ra khi dây thần kinh giữa bị nén khi di chuyển qua ống cổ tay. Sự ảnh hưởng này có thể xảy ra do chấn thương, chuyển động lặp đi lặp lại hoặc tình trạng viêm. Những người bị ống cổ tay có thể cảm thấy tê hoặc ngứa ran ở bốn ngón tay đầu tiên của bàn tay.

5. Suy thận

Suy thận xảy ra khi thận không còn hoạt động bình thường theo đúng chức năng của thân. Các tình trạng như cao huyết áp, đái tháo đường có thể dẫn đến suy thận. Khi thận không hoạt động bình thường, thì chất lỏng và các chất thải có thể tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tổn thương thần kinh. Ngứa ran với nguyên nhân do suy thận thường xuất hiện ở chân hoặc bàn chân.

6. Mang thai

Tình trạng sưng phù xảy ra khắp cơ thể khi mang thai có thể gây áp lực lên một số dây thần kinh của cơ thể. Do đó, thai phụ có thể cảm thấy ngứa ran ở bàn tay và ngứa ran bàn chân. Các triệu chứng này thường biến mất sau khi mang thai.

7. Sử dụng thuốc

Nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương dây thần kinh, khiến cơ thể có cảm giác ngứa râm ran tay chân. Một tác dụng phụ phổ biến của các loại thuốc dùng để điều trị có thể gây ra cảm giác ngứa ran ở tay và chân như thuốc điều trị ung thư (hóa trị) và HIV. Hoặc Các các loại thuốc khác có thể gây ngứa ran ở bàn tay và bàn chân bao gồm: Thuốc tim hoặc huyết áp, chẳng hạn như amiodarone hoặc hydralazine, thuốc chống nhiễm trùng, chẳng hạn như metronidazole và dapsone, thuốc chống co giật, chẳng hạn như phenytoin.

Rối loạn tự miễn dịch sẽ xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn bảo vệ cơ thể cơ thể nhầm những tác nhân tác động vào cơ thể và sẽ tấn công nhầm các tế bào của cơ thể.

8. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp - tình trạng tự miễn dịch gây sưng và đau các khớp, thường xảy ra ở cổ tay và bàn tay. Nhưng tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả mắt cá chân và bàn chân. Tình trạng viêm nhiễm của viêm khớp dạng thấp có thể gây áp lực lên các dây thần kinh, dẫn đến ngứa râm ran tay chân.

9. Bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng (MS) - tình trạng tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công lớp vỏ bảo vệ các dây thần kinh - myelin, dẫn đến tổn thương thần kinh. Cảm thấy tê hoặc ngứa râm ran tay chân và mặt là một triệu chứng phổ biến của đa xơ cứng MS.

10. Lupus

Lupus - tình trạng tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự tấn công các mô của cơ thể và gây ra các ảnh hưởng các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh. Ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân có thể do các dây thần kinh ở gần vị trí lupus bị nén do viêm hoặc sưng tấy do bệnh lupus gây ra.

11. Bệnh Celiac

Bệnh Celiac - tình trạng tự miễn dịch ảnh hưởng đến ruột non. Khi một người bị bệnh celiac ăn phải gluten, thì phản ứng tự miễn dịch xảy ra. Một số người bị bệnh celiac có thể gặp các triệu chứng của bệnh thần kinh, bao gồm ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Những triệu chứng của bệnh celiac cũng có thể xảy ra ở những người không có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào.

12. Bệnh Lyme

Bệnh Lyme - bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua vết cắn của một con bọ chét bị nhiễm bệnh. Nếu người bệnh không được điều trị, nhiễm trùng có thể bắt đầu ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

13. Bệnh giời leo

Bệnh giời leo hoặc zona - một chứng phát ban gây đau đớn do virus varicella - zoster kích hoạt lại, virus này nằm im trong thần kinh của những người đã bị bệnh thủy đậu. Thông thường, bệnh zona chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ của một bên cơ thể, có thể bao gồm bàn tay, cánh tay, chân và bàn chân. Người bệnh cũng có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở khu vực bị ảnh hưởng.

14. Viêm gan B và C

Viêm gan B và C do virus gây ra dẫn đến tình trạng xơ gan hoặc ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời và triệt để. Nhiễm trùng viêm gan C cũng có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại vi, mặc dù điều này xảy ra như thế nào phần lớn vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Trong một số trường hợp, nhiễm virus viêm gan B hoặc C có thể dẫn đến tình trạng bệnh máu lạnh (cryoglobulinemia). Trong tình trạng này, một số protein trong máu kết tụ lại với nhau ở nhiệt độ lạnh, gây viêm. Một trong những triệu chứng của bệnh máu lạnh là tê và ngứa ran.

15. HIV hoặc AIDS

HIV do một loại vi rút tấn công các tế bào của hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cũng như một số bệnh ung thư. Khi không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể tiến triển đến giai đoạn cuối của nhiễm HIV - AIDS, trong đó hệ thống miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng. HIV có thể là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong một số trường hợp, tình trạng bệnh có thể bao gồm các dây thần kinh của bàn tay và bàn chân và gây ra ngứa râm ran tay chân, tê và đau.

16. Bệnh Hansen (bệnh phong)

Bệnh phong hay bệnh Hansen - bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến da, thần kinh và đường hô hấp. Khi hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở phần cơ thể bị ảnh hưởng, bao gồm cả bàn tay và bàn chân.

17. Suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormon tuyến giáp cho cơ thể. Mặc dù không phổ biến, nhưng bệnh suy giáp nặng mà không được điều trị đôi khi có thể gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến cảm giác ngứa ran hoặc tê. Cơ chế chính xác của bệnh này vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng.

18. Phơi nhiễm độc tố

Nhiều chất độc và hóa chất khác nhau được coi như chất độc thần kinh. Do đó, chúng có thể gây hại cho hệ thống thần kinh. Khi người bệnh tiếp xúc trực tiếp với yếu tố này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân hoặc ngứa ran khắp người. Một số ví dụ về chất độc bao gồm: Kim loại nặng, chẳng hạn như thủy ngân, chì và asen, acrylamide, một hóa chất được sử dụng cho nhiều mục đích công nghiệp, ethylene glycol, được tìm thấy trong chất chống đông, hexa carbons, có thể được tìm thấy trong một số dung môi và keo

19. Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa bao gồm một nhóm các triệu chứng, chẳng hạn như: Đau cơ lan rộng, sự mệt mỏi, thay đổi tâm trạng. Một số người bị đau cơ xơ hóa có thể gặp các triệu chứng khác như đau đầu, các vấn đề về đường tiêu hóa và ngứa râm ran tay chân. Nguyên nhân của chứng đau cơ xơ hóa hiện nay vẫn chưa được biết rõ.

20. U nang hạch

U nang hạch - một khối u chứa đầy chất lỏng thường xuất hiện ở các khớp, đặc biệt là cổ tay. U nang hạch có thể gây áp lực lên các dây thần kinh lân cận, dẫn đến cảm giác ngứa ran ở bàn tay hoặc ngón tay, mặc dù bản thân u nang không đau. Nguyên nhân của những u nang này hiện vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù kích ứng khớp có thể đóng một vai trò gây ra tình trạng này.

21. Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra do những thay đổi liên quan đến tuổi tác ở phần cột sống cổ. Những thay đổi này có thể bao gồm những thứ như thoát vị, thoái hóa và viêm xương khớp. Đôi khi những thay đổi gây nên thoái hóa đốt sống cổ có thể gây áp lực lên tủy sống, có thể dẫn đến đau cổ trầm trọng hơn cũng như các triệu chứng như ngứa râm ran tay chân hoặc tê ở tay chân.

22. Hiện tượng Raynaud

Hiện tượng Raynaud ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến cánh tay và chân trong cơ thể. Các mạch máu ở những khu vực này nhỏ lại trong phản ứng cực đoan với nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng. Sự suy giảm lưu lượng máu này có thể gây tê hoặc ngứa râm ran tay chân, đặc biết ở các ngón tay và ngón chân.

23. Bệnh thần kinh liên quan đến sử dụng rượu

Lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh thần kinh ngoại biên, có thể dẫn đến ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Tình trạng bệnh tiến triển dần dần. Cơ chế gây ra nó là không rõ, mặc dù thiếu hụt vitamin hoặc dinh dưỡng có thể đóng một vai trò nào đó.

24. Viêm mạch máu

Viêm mạch xảy ra khi các mạch máu của người bệnh bị viêm. Có nhiều loại viêm mạch, nhưng cho đến nay đặc điểm sinh lý bệnh của viêm mạch máu vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Bởi vì tình trạng viêm có thể dẫn đến những thay đổi trong mạch máu, lưu lượng máu đến các vị trí khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng có thể bị hạn chế. Trong một số loại viêm mạch, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, chẳng hạn như ngứa ran, tê và suy nhược.

25. Hội chứng Guillain-Barré

Hội chứng Guillain-Barré - tình trạng hệ thống thần kinh hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch của bạn tấn công một phần của hệ thống thần kinh của cơ thể. Nguyên nhân chính xác của hội chứng Guillain-Barre hiện vẫn chưa được biết. Hội chứng Guillain - Barré đôi khi có thể xảy ra sau khi bị bệnh. Ngứa ran không rõ nguyên nhân và có thể đau ở bàn tay và bàn chân có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của hội chứng này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

107.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan