Các cây thuốc nam chữa bệnh thuỷ đậu

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông xuân, thường gặp ở trẻ em và dễ lan thành dịch. Bệnh thường nhẹ, lành tính, khỏi nhanh nhưng một số trường hợp vẫn có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm. Việc chữa bệnh thuỷ đậu bằng phương pháp dân gian vẫn được sử dụng trong xã hội hiện đại và mang lại hiệu quả tích cực. Cùng tìm hiểu các cây thuốc nam chữa bệnh thuỷ đậu qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh thuỷ đậu là gì?

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ngoài da do virus herpes zoster gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và một phần là tiếp xúc, thường bùng phát vào mùa xuân, khi khí hậu ẩm ướt. Thời gian ủ bệnh thuỷ đậu thường kéo dài từ 11 - 18 ngày với các triệu chứng như:

Sau 24 giờ thì người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rõ ràng như:

  • Nổi mụn nước, nổi ban ngứa đỏ, sau khi nổi ở chính giữa có một bọng nước gọi là bào chẩn. Các mụn thủy đậu lớn nhanh và to dần không đều, chứa một chất nước trong, không mưng mủ, có vành đỏ xung quanh, sau 3 - 4 ngày thì khô và bong ra.
  • Những nốt thuỷ đậu có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như da đầu, mặt, tứ chi,... Tuỳ vào cơ địa mỗi người và mức độ nhiễm thì số lượng các nốt mụn sẽ nhiều hoặc ít khác nhau.

Biến chứng của bệnh thuỷ đậu chủ yếu là nhiễm khuẩn da thứ phát, nhiễm khuẩn tại các nốt rộp thuỷ đậu. Tuy nhiên, bệnh thuỷ đậu cũng có thể gây ra các biến chứng nặng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, sẹo vĩnh viễn trên da,... Vì vậy, người bệnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến để điều trị kịp thời.

2. Bị thuỷ đậu có cần kiêng tắm không?

Quan niệm xưa về việc bị thuỷ đậu nên kiêng gió, kiêng nước là hoàn toàn sai lầm. Với sự phát triển của khoa học đã cho thấy việc kiêng tắm còn dẫn tới nhiều hệ luỵ hơn cho trẻ bị thuỷ đậu. Nguyên tắc điều trị thuỷ đậu là điều trị triệu chứng, giảm nhiễm trùng do đó ba mẹ cần vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ để tránh các biến chứng nguy hiểm do bội nhiễm.

Thời gian mắc bệnh thuỷ đậu có thể kéo dài từ 15 - 20 ngày, do đó việc vệ sinh cơ thể người bệnh là biện pháp có ý nghĩa trong việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt là vào mùa nắng nóng, người bệnh đổ nhiều mồ hôi là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trên da tiếp tục sinh sôi và phát triển nhiều hơn. Lúc này, bệnh nhân mắc thủy đậu sẽ cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu. Nghiêm trọng hơn là các nốt mụn thủy đậu viêm vỡ ra lây lan sang các vùng da lành xung quanh.

3. Các cây thuốc nam chữa bệnh thủy đậu có thể dùng làm nước tắm

Trong quá trình mắc thuỷ đậu, người bệnh để có thể loại trừ các vi khuẩn có hại trên da, cải thiện tình trạng ngứa ngáy, phát ban mụn nước, có thể kết hợp tắm cùng với các loại thảo dược. Các cây thuốc nam có thể dùng cho bệnh nhân thuỷ đậu tắm gồm có:

  • Lá lốt: Chứa nhiều hoạt chất như flavonoid, akaloit, beta-caryophyllene, có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương trên da. Đồng thời, lá lốt còn có đặc tính kháng viêm diệt khuẩn tốt, do đó người bị thuỷ đậu nên tắm bằng loại lá này để giảm triệu chứng viêm ngứa, cấp ẩm cho da, thải độc tố, tăng cường miễn dịch
  • Lá trầu không: Chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn tốt đó người bị thuỷ đậu, viêm da có thể tắm bằng loại lá thảo dược này để sát khuẩn, làm khô các nốt viêm, từ đó giảm ngứa và hạn chế tình trạng lây lan hiệu quả.
  • Lá khế: Là loại lá quen thuộc trong dân gian dùng để trị các bệnh dị ứng, nổi mẩn da và thuỷ đậu. Lá có vị chát, tính mát giúp se dịu miệng nốt mụn, lở loét. Đồng thời , với đặc tính diệt khuẩn, kháng viêm hiệu quả, lá khế còn giúp làm giảm các tình trạng ngứa rát trên da.
  • Lá mướp đắng: Có vị đắng, tính mát và tác dụng tiêu viêm, giảm mụn hiệu quả do đó người bị thuỷ đậu có thể sử dụng loại lá này để tắm rứa, cải thiện tình trạng ngứa, viêm lở loét trên da. Hơn nữa, lá mướp đắng còn có tác dụng làm lành vết thương và làm mịn da.
  • Lá chè xanh: Với hàm lượng chất chống oxy hoá, tannin, vitamin có trong lá sẽ giúp làm dịu nốt mụn nước, thúc đẩy vết thương nhanh lành.

4. Các cây thuốc nam chữa bệnh thủy đậu

Có rất nhiều bài thuốc giúp chữa bệnh thuỷ đậu bằng Đông y, tuỳ thuộc vào thể bệnh nặng hay nhẹ mà phối hợp các cây thuốc nam với hàm lượng khác nhau. Các thảo dược chủ yếu trong thành phần bài thuốc trị thuỷ đậu gồm có:

  • Bạc hà: Chứa menthol có tác dụng sát khuẩn, trị cảm phong nhiệt, phát sốt, không ra mồ hôi, nhức đầu, viêm họng, sưng đau.
  • Cam thảo: Dùng chữa cảm mạo, ho mất tiếng, viêm họng, ngộ độc
  • Lá dâu tằm: Có tác dụng điều trị cảm phong nhiệt, sốt nóng, phát ban, nhức đầu, viêm họng, ho.
  • Đậu xanh: Có tác dụng chữa sốt nóng, điều trị các trường hợp ngộ độc. Vỏ đậu xanh còn có tác dụng giúp tiêu độc, giải nhiệt.
  • Sinh địa: Có tác dụng chữa âm hư, phát nóng về chiều, khát nước, viêm họng đau.
  • Hoàng cầm có tác dụng như vị thuốc an thần, hạ sốt, chống co giật, điều trị tình trạng sốt cao kéo dài, cảm, tình trạng mất ngủ, ho.
  • Kim ngân: Có tác dụng như thuốc kháng khuẩn hạ sốt và chống dị ứng, dùng chữa mụn nhọt, mày đay, ban sởi, ho do phế nhiệt.
  • Kinh giới: Tác dụng kháng khuẩn và hạ sốt, dùng chữa cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, ho mắt, viêm họng, sởi.
  • Liên kiều: Có tác dụng như thuốc kháng khuẩn, thuốc kháng virus, kháng nấm có tác dụng trong điều trị cúm, giúp hạ sốt, chống viêm, lợi tiểu, được dùng để chữa phong nhiệt, cảm sốt, viêm đau họng, phát ban.
  • Phong phong: Giúp hạ sốt, chống dị ứng, dùng trị nhức đầu, choáng váng.
  • Sài hồ bắc: Giúp hạ sốt, giảm đau, an thần, chống viêm, điều hoà miễn dịch, bảo vệ gan, được dùng chữa sốt cao, chữa bệnh nhiễm khuẩn, có sốt, điều trị đau, viêm kết hợp cúm và cảm lạnh.
  • Rễ sậy: Dùng làm thuốc chữa sốt, bí tiểu tiện.
  • Lá tre: Tác dụng hạ sốt, lợi tiểu, dùng chữa cảm sốt, khát nước, ra mồ hôi nhiều, ho, trẻ em kinh phong.
  • Dành dành: Có tác dụng điều trị tình trạng sốt, khó ngủ bồn chồn, vàng da, khó tiểu.

5. Các bài thuốc nam thường dùng để trị thuỷ đậu

Đông y điều trị thuỷ đậu chủ yếu dùng phương pháp thanh nhiệt, giải độc. Một số bài thuốc nam thường dùng điều trị thủy đậu gồm có:

Bài 1: Áp dụng cho bệnh nhân mắc thủy đậu giai đoạn mới phát sốt, các nốt thủy đậu còn dịch trong suốt, sắc nhạt màu đỏ.

  • Để điều trị thủy đậu, có thể dùng bạch vi 9g, sơn chi vỏ 2g, bạc hà 1g, kim ngân hoa 6g, thuyền thoái 3g, địa đinh thảo 6g, tang diệp 5g, liên kiều 6g, đạm đậu xị 5g sắc lên uống ngày một thang, chia thành 2 - 3 lần cho trẻ khoảng từ 3 tuổi.
  • Nếu nốt thủy đậu có nước đục xung quanh màu đỏ tía cần dùng đến lương huyết, giải độc gia bản lam căn 6g, bồ công anh 6g, vị thuốc sinh địa 6g. Sắc lên uống một ngày một thang.

Bài 2:

  • Dùng vị thuốc liên kiều 6g, xích thược 6g, đương quy 8g, ngưu bàng 4g, phòng phong 6g, mộc thông 3g, thuyền thoái 3g, hoạt thạch 8g, cù mạch 6g, kinh giới 8g, sài hồ 6g, hoàng cầm 6g, sơn chi 3g, thạch cao 6g, xa tiền tử 4g, đăng tâm 6g
  • Sắc lên cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần

Bài 3: Áp dụng trong trường hợp người bệnh sốt nhiều, nôn mửa, khát nước

  • Dùng bài thuốc Khoan trung thấu độc ẩm: Liên kiều 8g, cát căn 12g, sơn tra 8g, thanh bì 8g, tiền hồ 12g, thuyền thoái 8g, cát cánh 12g, chỉ xác 6g, kinh giới 8g, mạch nha 8g.
  • Sắc lên uống ngày một thang.

Bài 4: Áp dụng nếu người bệnh tiểu tiện nước vàng, nốt thủy đậu gây ngứa ngáy

  • Liên kiều 4g, kim ngân hoa 4g, bạc hà 4g, nhân trần 6g, xích thược 3g, đại thanh diệp 6g, sinh chi tử 3g.
  • Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Nếu nốt thủy đậu nhiều, vỡ loét khó đóng vảy được người bệnh có thể dùng bài thuốc sau:

  • Dùng 8g hoàng liên, hoàng cầm 6g, hoàng bá 12g, chi tử 8g.
  • Sắc uống ngày một thang.

Bài 6: Áp dụng trong trường hợp nốt thủy đậu mọc nhiều, vỡ loét gây ngứa ngáy:

  • Dùng mộc thông 3g, sinh địa hoàng 6g, chi tử sao 5g, hoạt thạch 4g, rễ chàm mèo 6g, cam thảo 2g, liên kiều 5g.
  • Sắc uống ngày một thang.

Bài 7: Bài thuốc này áp dụng cho trường hợp nốt thủy đậu đỏ tươi, các nốt xuất hiện nhiều ở ngực, bụng gây ngứa ngày, sốt cao, khát nước, bứt rứt, ăn không ngon, mệt mỏi, tiểu vàng, đại tiện khó:

  • Dùng bồ công anh 6g, địa đinh thảo 6g, hoàng cầm 5g, bạc hà 3g, mộc thông 3g, cam thảo 3g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, vỏ chi tử sao 3g, thuyền thoái 3g, hoạt thạch 10.
  • Sắc cho trẻ uống ngày một thang chia 2 - 3 lần.

Bài 8:

  • Dùng lá tiết dê 20g, lá bạc thau 8g, lá rau bát 15g, lá bồ ngót 20g, lá quỳnh châu 10g, lá đào tiên 5g, lá diếp cá 20g, lá mặt trăng 10g, bông mã đề 15g, lá dâm bụt 5g, rau má 20g.
  • Tất cả rửa sạch rồi vò trong một lít nước, đun sôi nước đó lên, lọc bã, để nguội dùng làm nước uống, bã xoa khắp người.
  • Mỗi ngày dùng một thang trong 3-4 ngày liên tục.​

Như vậy, cây thuốc nam và các bài thuốc Đông y chữa thủy đậu có hiệu quả giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý là không tự ý sử dụng khi chưa có sự tư vấn của các bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan