Bệnh giang mai ở những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới

Quan hệ tình dục đồng giới nam hiện nay không còn là một vấn đề xa lạ trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, khi quan hệ tình dục đồng giới nam diễn ra không an toàn, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khá cao, trong đó bao gồm bệnh giang mai. Đàn ông mắc bệnh giang mai được ghi nhận với tần suất tương đương giữa những người có quan hệ tình dục đồng giới và quan hệ tình dục khác giới.

1. Bệnh giang mai lây truyền như thế nào?

Giang mai được phân loại thuộc nhóm các bệnh lý lây qua đường tình dục gây ra bởi vi khuẩn Treponema pallidum. Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của bệnh giang mai đôi khi không quá điển hình và khó phân biệt với các bệnh lý khác.

Vi khuẩn giang mai lây truyền từ người này sang người khác thông qua sự tiếp xúc trực tiếp với các vết loét giang mai. Các vết loét xuất hiện chủ yếu ở cơ quan sinh dục ngoài, trong âm đạo, quanh lỗ hậu môn và ở trong trực tràng. Ít gặp hơn, vết loét giang mai cũng có thể xuất hiện ở môi và niêm mạc miệng. Lây nhiễm vi khuẩn giang mai xảy ra khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc bằng đường miệng. Người mắc bệnh giang mai nguyên phát hoặc thứ phát có thể lây bệnh cho người khác. Phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai có thể truyền sang cho thai nhi. Bệnh giang mai không lây lan theo đường tiếp xúc thông thường như ngồi chung toilet, cầm chung tay nắm cửa, bơi chung ở hồ bơi, buồng tắm hoặc khi mặc chung áo quần.

Vi khuẩn Treponema Pallidum gây ra bệnh giang mai
Vi khuẩn Treponema pallidum gây ra bệnh giang mai

2. Tại sao đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới nam nên nghĩ đến bệnh giang mai?

Trong những năm gần đây, sự gia tăng số ca mắc bệnh giang mai ở đàn ông có quan hệ đồng tính đã được ghi nhận. Thống kê cho thấy 20% đến 70% số đàn ông mắc bệnh giang mai xuất hiện ở những người nhiễm HIV. Bên cạnh việc bản thân bệnh giang mai có thể đưa đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, sự tồn tại của những vết loét giang mai trên cơ quan sinh dục ngoài của người bệnh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh HIV lây truyền theo đường tình dục. Sự thật, nguy cơ nhiễm HIV ở những bệnh nhân giang mai cao gấp 2 đến 5 lần. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có gây ra các vết loét tương tự như giang mai có khả năng phát vỡ các hàng rào bảo vệ cơ thể. Các vết loét ở cơ quan sinh dục ngoài trong bệnh giang mai dễ bị chảy máu. Khi có sự tiếp xúc trong quá trình quan hệ tình dục bằng miệng hoặc đường hậu môn, chúng làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HIV. Mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục cũng là một yếu tố dự đoán quan trọng liên quan đến khả năng mắc bệnh HIV bởi vì các bệnh lây truyền qua đường tình dục là bằng chứng của hành vi có liên quan đến sự lây nhiễm HIV.

3. Đàn ông mắc bệnh giang mai có biểu hiện lâm sàng như thế nào?

Giai đoạn nguyên phát

Giai đoạn nguyên phát của bệnh giang mai được xác định bằng sự xuất hiện của vết loét đơn độc đầu tiên, tuy nhiên đa số người bệnh phát hiện nhiều vết loét cùng lúc. Khoảng thời gian từ khi cơ thể nhiễm vi khuẩn giang mai đến khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng đầu tiên có thể kéo dài từ 10 đến 90 ngày, trung bình khoảng 21 ngày. Lúc đầu, vết loét giang mai có dạng như mụn nhọt, nhưng sau đó tiến triển nhanh thành vết loét hình tròn, nhỏ, đáy cứng và không đau. Nếu chúng xuất hiện ở bên trong âm đạo hoặc hậu môn, giai đoạn nguyên phát này rất dễ bị bỏ sót. Vị trí xuất hiện các vết loét tương ứng với nơi mà các vi khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể người. Thông thường, các vết loét giang mai có thể tồn tại từ ba đến sáu tuần, và chúng có thể tự lành mà không cần đến điều trị hoặc đáp ứng tốt với việc điều trị. Tuy nhiên, nếu các biện pháp điều trị không được chỉ định đủ, bệnh thường diễn tiến sang giai đoạn thứ phát.

giang mai
Giai đoạn nguyên phát của bệnh xuất hiện những vết loét hình tròn

Giai đoạn thứ phát

Giai đoạn thứ phát của bệnh giang mai được đặc trưng bởi ban đỏ da và các vết loét trong niêm mạc. Giai đoạn này bắt đầu một cách điển hình với sự xuất hiện của ban đỏ không ngứa trên một hoặc nhiều khu vực trên cơ thể. Ban đỏ trên da ở giang mai thứ phát có thể xuất hiện khi vết loét đầu tiên đang lành hoặc nhiều tuần sau đó. Đặc trưng của các nốt ban của bệnh giang mai thứ phát là các nốt có màu đỏ hoặc đỏ nâu, xù xì ở lòng bàn tay và bàn chân. Tuy nhiên, các nốt ban đỏ với các đặc điểm khác có thể xuất hiện ở những phần khác trên cơ thể, đôi khi có thể giống với những ban ở những bệnh lý khác. Đôi khi, các ban trên da khá nhợt nhạt và khiến người bệnh không nhận ra. Bên cạnh các nốt ban trên da, giang mai giai đoạn thứ phát có thể bao gồm các triệu chứng như sốt cao, sưng hạch bạch huyết, viêm họng, rụng tóc, đau đầu, sụt cân, đau nhức cơ và tổng trạng mệt mỏi. Các dấu hiệu và triệu chứng của giang mai thứ phát sẽ tự khỏi hoặc biến mất khi được điều trị nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể diễn tiến đến các giai đoạn muộn hơn.

Giang mai giai đoạn muộn

Giai đoạn muộn của bệnh giang mai xuất hiện khi các triệu chứng thứ phát biến mất. Tình trạng nhiễm khuẩn vẫn còn tồn tại nếu người bệnh không được điều trị. Ở giai đoạn muộn của bệnh giang mai, các cơ quan bên trong cơ thể bao gồm não bộ, các dây thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, và hệ xương khớp có thể bị phá hủy. Biểu hiện của tình trạng này có thể xuất hiện trong nhiều năm sau đó. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai giai đoạn muộn bao gồm sự khó khăn trong việc phối hợp động tác, liệt, tê bì dị cảm, mất dần thị giác và mất trí nhớ. Tử vong là mức độ nặng nhất mà bệnh nhân mắc bệnh giang mai có thể gặp phải.

tử vong
Bệnh giang mai không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong

4. Chẩn đoán bệnh giang mai

Có hai xét nghiệm máu khác nhau cần có để xác định một người có thực sự mắc bệnh giang mai hay không. Ngay sau khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh, cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể chống lại bệnh giang mai. Những kháng thể này có thể được phát hiện ở xét nghiệm máu rẻ tiền, an toàn và chính xác. Nồng độ của kháng thể giảm dần và giữ ở một mức thấp trong máu trong vòng nhiều tháng đến nhiều năm, thậm chí sau khi người bệnh khỏi bệnh hoàn toàn.

5. Điều trị bệnh giang mai

Việc điều trị bệnh giang mai khá dễ dàng nếu được phát hiện ở các giai đoạn sớm. Liều đơn thuốc kháng sinh có thể điều trị bệnh thành công cho những người mắc giang mai trong vòng 1 năm. Các liều bổ sung cần thiết cho điều trị những trường hợp mắc bệnh giang mai trong hơn một năm. Việc sử dụng kháng sinh điều trị bệnh nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn giang mai và phòng ngừa các biến chứng xa hơn của bệnh. Việc điều trị không có tác dụng phục hồi những tổn thương đã xuất hiện trước đó. Không có loại thuốc không kê đơn nào có thể điều trị được bệnh giang mai, người bệnh không được tự ý điều trị bệnh để tránh bỏ qua giai đoạn sớm với tỷ lệ điều trị thành công cao.

Các biện pháp điều trị hiện nay khá hiệu quả tuy nhiên trong một số trường hợp khi bị nhiễm trùng nhưng bệnh nhân không rõ nguyên nhân cũng như cách điều trị nên việc tầm soát bệnh giang mai là một việc làm cần thiết, nhất là với nhóm đối tượng có các hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Bệnh nhân mắc bệnh giang mai trong quá trình điều trị phải kiêng quan hệ tình dục với bạn tình mới cho đến khi các vết loét giang mai được chữa lành hoàn toàn. Bạn tình của người bệnh cần được làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị nếu có nhiễm bệnh một cách đồng thời.

Quan hệ tình dục đồng giới nam hoặc lưỡng giới
Bệnh nhân mắc bệnh giang mai cần phải kiêng quan hệ trong quá trình điều trị

6. Các biện pháp phòng ngừa bệnh giang mai

Biện pháp an toàn nhất để tránh mắc phải các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả bệnh giang mai là kiêng quan hệ tình dục hoặc chung thủy với một bạn tình mà người đó đã được kiểm tra không mắc bệnh.

Tránh sử dụng rượu và các chất kích thích cũng giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh giang mai vì những hoạt động này có thể dẫn đến các hành vi quan hệ tình dục có nguy cơ. Một điều quan trọng khác là sự trao đổi thẳng thắn về tình trạng sức khỏe và tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục giữa hai người bạn tình để có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.

Với những người có các hành vi quan hệ tình dục có nguy cơ mắc bệnh, cần sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng khi quan hệ đường miệng có thể giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh lậu. Tuy nhiên, các bệnh gây ra vết loét ở cơ quan sinh dục ngoài như bệnh lậu lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp. Vì thế việc sử dụng bao cao su hoặc màng chắn chỉ có hiệu quả khi che phủ được hết các khu vực có tổn thương.

Vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài, đường tiểu sau khi quan hệ tình dục không có tác dụng phòng tránh các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, bao gồm bệnh giang mai. Bất kỳ biểu hiện bất thường nào như ban đỏ, vết loét, đặc biệt ở vùng bẹn nên được xem là một dấu hiệu hạn chế quan hệ tình dục và đi gặp các bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được tư vấn và thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan