Bệnh viêm cầu thận cấp hình thành thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nha Trang.

Hội chứng viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cầu thận tiến triển nhanh, hình thành từ các bệnh nhiễm trùng, miễn dịch hoặc viêm mạch. Chẩn đoán sớm viêm cầu thận cấp điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa suy thận.

1. Hội chứng viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận là tình trạng tổn thương bộ phận lọc máu, được gọi là cầu thận. Trong đó, hệ miễn dịch kích hoạt viêm và tăng sinh mô cầu thận, dẫn đến tổn thương màng đáy, tế bào gian hoặc nội mô mao mạch. Thận bị tổn thương không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Theo thời gian, thận có thể ngừng hoạt động hoàn toàn và dẫn đến suy thận.

Viêm cầu thận tiến triển nhanh và đột ngột, có thể xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng ở cổ họng hoặc trên da. Đôi khi bệnh sẽ tự thuyên giảm, nhưng cũng có trường hợp thận ngừng hoạt động do không được điều trị đúng và kịp thời.

Các triệu chứng ban đầu của hội chứng viêm cầu thận cấp là:

  • Mặt bị sưng phù, có bọng mắt lớn vào buổi sáng;
  • Có máu trong nước tiểu, hoặc nước tiểu màu nâu;
  • Đi tiểu ít hơn bình thường.

Bệnh nhân cũng có thể bị khó thở và ho vì tăng chất lỏng trong phổi hoặc huyết áp cao. Nếu có một hoặc tất cả các triệu chứng kể trên, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Đái máu, nước tiểu máu
Có máu trong nước tiểu, hoặc nước tiểu màu nâu là dấu hiệu điển hình của hội chứng viêm cầu thận cấp

2. Viêm cầu thận cấp hình thành thế nào?

Nhiều tình trạng khác nhau có thể dẫn tới viêm cầu thận. Đôi khi bệnh di truyền giữa các thành viên trong gia đình hoặc không có nguyên nhân rõ ràng. Các tình trạng y tế là nguyên nhân hình thành hội chứng viêm cầu thận cấp bao gồm:

2.1. Nhiễm trùng

2.1.1 Viêm cầu thận sau khuẩn liên cầu

Viêm cầu thận tiến triển nhanh, khoảng 1 - 2 tuần sau khi bệnh nhân đã phục hồi từ nhiễm trùng cổ họng hoặc nhiễm trùng da (chốc lở).

Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất thêm các kháng thể để chống lại nhiễm trùng trong lúc mắc bệnh. Sau khi được chữa khỏi, các kháng thể này lắng đọng lại trong cầu thận và gây viêm. Trẻ em có nhiều nguy cơ phát triển viêm cầu thận hậu khuẩn liên cầu hơn so với người lớn. Tuy nhiên các bé cũng có khả năng phục hồi nhanh chóng.

2.1.2 Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn

Đôi khi vi khuẩn có thể lây lan qua dòng máu và lưu lại trong tim, gây nhiễm trùng một hoặc nhiều van tim. Bạn có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn nếu bị khuyết tật tim, chẳng hạn tổn thương van tim hoặc lắp tim nhân tạo.

Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn có liên quan đến bệnh cầu thận, nhưng sự kết nối là không rõ ràng và cần thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai.

2.1.3 Nhiễm virus

Nhiễm virus, chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), viêm gan Bviêm gan C, có thể kích hoạt viêm cầu thận. Đặc biệt, viêm cầu thận tiến triển nhanh đã được ghi nhận như một biến chứng hiếm gặp của bệnh viêm gan A.

2.1.4 Nhiễm các loại vi khuẩn khác

Ngoài ra, hội chứng viêm cầu thận cấp cũng có thể xuất hiện sau nhiễm trùng do loại vi khuẩn, virus khác, ký sinh trùng hoặc nấm. Chúng bao gồm diplococci, streptococci, staphylococci, mycobacteria, Corynebacterium bovis và actinobacillus.

2.2 Bệnh miễn dịch

Nếu không do nhiễm khuẩn, viêm cầu thận cấp có thể thứ phát sau các bệnh hệ thống như:

  • Lupus: Là một bệnh viêm mãn tính, có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm da, khớp, thận, tế bào máu, tim và phổi.
  • Hội chứng Goodpasture: Là một rối loạn phổi miễn dịch hiếm gặp, tương tự như viêm phổi, gây chảy máu trong phổi cũng như viêm cầu thận.
  • Bệnh thận IgA: Đặc trưng bởi các đợt tiểu máu tái phát liên tục, bệnh xuất phát từ sự lắng đọng của immunoglobulin A (IgA) trong cầu thận. Bệnh thận IgA có thể tiến triển trong nhiều năm mà không có triệu chứng nổi bật.

2.3 Viêm mạch

Viêm mạch máu
Viêm mạch có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm cầu thận cấp
  • Viêm đa động mạch: Ảnh hưởng đến các mạch máu vừa và nhỏ ở nhiều bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như tim, thận và ruột của bệnh nhân.
  • Bệnh Wegener (u hạt viêm đa khớp): Dạng viêm mạch này ảnh hưởng đến các mạch máu vừa và nhỏ trong phổi, đường hô hấp trên và thận.

2.4. Các nguyên nhân không nhiễm trùng khác

  • Huyết áp cao: Có thể làm hỏng thận và giảm khả năng hoạt động bình thường của thận. Ngược lại, viêm cầu thận cũng có thể dẫn đến huyết áp cao vì sự suy giảm chức năng thận có thể ảnh hưởng đến quá trình xử lý natri.
  • Bệnh thận tiểu đường: Có thể gặp ở bất cứ bệnh nhân đái tháo đường nào, thường mất nhiều năm để phát triển. Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp ổn định có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tổn thương thận.
  • Viêm cầu thận phân đoạn khu trú: Đặc trưng bởi những vết sẹo rải rác trong một số cầu thận, tình trạng này đôi khi là biến chứng từ một bệnh khác hoặc không rõ nguyên nhân.
  • Các tình trạng khác: Bao gồm hội chứng Guillain-Barré, chiếu xạ ở khối u Wilms, liên quan đến sử dụng vắc-xin hoặc bệnh huyết thanh.... Ngoài các nguyên nhân được liệt kê ở trên, hội chứng viêm cầu thận cấp cũng có liên quan đến một số bệnh ung thư, chẳng hạn như đa u tủy, ung thư phổi và bệnh bạch cầu mãn tính thể lympho.

3. Tiên lượng của viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận
Hầu hết các trường hợp viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn được phục hồi hoàn toàn

Hầu hết các trường hợp viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn được phục hồi hoàn toàn, nhưng cũng có những ca tiến triển thành mạn tính (tỷ lệ khoảng 30% ở người lớn và 10% ở trẻ em).

Tiến triển của hội chứng viêm cầu thận cấp không do nhiễm khuẩn phụ thuộc nhiều vào sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân, cũng như các bệnh nền có được xác định và giải quyết tốt hay không. Tuỳ theo nguyên nhân ban đầu, viêm cầu thận cấp có thể phục hồi hoàn toàn, hoặc tiến triển đến bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối. Nhìn chung nếu có các biến chứng tim, phổi hay thần kinh, thì bệnh thường xấu đi và ít có khả năng hồi phục.

Trong viêm cầu thận cấp điều trị chủ yếu là dùng kháng sinh sớm nếu căn nguyên là do nhiễm trùng, ngược lại nên kiểm soát tốt những bệnh nền. Dùng thuốc ức chế men chuyển khi hết giai đoạn cấp tính và có dấu hiệu chuyển sang mãn tính. Bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn giảm muối, theo dõi huyết áp và tuân thủ kế hoạch khám định kỳ dài hạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan