Các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm cầu thận là tình trạng viêm các bộ lọc nhỏ trong thận. Các xét nghiệm viêm cầu thận thường là xét nghiệm nước tiểu tìm protein, hồng cầu niệu, hoặc xét nghiệm máu có biểu hiện thiếu máu, tăng ure, creatinin máu.

1. Hội chứng viêm cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng viêm các bộ lọc nhỏ trong cầu thận. Trong đó, tiểu cầu loại bỏ chất lỏng dư thừa, chất điện giải và chất thải từ máu của người bệnh rồi truyền vào nước tiểu.

Viêm cầu thận có thể xảy ra đơn độc hoặc là biến chứng từ bệnh khác, chẳng hạn như: lupus hoặc tiểu đường. Tình trạng bệnh nặng hoặc kéo dài có thể làm hỏng thận của bệnh nhân. Tùy thuộc vào loại viêm cầu thận mắc phải sẽ có cách điều trị phù hợp.

Hội chứng viêm cầu thận có thể xuất hiện đột ngột (cấp tính) hoặc dần dần (mãn tính), cụ thể như sau:

1.1 Viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp có các biểu hiện như đau lưng và tiểu máu, dẫn đến thiểu hoặc vô niệu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trang viêm cầu thận là do cơ chế miễn dịch gây viêm và tăng sinh của cầu thận dẫn đến tổn thương màng cơ bản, gian mạch hoặc nội mao mạch. Tuy nhiên, viêm cầu thận cấp không phải là một bệnh, mà là hội chứng viêm cầu thận cấp - hình thức tổn thương cầu thận nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khác nhau khi tiến triển.

1.2 Viêm cầu thận mạn

Hầu hết các dạng viêm cầu thận cấp đều có tỷ lệ tiến triển thành mạn tính nhất định. Viêm cầu thận mạn đặc trưng bởi cầu thận xơ hoá không phục hồi, tổn thương ống thận và cuối cùng dẫn đến giảm chức năng lọc cầu thận.

Nếu bệnh tiến triển và không đáp ứng với các biện pháp điều trị sẽ dẫn đến biến chứng bệnh thận mạn tính, bệnh thận giai đoạn cuối và các vấn đề tim mạch.

2. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu
Xét nghiệm máu chẩn đoán viêm cầu thận

Bước đầu tiên để chẩn đoán viêm cầu thận, bác sĩ thường hỏi bệnh nhân xung quanh những vấn đề như:

  • Tần suất của các triệu chứng là liên tục hay thỉnh thoảng?
  • Điều gì giúp cải thiện hoặc làm xấu đi các triệu chứng?
  • Tiền sử gia đình có mắc viêm cầu thận hoặc các bệnh thận khác không?
  • Tiền sử huyết áp cao hoặc đái tháo đường của bệnh nhân?

Viêm cầu thận thường được phát hiện khi người bệnh nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường trong lúc đi tiểu mỗi ngày. Các xét nghiệm viêm cầu thận để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán hội chứng viêm cầu thận bao gồm:

2.1 Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu có thể cho thấy các tế bào hồng cầu và một lượng máu rất nhỏ có trong nước tiểu của bệnh nhân. Đây là biểu hiện của cầu thận đã bị tổn thương.

Kết quả phân tích nước tiểu cũng giúp tìm ra các tế bào bạch cầu - dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng hoặc viêm và tăng protein. Tổn thương nephron (đơn vị chức năng của thận) cũng sẽ được phát hiện thông qua chỉ số này. Các dấu hiệu khác, chẳng hạn như tăng nồng độ creatinin hoặc ure trong máu, cũng rất đáng chú ý trong chẩn đoán hội chứng viêm cầu thận.

2.2 Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm viêm cầu thận đường máu có thể giúp bác sĩ biết rõ về mức độ tổn thương thận, cũng như sự suy yếu của cầu thận.

Kết quả xét nghiệm dựa trên nồng độ của những chất thải, chẳng hạn như biểu hiện thiếu máu, có thể có tăng nitơ urê máu và creatinin. Trong xét nghiệm máu, bổ thể C3 có khả năng bình thường sau khoảng 8 tuần. Protein niệu có thể kéo dài đến 6 tháng, trong khi đái máu vi thể có thể lên đến 1 năm tính từ thời điểm khởi phát viêm cầu thận cấp.

chụp CT
Chụp CT giúp bác sĩ quan sát chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân

2.3 Xét nghiệm hình ảnh

Nếu bác sĩ phát hiện bằng chứng cho thấy thận đã bị tổn thương, bệnh nhân sẽ được đề nghị làm chẩn đoán hình ảnh. Các xét nghiệm viêm cầu thận chẳng hạn như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp CT, cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn thận của bệnh nhân.

2.4 Sinh thiết thận

Bác sĩ sẽ dùng một cây kim đặc biệt để lấy các mảnh mô thận nhỏ ra ngoài, sau đó mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây viêm. Sinh thiết thận gần như luôn là xét nghiệm viêm cầu thận cần thiết để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

3. Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm viêm cầu thận

3.1. Chuẩn bị trước thăm khám

Để sẵn sàng cho buổi thăm khám xét nghiệm, bạn nên hỏi rõ nhân viên y tế những điều cần chuẩn bị trước, chẳng hạn như nhịn ăn uống đối với một số xét nghiệm có yêu cầu. Sau đó nên lập danh sách các thông tin sau để trình bày đầy đủ với bác sĩ:

  • Các triệu chứng đã gặp, bao gồm cả những triệu chứng có vẻ không liên quan đến thận hoặc chức năng tiết niệu;
  • Thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng;
  • Tất cả các loại thuốc kèm theo liều lượng mà bạn đang dùng, bao gồm cả vitamin hoặc các chất bổ sung;
  • Tiền sử y tế quan trọng của bản thân và các thành viên thân thuộc trong gia đình;
  • Những câu hỏi cần bác sĩ giải đáp.

Ngoài ra, nên đến phòng khám cùng một người thân hoặc bạn bè để giúp ghi nhớ những điều bác sĩ dặn dò, cũng như nhắc bạn một số thông tin cần cung cấp cho bác sĩ.

3.2. Câu hỏi nên đặt cho bác sĩ

Khám bệnh
bệnh nhân cần lời giải đáp của bác sĩ về bệnh viêm cầu thận

Đối với viêm cầu thận, một số câu hỏi mà bệnh nhân cần lời giải đáp của bác sĩ thường là:

  • Mức độ tổn thương thận đã nghiêm trọng đến mức nào?
  • Cần làm những xét nghiệm viêm cầu thận nào?
  • Tình trạng bệnh là tạm thời hay mãn tính?
  • Có nguy cơ phải lọc máu hay không?
  • Hội chứng viêm cầu thận ảnh hưởng như thế nào đến những bệnh lý khác đang mắc phải?
  • Cần tránh hoặc không nên làm những gì?
  • Có cần đến khám tại một chuyên khoa khác phù hợp hơn?
  • Có thể tham khảo thêm thông tin về viêm cầu thận thông qua tài liệu hay trang web uy tín nào?

Ngoài ra, người bệnh cũng được khuyến khích tự do đặt ra những câu hỏi khác mà bản thân còn thắc mắc để được bác sĩ giải đáp tận tình.

Mặc dù không có cách nào để ngăn ngừa các dạng viêm cầu thận, tuy nhiên mọi người có thể hạn chế nguy cơ bằng cách điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như HIV và viêm gan. Đồng thời kiểm soát tốt lượng đường trong máu và tình trạng huyết áp cao để giảm khả năng tổn thương thận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: