Các hội chứng, bệnh lý hô hấp thường gặp

Tràn dịch màng phổi, viêm phổi thùy,... là những hội chứng, bệnh lý hô hấp thường gặp. Nhận biết các triệu chứng của một số hội chứng, bệnh lý hô hấp thường gặp sẽ giúp người bệnh có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.

1. Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi là tình trạng trong các khoang ảo ở màng phổi xuất hiện dịch .

1.1 Triệu chứng

Tùy vào lượng dịch tràn, các triệu chứng của bệnh sẽ biểu hiện các mức độ khác nhau như:

  • Dịch ít: Người bệnh bị đau bên phổi bị tràn dịch, vẫn có thể nằm ngửa với đầu thấp, tuy nhiên phải nằm nghiêng về bên có phổi không bị tràn dịch để tránh đau.
  • Dịch trung bình: Người bệnh bị khó thở nhẹ và phải nằm nghiêng về bên có phổi bị tràn dịch.
  • Dịch nhiều: Người bệnh bị khó thở nặng, thở nông, thở nhanh và không thể nằm được, phải ngồi dậy để thở.

Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khác: mệt mỏi, biếng ăn, sốt nhiều hoặc ít.

1.2 Chẩn đoán

Chụp X-quang là phương pháp chính để chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi. Tùy vào lượng dịch nhiều hoặc ít sẽ thấy hình ảnh có diện tích mờ lớn hoặc nhỏ.

  • Dịch ít: Thăm khám lâm sàng có thể không phát hiện được nhưng trên hình ảnh chụp X-quang sẽ cho thấy mờ góc sườn hoành.
  • Dịch trung bình: Hình ảnh X-quang cho thấy đường cong Damoiseau.
  • Dịch nhiều: Một bên lồng ngực có hiện tượng tràn dịch màng phổi bị mờ, cho thấy khoảng liên sườn nới rộng ra và kém di động, tim có thể bị đẩy sang phải hoặc trái.
  • Tùy vào tràn dịch khu trú ở liên thùy, cơ hoành hay trung thất sẽ cho thấy hình mờ trên X-quang tương ứng với nơi tràn dịch 3.

Ngoài ra, chọc dò dịch màng phổi đối với trường hợp khó thở do lượng dịch trung bình và nhiều cũng giúp chẩn đoán xác định nguyên nhân gây tràn dịch, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.

cac-hoi-chung-benh-ly-ho-hap-thuong-gap-1
Tràn dịch màng phổi

2. Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi là một trong những hội chứng, bệnh lý hô hấp thường gặp, có thể do lao gây ra và thường là biến chứng tiến triển của bệnh lao phổi. Tuy nhiên, tràn khí cũng có thể gặp ở người trẻ, kể cả người khỏe mạnh, bệnh không tiến triển thành tràn dịch màng phổi, nhưng thường xuyên tái phát, do vỡ kén hơi phổi. Các nguyên nhân khác gây chứng tràn khí màng phổi được biết đến là do bệnh ho gà, khối áp xe phổi bị vỡ gây tràn khí ra màng phổi.

2.1 Triệu chứng

Bệnh lý hô hấp tràn khí màng phổi có những triệu chứng sau:

  • Đột ngột đau nhói ở ngực
  • Khó thở
  • Sốc (do trung thất bị chèn ép)

2.2 Chẩn đoán

Tràn khí màng phổi có thể được phát hiện bằng chụp X-quang phổi với những hình ảnh sau:

  • Bên phổi có hiện tượng tràn khí tăng sáng.
  • Phổi co lại và tạo thành một khối xẹp xuống đến sát rốn phổi.
  • Khoảng liên sườn bị giãn, cơ hoành kém hoặc không di động, bị đẩy xuống, trung thất bị đẩy sang phía bên phổi không bị tổn thương.

3. Hội chứng đông đặc phổi

Hội chứng đông đặc phổi là bệnh lý hô hấp với tình trạng nhu mô phổi bị xốp và có tỷ trọng tăng lên ở một vùng lớn hoặc nhỏ. Khi các nhu mô phổi bị viêm sẽ làm tổn thương xung huyết các phế nang một vùng chứa đầy dịch tiết, dẫn đến làm đông đặc nhu mô phổi.

3.1 Nguyên nhân

Viêm phổi không do bệnh lao: Viêm phổi thùy mức độ cấp tính do phế cầu là nguyên nhân gây hội chứng đông đặc phổi điển hình. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các độ tuổi, đặc biệt là những đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch. Triệu chứng ban đầu thường sốt cao đột ngột, kèm theo rét run, ho khan, đau tức ngực, mạch đập nhanh, khó thở nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Sau đó, các triệu chứng này trở nặng hơn, ho nhiều và có đờm. Chẩn đoán cận lâm sàng bằng xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng, tiến hành soi tươi, cấy đờm có thể phát hiện phế cầu. Chụp X-quang phổi cho thấy đám mờ ở một phân thùy hoặc thùy phổi .

cac-hoi-chung-benh-ly-ho-hap-thuong-gap-2
Viêm phổi thùy là bệnh hô hấp thường gặp

  • Áp xe phổi: Áp xe phổi là bệnh lý hô hấp với tình trạng nhu mô phổi bị viêm và mưng mủ do một số loại vi khuẩn có khả năng gây mủ. Chụp X-quang phổi cho thấy hình mờ là những ổ áp xe ở phổi.
  • Lao phổi: Lao phổi có thể gây ra hội chứng đông đặc ở một hoặc nhiều vị trí của phổi. Bệnh có khả năng tiến triển mãn tính với các triệu chứng sốt dai dẳng, suy kiệt. Tiến hành xét nghiệm dịch đờm ở họng có thể tìm được trực khuẩn lao gây bệnh.
  • Xẹp phổi do chèn ép phế quản: Dị vật hoặc cục máu đông có thể đột ngột làm tắc nghẽn phế quản lớn và gây ra xẹp phổi. Bệnh lý hô hấp xẹp phổi có các biểu hiện khó thở, ho ra máu, khám thấy lồng ngực bên phổi bị xẹp và kém di động.
  • Nhồi máu động mạch phổi: Các bệnh lý đông máu như hẹp van hai lá hoặc sau phẫu thuật vùng tiểu khung, sau sinh nở có thể gây tắc một nhánh động mạch phổi. Triệu chứng điển hình là khó thở, đột ngột đau ngực, ho ra máu có màu tím đen, bị sốc, chụp X-quang phổi thấy vùng đông đặc.

3.2 Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng đông đặc chủ yếu dựa vào hình ảnh X quang phổi với các đặc điểm:

  • Tổn thương là hình mờ chiếm một vùng hoặc rải rác ở phế trường, với viêm phổi thùy là hình ảnh viêm chiếm một phân thùy hoặc một bên phổi.
  • Hình mờ của tổn thương ở phổi có mật độ đều hoặc không đều với đường bờ không rõ hoặc rõ.
  • Trên hình ảnh nếu thấy các tạng lân cận bị đẩy xuống giúp chẩn đoán phân biệt với hiện tượng tràn dịch màng phổi.

4. Hội chứng hạn chế và hội chứng tắc nghẽn

Hội chứng hạn chế và hội chứng tắc nghẽn là hội chứng, bệnh lý hô hấp thường gặp với các biểu hiện rối loạn thông khí và được xác định bằng cách đo chức năng thông khí.

Hội chứng hạn chế thường gặp trong các trường hợp như xẹp phổi, xơ phổi do giãn phế nang, tắc nghẽn, phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi.

Hội chứng tắc nghẽn thường gặp trong các trường hợp như viêm tiểu phế quản, bệnh hen suyễn.

Ngoài ra, hội chứng hạn chế và tắc nghẽn hỗn hợp có thể gặp ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

4.1 Tắc nghẽn hô hấp trên

Tắc nghẽn đường hô hấp trên là bệnh lý hô hấp do các nguyên nhân như:

  • Chấn thương: Gãy xương hàm, giảm trương lực, tụ máu, phẫu thuật, ... làm tổn thương phần mềm vùng họng miệng, chấn thương thanh quản, dị vật thực quản.
  • Bệnh lý: Phù hoặc co thắt thanh quản, viêm sụn nắp thanh quản cấp, viêm thanh quản cấp, bạch hầu thanh quản, liệt dây âm thanh hai bên, phù mạch kiểu, rối loạn đông máu.
  • Dị ứng: Phù niêm mạc họng và khí quản do dị ứng kháng sinh, ong đốt.
  • Khối u: Khối u thanh quản, ổ mủ vùng hầu họng làm tắc nghẽn đường hô hấp trên.

Phần lớn các hội chứng, bệnh lý hô hấp sẽ có triệu chứng khó thở. Tuy nhiên, cần nhận biết hội chứng tắc nghẽn hô hấp trên với các triệu chứng khác như:

  • Thở chậm hoặc nhanh, thở nông. Trường hợp nặng có thể bị nghẹt thở, thở ngáp.
  • Đổ mồ hôi, nặng có thể thấy ý thức bị rối loạn.
  • Thanh quản hoặc khí quản nghe thấy tiếng rít. Nghe phổi thấy tiếng rì rào ở phế nang giảm ở cả hai bên phổi
  • Các cơ hô hấp phụ bị co kéo.
  • Dấu hiệu muộn có thể xuất hiện tím môi và đầu các chi

Tắc nghẽn hô hấp trên có thể được chẩn đoán bằng chụp X-quang và soi thanh-khí-phế quản.

4.2 Tắc nghẽn hô hấp dưới

Tắc nghẽn đường hô hấp dưới là bệnh lý hô hấp do các nguyên nhân như:

  • Phế quản bị chèn ép từ bên ngoài do hạch khí phế quản to, tràn khí dịch màng tim gây to tim.
  • Phế quản bị chèn ép từ bên trong do khối u (có thể lành tính hoặc ác tính), dị vật, mắc bệnh lao, bạch hầu.
  • Ứ trệ do dịch tiết như ho ra máu, cục máu đông bịt kín phế quản, mắc bệnh viêm phế quản phổi.
cac-hoi-chung-benh-ly-ho-hap-thuong-gap-3
Tắc nghẽn hô hấp dưới

Tắc nghẽn hô hấp dưới cũng là bệnh lý hô hấp nên triệu chứng ban đầu cũng là khó thở, ngoài ra, còn có những dấu hiệu khác như:

  • Trong cơn hen thường kèm ho và khó thở.
  • Tím mặt, đổ mồ hôi, các cơ hô hấp phụ co kéo như cánh mũi.
  • Nghe phổi nếu bị tắc nghẽn hoàn toàn thì cả một vùng trên lồng ngực không có tiếng rì rào phế nang, tắc không hoàn toàn thì nghe tiếng rít ran.

Tắc nghẽn hô hấp dưới có thể được chẩn đoán bằng chụp X quang và cho thấy hình ảnh xẹp phổi nếu bị tắc hoàn toàn. Trường hợp tắc không hoàn toàn sẽ thấy tình trạng ứ khí do không khí vào được nhưng không ra được.

Các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, tắc nghẽn phần lớn được phát hiện chẩn đoán bằng chụp X quang. Một số trường hợp do tác nhân vi khuẩn, virus, ... cần xét nghiệm máu, soi tươi, cấy đờm để tìm trực khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan